(Baothanhhoa.vn) - Mồng một tháng này chợ không họp vì đang cách ly, nhà còn mấy quả bưởi da xanh mua dự trữ từ tuần trước, bà Mão rửa sạch định mang ra chùa Mèo thắp hương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đêm Pù Luông đầy sao

Mồng một tháng này chợ không họp vì đang cách ly, nhà còn mấy quả bưởi da xanh mua dự trữ từ tuần trước, bà Mão rửa sạch định mang ra chùa Mèo thắp hương.

Đêm Pù Luông đầy sao

Bà gọi điện cho con trai:

- Đưa bọn trẻ về chơi với bà nhé.

- Con bận rồi mẹ ạ, hôm nay con đang thuê mấy người trong làng làm cỏ keo – giọng con trai bà Mão gấp gáp trong điện thoại.

Bà Mão nghĩ bụng, con cái bận bịu vậy thì trước khi vào chùa, tiện đường bà ghé thăm vườn keo của con trai.

Sinh ra ở rừng núi nên bà Mão thích rừng lắm! Nhìn sườn đồi thoai thoải, keo đã bén rễ, lá xanh non tơ của cậu con trai, bà Mão mừng thầm trong bụng. Đi sâu vào vườn keo, bà Mão gặp bốn người phụ nữ đang xáo cỏ. Bà lại gần và trò chuyện với họ. Cả bốn người đều trạc tuổi sáu mươi, dáng vẻ trông khắc khổ, đen đúa. Bà để ý thấy một bà mỗi lần di chuyển rất khó khăn, phải lấy tay đè vào đầu gối bên phải mới bước tiếp được.

- Chân bà sao thế? Bà Mão hỏi.

- Tôi bị thống phong, sưng đầu gối gần một tháng nay bác ạ!

- Đau thế không nghỉ ngơi lại còn đi làm nữa sao?

Người đàn bà ấy im lặng hồi lâu. Bà biết mình hỏi câu không nên hỏi. Trời nắng, cả bốn người vừa làm vừa trò chuyện nhưng bà Mão biết họ rất mệt, mồ hôi ướt đẫm áo, cỏ rậm mà tuổi họ cũng đã cao. Nhớ đến mấy quả bưởi da xanh định mang đi lễ, bà nghĩ thôi tháng này không lên chùa nữa, ở lại đây với mọi người thêm lúc nữa.

- Các bà ơi, nghỉ tay uống nước ăn bưởi với tôi, bà Mão vừa gọt bưởi vừa gọi với ra vườn keo.

Bà chân đau nói:

- Cám ơn bác lần đầu tiên tôi được ăn thứ bưởi này, ngọt thật.

Bà xin hai múi về cho hai đứa cháu ở nhà. Rồi bà kể: Tôi chỉ có 2 đứa con gái, đứa đầu lấy chồng xa, vợ chồng đứa thứ 2 ở với tôi. Bởi nhà nghèo, chúng phải để hai đứa con ở nhà với tôi để đi làm công ty tận Bắc Ninh. Lúc vợ chồng chúng nó đi, đứa thứ hai mới đầy 10 tháng tuổi. Bây giờ, nó đã 3 tuổi rồi. Đứa đầu học lớp một, đứa thứ hai học mầm non. Thời gian trước, mỗi tháng vợ chồng nó cũng gửi về cho tôi vài triệu để mua sữa và mua thức ăn cho cả nhà. Kể từ tháng này, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên công ty tạm nghỉ việc, chúng nó lại phải cách ly nên không có tiền gửi về. Tuy chân đau nhưng tôi thương con, thương cháu nên vẫn phải cố thôi bác ạ! Ra là thế! Rồi bà ấy nói tiếp: - Chân đau không đáng sợ, chỉ sợ không có ai thuê, không có việc gì thì bà cháu đói. Ông nhà tôi phải ở nhà trông chúng nó vì nhà trường nghỉ học. Bà rơm rớm nước mắt, một tay phe phẩy cái nón mê, một tay cứ xoa xoa vào cái đầu gối sưng mọng.

