(Baothanhhoa.vn) - Xâm hại di tích luôn là vấn đề đáng lo ngại trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa hiện nay, mà thực trạng di tích chùa Hàn Sơn (xã Nga Điền, huyện Nga Sơn) có thể xem là một ví dụ điển hình. Bởi lẽ, đây không chỉ là câu chuyện dài chưa có hồi kết, mà còn là câu chuyện với nhiều tình tiết “gay cấn” đến khó tin, khiến người được chứng kiến không khỏi... toát mồ hôi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Di tích chùa Hàn Sơn bị xâm hại: Câu chuyện dài chờ hồi kết sớm!

Xâm hại di tích luôn là vấn đề đáng lo ngại trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa hiện nay, mà thực trạng di tích chùa Hàn Sơn (xã Nga Điền, huyện Nga Sơn) có thể xem là một ví dụ điển hình. Bởi lẽ, đây không chỉ là câu chuyện dài chưa có hồi kết, mà còn là câu chuyện với nhiều tình tiết “gay cấn” đến khó tin, khiến người được chứng kiến không khỏi... toát mồ hôi.

Các vết nứt lớn xuất hiện do các công trình bên trong di tích bị rung lắc mạnh từ các vụ nổ mìn.

“Sống trong sợ hãi”

Hàn Sơn Tự (chùa Hàn Sơn) là ngôi chùa có lịch sử hàng trăm năm, nằm ở vùng đất Thần Phù vốn đã nức tiếng trong sử sách và thi ca. Theo văn bia còn được lưu giữ tại di tích, thì chùa Hàn Sơn có thể được xây dựng từ trước năm 1876, do bị chiến tranh và thiên tai tàn phá, chùa đã xuống cấp và phải qua nhiều lần tu sửa, gia cố. Đây không chỉ là di tích lịch sử - văn hóa mà còn là một địa chỉ cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, do đó, năm 2011, chùa Hàn Sơn đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đồng thời, từ năm 2014-2016, bằng các nguồn xã hội hóa lên đến 30 tỷ đồng, một cuộc “đại trùng tu” đã được tiến hành, để mang lại cho di sản diện mạo tương đối hoàn thiện như hiện nay. Thế nhưng, trùng tu chưa được bao lâu, di tích lại đang đứng trước nguy cơ xuống cấp, do chịu sự xâm hại nghiêm trọng từ hoạt động của mỏ khai thác đá, nằm cách di tích chỉ chừng dăm bảy chục mét.

Chúng tôi có mặt tại di tích vào thời điểm im ắng hiếm hoi: Không tiếng nổ, không rung lắc, không khói bụi, không ồn ào. Mặc dù vậy, khi tiếp chuyện chúng tôi, sư thầy Thích Đàm Vượng (trụ trì chùa Hàn Sơn) vẫn không giấu được lo lắng. Sư thầy cho biết, việc khai thác đá bằng mìn cạnh di tích đã diễn ra từ nhiều năm nay, song rầm rộ nhất là từ cuối năm 2017 trở lại đây. Hầu như ngày nào họ cũng cho nổ, đặc biệt vào 2 giờ cao điểm là 11h đến 11h30phút và 16h đến 17h. Ngôi chùa mới hoàn thành việc tôn tạo hơn 1 năm nay đã xuất hiện vô số vết nứt dưới nền móng, chân tường, thân tường, các cột đỡ và dọc mái ngói. Chưa hết, do hứng chịu không biết bao lần “mưa đá” mà nhiều mảng mái chùa đã phải tu đi, sửa lại nhiều lần. Cũng có khi do chưa kịp “vá víu” nên mưa xuống, chùa dột chẳng khác nào không có mái. Những hôm không có tiếng mìn thì lại tiếng máy xay đá vang lên chát chúa, bụi đá cuộn theo gió thốc thẳng vào chùa, tạo ra một lớp “sương đá” mù mịt, bột đá bám khắp nơi. Chỉ qua vài ngày chưa lau rửa là các pho tượng đã chuyển sang màu xám đen. “Có những đêm nằm trong chùa nghe tiếng đá lở sàn sạt bên cạnh mà rùng mình. Chứng kiến cảnh di tích bị hư hại từng ngày, dù vô cùng lo lắng, bức xúc nhưng nhiều lúc nhà chùa cũng bất lực vì không biết kêu làm sao cho thấu”, thầy Vượng than thở.

Không chỉ chùa Hàn Sơn phải gồng mình gánh chịu, mà ngay cạnh đó, Di tích Thần Phù hải khẩu (thuộc quần thể Di tích lịch sử chùa Hàn Sơn - Cửa Thần Phù) cũng chịu chung số phận. Thậm chí, mức độ ảnh hưởng còn nghiêm trọng hơn và nguy cơ biến mất hoàn toàn địa danh Cửa Thần Phù đã hiện hữu nếu việc khai thác vẫn diễn ra và lượng mìn được sử dụng nhiều hơn quy định. Theo quan sát của chúng tôi, dù mới được tôn tạo cách đây vài tháng, song di tích này đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn. Đồng thời, bình hoa, đồ cúng trên ban thờ lộ thiên cũng đổ vỡ lem nhem, mà thủ phạm là những hòn đá to bằng nắm tay người còn nằm lăn lóc quanh chân di tích. Chạy dưới chân núi Cồn Sẻ và ngay trước Cửa Thần Phù là con đường huyết mạch liên tỉnh, mà mỗi khi đi qua nhiều người không khỏi lo lắng. Dù chưa xảy ra tai nạn (vì trước khi nổ mìn, đơn vị khai thác sẽ “hô” trước 15-20 phút để cảnh báo), nhưng ai dám chắc với cách khai thác đá nguy hiểm như hiện nay, sự việc chẳng lành không đến? Người qua đường hàng ngày vẫn luôn thấy bất an, còn hàng chục hộ dân (thuộc xóm 7, xóm 8, xã Nga Điền) sống gần khu mỏ đá buộc phải chấp nhận sống chung với môi trường ô nhiễm, không khí đục ngầu và tiếng ồn tra tấn hết ngày này qua tháng khác. Bởi vậy, quả thật không quá khi nói rằng, không riêng gì con người mà ngay cả các đấng siêu nhiên, thần phật nơi đây cũng đang phải hàng ngày “sống trong sợ hãi” và bất lực.

