(Baothanhhoa.vn) - Cồng chiêng là nhạc cụ truyền thống đặc sắc mang đậm giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cồng chiêng - đặc trưng văn hóa Mường

Cồng chiêng - đặc trưng văn hóa Mường

Cồng, chiêng trong lễ dâng hương tưởng niệm Trung Túc vương Lê Lai (Ngọc Lặc).

Cồng chiêng là nhạc cụ truyền thống đặc sắc mang đậm giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường.

Cồng chiêng tham gia vào tất cả các hoạt động đời sống người Mường, gắn liền với vòng đời của mỗi người từ khi sinh ra cho đến khi về với đất mẹ. Chính vì vậy, người Mường coi cồng chiêng là báu vật của mình và giữ gìn qua các thế hệ.

Về Ngọc Lặc vào những ngày đầu xuân, chúng ta sẽ cảm nhận được âm thanh trầm bổng của cồng chiêng vang lên từ khắp các bản Mường. Với người Mường Ngọc Lặc, cồng chiêng không đơn thuần là nhạc cụ dân tộc mà còn là thanh âm quan trọng nhất, linh thiêng nhất trong sinh hoạt văn hóa. Được người dân chỉ đường, chúng tôi tìm đến ngôi nhà sàn nhỏ của nghệ nhân Phạm Vũ Vượng, thôn Quang Thuận, xã Quang Trung để tìm hiểu về cồng chiêng. Đã ngoài 70 tuổi, nhưng bàn tay chơi cồng, chiêng của nghệ nhân già vẫn vô cùng điêu luyện. Ông kể với chúng tôi, đam mê cồng chiêng đã ngấm vào ông từ thời còn bé. Khi lên 8 tuổi ông đã bắt đầu học đánh cồng, chiêng, đến năm 15 tuổi ông đã đánh thành thạo. Với niềm say mê của mình, ông đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người để tìm hiểu, chắt lọc những nét tinh hoa nhất về văn hóa cồng, chiêng của người Mường. Gắn bó với cồng, chiêng và xem cồng, chiêng là hồn của người Mường, ông đã dành hết tâm sức của mình truyền dạy lại cho thế hệ sau. Bởi vậy, không chỉ có ông Vượng, mà hầu hết người dân trong làng đều hân hoan khi nhắc đến cồng, chiêng. Từ những em nhỏ mới lên 5, 6 tuổi cũng đã có những kiến thức và tình cảm với cồng, chiêng.

Từ bao đời nay, cồng, chiêng được sử dụng trong tất cả các dịp lễ, tết, trong đám cưới, tang ma... Người Mường dùng cồng chiêng trong nhiều lễ nghi, lễ hội, trong công việc hệ trọng có ảnh hưởng đến sự sinh tồn của gia đình, dòng tộc, xóm mường. Vào đầu năm mới, chiêng được dùng cho các Phường Xắc bùa đi chúc tụng các gia đình vào đầu năm mới, mừng nhà mới, xuống đồng sản xuất, bảo vệ bản mường... Họ coi tiếng chiêng là ngôn ngữ để giao tiếp với trời, đất, thánh thần, tổ tiên, giữa người với người, cầu mong cho nhân khang, vật thịnh. Vào những ngày lễ hội, tiếng chiêng vang lên trầm bổng cùng những tiếng cười vui rộn rã của mọi người đi trẩy hội. Tiếng cồng, chiêng lễ hội vang lên xua tan hết mệt mỏi, buồn phiền của con người. Với người Mường, tiếng chiêng của lễ hội là tiếng chiêng của may mắn, của những ước nguyện ấm no, hạnh phúc.

Bên cạnh đó, cồng chiêng còn có mặt trong những thời khắc quan trọng khác của cuộc đời mỗi người dân Mường. Trong lễ cưới, tiếng cồng chiêng là lời chúc phúc cho đôi trẻ. Trong đám tang, các nghi lễ, cồng chiêng là lời báo hiệu, tạo không khí trang nghiêm; khi kéo gỗ làm nhà, trong các cuộc đi săn, cồng chiêng tạo nên sức mạnh đoàn kết. Một bộ cồng, chiêng đầy đủ thường có 10 đến 12 chiếc, tất cả đều có núm kích cỡ to nhỏ và thanh âm khác nhau. Dụng cụ để đánh cồng chiêng là dùi được làm bằng gỗ cứng, tùy theo từng chiếc chiêng to, nhỏ mà làm dùi dài, ngắn. Chiếc to và dài nhất có thể lên đến 40cm, ngắn nhất khoảng 20cm, đầu quấn vải mềm. Người ta thường treo các giàn cồng, chiêng trong nhà, ngoài sân hoặc ngoài các bãi rộng để đánh, hay xách một cái rồi cùng nhau đánh, tạo nên những thanh âm hùng tráng giữa núi rừng. Người Mường thường sử dụng cả dàn cồng chiêng trong các phường, hội. Còn trong các việc báo tang, báo hỷ, hội họp cồng, chiêng được sử dụng từ 1-3 chiếc.

Xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của cồng, chiêng đối với văn hóa Mường trong đời sống tinh thần của người dân Ngọc Lặc, UBND tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương đã đặc biệt quan tâm công tác bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng Mường gắn liền với bảo tồn các di sản văn hóa trên địa bàn. Đồng chí, Phạm Đình Cường, Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ngọc Lặc cho biết: Xác định cồng, chiêng có giá trị quan trọng đối với người Mường, do đó, huyện Ngọc Lặc đã thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, những tiết tấu cồng, chiêng, những kiến thức về cồng chiêng, cách sử dụng cồng chiêng gắn với các sự kiện quan trọng đã được những nghệ nhân, những người có kinh nghiệm truyền lại cho các thế hệ sau.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh còn nhiều địa phương có người Mường sinh sống nhưng chưa bảo tồn, phát huy hiệu quả những đặc trưng của cồng, chiêng trong đời sống văn hóa của cộng đồng. Cồng, chiêng Mường đang đứng trước nhiều thách thức của sự xâm lấn của các hình thức giải trí mới, sự suy giảm số lượng những nghệ nhân, sự mai một, biến tấu của những bài cồng, chiêng cổ. Trước thực trạng đó, việc bảo tồn, phát triển văn hóa cồng, chiêng Mường trở thành một nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để bảo tồn cồng, chiêng, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, quảng bá những giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa Mường để mỗi người dân có ý thức gìn giữ và phát huy. Tổ chức tổng kiểm kê, khảo sát, sưu tầm các làn điệu cồng, chiêng cổ một cách có chọn lọc, kế thừa; tích cực tổ chức các lễ hội cổ truyền để âm nhạc cồng chiêng Mường có “đất” sống...

Thùy Linh


Thùy Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]