(Baothanhhoa.vn) - Trong tâm thức người Việt, trẩy hội đền, chùa vào mùa xuân vừa là cách để thỏa mãn niềm xác tín tâm linh, vừa để tìm kiếm sự cân bằng giữa đời sống vật chất với tinh thần. Để rồi, cứ vào độ xuân viên mãn cũng là lúc “cuộc hành hương mùa xuân” mang theo tất cả niềm kính ngưỡng của con người, chính thức bắt đầu...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cuộc “hành hương mùa xuân” về miền tâm linh...

Trong tâm thức người Việt, trẩy hội đền, chùa vào mùa xuân vừa là cách để thỏa mãn niềm xác tín tâm linh, vừa để tìm kiếm sự cân bằng giữa đời sống vật chất với tinh thần. Để rồi, cứ vào độ xuân viên mãn cũng là lúc “cuộc hành hương mùa xuân” mang theo tất cả niềm kính ngưỡng của con người, chính thức bắt đầu...

Cuộc “hành hương mùa xuân” về miền tâm linh...

Một buổi hầu đồng tại đền Sòng Sơn.

Người xưa quan niệm rằng, vì trái đất thậm chí trẻ lại và chứa đầy một sự sống mới vào những ngày đầu năm. Vậy nên, chọn hướng xuất hành ngay từ thời điểm chuyển giao đầu năm cũ – năm mới, đến cửa chùa để vin cành hái lộc; hay trẩy hội xuân tìm về chốn tâm linh luôn mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Từ 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc, hay từ miền núi – trung du – đồng bằng – miền biển, Thanh Hóa đều có những “vệt” hội xuân lớn, gắn với những di tích – danh thắng làm say lòng người. Nằm dưới chân dãy Tam Điệp hùng vĩ, án ngữ trên con đường thiên lý Bắc – Nam là một trung tâm thờ mẫu lớn và nổi tiếng linh thiêng bậc nhất xứ Thanh: Đền Sòng Sơn. Nơi đây, ngay từ cuối thế kỷ XVI, dân gian đã xây dựng nên một “thánh đường” thờ Mẫu Liễu Hạnh – vị nữ thần của tín ngưỡng dân gian, được triều đình phong kiến sắc phong là “Thượng thượng đẳng tối linh tôn thần”, “Mẫu nghi thiên hạ”, với uy quyền tối thượng đứng đầu trong hệ thống các nữ thần được thờ phụng trên đất Việt. Vậy nên, cũng dễ lý giải vì sao, đền Sòng thu hút được đông đảo khách hành hương về dâng hương, vãn cảnh, công đức và lễ lạt từ những ngày đầu năm mới. Thậm chí, tìm về cửa đền, dâng nén hương thơm, cầu lấy điềm lành, sự may mắn, tốt tươi cho năm mới đã được dân gian “ca dao hóa”: “Còn trời, còn nước, còn non/ Còn ngày rước Mẫu ta còn đi xem/ Ai về nhắn chị cùng em/ Rủ nhau dắt díu mà lên đền Sòng...”.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi vào Việt Nam, đạo Lão đã tìm được ở xứ sở này một cái nền dân gian rất sơ khai. Ở đây, ta không bàn đến giáo lý hay quan niệm, mà nhìn ở cách người Việt tiếp nhận và cải biến nó cho phù hợp với văn hóa dân tộc. Một trong những biểu hiện sinh động nhất và dân gian nhất của đạo Lão là việc thờ chư vị, đặc biệt nổi bật là tục thờ tam phủ: Thiên phủ, địa phủ và thủy phủ. Trong các thánh mẫu được thờ tại đền, thì Thánh mẫu Liễu Hạnh được thờ ở nhiều nơi và cũng là nhân vật truyền kỳ hơn cả. Ngoài ra, đền còn là nơi thờ các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa – những người có công lao to lớn đối với tiến trình bảo vệ và phát triển quốc gia – dân tộc, mà điển hình tại Thanh Hóa là đền Trần (huyện Hà Trung) thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo và đền Bà Triệu (huyện Hậu Lộc) thờ Lệ Hải Bà vương Triệu Thị Trinh. Khác với cảnh trẩy hội tại đền Nưa - Am Tiên, mà cái sự ngột ngạt do chen chúc nhau tìm một chỗ đứng để cầu cho hết “bài”, khiến nhiều người chẳng có chút không gian nào để an nhiên vãn cảnh; thì đền Bà Triệu những ngày đầu năm nổi bật ở vẻ linh thiêng, trầm mặc và tự tại. Trong số các đền thờ vị anh hùng dân tộc này, thì đền Bà Triệu ở Hậu Lộc có quy mô lớn và sức ảnh hưởng sâu rộng bậc nhất. Bởi nó không chỉ được xây dựng trên nền căn cứ địa kháng chiến, mà còn là nơi chứng kiến người con gái tiết liệt ấy hy sinh anh dũng cho sự nghiệp cao cả “đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi”. Để rồi, khi về đền dâng hương, vãn cảnh du khách thực sự tìm thấy sự thanh thản, yên bình và niềm tự hào khó tả.

