(Baothanhhoa.vn) - Cây chè hoang quen sống lang thang vô định nơi sườn núi ven sông suối, đánh bạn với gió núi mây ngàn, bỗng chốc theo người “hạ sơn” kết duyên cùng đất đồi Sánh – Lược. Ở đây mưa nắng thất thường, mùa hè có khi nắng táp, mùa thu không ít mưa dầm. Về thổ nhưỡng cũng không đều, chỗ này giàu kali, nơi kia lắm mùn hữu cơ feralitphat, nhưng đồi thấp nói chung dễ bị rửa trôi như chỉ khoác trên mình tấm áo mỏng chịu sao nổi gió mưa. Phổ biến đồi thấp Yên Lược kết vón đá ong ở tầng trên hoặc tầng dưới, phản ứng chua PH kali từ 10,0 – 5,2, hàm lượng mùn nghèo... như dãy đồi thấp tiếp nối Yên Trường, Phúc Bồi, Phúc Địa...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cây chè Thanh Hóa và giống chè ngon Yên Lược (Bài cuối)

Cây chè hoang quen sống lang thang vô định nơi sườn núi ven sông suối, đánh bạn với gió núi mây ngàn, bỗng chốc theo người “hạ sơn” kết duyên cùng đất đồi Sánh – Lược. Ở đây mưa nắng thất thường, mùa hè có khi nắng táp, mùa thu không ít mưa dầm. Về thổ nhưỡng cũng không đều, chỗ này giàu kali, nơi kia lắm mùn hữu cơ feralitphat, nhưng đồi thấp nói chung dễ bị rửa trôi như chỉ khoác trên mình tấm áo mỏng chịu sao nổi gió mưa. Phổ biến đồi thấp Yên Lược kết vón đá ong ở tầng trên hoặc tầng dưới, phản ứng chua PH kali từ 10,0 – 5,2, hàm lượng mùn nghèo... như dãy đồi thấp tiếp nối Yên Trường, Phúc Bồi, Phúc Địa...

Nói chung Thanh Hóa có nhiều giống chè, nổi tiếng nhất vẫn là chè Yên Lược.

Chè Lược hay chè Sánh Lược, chè Yên Lược xuất xứ từ đâu?

Theo tài liệu đạo Gia Tô (Địa chí Thọ Xuân), Vua Lê Thế tông nhà Lê Trung hưng có cô công chúa Mai Hoa tên dân gian Ngọc Hoa được một giáo sĩ Tây Ban Nha đến vùng Yên Trường – Vạn Lại truyền đạo, đã được làm lễ rửa tội và đặt tên thánh là Flora Maria Mai Hoa. Mối tình dần dần nảy nở giữa Mai Hoa và giáo sĩ nhưng duyên trời không xe kết vì luật lệ khắc nghiệt của giáo hội cấm cha cố không được lấy vợ. Công chúa Mai Hoa thất tình, nguyện suốt đời không yêu ai, không lấy ai. Giáo sĩ Tây Ban Nha khuyên Maria Mai Hoa tuyên truyền, vận động một số người nghèo lập nên xóm đạo ở xã Phúc Lập hướng dẫn họ trồng cây chè trên miền đồi thấp Sánh – Lược. Vì thế dân gian tôn gọi công chúa là Bà Chúa Chè.

Rất khó xác định sự tích Bà Chúa Chè đúng, sai thế nào, thật giả đến đâu, chỉ biết rừng núi trung du nước ta, tỉnh ta vốn xưa không thiếu cây chè mọc hoang, tên khoa học Camellia sinensis O. Kuntze thuộc họ chè. Giống chè ấy gặp gỡ miền đồi Yên Lược, Thọ Xuân quả là “đôi ta duyên phận phải chiều, dây tơ hồng vấn vít, sợi chỉ điều khéo xe săn...” như lời một bài hát chèo cổ (Duyên phận phải chiều). Chè Yên Lược đầu tiên hái lá bán chợ Sánh, chợ Lược quê nhà, bên cạnh các thứ hàng hóa lâm sản, thổ sản mang tính tự cung tự cấp. Rồi chè Sánh, chè Lược lên chợ Đầm, xuống chợ Mía, đi chợ Bái Thượng, chợ Thịnh Mỹ... Sông Lương uốn khúc bên làng, tạo thành bến bãi. Thuyền gỗ, thuyền nan, cả đò dọc đò ngang, qua lại, ngược xuôi đưa người và hàng hóa giao thương, tạo điều kiện cho Sánh, Lược mở rộng tầm mắt. Chè xanh đất An Lạc Châu xưa (gọi tắt là chè Lược) ngày nào cũng xuống đồi đi khắp chợ gần đến chợ xa. Từ gà gáy, cô hàng chè đã kĩu kịt trên vai, nhún nhảy đôi bồ, bàn chân họ vốn quen buôn vai gánh vã. Hình ảnh cô hàng chè xanh Sánh Lược đi sớm về khuya in sâu trong lòng anh lái đò Lương Giang (sông Chu) vừa chống vừa chèo cũng thức khuya dậy sớm. Tâm tình anh gửi vào tiếng hò cao vút, theo sóng nước lan xa, lan xa:

- Một ngày mấy bận đò giang

Đêm nằm tơ tưởng o hàng chè xanh

- Một mình vừa chống vừa chèo

Lấy ai bẻ lái kéo lèo cho anh?

