(Baothanhhoa.vn) - Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng dân tộc thiểu số trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; tạo sự đồng thuận trong xã hội, ngăn ngừa tình trạng tảo hôn (TH) và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT), góp phần nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, những năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng TH và HNCHT trong vùng dân tộc thiểu số” đã thu được nhiều kết quả quan trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ða dạng hình thức tuyên truyền giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng dân tộc thiểu số trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; tạo sự đồng thuận trong xã hội, ngăn ngừa tình trạng tảo hôn (TH) và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT), góp phần nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, những năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng TH và HNCHT trong vùng dân tộc thiểu số” đã thu được nhiều kết quả quan trọng.

Ða dạng hình thức tuyên truyền giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Học sinh Trường THCS Thượng Ninh, xã Thượng Ninh (Như Xuân) tham gia tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: P.V

Theo thống kê của các huyện thuộc vùng dân tộc, miền núi của tỉnh ta, tỷ lệ TH năm 2016 là 4,5% (367 cặp), giảm xuống còn 1,56% (111 cặp) năm 2019. Năm 2016 có 6 cặp HNCHT (tỷ lệ 0,07%), đến năm 2019 không còn HNCHT.

Tuy nhiên, tình trạng TH vẫn đang còn diễn ra. Trong đó, các cặp TH chủ yếu là nữ ở độ tuổi gần 18 và thường xảy ra ở các dân tộc như Khơ Mú, Mông, 1 bộ phận dân tộc Thái cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn ở các huyện miền núi cao, như: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Về HNCHT chỉ còn xảy ra trên địa bàn hai huyện Mường Lát, Quan Sơn (năm 2016 huyện Mường Lát có 1 cặp, huyện Quan Sơn có 5 cặp; đến năm 2019 không có trường hợp HNCHT) .

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TH và HNCHT, như: Việc kết hôn trong đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn dựa chủ yếu trên cơ sở phong tục, tập quán cũ; phụ thuộc vào sự đồng ý của cha, mẹ và những người đứng đầu trong dòng họ. Tâm lý của đồng bào muốn con cái trong gia đình yên bề gia thất sớm, có người nối dõi và có thêm lao động để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống khi bố mẹ về già. Do lứa tuổi vị thành niên bị tác động bởi internet, phim ảnh, băng đĩa... dẫn đến quan hệ tình dục và mang thai trước hôn nhân. Nhận thức và ý thức chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình của một bộ phận Nhân dân còn hạn chế. Điều kiện khó khăn về địa lý tự nhiên, kinh tế - xã hội dẫn đến đồng bào dân tộc thiểu số ít được giao lưu, học hỏi tiếp xúc với các vùng văn hóa khác nên có tâm lý kết hôn sớm và trong phạm vi cộng đồng hẹp để ổn định cuộc sống...

Trước thực trạng trên, để giảm thiểu tình trạng TH, HNCHT trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, 5 năm qua Ban Dân tộc tỉnh cùng với các ban, sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, các huyện đã tổ chức được 281 hội nghị tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, tác hại của TH, HNCHT cho 16.814 người tham gia. Bên cạnh đó, đài truyền thanh - truyền hình các huyện đã viết được 524 tin, bài tuyên truyền với thời lượng 1.123 lần; đài truyền thanh các xã viết được 1.188 tin, bài phát thanh được 4.007 lần. Ngoài ra, các huyện còn tổ chức được 125 các buổi nói chuyện chuyên đề về vấn đề TH, HNCHT tại các trường THCS, THPT cho 29.069 học sinh tham gia. Một số huyện có cách làm hay, hiệu quả, như: Huyện Như Thanh tổ chức thi Rung chuông vàng về vấn đề TH, HNCHT với 200 học sinh của các trường THCS và THPT Như Thanh, THPT Như Thanh 2 tham gia.