Bà Mão im lặng và xót xa trong lòng, bà nói:

- Kiểu gì thì bà cũng phải chữa, để lâu biến chứng nguy hiểm lắm.

- Vâng tôi biết ạ!

Nghỉ ngơi một lúc rồi mọi người lại tiếp tục công việc. Bà Mão đi xuống dưới chân đồi nơi con trai đang trồng mấy cây vải thiều.

- Con thuê họ mấy ngày và mỗi ngày trả bao nhiêu tiền? Bà Mão hỏi cậu con trai.

- Con thuê họ hai ngày công. Ở đây, giá chung là 150 nghìn đồng/ngày mẹ ạ! Cậu con trai bà Mão đáp lời.

- Con cứ trả cho mỗi người 200 nghìn đồng một ngày nhé!

- Sợ lần khác hay nhà khác họ trách mình phá giá.

- Con cứ lấy lý do tại đang cách ly khó thuê nhân công, hoặc trời nắng gì đó là được, làm cỏ xong thì bón phân hay nâng cây gì cũng được. Con thuê họ thêm vài ngày nữa nhé, nếu thiếu tiền mẹ còn ít tiền tiết kiệm mẹ hỗ trợ thêm.

Con trai bà Mão im lặng không nói gì, một lúc sau gật đầu đồng ý với lời đề nghị của bà. Bà tin là nó đã hiểu ý bà.

Buổi trưa, khi cả nhà đang ăn cơm, con dâu út chợt hỏi:

- Điện thoại mẹ tháng này dùng gì mà gần một triệu vậy ạ? Sáng nay lúc mẹ đi vắng con đã nộp tiền cho mẹ rồi.

Con trai út thắc mắc: - Hay họ tính sai cho mẹ?

Bà Mão trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi à lên: - Mẹ nhắn tin ủng hộ phòng, chống dịch COVID–19 mấy lần. Họ tính đúng đấy con ạ, không sai đâu. Các con có đứa nào nhắn tin chưa?

Con dâu hơi ngượng, trả lời: - Chưa mẹ ạ! Bận quá con quên đi mất, con nhắn ngay đây ạ!

Con trai lẩm bẩm: - Ăn thua gì đâu mẹ, như muối bỏ biển ấy mà!

Bà Mão nghiêm nét mặt: - Con không hiểu rồi, góp gió thành bão, tiền tỷ cả đấy con ạ! Ai cũng nghĩ như con thì làm sao có sức mạnh tổng hợp được.

- Con đùa mẹ thôi, con nhắn ngay bây giờ đây ạ! Cậu út cười cười với bà Mão.

Từ khi có dịch COVID-19, bà Mão từ bỏ cả thói quen xem những bộ phim yêu thích. Bà cứ mong chóng đến chương trình thời sự để nghe ngóng tình hình. Cũng như tất cả các công dân Việt Nam, bà rất lo lắng khi thấy tốc độ lây lan đến chóng mặt của dịch bệnh. Từng ngày, bà theo dõi số lượng người mắc, người chết trên thế giới và của Việt Nam, bà thực sự bàng hoàng sợ hãi. Rồi chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch, kịch bản của ngành y tế, rồi phong tỏa, rồi cách ly. Các cấp, các ngành mọi người dân đã vào cuộc. Vùng quê miền núi vốn cách xa thị thành nhưng giờ đây cũng sục sôi nghiêng ngả, tất cả đều phải gồng lên, từng gia đình, từng người không còn yên bình nữa.

