(Baothanhhoa.vn) - “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc” là những thú chơi tao nhã, những tục lệ đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt xưa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chơi tranh Tết - thú chơi tao nhã của người Việt

“Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc” là những thú chơi tao nhã, những tục lệ đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt xưa.

Với màu sắc rực rỡ, đề tài phong phú, đường nét độc đáo, những bức tranh dân gian không đơn thuần chỉ dùng để trang trí cho ngôi nhà thêm phần ấm áp, tươi mới và rực rỡ sắc màu của mùa xuân mà còn là không gian văn hóa với những giá trị thẩm mỹ, triết lý xã hội và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Chơi tranh Tết - thú chơi tao nhã của người Việt

Tranh thêu “Thuận buồm xuôi gió” thể hiện ước mong một năm mới may mắn, tài lộc, mọi việc thuận lợi, suôn sẻ.

Không ai có thể xác định chính xác thú chơi tranh của người Việt bắt đầu từ bao giờ. Chỉ biết rằng, từ rất lâu đời, những cư dân Thăng Long xưa và những khu vực rộng lớn của vùng Trung du Bắc Bộ đã có tập tục chơi tranh ngày Tết với các dòng tranh cổ truyền nổi tiếng như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng. Thông thường, sau ngày Tết ông Công, ông Táo (23 – 12 âm lịch), mỗi gia đình thường mua về nhà những bức tranh Tết với hi vọng đón vinh hoa, phú quý về nhà, gỡ tranh cũ xuống, treo tranh mới lên với hàm ý “Tống cựu, nghinh tân”.

Xưa, phần lớn các gia đình nông thôn thường treo các bức tranh dân gian thuộc nhiều đề tài để bày tỏ đồng thời nhiều ước vọng. Ở gian thờ cúng tổ tiên giữa nhà, các gia đình treo tranh mâm ngũ quả, cuốn thư để trên cao, câu đối để hai bên, tạo sự tôn nghiêm. Ngoài cổng, dán hai bức tranh, một bên là ông Tiến tài, bên kia là ông Tiến lộc, khuôn mặt phúc hậu hiền từ trong trang phục kiểu quan văn, tay cầm tấm biển Tiến tài, Tiến lộc với mong muốn đón nhiều tài lành, phúc ấm cho gia chủ.

Có nhà còn dán cặp tranh thần hộ mệnh là những ông tướng nhà trời để xua đuổi ma quỷ, bảo vệ cho gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng. Trong nhà, treo, dán nhiều tranh thuộc dòng tranh dân gian Đông Hồ, như: tranh “Mẹ con đàn gà” và “Mẹ con đàn lợn” thể hiện cảnh sinh hoạt dân dã, với ước vọng gia đình đông vui, hòa thuận, khát vọng sung túc cả năm. Tranh “Vinh Hoa”, “Phú Quý” với cậu bé mũm mĩm ôm gà, ôm vịt tượng trưng cho điềm phúc…

Chơi tranh Tết - thú chơi tao nhã của người Việt

Tranh “Mẹ con con đàn gà” và “Mẹ con đàn lợn”với ước vọng gia đình đông vui, hòa thuận, sung túc, đủ đầy.

Các gia đình ở thành thị thích treo tranh Hàng Trống. Tranh thường được lựa chọn là tranh “Tố nữ” thể hiện vẻ đẹp dịu dàng, mới mẻ và rất thân thuộc giữa con người và thiên nhiên. Tranh “Tứ bình” dân gian, thể hiện ước vọng 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông luôn tràn ngập âm thanh vui tươi. Tranh “Thất đồng” vẽ 7 em bé vui chơi với cây đào tiên đang ra hoa kết trái, thỏa mãn mong ước của con người về một cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc…

Chơi tranh Tết - thú chơi tao nhã của người Việt

Bộ tranh “Tứ bình”dân gian thể hiện ước vọng 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông luôn tràn ngập âm sắc vui tươi.

Ngoài ra, người dân còn treo những bức tranh có đề tài dân dã như bộ Tứ bình vẽ cảnh 4 lớp người lao động trong xã hội gồm Ngư, Tiều, Canh, Mục là những người đánh cá, kiếm củi, làm ruộng, chăn trâu...

