(Baothanhhoa.vn) - Được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” (NNƯT), đó là niềm vinh dự, tự hào, cũng là niềm động viên to lớn đối với những người nắm giữ hồn cốt của làng, xã. Niềm vui ấy càng được nhân lên khi chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân (NNND), NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được thực thi. Đây sẽ là động lực khích lệ những “báu vật sống” tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ cho việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân – tiếp lửa tình yêu di sản

Được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” (NNƯT), đó là niềm vinh dự, tự hào, cũng là niềm động viên to lớn đối với những người nắm giữ hồn cốt của làng, xã. Niềm vui ấy càng được nhân lên khi chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân (NNND), NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được thực thi. Đây sẽ là động lực khích lệ những “báu vật sống” tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ cho việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đã hơn tuổi 90 nhưng nghệ nhân Lê Thị Dòn và Nguyễn Duy Giăng, xã Đông Anh (Đông Sơn) vẫn miệt mài với những làn điệu, trò diễn dân ca.

Nuôi dưỡng đam mê

Các nghệ nhân có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc gìn giữ, trao truyền những giá trị và bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc. Họ là những người “giữ lửa” và “tiếp lửa” cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương, chính họ là những người hiểu tâm tư, ước vọng, truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào và dân tộc mình.

Việc phong tặng danh hiệu NNƯT có ý nghĩa quan trọng, không chỉ là sự ghi nhận, đánh giá cao đối với những đóng góp to lớn của các nghệ nhân mà còn cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những con người tài năng và tâm huyết đối với văn hóa dân tộc. Hiện những người được gọi là nghệ nhân phần lớn đã cao tuổi, cuộc sống phụ thuộc vào gia đình. Nhưng dù cho kinh tế khá giả hay khó khăn, nhiều nghệ nhân vẫn dành thời gian để đóng góp và cống hiến bằng tất cả niềm đam mê của mình. Chính sách đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân của Nhà nước được thực hiện, ngọn lửa đam mê trong những “báu vật sống” ấy càng “bùng cháy” lên hơn bao giờ hết.

Dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng nghệ nhân Tô Quốc Phương, làng Phượng Mao, xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa vẫn dành trọn tình yêu cho tiếng trống chèo, những làn điệu hát xẩm, hát văn... Tình yêu ấy chưa bao giờ phai nhạt, nó đã thấm vào máu thịt của cụ. Khi chưa lên 10, cụ Phương đã say mê lối hát, lối diễn của các bậc thầy, thế hệ đàn anh. Rồi cụ theo gánh hát của làng đi diễn ở nhiều nơi, từ huyện, tỉnh, khu vực đến toàn quốc. Cả 4 lần tham gia hội diễn văn nghệ toàn quốc thì cả 4 lần cụ đều đoạt huy chương vàng. Với mong muốn các thế hệ trẻ làng Phượng Mao phải giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống đó nên bao nhiêu năm qua chưa bao giờ cụ toan tính thiệt hơn khi nỗ lực “giữ lửa” cho dân làng.

Cụ Tô Quốc Phương tâm sự: “Sau danh hiệu NNƯT, lại được hưởng chế độ, chính sách dành cho nghệ nhân, tôi vui lắm! Đây là nguồn động viên tinh thần cho nghệ nhân chúng tôi. Cảm ơn Đảng, Nhà nước vì những chính sách thiết thực này!”.

Cũng như cụ Phương, gần cái tuổi “thất thập” nhưng tiếng “lới lơ...”, “í a...” của cụ Nguyễn Thị Oanh vẫn làm nghiêng ngả mái đình làng Phượng Mao. Cụ cũng không biết chính xác những làn điệu chèo đó có từ bao giờ nhưng mỗi khi tiếng trống chèo vang lên, cụ lại say sưa cất tiếng hát. Lòng nhiệt thành, tâm huyết của cụ không chỉ làm xúc động giới nghệ sĩ, không chỉ thu hút những người nông dân tảo tần, chân lấm, tay bùn, mà đến thế hệ thanh, thiếu niên cũng phải... cảm phục. Không chỉ tham gia trình diễn, cụ còn tận tình truyền dạy những làn điệu chèo cổ, chèo mới cho các bạn trẻ trong làng, trong huyện.

Cụ Oanh chia sẻ: “Nếu một ngày không được hát một làn điệu chèo, hay chưa được nghe hát chèo, thì đó chưa phải là một ngày trọn vẹn. Hầu hết các nghệ nhân chúng tôi đều có thu nhập thấp, chủ yếu là từ lúa, ngô, khoai, sắn... Nếu tất cả các nghệ nhân đều được thụ hưởng chính sách của Nhà nước thì niềm vui sẽ trọn vẹn hơn nhiều”.

Tại thôn Trung Tây, xã Hoằng Phú, nghệ nhân Lê Minh Thiết, hơn 70 tuổi đã có gần 60 năm gắn bó với trống hội và tuồng cổ. Trước thực tế bộ môn nghệ thuật này đang dần mai một, năm 2002 cụ Thiết đã cùng những người yêu tuồng, mê tiếng trống hội làng Phú Khê tập hợp thành lập Câu lạc bộ tuồng và trống hội cung đình Phú Khê.

