(Baothanhhoa.vn) - Khi hoa đào nhú lên những nụ hồng phơn phớt là lúc lòng người như có tiếng gọi từ tiên tổ: “Tết đến, về chạp họ thôi!”. Đây là dịp để con cháu, anh em trong họ đoàn tụ, tri ân các thế hệ đi trước. Đồng thời, giáo dục con cháu truyền thống gia đình, họ tộc...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chạp họ ngày cuối năm: Phong tục đẹp của làng quê Việt

Khi hoa đào nhú lên những nụ hồng phơn phớt là lúc lòng người như có tiếng gọi từ tiên tổ: “Tết đến, về chạp họ thôi!”. Đây là dịp để con cháu, anh em trong họ đoàn tụ, tri ân các thế hệ đi trước. Đồng thời, giáo dục con cháu truyền thống gia đình, họ tộc...

Chạp họ ngày cuối năm: Phong tục đẹp của làng quê Việt

Ông Hoàng Huy Cận thắp hương trên bàn thờ mộ tổ.

Hướng về cội nguồn

Đang làm việc, tôi nhận được điện thoại của bố: “Alô, con à, 21 tháng này tranh thủ sắp xếp thời gian về nhà chạp họ con nhé”. Bố tôi là vậy, cẩn thận, chu đáo từ những việc nhỏ nhất. Nhờ thế mà năm nào con cháu cũng đều nhớ ngày để trở về. Ngày trước, chỉ những gia đình nội tộc trong họ có đinh (con trai) thì mới được tham gia, nhưng nay thì mở rộng cho cả phụ nữ lấy chồng về họ. Về làm dâu dòng họ Hoàng Đức, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) đã gần 2 năm, sau lần lỡ hẹn với ngày chạp họ của dòng tộc năm ngoái, năm nay vợ chồng tôi cố gắng thu xếp công việc để về quê dự chạp. Cuộc sống với bao bộn bề lo toan, chúng tôi vẫn muốn bản thân làm tròn nghĩa vụ của phận con cháu.

Ngày chạp họ, từ tờ mờ sáng, tất cả con cháu trong họ tề tựu tại từ đường (nhà thờ họ) lo sắp xếp bàn ghế, chè nước. Các bà, các mẹ dậy sớm tất bật chuẩn bị mâm cỗ cho lễ cúng tổ tiên thật đầy đặn, nghiêm cẩn. Các cụ cao niên mặc áo the, khăn xếp chỉnh tề dẫn con cháu đến mộ ông tổ họ và mộ các cụ chi dưới đó để tảo mộ, dâng hương khấn vái (còn gọi là chạp mả). Những đứa trẻ ở xa về đúng dịp cũng hồ hởi đi “quét mộ”. Dù bọn trẻ chưa giúp được gì nhiều nhưng đây là dịp để người lớn giới thiệu về phần mộ của tổ tiên; giải thích cho trẻ con về phong tục ngày tết; để con cháu thể hiện lòng kính trọng, tưởng nhớ về những người đã khuất. Những cái chắp tay, vái lạy của các con còn vụng về, cây nhang do các con cắm cũng chưa thẳng khóm nhưng lòng các con đã có một cái tết trọn vẹn.

Đứng trước “anh linh tiên liệt”, ông Hoàng Thành Đồng, đại diện con cháu trong họ thắp nén nhang, xin phép linh hồn tổ tiên để được sửa sang “căn nhà” của các cụ cho mới mẻ, trước khi tết đến. Sau đó, ông mới khéo léo, tỉ mỉ lau dọn từng ngóc ngách, bệ đá. Mấy cô, mấy chị dặm lại cụm cây hoa cúc trồng giữa mộ phần cho gọn gàng, chắc chắc. Cây bồ đề, cây đa um tùm tỏa bóng mát cho khu vực mộ tổ ở vị trí khác cũng được các thanh niên trong họ cẩn thận tỉa cành, cắt rễ để không làm ảnh hưởng đến phần mộ của những dòng họ, gia đình khác kề bên. “Năm mới sắp đến. Tất cả mọi thứ đều phải được chuẩn bị tươm tất, phải chăm sóc sửa sang phần mộ tiên tổ để người đã khuất cũng được ăn tết như người sống” – ông Đồng chia sẻ.

Cũng trong dịp này, các cụ cao niên trong họ giới thiệu một cách dễ hiểu cho con cháu về vai vế, công trạng, đức tính... từng người nằm dưới mồ. Anh Hoàng Đức Tý chia sẻ: “Nếu không có dịp chạp mộ, có lẽ nhiều thế hệ con cháu sau này chẳng thể nào biết hết được vị trí mồ mả của ông bà, tổ tiên trong dòng họ để mà tìm về thể hiện lòng tri ân, tưởng nhớ”.

