(Baothanhhoa.vn) - Bản Kho Mường nằm trong thung lũng thuộc vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước). Nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, kỳ vĩ với những cánh rừng nguyên sinh, những nếp nhà sàn cùng đời sống sinh hoạt đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc Thái, luôn gợi cảm giác cho du khách về một vùng đất bình yên, trong lành và thơ mộng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đến với Kho Mường

Bản Kho Mường nằm trong thung lũng thuộc vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước). Nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, kỳ vĩ với những cánh rừng nguyên sinh, những nếp nhà sàn cùng đời sống sinh hoạt đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc Thái, luôn gợi cảm giác cho du khách về một vùng đất bình yên, trong lành và thơ mộng.

Đến với Kho Mường

Vườn cam của gia đình anh Ngân Văn Hiên, bản Kho Mường đang chờ ngày thu hoạch. Ảnh: Ngọc Anh

Đường vào Kho Mường uốn lượn, quanh co, một bên là vách núi, một bên là vực sâu với những thửa ruộng lúa bậc thang chín vàng vừa vào vụ thu hoạch. Bản Kho Mường còn có hang Dơi nằm trong quần thể hang động được phát hiện trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, đã trở thành một trong những điểm đến lôi cuốn khách du lịch yêu thiên nhiên, đam mê khám phá tự nhiên. Du khách đến đây không chỉ được thăm hang Dơi, mà còn sải bước đi bộ khám phá vẻ đẹp bản làng, ruộng bậc thang của người dân tộc Thái, đi chợ phố Đòn vào ngày nghỉ cuối tuần, để rồi thỏa sức ghi lại cho mình những tấm hình đẹp của thiên nhiên thơ mộng núi rừng Tây Bắc gửi cho bạn bè, người thân.

Chưa hết, đến với bản Kho Mường, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn phong phú, đa dạng, được chế biến công phu từ những nguyên liệu gần gũi có sẵn từ núi rừng, suối khe tại địa phương. Tùy từng thời điểm, từng mùa trong năm mà có các món ăn khác nhau. Nhưng một số món ngon mà người Thái thường hay chế biến như: Cá nướng, cơm lam, thịt lợn hấp, gà nướng, vịt Cổ Lũng, ốc đá, xôi ngũ sắc từ nếp nương... Tối đến, nếu có nhu cầu, đội văn nghệ của bản trong trang phục dân tộc, tiếng nhạc cụ truyền thống, sẽ phục vụ du khách những điệu múa sạp, múa khặp, múa xòe, giao lưu ẩm thực, uống rượu cần, để du khách hiểu thêm về đời sống sinh hoạt của người dân bản địa.

Gia đình bác Hà Đình Nếch là một trong những hộ làm du lịch đầu tiên ở bản Kho Mường. Khi thấy khách đến thăm, bác Nếch tươi cười cho biết: “Ngôi nhà sàn này 3 gian, 4 chái của gia đình tôi dựng được mấy chục năm, nay vừa là nơi sinh hoạt của gia đình, vừa là nơi đón khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Một gian rộng như thế này có thể chứa được 30 khách, trung bình một năm đón khoảng 20 đoàn khách trong nước và nước ngoài nghỉ và lưu trú tại đây”. Để làm du lịch, bác Nếch đã được huyện cho đi tham quan, tập huấn các mô hình về du lịch, học ngoại ngữ, học nấu ăn, học cách ứng xử giao tiếp... Sử dụng nếp nhà sàn từ thời cha ông để lại, gia đình bác Nếch đã mua sắm thêm chăn, màn, làm nhà vệ sinh công cộng và một số đồ dùng khác để phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, bác còn nuôi mấy trăm con gia cầm (gà, vịt) và trồng rau các loại trong vườn (rau muống, rau cải, su su, măng...) để đảm bảo nguồn thực phẩm và rau xanh phục vụ du khách. Bình quân thu nhập mỗi năm từ làm du lịch cộng đồng của gia đình bác đạt khoảng 200 - 300 triệu đồng, không chỉ ổn định cuộc sống mà còn tái đầu tư phát triển du lịch. Du khách đến đây không chỉ được thưởng thức bữa cơm đặc trưng của người Thái, mà còn được sống và cảm nhận nơi đại ngàn xa xôi những trái tim luôn ấm áp, nồng đượm hương đất, tình người.

Cách nhà bác Nếch không xa là hộ gia đình anh Ngân Văn Hiên, một trong những hộ làm kinh tế giỏi tiêu biểu của bản. Trước kia, đời sống gia đình anh rất khó khăn. Năm 1997 anh quyết định phát triển kinh tế trên diện tích 2,5 ha đất của cha ông để lại bằng việc trồng các loại cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Năm đầu tiên, anh trồng cam, quýt là cây bản địa, sau đó chiết cành nhân giống để mở rộng quy mô. Từ đó đến nay, vườn cây của anh đã có gần 1.000 gốc cam, quýt các loại. Ngoài ra anh còn trồng xen nhãn, bưởi, chanh... vừa có thu nhập, vừa tạo bóng mát. Từ kinh tế trang trại vườn đồi, trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu nhập trên dưới 100 triệu đồng. Các sản phẩm từ cây ăn quả và chăn nuôi của gia đình anh là nguồn cung cấp chính thực phẩm và hoa quả cho các hộ làm du lịch trong bản, đồng thời phục vụ cho khách tham quan du lịch sinh thái khi có nhu cầu.