Đầu năm mới cũng là dịp mỗi gia đình quét dọn nhà cửa, sửa soạn lại bàn thờ, do vậy các tranh mang đề tài tín ngưỡng cũng được bày bán khá nhiều trong dịp Tết như tranh ông Công, ông Táo. Trong các đền phủ thì các tranh như Tam toà Thánh Mẫu, hay Tứ phủ, tranh vẽ về các ông Hoàng…

Người chơi tranh xưa cũng có thể lựa chọn những bức tranh dân gian của làng tranh Kim Hoàng. Tương tự tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng thể hiện cuộc sống mộc mạc đơn sơ của người nông dân như trâu, bò, gà, lợn, đời sống làng quê, cảnh ngày Tết...

Bên cạnh những bức tranh Tết mang đậm sắc thái văn hoá, lịch sử, tâm linh, mọi người còn dành vị trí trang trọng trong không gian ngôi nhà để đón chào năm mới bằng những bức vẽ hình con giáp đại diện cho năm. Vào năm Sửu người ta có thể chọn những bức như “Chăn trâu thả diều”, “Chăn trâu thổi sáo” của dòng tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh). Đây là những tranh có nội dung và hình thức đẹp thuần tuý, mộc mạc, phản ánh nét sinh hoạt lao động của người nông dân trong khung cảnh thanh bình, yên ả cùng những ước mơ bình dị nhưng bay cao. Vào năm Hợi, người chơi tranh thường chọn tranh "lợn đàn" với ước nguyện về một cuộc sống no đủ, sung túc. Ngoài ý nghĩa tình mẫu tử, tình cảm mẹ con ở bức tranh còn mang ý nghĩa của sự sinh sôi nảy nở, con cháu đầy đàn (quy luật sinh tồn của tín ngưỡng phồn thực) và sự hòa hợp âm dương để cùng phát triển.

Chơi tranh Tết - thú chơi tao nhã của người Việt

Tranh “Chăn trâu thổi sáo” thể hiện nét sinh hoạt, lao động của người nông dân trong khung cảnh thanh bình, yên ả cùng những ước mơ bình dị.

Cùng với những thăng trầm của lịch sử, có dòng tranh phát triển mạnh mẽ nhưng cũng có những dòng tranh theo thời gian mai một đi, giờ chỉ còn trong ký ức. Tranh dân gian không còn ở thời kỳ cực thịnh và không còn chiếm vị trí độc tôn như xưa. Theo đó, thú chơi tranh dân gian cũng có phần bị mai một. Các tranh in sẵn ràn ngập thị trường với nhiều mức giá, phù hợp với mọi đối tượng. Bên cạnh đó, thị hiếu cũng theo thời gian mà thay đổi đã làm cho dòng tranh dân gian về Tết dần mất chỗ đứng. Có một khoảng thời gian, những người hoài cổ, các nhà văn hóa đã lo lắng mất đi dòng tranh này, mất đi một thú chơi tao nhã của người Việt.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, thú chơi tranh vào dịp Tết có xu hướng quay trở lại. Tuy rằng không còn được sôi động và phổ biến như trước, song cũng đã đủ chứng minh nét đẹp truyền thống đã ăn sâu và trở thành một tập quán đẹp trong tâm thức của người dân đất Việt.

Nay, người chơi tranh thay vì sưu tầm những bức tranh dân gian nổi tiếng, như: Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng… thì chuyển sang chơi một số dòng tranh đang thịnh hành: tranh gốm sứ, tranh đồng, tranh thêu, tranh khảm trai, tranh chạm khắc gỗ, tranh đá quý… Hình thức, chất liệu tranh ngày nay có thể đổi mới nhưng vẫn dựa trên những đề tài của tranh dân gian xưa. Sự chuyển đổi này không làm mất đi vẻ đẹp của tranh dân gian truyền thống mà còn tạo cho chúng một hơi thở mới, một sức sống mới.

Chơi tranh Tết - thú chơi tao nhã của người Việt

Hình thức, chất liệu tranh ngày nay có sự đổi mới những vẫn dựa trên những đề tài của tranh dân gian xưa.

Treo tranh Tết là phong tục đẹp của ông cha ta. Cho dù cuộc sống có khó khăn hay đã đủ đầy thì phong tục truyền thống này vẫn được gìn giữ, như một sự khẳng định sức mạnh trường tồn của bản sắc văn hóa dân tộc mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Lê Tình


Lê Tình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]