Các sản phẩm truyền thông về phòng, chống TH, HNCHT cũng được cấp phát với 232 pa nô, 7.805 áp phích, 33.450 tờ gấp, 11.150 sổ tay hỏi đáp đến từng xã trên địa bàn 11 huyện miền núi và 7 huyện, thị xã giáp ranh có xã miền núi trên địa bàn tỉnh. Hoạt động tư vấn, can thiệp, triển khai mô hình điểm tuyên truyền cũng được các địa phương tăng cường. Đến nay, các huyện, xã miền núi đã xây dựng được 30 mô hình, trong đó 20 mô hình xã, 10 mô hình trường học (trường THCS và trường phổ thông dân tộc nội trú huyện), tập trung chủ yếu ở các huyện Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh. Các nội dung triển khai thực hiện ở mô hình chủ yếu là hoạt động tư vấn sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ giảm thiểu TH, HNCHT.

Hàng năm, các huyện còn tổ chức triển khai nhiều nội dung tuyên truyền mang lại hiệu quả, như: Hội thi “Thiếu nữ các dân tộc huyện Như Thanh với vấn đề TH, HNCHT” với 32 thiếu nữ các dân tộc tham gia, tìm hiểu nhiều kiến thức bổ ích về TH, HNCHT; hội thảo tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số trong hôn nhân, TH, HNCHT; hội nghị chuyên đề “Can thiệp làm giảm tình trạng TH, HNCHT” tại huyện Như Xuân; lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, giảm thiểu tình trạng TH, HNCHT vào các hội nghị, các hoạt động văn hóa của thôn, bản, các chuyên đề của trung tâm học tập cộng đồng. Trong giai đoạn 2015 – 2020, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức được 3 hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền về giảm thiểu TH, HNCHT cho 240 đại biểu là cán bộ làm công tác truyền thông xã và thôn, bản của 3 huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa.

Theo đồng chí Cầm Bá Tường, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh: Từ các hoạt động tuyên truyền trên đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng dân tộc thiểu số trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình; người dân đã nhận thức được tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của việc TH, HNCHT không chỉ có tác động xấu tới sức khỏe, sinh sản... mà còn là hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Tiến tới chấm dứt tình trạng TH, HNCHT trong đồng bào dân tộc thiểu số, dần xóa bỏ các hủ tục trong hôn nhân và gia đình, góp phần quan trọng trong việc xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan văn hóa trên địa bàn các huyện. Việc giảm thiểu tình trạng TH, HNCHT đã giúp cho các cặp vợ chồng kết hôn đúng độ tuổi, có đủ sức khỏe, khả năng lao động để nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bớt gánh nặng an sinh xã hội cho địa phương. Qua công tác tuyên truyền về pháp luật cũng đã lồng ghép nhiều thông tin bổ ích về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện miền núi.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TH, HNCHT vẫn còn những khó khăn, như: Các hoạt động tuyên truyền diễn ra chưa thực sự thường xuyên và phong phú về hình thức tổ chức. Việc thay đổi tư duy, nhận thức về hệ lụy của TH, HNCHT của người dân còn hạn chế nên vẫn còn xảy ra tình trạng TH, HNCHT không còn nhưng vẫn có khả năng xảy ra trong thời gian tiếp theo. Nguyên nhân là do các đối tượng có nguy cơ TH, HNCHT chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, đối tượng hộ nghèo nhận thức các mặt còn hạn chế, do đó việc tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn. Mô hình điểm triển khai cơ bản đã tạo được những chuyển biến tích cực trong nhận thức đối với đồng bào dân tộc. Song, tính hiệu quả mang lại vẫn chưa thực sự cao do kinh phí hoạt động ít, các hoạt động tổ chức chưa đa dạng. Một số cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác giảm thiểu TH, HNCHT; các trường hợp TH, HNCHT nhiều nơi vẫn còn buông lỏng, chưa bị xử lý...

Giảm thiểu tình trạng TH, HNCHT trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 vẫn là một trong những dự án được đề cập trong nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Do đó, thời gian tới để tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung trên, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện khi “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” được Chính phủ phê duyệt.

Tô Dung


Tô Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]