Mùa xuân với ý nghĩa của sự khởi đầu, của vẻ thanh tân, tươi đẹp luôn có một sức mạnh vô hình, thôi thúc bước chân con người ra đi để tìm về. Để rồi, những cuộc hành hương về miền đất Phật trong những ngày đầu xuân, từ lâu, đã không còn bó hẹp trong một cộng đồng tôn giáo cụ thể nào. Trong số những ngôi chùa cổ còn tồn tại cho đến ngày nay trên đất Thanh Hóa, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (huyện Hậu Lộc) nổi tiếng hơn cả. Chùa được Thông phán Chu Công cho xây dựng năm 1116 trên nền chùa cũ. Trải qua nhiều lần tu sửa, chùa đã không còn giữ được diện mạo ban đầu, song theo như mô tả của văn bia thì đây là ngôi chùa lớn, có kiến trúc – nghệ thuật đặc trưng thời Lý với “rường nhà cong cong như vảy rồng nhô ra sau mưa, ngói uyên ương phơi dưới gió như xập xòe uốn lượn... bên hữu có vườn thơm, phía tả có ao mát, mặt nước hoa sen tốt tươi...”. Ra đời vào thời điểm hưng thịnh bậc nhất của Phật giáo, khi được triều đình nhà Lý nâng thành Quốc giáo, điều đó lý giải vì sao Sùng Nghiêm Diên Thánh cổ tự có được quy mô bề thế và cảnh quan đẹp đến vậy. Để rồi, mỗi khi đặt chân đến miền đất Phật, khách hành hương như được chu du trong cõi thiền rộng mở, đắm mình trong tiếng kinh kệ đọng hơi sương sớm và phảng phất khói thơm như mối dây kết nối cõi trần tục với thế giới tâm linh.

Đạo Phật du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ II, thứ III và “bắt” ngay được vào cái nền văn hóa dân gian bản địa vốn trọng điều nhân và chuộng hóa bình. Song, như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ rõ, khi vào Việt Nam, chủ thuyết của đạo Phật chính thống đã có sự biến đổi cho phù hợp. Chẳng hạn như việc người Việt thực hiện phối thờ Phật, thánh ở cùng một chùa; hay tục thờ cúng tổ tiên, thờ các vong hồn lang thang vẫn được người theo đạo Phật duy trì. Đặc biệt, theo quan niệm của phái Thiền Tông, thì chân lý mà con người tìm kiếm không nằm ở kinh kệ, mà ở sự nhập định hoàn toàn của tư duy khi “con người nhận thấy lập tức ở tâm mình cái tâm thật của Đức Phật”. Vậy nên, về chốn phật môn không phải là một cuộc chạy trốn hiện thực, mà là cách giúp con người hài hòa giữa 2 thế giới của tâm hồn và thể xác, cân bằng đời sống tinh thần và vật chất, để có thêm “năng lượng” khởi đầu một năm mới.