Chờ giải pháp quyết liệt, dứt điểm

Vì sao suốt nhiều năm, Di tích chùa Hàn Sơn và hàng chục hộ dân xung quanh khu vực khai thác đá phải sống trong cảnh ô nhiễm và nguy hiểm, nhưng chưa có sự can thiệp đáng kể nào từ phía chính quyền sở tại? Đem băn khoăn này trao đổi với ông Vũ Ngọc Huynh, Chủ tịch UBND xã Nga Điền, chúng tôi được biết: Vì tổ hợp khai thác vật liệu xây dựng Hồng Hải (do ông Nguyễn Minh Nguyệt làm chủ) khai thác đá trên núi Cồn Sẻ, thuộc địa phận xã Yên Lâm (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), cho nên địa phương chỉ có thể gửi văn bản đề nghị xã Yên Lâm giải quyết. Tuy nhiên, do việc cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Ninh Bình, nên sự việc đến nay vẫn chưa có kết quả. Bên cạnh đó, chính quyền xã Nga Điền cũng nhiều lần có văn bản gửi UBND huyện Nga Sơn, kiến nghị về tình trạng khai thác đá của doanh nghiệp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến di tích, đời sống nhân dân, môi trường và giao thông đi lại trên địa bàn.

Trước tình trạng Di tích chùa Hàn Sơn bị xâm hại nghiêm trọng; đồng thời, việc khai thác đá đã và đang ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân xung quanh khu vực, mới đây, ngày 22-5-2018, UBND huyện Nga Sơn đã có Văn bản số 456/UBND-VP gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, đề nghị tỉnh có ý kiến với UBND tỉnh Ninh Bình sớm khắc phục việc khai thác đá gây ảnh hưởng đến di tích và sinh hoạt của nhân dân. Theo đó, ngày 1-6-2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Văn bản số 6196/UBND-CN giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương và UBND huyện Nga Sơn đấu mối làm việc trực tiếp với các sở, ngành liên quan tỉnh Ninh Bình để kiểm tra, làm rõ ảnh hưởng từ việc khai đá của tổ hợp Hồng Hải đến Di tích chùa Hàn Sơn. Trên cơ sở đó, có ý kiến đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 5-7-2018.

Chùa Hàn Sơn được đánh giá là ngôi chùa mang nhiều nét đặc trưng của kiến trúc, nghệ thuật chùa Bắc bộ, cùng với sự đan xen và bổ trợ lẫn nhau giữa các dòng tín ngưỡng gồm Phật giáo, đạo Mẫu, phối thờ với Đức Thánh Trần và Thành hoàng làng Chính Đại. Như vậy, các giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo của chùa Hàn Sơn trong đời sống văn hóa – tinh thần – tâm linh của cư dân vùng cửa biển Nga Sơn nói riêng và văn hóa xứ Thanh nói chung, là không thể phủ nhận. Chính vì lẽ đó, bảo vệ di sản tránh mọi sự xâm hại là nhiệm vụ các cá nhân, tổ chức liên quan, của chính quyền địa phương và ngành chức năng; đồng thời, cũng là nhiệm vụ đã được quy định rõ trong Luật Di sản văn hóa. Cụ thể, trong Điều 32, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, đã quy định các khu vực bảo vệ di tích, bao gồm: Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích; khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I. Cùng với đó, Điều 33, Luật Di sản văn hóa năm 2001 cũng chỉ rõ: Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích có trách nhiệm bảo vệ di tích đó; trong trường hợp phát hiện di tích bị lấn chiếm, hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn và thông báo cho cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp, UBND địa phương hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về văn hóa - thông tin nơi gần nhất. Từ đó, UBND địa phương hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về văn hóa - thông tin khi nhận được thông báo về di tích bị hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và báo cáo ngay với cơ quan cấp trên trực tiếp.

Đó là quy định, cũng là quy trình để bảo vệ di tích. Thế nhưng, với trường hợp chùa Hàn Sơn, phải chăng do “di tích một nơi”, “doanh nghiệp một nẻo”, đã khiến cho cái quy trình trên chưa thể chạy một cách thông suốt? Vậy nên, dù nhìn thấy di tích chịu tổn hại nghiêm trọng, nhiều người vẫn lực bất tòng tâm? Sự tồn tại của di sản này, đến cuối cùng, vẫn đang chờ câu trả lời công tâm, trách nhiệm và sớm nhất của ngành chức năng và chính quyền các địa phương liên quan.


Bài và ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]