(Baothanhhoa.vn) - Nếu ai đã từng một lần đến với Hậu Lộc, dừng chân nơi chùa Ngọc Đới thắp nén tâm nhang đều không khỏi ấn tượng bởi nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc nơi đây. Không quy mô, chùa Ngọc Đới tĩnh lặng giữa thiên nhiên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chùa Ngọc Đới - nét đẹp giao thoa giữa lịch sử và nghệ thuật

Nếu ai đã từng một lần đến với Hậu Lộc, dừng chân nơi chùa Ngọc Đới thắp nén tâm nhang đều không khỏi ấn tượng bởi nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc nơi đây. Không quy mô, chùa Ngọc Đới tĩnh lặng giữa thiên nhiên.

Nét cổ kính, trầm mặc của chùa Ngọc Đới (xã Tuy Lộc, Hậu Lộc).

Huyện Hậu Lộc vốn nổi danh là một vùng đất ưa chuộng tâm linh với hệ thống nghè, đền, đình, chùa thu hút đông đảo du khách thập phương tìm về chiêm bái. Mỗi một cái tên như: Khu di tích lịch sử đền Bà Triệu, chùa Sùng Nghiêm, chùa Ngọc Đới, chùa Cam Lộ, chùa Vích, cụm di tích nghè Diêm Phố, chùa Hàn Sơn... đều góp phần làm nên diện mạo văn hóa tâm linh đặc sắc của huyện. Trong đó, chùa Ngọc Đới (xã Tuy Lộc, Hậu Lộc) được biết đến là một trong những ngôi chùa gìn giữ gần như nguyên vẹn tính cổ, mang nét đẹp của nghệ thuật điêu khắc và in đậm dấu ấn lịch sử.

Nếu ai đã từng một lần đến với Hậu Lộc, dừng chân nơi chùa Ngọc Đới thắp nén tâm nhang đều không khỏi ấn tượng bởi nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc nơi đây. Không quy mô, chùa Ngọc Đới tĩnh lặng giữa thiên nhiên. Chùa được kiến trúc theo kiến trúc tiền chùa hậu phủ - một phong cách kiến trúc chùa phổ biến ở miền Bắc nước ta thời Lý, Trần. Chính điện được kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, bao gồm 1 chính tẩm 3 gian và nhà tiền đường 5 gian. Chùa được dựng bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi. Khuôn viên chùa được trồng nhiều cây xanh, quanh năm tươi tốt phủ bóng mát. Chùa có cây thông cổ thụ cao khoảng trên 25m, chu vi xấp xỉ 2m, được trồng vào khoảng thế kỷ 18, 19. Phía trước chùa có hồ bán nguyệt, trong hồ trước đây thường trồng sen quanh năm, nước hồ không bao giờ cạn. Người dân của cả làng Cách (xã Tuy Lộc, Hậu Lộc ngày nay) đều lấy nước từ hồ bán nguyệt này để ăn uống, sinh hoạt. Vào mùa hè, du khách đến vãn cảnh chùa, nghỉ chân dưới bóng cây cổ thụ quanh năm mát mẻ lại thêm tiếng gió thông reo, cảnh chùa đã tịch mịch lại càng như huyền bí và uy linh hơn.

Không chỉ đẹp ở nghệ thuật kiến trúc, nét đẹp của chùa Ngọc Đới còn là nét đẹp của nghệ thuật điêu khắc, thể hiện ở các đường nét chạm trổ liên hoa, rồng thiêng, hoa văn cổ... khéo léo, tinh tế trên các ban thờ; trên câu đối, hoành phi, bia đá và đặc biệt là ở các pho tượng thờ. Hiện tại, chùa vẫn còn lưu giữ được 32 pho tượng cổ: 1 tượng bằng đồng và 31 tượng gỗ. Dạo quanh các ban thờ trong chính điện, hậu cung; chắp tay vái lạy trước tượng Phật tam thế, phật Di Đà. Lặng ngắm tượng phật Di Đà tóc xoáy, đầu không đội mũ, mặt đôn hậu, miệng cười mỉm, tay dài, khoác áo cà sa, ngự trên tòa sen, ngực có ấn chữ Vạn dễ khiến du khách có cảm giác như mình đã đến được Tây phương gặp 18 vị La Hán. 32 pho tượng cổ đang được lưu giữ tại chùa Ngọc Đới xứng đáng được xem như một kho tàng quý giá về nghệ thuật điêu khắc. Ngoài ra, hiện trong chùa còn lưu giữ được một số hiện vật như: Kiệu Long Đình, kiệu Hoa Bành, hạc, chuông đồng, chiêng và các bát bửu để tế lễ khi cúng tế... Tất cả đều là những hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử.