Đến với Kho Mường

Bản Kho Mường (xã Thành Sơn, Bá Thước) vẫn giữ được nét đẹp nhà sàn truyền thống của người Thái.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lò Văn Tăng, trưởng bản kiêm bí thư chi bộ bản Kho Mường, cho biết: Bản có 60 hộ với 228 nhân khẩu, diện tích tự nhiên trên 14 nghìn ha. Địa bàn nơi đây chủ yếu là người dân tộc Thái sinh sống, gắn với nghề làm ruộng, quanh năm trồng 2 vụ lúa trên tổng diện tích nông nghiệp hơn 12 ha. Từ 3 hộ làm du lịch ban đầu đến nay toàn bản đã phát triển trên 10 hộ. Các hộ đều được quan tâm tạo điều kiện thuận lợi làm du lịch, như: Tập huấn các kỹ năng giao tiếp, học nghề đan lát, dệt thổ cẩm, học cách nấu ăn... Tuy nhiên, để du lịch cộng đồng thực sự là sản phẩm đặc sắc của Kho Mường, rất cần được đầu tư đường vào thôn bản để được người dân đi lại thuận tiện, giao thương hàng hóa và đón khách. Đồng thời, hỗ trợ tập huấn thêm bà con các kỹ năng để phục vụ tốt hơn cho phát triển du lịch.

Được biết, ngày 27-10-2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4591-QĐ/UBND về việc phê duyệt Dự án “Xây dựng mô hình điểm du lịch cộng đồng bản Kho Mường tại xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa”. Mục tiêu là phát triển điểm du lịch cộng đồng bản Kho Mường trở thành một sản phẩm du lịch cộng đồng có thương hiệu, có giá trị, có sức cạnh tranh cao, trở thành một sản phẩm OCOP mang thương hiệu của địa phương.

Theo đó, mục tiêu đặt ra về số lượng khách trong năm 2025 đón khoảng 7.300 lượt khách, năm 2030 đón khoảng 9.300 lượt khách trong đó có 50% khách lưu trú và có 50% khách du lịch quốc tế. Tổng thu từ du lịch năm 2025 đạt gần 6,9 tỷ đồng, năm 2030 đạt 14,2 tỷ đồng. Từ mục tiêu này sẽ góp phần đảm bảo tốt các mục tiêu về lao động và việc làm cho lao động tại bản và các vùng lân cận, như: Năm 2025, tạo việc làm cho khoảng 60 - 70 lao động; năm 2030 khoảng 110 - 120 lao động. Qua đó, giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, duy trì phát triển nghề thủ công truyền thống; đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, an toàn xã hội, dịch vụ công, môi trường và các vấn đề xã hội khác.

Dự án có 3 hợp phần: Hợp phần 1 là xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất dịch vụ cho phát triển du lịch tại bản Kho Mường, gồm 5 hạng mục: Duy tu, nâng cấp đoạn đường chính vào bản Kho Mường; cải tạo, chỉnh trang hệ thống đường nội bộ trong bản; cải tạo nâng cấp nhà văn hóa bản Kho Mường; đầu tư xây dựng, nâng cấp các điều kiện cơ sở hạ tầng du lịch; hoàn thiện kiến trúc, cảnh quan bản Kho Mường để đón khách du lịch. Hợp phần 2 là hỗ trợ kỹ thuật phát triển, đào tạo tập huấn, quản lý hoạt động kinh doanh du lịch tại bản Kho Mường, gồm 4 hạng mục: Hỗ trợ kỹ thuật phát triển các trải nghiệm du lịch và văn hóa, các dịch vụ du lịch; đào tạo tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp tại địa phương phục vụ cho du lịch; thành lập HTX du lịch bản Kho Mường; xây dựng chương trình đào tạo; biên soạn tài liệu và tổ chức đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực cho cộng đồng, tổ chức tham gia hoạt động du lịch. Hợp phần 3 là tuyên truyền, kết nối, quảng bá và xúc tiến du lịch bản Kho Mường, gồm 2 hạng mục: Tuyên truyền, kết nối, quảng bá và xúc tiến du lịch cho bản; nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm du lịch tại điểm du lịch cộng đồng bản Kho Mường.

Toàn bộ dự án có tổng kinh phí đầu tư trên 16 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 5 tỷ đồng; còn lại là vốn do UBND huyện Bá Thước huy động từ ngân sách địa phương, lồng ghép nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án; nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn huy động hợp pháp trên 11 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

Hy vọng, với chính sách mới này, Kho Mường cùng với các điểm du lịch nổi trội như: Bản Đôn, bản Hiêu, Son Bá Mười, Pù Luông... sẽ sớm đem lại cho huyện Bá Thước những tiềm năng, sức hút mới cho đầu tư phát triển du lịch trong tương lai.

Bài và ảnh: Ngọc Anh


Bài và ảnh: Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]