Là một bác sĩ có ba mươi năm trong nghề, bà Mão nghỉ hưu đã gần chục năm nay. Bà mở một phòng khám nhỏ, thuê mấy điều dưỡng giúp việc tại phòng khám để khám bệnh cho bà con miền núi xa xôi. Đó vừa là đam mê nghề nghiệp vừa giúp đỡ những người nghèo khổ khi ốm đau, bà Mão tâm huyết, trăn trở. Nhìn các đồng nghiệp và những người ở tuyến đầu chống dịch, bà vô cùng khâm phục và thương ghê lắm! Thời nào cũng vậy, khi Tổ quốc lâm nguy là lòng yêu nước và tinh thần quả cảm của mỗi người dân đất Việt được thể hiện và nhân lên. Bà ứa nước mắt khi nghe Thủ tướng Chính phủ phát biểu: “Không để ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống COVID-19”. Và bà hiểu, muốn không ai lùi lại phía sau thì từng người phải tiến về phía trước bằng chính sức lực của mình hoặc hơn thế nữa.

Hôm sau, vừa mở cửa phòng khám thì có một bà mế vừa chống gậy vừa cõng một đứa bé vào.

- Là bà sao? Bà Mão nhận ra bà hôm trước làm cỏ keo trên rẫy nhà con trai.

- Bà đi khám cho bà hay cho cháu?

- Cho cháu bác ạ! Cháu nó bị sốt từ hôm qua tới giờ lại nôn nữa, bố mẹ cháu không có nhà, mỗi khi cháu ốm là tôi lo lắm.

Sau khi khám cho cháu bé, thấy không có gì nghiêm trọng, cháu chỉ viêm họng nhẹ chỉ cần hạ sốt và uống kháng sinh là khỏi. Lấy thuốc cho cháu xong, bà Mão bảo: - Bà vào đây tôi siêu âm khớp gối cho bà.

Bà ấy chần chừ. Bà Mão hiểu là bà không có tiền.

- Bà vào đây. Cứ nghe tôi và đừng hỏi gì cả nhé! Đúng như dự đoán bà ấy bị tràn dịch khớp gối, lượng dịch nhiều. Sau khi gây tê hút hết dịch băng ép, bà Mão kê đơn, lấy thuốc cho bà uống và dặn dò uống thêm một số loại lá có sẵn trong rừng. Khi thấy bà ấy móc cái bao vải kẹp lép trong cạp váy ra định trả tiền, bà Mão bảo: - Bà không phải trả tiền, vì thứ nhất chữa bệnh cho bà là quyết định của tôi, hơn nữa tôi có lương hưu cũng định trích ra một ít để ủng hộ chống dịch COVID-19. Tôi không gửi đi nữa, tôi dành số tiền ấy để giúp bà, được chưa? Đằng nào thì số tiền ấy tôi đã quyết không tiêu tới rồi.

Bà ấy nắm tay bà Mão thật chặt, môi run run không nói thành lời, những giọt nước mắt rớt xuống ướt đẫm bàn tay của hai bà. Bà Mão cũng thấy mắt mình cay cay. Bà nói to lên như trấn tĩnh chính mình: - Số điện thoại của tôi đây, nếu cháu có diễn biến thế nào thì gọi cho tôi nhé (các mế đều có điện thoại vì con cái trang bị cho để tiện liên lạc hỏi thăm con cái). Bà Mão gọi cô y tá, lấy khẩu trang phát cho hai bà cháu, lấy xe máy đưa hai bà cháu về làng. Khi quay về cô y tá nói nhỏ: - Bác ơi, tình hình cách ly thế này bệnh nhân đến khám ít, tháng trước bác đã phải rút tiền tiết kiệm để trả lương cho chúng cháu rồi, còn tháng này nếu ai bác cũng miễn phí thì bác cháu mình chết đói đấy bác ạ! Bà Mão chỉ nói: - Đang vắng bệnh nhân, cháu gọi mấy đứa sang phòng bác.

- Hồng (tên cô y tá) con cháu mấy tuổi rồi? Bà Mão ân cần hỏi.

- Dạ ba tuổi rồi ạ!

- Có khi nào cháu xa con vài ngày chưa?

