(Baothanhhoa.vn) - Gần 600 năm ra đời, dẫu số phận có chênh chao như phong vân biến đổi, thì sự tồn tại của khu miếu điện, lăng tẩm Lam Kinh vẫn mãi là biểu trưng của cái đẹp - vẻ đẹp cội nguồn nhân văn - văn hóa và đạo lý uống nước nhớ nguồn!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Di tích lịch sử Lam Kinh: Từ chiều sâu quá khứ đến tương lai...

Gần 600 năm ra đời, dẫu số phận có chênh chao như phong vân biến đổi, thì sự tồn tại của khu miếu điện, lăng tẩm Lam Kinh vẫn mãi là biểu trưng của cái đẹp - vẻ đẹp cội nguồn nhân văn - văn hóa và đạo lý uống nước nhớ nguồn!

Các tòa Thái miếu trong Khu Di tích lịch sử Lam Kinh.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành toàn thắng, đã khép lại một giai đoạn đầy bi thương và thăng trầm, cũng đồng thời mở ra một trang mới cho lịch sử dân tộc: Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, định đô ở Thăng Long, khôi phục Quốc hiệu Đại Việt và chính thức đặt nền móng vững chắc cho sự tồn tại suốt mấy trăm năm của vương triều hậu Lê. Những thành tựu phát triển to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quân sự, ngoại giao... trong gần 6 năm trị vì của Đức Thái Tổ Cao hoàng đế Lê Lợi, là cơ sở để các vị vua sáng thời Lê sơ, đặc biệt là Lê Thánh tông, kế thừa, phát huy và đạt đến độ cực thịnh. Từ đó, khẳng định nền độc lập lâu bền, chủ quyền tối thượng và sức mạnh toàn diện của quốc gia Đại Việt hồi đầu thế kỷ XV. Một trong những dấu ấn văn hóa đậm nét, biểu tượng cho “nền văn hiến đã lâu” dưới thời Lê sơ, là sự ra đời và tồn tại của khu miếu điện, lăng tẩm ở Lam Kinh.

Nếu việc dựng nghiệp của nhà Lê là thuận mệnh trời và hợp lòng người, thì hướng về cội nguồn tiên tổ, tôn vinh nơi khởi thủy đại nghiệp trung hưng cũng là việc hợp đạo lý và truyền thống dân tộc. Lam Kinh cũng chính là Lam Sơn, vùng đất có vị thế và vai trò đặc biệt quan trọng đối với cơ đồ nhà Lê, cả trong giai đoạn khởi nghĩa đến khi xây dựng đất nước. Để rồi, việc tôn vinh quê cha đất tổ đã được vua Lê Thái tổ chú trọng ngay sau khi giành lại độc lập. Bởi nguyện vọng của vua khi “trở về” với bậc hiền nhân tiên tổ, thi hài sẽ được an táng tại quê hương. Vậy nên, ý tưởng về một khu điện miếu, lăng mộ đã được “phác” và manh nha hình thành. Song, phải chờ đến các đời vua Lê Thái tông, Lê Nhân tông, Lê Thánh tông... thì diện mạo và quy mô to lớn của một khu điện miếu, lăng mộ, bia ký, cùng nhiều công trình văn hóa, mới được hoàn thành và hiện hữu ở trung tâm Lam Kinh. Cũng từ đó, Lam Kinh trở thành “kinh đô thứ hai” - “kinh đô tưởng niệm”, nơi an táng các Vua và Hoàng hậu thời Lê sơ, nơi các vua kế nghiệp trở về bái yết sơn lăng hàng năm. Sự ra đời của khu miếu điện, lăng tẩm này thêm một lần khẳng định cho vị thế của Lam Kinh với tư cách là đất “căn bản” nhà Lê; góp phần tạo uy thế cho triều đình nhà Lê cả về đối nội lẫn đối ngoại; đồng thời, mang ý nghĩa đặc biệt về lòng tôn kính tổ tiên, hướng về nguồn cội của con dân đất Việt.