Phải chăng bởi trời đất có đủ xuân, hạ, thu, đông và con người cũng phải trải đủ sinh, lão, bệnh, tử nên người xưa thường sắp đặt hoạt động của con người theo trật tự tự nhiên? Nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên trong một số tác phẩm nghiên cứu của mình đã nhấn mạnh, người Việt tin rằng thế giới có những nguyên lý sinh tồn xuyên qua, thấm vào và làm cho mọi người và mọi vật sinh động. Và do đó, giữa cá nhân và vũ trụ, giữa thiên nhiên và xã hội có sự liên đới thường xuyên, sự tương tác liên tục. Đó là cái trật tự tự nhiên và trật tự xã hội cần được duy trì, nhằm tạo ra sự yên ổn và phát triển. Bởi vậy mới nói, cái sự hài hòa - dù xét ở phạm vi, mức độ, phương diện hay thời điểm nào; hoặc xét từ cá nhân nhỏ bé đến cộng đồng lớn - cũng đều hết sức quan trọng. Việc làm đầy hơn, phong phú hơn, sinh động hơn, ý nghĩa hơn cho đời sống văn hóa – tinh thần con người chính là quá trình “hài hòa” như thế. Và những cuộc “hành hương mùa xuân” về miền tâm linh đã và đang góp phần làm hài hòa đời sống con người là vì thế. Duy có điều, đây cũng là một quá trình “gạn đục khơi trong” và do đó, con người cần có lý trí, hiểu biết, sự tỉnh táo để không làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của phong tục.

Chùa chiền không phải là nơi phô bày sự giàu có bằng cách dâng lên lễ lạt đuề huề. Chốn tâm linh là nơi giúp con người tìm lại cái tâm thanh thản, thế nhưng, có lúc, có nơi sự thanh thản ấy đang bị “vẩn đục” đi ít nhiều. Nhiều người thường cầu tới tôn giáo do nhu cầu vật chất và không ít trường hợp, người ta chỉ tìm kiếm một kết quả trước mắt như khỏi bệnh, sinh con, cầu tài, thi đỗ, hay để thành công trong một việc, để một chuyến đi xa được bình yên... Vậy nên, mới có việc khách hành hương vô tư nhét tiền vào tay tượng phật, tay thánh hay rải tiền lẻ khắp các ban thờ, mà không biết rằng đó là hành vi “hối lộ” Phật và làm ô uế cửa đền, cửa chùa. Hành vi ấy, theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, là hoàn toàn sai giáo lý nhà Phật và thể hiện sự thiếu hiểu biết, mê tín mù quáng chứ không còn là tâm linh. Rồi thì lợi dụng lễ hội để buôn thần bán thánh hay còn được gọi bằng một từ rất đắt là “trục lợi tâm linh” - một dạng trục lợi rất dễ dàng, bởi nó đánh thẳng vào lòng tin, đức tin của con người. Rồi thì hiện tượng “chặt chém”, ăn xin ăn mày hay những hành vi kiểu “cướp”, “ném”, “choảng”... chỉ nghe thôi cũng đủ khiến dân tình “khiếp vía”, thì nay lại đang xuất hiện ngày càng nhiều trong các lễ hội lớn, nổi tiếng trong cả nước. Đó là cách người ta cố tình “bẻ cong”, “biến tướng” nhiều lễ nghi, tập tục truyền thống tốt đẹp, nhằm bao biện cho sự thiển cận, thiếu hiểu biết và qua đó, phơi bày hết cái tham, sân, si mà đáng lẽ ra họ nên được “gột rửa” bớt khi bước chân vào chốn linh thiêng.

...

Những cuộc “hành hương mùa xuân” về miền tâm linh, mang theo niềm ngưỡng vọng, thành kính và nhiều dự định tốt đẹp cho năm mới. Vì vậy, hãy để chuyến ra đi để trở về ấy có được thành quả trọn vẹn, bằng ý thức và hành vi chuẩn mực của mỗi người. Đồng thời, cũng là để những giá trị văn hóa đích thực hướng con người ta đến những giá trị cao hơn, đẹp hơn của cái Chân – Thiện – Mỹ!

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]