Chạp mộ xong, tất cả con cháu tập trung tại từ đường. Ông Hoàng Đức Hoan, trưởng dòng họ Hoàng Đức, đặt mâm cỗ cúng với đầy đủ các món ăn truyền thống cùng nhang đèn, hoa quả lên bàn thờ, rót rượu, thắp hương khấn mời tổ tiên về chứng giám; tiếp đến, tuần tự theo thứ bậc trong họ thắp nhang, chắp tay khấn vái. Kể từ lúc này, hương trầm trên ban thờ lúc nào cũng sáng đỏ, ngát mùi hương, không khi nào được tắt.

Giữa không khí đầm ấm và thiêng liêng, ông Hoàng Huy Cận, chủ tịch hội đồng gia tộc, ôn lại truyền thống, gia phong của dòng tộc, khuyên dạy con cháu tích cực phấn đấu trong học tập và lao động; nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xứng đáng với truyền thống ông cha đã vun đắp, xây dựng. Đồng thời công khai các khoản thu, chi của họ trong một năm qua, thông báo rành mạch về những việc đã làm và rút kinh nghiệm những việc họ chưa làm được. Từ việc đóng góp xây dựng sửa chữa mồ mả, nhà thờ họ cho đến các việc liên quan với tộc họ và những sự kiện trong năm, như: Con cháu học hành, đỗ đạt, chi nào sinh thêm con, thêm cháu hoặc lập gia đình... Tiếp đến, nêu lên những dự định sẽ thực hiện trong năm mới...

Cần gìn giữ và phát huy

Trong đời sống hiện nay có quá nhiều mối lo toan và ai cũng phải căng sức để lao động. Vì vậy mỗi người cần phải tạo ra sự cân bằng, tĩnh tại. Và ngôi nhà ở quê, nhà thờ của dòng họ là địa chỉ tâm linh, gần gũi nhất để cho họ trở về. Nhờ có những lần họp họ mà anh trên, em dưới mới có dịp nhận ra nhau, quan hệ họ hàng, dòng tộc ngày thêm gắn bó.

Rõ ràng, ngày chạp họ không chỉ mang ý nghĩa xây dựng tinh thần đoàn kết keo sơn trong tộc họ mà còn mang nét đẹp mới có ý nghĩa xã hội, đó là xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, góp phần nâng cao dân trí, đóng góp nhân tài cho đất nước. Ông Hoàng Huy Cận cho biết: “Dòng họ Hoàng Đức đã trải qua 19 đời thế tôn và luôn duy trì những nền nếp tốt đẹp từ cha ông để lại nên gia tộc không ngừng “nở cành xanh ngọn”. Đến nay, gia tộc có 21 thạc sĩ. Mỗi năm, gia tộc có hàng chục cháu trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Không ít gia đình làm ăn kinh tế giỏi, góp phần xây dựng dòng họ, quê hương ngày càng phát triển. Đặc biệt, dòng họ Hoàng Đức là dòng họ đầu tiên của xã Ngư Lộc thành lập ban khuyến học”.

Trong bối cảnh của sự giao thoa văn hóa hiện nay, xu hướng mất gốc đang là nguy cơ, đặc biệt đối với một bộ phận lớp trẻ, thì việc duy trì văn hóa dòng họ có ý nghĩa lớn chống lại nguy cơ đó. “Khi giỗ tổ hoặc tết đến, đứng trước bàn thờ tổ tiên trong nhà thờ của dòng họ, ai cũng cảm nhận sự linh thiêng của quan hệ huyết thống, thấm thía hơn câu nói “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Một chiếc bánh chưng xanh cắt làm 8 miếng, sẻ chia cho 8 người ai cũng thấy đoàn kết và hạnh phúc nhường nào. Người ta vẫn bảo, dân có giàu nước mới mạnh, làng còn thì nước còn. Vì vậy, mỗi người phải có ý thức tốt về dòng họ của mình, có như vậy mới có ý thức tốt về dân tộc, đất nước. Vì vậy khi bản thân đã là một phần trong dòng họ thì mình phải có trách nhiệm về dòng họ của mình, phải nhớ tới tổ tiên mình là ai, giỗ chạp vào ngày nào” - ông Cận nói thêm.

Thấm nhuần tư tưởng trên, ông Hoàng Biên Cương, một người con dòng họ Hoàng Đức chia sẻ: “Tôi vẫn thường nói với vợ con tôi rằng, chúng ta nên dành thời gian về quê, thắp hương tại nhà thờ của dòng họ vừa để xin lộc tổ tiên vừa để con cái có ý thức dòng họ gia đình hơn. Muốn biết người khác thế nào, muốn hội nhập cuộc sống, điều trước hết cần biết mình là ai, mình từ đâu đến trước đã”.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]