Với sự ra đời của khu miếu điện, lăng mộ, Lam Kinh – nơi phát tích đã trở thành thánh tích, thành điểm chí thiêng trong tâm thức mỗi người. Lam Kinh được bao bọc bởi hình sông, thế núi ngoạn mục: Bắc tựa vào núi Dầu, Nam nhìn sông Chu, xa có núi Chúa, trái cạnh Phú Lâm, phải gần Hương Sơn. Lam Kinh là một không gian xanh, có sự hài hòa tuyệt đối giữa thiên nhiên trữ tình và một khối kiến trúc phong phú, bao gồm các tòa Chính điện, Thái miếu, Tả vu, Hữu vu, Tây thất, Đông trù, Nghi môn, sân Rồng, hồ Bán nguyệt, sông Ngọc, cầu Bạch, hồ Tây, hồ Như Áng; các lăng mộ, bia ký vua Lê Thái tổ (Vĩnh Lăng), Lê Thái tông (Hựu Lăng), Lê Thánh tông (Chiêu Lăng), Lê Hiến tông (Dụ Lăng), Lê Túc tông (Kinh Lăng)... Hệ thống kiến trúc – nghệ thuật quy mô lớn này được bố trí hài hòa theo nguyên tắc địa lý – phong thủy phương Đông; đồng thời, phản ánh một trình độ kỹ - mỹ thuật cao dưới thời Lê sơ và Lê Trung Hưng. Đánh giá vị thế nơi nhà Lê dựng điện miếu, lăng mộ, nhà sử học Phan Huy Chú (thế kỷ XIX) cho rằng: Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên non xanh nước biếc, rừng rậm um tùm. Điện làm ba ngôi liền nhau, kiểu chữ Công, mẫu mực theo đúng kiểu các miếu ở Kinh sư. Theo từng bậc mà lên, rồi từ đó trông xuống thì thấy núi khe hai bên Tả, Hữu, cái nọ, cái kia vòng quanh thật là một chỗ để xây dựng cơ nghiệp!

Nhưng rồi, tổ hợp kiến trúc tao nhã và bề thế giữa mảnh đất hội tụ hồn thiêng sông núi ấy, cũng chẳng thể thoát khỏi sự tàn phá của tự nhiên, cùng sự khắc nghiệt trong quan điểm, ý thức hệ và cả sự bất lực của con người. Để rồi, những thớ gỗ nơi điện miếu Lam Kinh từng được bàn tay nghệ nhân tài hoa nhất kỳ công dựng nên, đã không ít lần “chảy máu”; những đền đài bị vùi dưới 3 tấc đất; những lăng mộ, bia ký nằm trơ cùng cỏ cây, lau lách... Lam Kinh chìm trong hoang phế, điêu tàn suốt mấy trăm năm, mà nếu không được quan tâm, khôi phục lại, sẽ thật có tội với tiền nhân tiên tổ. Bước khởi động ban đầu cho công cuộc tìm lại dáng dấp Lam Kinh xưa được bắt đầu từ năm 1962, với việc Lam Kinh được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Để tròn 50 năm sau, năm 2012, Lam Kinh được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Sự vinh danh ấy một lần nữa khẳng định cho những giá trị to lớn, trường tồn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của di tích Lam Kinh. Gần 6 thế kỷ tồn tại, trải qua sự chọn lọc khắc nghiệt của thời gian và lịch sử, Lam Kinh đã trở thành một phần tinh hoa lấp lánh trong nền văn hóa – văn hiến dân tộc.

Cùng với việc vinh danh di sản, năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án phục hồi, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, làm cơ sở cho việc bảo tồn và khôi phục lại diện mạo Lam Kinh. Hơn hai thập kỷ với hàng chục dự án phục dựng, phỏng dựng, bảo tồn di tích Lam Kinh đã được triển khai, với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Nhờ đó, hình dáng của những Chính điện, Thái Miếu, Nghinh Môn, sân Rồng, Bạch Kiều, sông Ngọc, giếng cổ... được khôi phục; các lăng mộ, bia đá được bảo vệ; cảnh quan thiên nhiên được cải tạo. Với Lam Kinh, vẫn còn không ít việc phải làm, nhiều hạng mục cần tiếp tục đầu tư và cả những vấn đề cần đặt ra trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích. Song, dáng vóc Lam Kinh của thế kỷ XV đã và đang dần “sống lại”, không chỉ ở hình hài vật chất mà quan trọng hơn là ở vị thế của nó trong dòng chảy văn hóa – tinh thần dân tộc. Đó, thiết nghĩ là sự trân trọng, tri ân, tôn vinh của hậu thế đối với di sản cha ông để lại. Đồng thời, là minh chứng cho hướng tiếp cận và phát triển bền vững của hậu thế, khi biết đi bằng đôi chân, một đặt ở quá khứ – mà nền tảng là truyền thống lịch sử, văn hóa ngàn đời; và một đặt ở hiện tại, dựa trên những nguồn sức mạnh mới để vững tin bước đến tương lai...


Bài và ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]