Theo cuốn chùa Ngọc Đới – lịch sử và di tích do Nhà Xuất bản Thanh Hóa ấn hành cho biết: Chùa Ngọc Đới được xây dựng từ thế kỷ thứ XIII, do vua Trần Nhân tông đích thân sắc phong. Lúc bấy giờ, đất nước đang trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ II. Thực hiện kế sách chống giặc của Tiết chế Quốc công Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, lập phòng tuyến Phú Tân để chống quân xâm lược Nguyên Mông do Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải chỉ huy. Ngày 6-3-1285, trận chiến đấu giữa quân ta và quân giặc vô cùng ác liệt, quân ta có nguy cơ thất bại, phòng tuyến bị phá vỡ, vua Trần Nhân tông đi thị sát mặt trận để động viên tướng sĩ. Khi vi hành qua vùng này, nhân dân trong vùng ra hai bên đường thắp hương cầu nguyện mong cho nhà vua đánh thắng quân xâm lược, đem lại thanh bình cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân. Cảm kích trước tấm lòng ái mộ của nhân dân trong vùng, vua Trần Nhân tông hỏi các quan chức địa phương rằng: Vùng này có ngôi chùa nào không để nhà vua vào dâng hương lễ chùa, quan lại tâu lên nhà vua là không có. Vua liền tháo đai ngọc giao cho hào trưởng trong làng xây dựng cho dân trong vùng một ngôi chùa để nhân dân tín ngưỡng. Khi chùa xây dựng xong, quan chức địa phương dâng sớ tâu lên nhà vua và được vua Trần Nhân tông sắc phong cho tên chùa là Ngọc Đái tự (chùa Đai Ngọc) -tức chùa Ngọc Đới hoặc chùa Cách (theo tên gọi cũ của làng).

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, chùa Ngọc Đới luôn tích cực tham gia vào các phong trào yêu nước chống giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do cho dân tộc. Trước Cách mạng Tháng Tám, chùa Ngọc Đới chính là hậu cứ của nghĩa quân Ba Đình trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp. Cũng theo cuốn Chùa Ngọc Đới lịch sử và di tích, khi vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương (ngày 3 – 7 – 1885), lúc này có tướng Phạm Bành, quê làng Trương Xá, tổng Xuân Trường và em rể là Hoàng Bật Đạt, người làng Bộ Đầu, tổng Du Trường đứng lên hưởng ứng chiếu Cần Vương, chiêu mộ binh lính. Hai anh em lấy làng Ngọc Đới, tổng Chi Nê làm căn cứ địa hoạt động, luyện tập binh sĩ của nghĩa quân. Chùa Ngọc Đới trở thành trung tâm đại bản doanh của nghĩa quân, thường xuyên tổ chức họp tướng lĩnh, bàn bạc các quyết sách quan trọng và là nơi tế cờ trước khi ra Ba Đình – Nga Sơn hợp với quân của Đinh Công Tráng khởi nghĩa. Đặc biệt, từ năm 1937, thời kỳ nhà sư Thích Đàm Lan làm trụ trì, chùa Ngọc Đới đã có công nuôi dưỡng các cán bộ cách mạng về đây hoạt động bí mật. Trong đó có một số nhân vật tiêu biểu như: Đồng chí Lê Tất Đắc, đồng chí Lê Chủ - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, đồng chí Trần Quang Tịch – Trưởng ban Khởi nghĩa Tháng Tám của huyện Hậu Lộc và nhiều đồng chí khác. Chùa Ngọc Đới trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã tích cực tham gia nhiều phong trào giúp sức cho cách mạng: Phong trào lúa khao quân, công trái kháng chiến...

Với những nét đẹp vốn có về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc cùng lịch sử đáng tự hào, năm 1996, chùa Ngọc Đới được Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Thanh Hóa công nhận là di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật. Sau đó, vào năm 2001, chùa đón bằng có công với nước do Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Đây là một vinh dự mà không phải ngôi chùa nào cũng có được. Tuy nhiên, qua sự biến thiên của thời gian, nhiều hạng mục trong chùa Ngọc Đới đã có dấu hiệu xuống cấp, cần được trùng tu, tôn tạo lại. Trao đổi về vấn đề này, ông Mai Văn Quân, Chủ tịch xã Tuy Lộc cho biết: Chùa Ngọc Đới không đơn thuần là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân trong vùng mà hơn hết, chùa còn là nơi lưu giữ được nhiều giá trị to lớn về mặt văn hóa, lịch sử. Chính vì vậy, công tác trùng tu, tôn tạo lại chùa, chúng tôi đặc biệt quan tâm. Ngoài nguồn thu xã hội hóa, chúng tôi cố gắng huy động một phần ngân sách địa phương. Đến thời điểm hiện tại, chùa đã được trùng tu, tôn tạo lại một số hạng mục như: Cổng tam quan, khuôn viên, nhà thờ mẫu... với tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng. Ông Mai Văn Quân cho biết thêm: “Chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị xét công nhận chùa Ngọc Đới là di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia”.


Bài và ảnh: Thảo Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]