Cụ Thiết cho biết: “Được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNƯT, lại được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 109 của Chính phủ tôi cảm thấy rất vui và tự hào, vì từ đây, đội ngũ nghệ nhân dân gian có một danh hiệu chính thức. Chúng tôi nguyện sẽ tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa của dân tộc để xứng đáng với danh hiệu cao quý đã được Nhà nước trao tặng”.

Không chỉ riêng gì cụ Phương, cụ Thiết, cụ Oanh... mà là tâm sự chung của tất cả các nghệ nhân khi nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.

Gián đoạn tiền hỗ trợ

Sau khi Nghị định 109 ra đời, cụ Lê Thị Dòn (91 tuổi), xã Đông Anh, huyện Đông Sơn đang được hưởng chế độ bảo trợ xã hội, tỉnh đã nhanh chóng rà soát và có quyết định hưởng chính sách hỗ trợ dành cho các nghệ nhân. Nhưng sau 3 tháng nhận tiền hỗ trợ theo Nghị định 109 với mức 1.000.000 đồng/người/tháng, tháng 9-2017 cụ Dòn bỗng nhiên bị cắt mà không hiểu lý do.

Trao đổi với chúng tôi, cụ Lê Thị Dòn, bức xúc: “Không hiểu tại sao từ tháng 9-2017 đến giờ tôi không được hưởng một đồng trợ cấp nào. Tôi nhờ đứa cháu xuống huyện hỏi hộ thì họ bảo chưa có kinh phí. Giờ tôi không còn sức khỏe để làm việc nữa, lâu nay vẫn sống nhờ vào tiền hỗ trợ. Ở cái tuổi “gần đất xa trời” nếu không cho tôi hưởng chế độ này thì phải trả lại chế độ kia cho tôi, đằng này...”, cụ Dòn nói.

Lý giải về vấn đề trên, trưa ngày 18-6 bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đông Sơn, xác nhận: Chế đô, chính sách của cụ Dòn bị cắt từ tháng 9-2017 đến nay là có thật. “Tôi cũng không hiểu lý do gì mà tiền trợ cấp của cụ Dòn bị cắt. Dù tháng nào phòng lao động – thương binh và xã hội cũng làm tờ trình đề nghị lên phòng tài chính cấp kinh phí nhưng vẫn không được duyệt. Tính đến nay đã 10 tháng trôi qua cụ Dòn không được nhận tiền hỗ trợ”, bà Huyền cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi Nghị định 109 được thực thi, chế độ hỗ trợ của các nghệ nhân chưa bao giờ bị gián đoạn, hàng tháng vẫn được chi trả bình thường. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, đến ngày 20-6-2018, huyện Đông Sơn vẫn chưa chi trả chế độ trợ cấp theo Nghị định 109 cho cụ Lê Thị Dòn!?

Vẫn còn những... trăn trở

Ông Lê Văn Lộc, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Hoằng Hóa, cho biết: Ở huyện Hoằng Hóa, có 3 nghệ nhân được công nhận NNƯT đợt 1 thì tất cả đều đủ điều kiện hưởng trợ cấp ở mức 1 triệu đồng/người/tháng. Có thể nói, đây là động lực khuyến khích nghệ nhân tiếp tục cống hiến sức lực của mình cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống. Tôi rất mong Đảng, Nhà nước có thể tăng mức hỗ trợ lên bằng mức lương cơ bản hoặc cao hơn cho các nghệ nhân”, ông Lộc nói.

Ông Triệu Huy Tạo, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, cho biết: “Quy định mức hỗ trợ mức cố định như vậy là bất cập vì khi tiền lương thay đổi, chế độ hỗ trợ cũng phải thay đổi nhưng chờ được hướng dẫn thì rất lâu, trong khi phần lớn các nghệ nhân đều tuổi đã cao, sức yếu”.

Sau khi Nghị định 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ đối với NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được ban hành, ngày 24-5-2017 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn (CV) số 5614/UBND-VX về việc triển khai Nghị định 109/2015 NĐ-CP; ngày 30-5-2017, trên danh sách các nghệ nhân mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cung cấp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng có CV số 1691/HD-SLĐTBXH “Hướng dẫn thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với NNND, NNƯT có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” gửi lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố. Sau khi kiểm tra, rà soát toàn tỉnh đã có 8/18 nghệ nhân được hưởng chính sách hỗ trợ.

Nghị định 109/2015/NĐ-CP ngày 28-10-2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016) quy định trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng đối với NNND, NNƯT có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, áp dụng cụ thể với các trường hợp như: Có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở do Chính phủ quy định (tại thời điểm ban hành nghị định là 1.150.000 đồng) và nằm trong độ tuổi từ 55 tuổi trở lên đối với nữ và đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng; người mắc một trong các bệnh cần chữa trị dài ngày theo danh mục của Bộ Y tế quy định. Mức áp dụng hỗ trợ là 700.000 đồng - 800.000 đồng và 1.000.000 đồng đối với từng đối tượng. Bên cạnh đó, nghệ nhân còn được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế với mức đóng như đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và hỗ trợ chi phí mai táng.


Bài và ảnh: Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]