- Chưa bác ạ. Một ngày cũng chưa ạ.

- Vậy các cháu có thấy các cô điều dưỡng ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương phải để con nhỏ ở nhà với ông bà hàng tháng trời để lăn xả vào tuyến đầu chống dịch hay không? Mà họ phải từng giây từng phút đối diện với cái chết, với nguy cơ lây bệnh nữa.

- Tuấn (nhân viên của phòng khám), cháu có thấy bữa ăn và giấc ngủ của các chú bộ đội làm nhiệm vụ nơi biên cương không?

- Dạ cháu thấy và thương lắm bác ạ!

- Các cháu có biết hiện tại trên thế giới và ngay ở Việt Nam chúng ta có bao nhiêu doanh nghiệp ngừng sản xuất, bao nhiêu người thất nghiệp lâm vào cảnh nghèo đói do dịch COVID-19 gây ra hay không?

Hỏi một loạt như thế rồi bà Mão tiếp lời: - Đành rằng bác cháu ta cũng bị ảnh hưởng, thu nhập giảm đi đôi chút nhưng chúng ta vẫn có công ăn việc làm, phòng khám chúng ta vẫn hoạt động, chúng ta được sống trong bình yên cùng gia đình bố mẹ và con cái đã là điều quá hạnh phúc rồi. Chúng ta không có điều kiện để giúp đỡ những người nghèo khác như: Làm cây “ATM gạo” hay ủng hộ hàng trăm triệu đồng, hàng tỉ đồng để mua trang thiết bị phòng, chống dịch. Hơn thế, chúng ta cũng chưa phải điều động lên tuyến đầu chống dịch như các bạn đồng nghiệp khác. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tham gia chống dịch theo cách của mình, không chỉ tháng này, tháng sau, tháng sau nữa khó khăn sẽ còn nhiều, nhưng nếu tất cả mọi người đồng tâm hợp lực chắc chắn chúng ta sẽ thắng lợi. Chúng ta phải rèn luyện thể lực, tự mình phải khỏe, thật cẩn thận phòng và bảo hộ để không bị lây bệnh từ bệnh nhân, vận động gia đình gương mẫu thực hiện các quy định của ngành y tế đề ra, yêu thương giúp đỡ bệnh nhân và những người khó khăn hơn mình.

- Chúng cháu hiểu rồi bác ạ! Nhân viên trong phòng khám của bà Mão trả lời trong niềm rưng rưng xúc động. Mọi người nói vui với bà Mão: - Bác cũng là tài sản quý của chúng cháu đấy ạ!

Sau chương trình thời sự, bà Mão kéo ghế ra hiên ngồi trầm ngâm. Vui buồn lẫn lộn! Bà rất vui vì những ngày qua, Việt Nam không có ca mắc mới, chưa có ca nào tử vong, số ca chữa khỏi tăng dần. Nhưng ở đâu đó trên thế giới số người mắc và đặc biệt số tử vong không ngừng tăng mạnh và đau xót hơn số thầy thuốc chết vì lây chéo dịch bệnh không hề nhỏ. Đằng sau dịch bệnh là số phận mỗi quốc gia, mỗi địa phương, mỗi gia đình và số phận của mỗi con người cũng ít nhiều bị đảo lộn. Bà ngước nhìn lên đỉnh Pù Luông, một vùng thiên nhiên kỳ vĩ xinh đẹp của quê hương bà. Vào tầm này năm ngoái, khách du lịch các nơi nườm nượp đổ về. Vậy mà giờ đây, không khí du lịch kém hẳn đi sự sôi động, náo nhiệt. “Bóng ma” COVID-19 chập chờn len lỏi tận cùng ngay cả chốn rừng xanh. Nhưng rồi bà lại thấy khấp khởi hy vọng khi Đảng và Nhà nước đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đêm Pù Luông đầy sao, dự báo về một ngày mai nắng đẹp!

Trương Thị Màu


Trương Thị Màu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]