Tiếng hò đưa đẩy những cô hàng chè Yên Lược mang chè Lược đi xa hơn, giục giã đất An Lạc Châu mở mang thêm diện tích, khai phá những vùng đồi cổ tích: Mã Sặt, Nước Gáo, Chùa Mõ, Vườn Quan, Ông Điều... vốn xưa ngày ngày kêu vang tiếng chim “gia gia”, nước tuy mất nhà vẫn còn, cây chè xanh không chết, tụ họp về đây trên đồi Yên Lược, nhờ bàn tay người chăm sóc càng mượt mà búp non lộc biếc. Những bàn tay lao động cần cù thô ráp mà khéo léo đưa ngón tay nhanh thoăn thoắt vin cành hái lá, như gẩy đàn, bật lên thanh âm rì rào, lách cách bản hợp tấu xanh mượt màu gió nắng, nghe vui tai lạ. Những bàn tay đàn bà, con gái ban ngày hái chè, ban đêm sửa soạn hàng để gà gáy đưa hàng đi chợ xa. Những o hàng chè, áo nâu, váy phủ kín đầu gối, đôi dải thắt lưng bỏ mối đằng trước đung đưa, gợi mở khiến anh trai đò nào cũng rung động. Làng đồi, đất ruộng nhưng tấm áo vá chiêm khê mùa thối, cây chè đồi làm sáng bừng lên sức sống mới. Cô gái làng đồi chín đỏ đôi má hồng cất giọng vang xa gọi đò. Anh trai đò đang giấc say bật dậy, không biết giờ này nước sông Lương lên hay xuống, có những lúc cây sào chống uốn cong như ngọn tre mà đò cứ nặng rù rì, nhưng nghĩ đến o hàng chè làng đồi lại tăng sức mạnh, gò lưng tôm, lướt sóng băng băng.

Cuối thế kỷ XIX, nghề buôn bán mở mang đưa bàn chân chai sạn người Sánh Lược dần dần thoát cảnh buôn vai gánh vã. Thị xã Thanh Hóa thành lập, chợ tỉnh Thanh mở ra, tiếng đồn quán xá đông vui, kẻ bán mua tấp nập, trăm thức của ngon vật lạ, “chè xanh xuống biển, cá tươi lên ngàn”. Cô hàng chè Lược mạnh bạo bước chân từ đồi Yên Lược xuống sạp thuyền ván đò dọc. Đò xuôi dòng Lương Giang suốt đêm cùng tiếng hò hát “dô tả dô tà” điểm nhịp tiếng sóng vỗ ru hồn người vào giấc ngủ chập chờn cánh bướm bay. Con thuyền ván khi giương buồm, lúc chèo lái, rạng sáng đến bến Nam Ngạn, phải gánh bộ chỉ một quãng đường ngắn đến chợ tỉnh. O hàng chè ngồi nhờ bên góc lều hàng nước, đặt bồ hàng xuống, hạ chiếc đòn gánh tre lên màu cánh nhán làm ghế. O mang sẵn giành to, giành nhỏ, ai mua nhiều bán nhiều, mua ít bán ít, mua một vài xu lẻ cũng bốc. Những ngày đầu bán mua thưa thớt, về sau khách đông dần, dân đồng bằng duyên hải, mới quen mùi vị chè đồi Sánh Lược.

Đặc điểm chè xanh Yên Lược lá nhỏ, dày, sắc xanh tươi phơn phớt màu vàng nhạt. Người bán hàng khéo tay đến kỳ lạ xếp lá dựng đứng trong bồ, khi bốc ra không gẫy, không dập, ráo nước, để vài ba ngày vẫn tươi nguyên. Chè này khi dùng, vò sơ hay nát, bỏ vào nước ấm đất, đun sôi, nếu không có thay bằng nước máy, nồi nhôm cũng được. Rót nước ra bát to hay cốc lớn, khói thơm phức, làn khói mỏng tang bay là là mặt nước, uống nóng nóng, nhất là vừa thổi phù phù vừa uống như húp cả khói sương vào miệng. Uống chè xanh nhiều thành nghiện, một thú vui, phong vị làng quê.

Khi chè xanh Yên Lược dần dà quen khách, xa gần tín nhiệm, phong vị hơn hẳn các loại chè quê khác, trở thành một thương hiệu “chè Lược”, chính quyền cai trị thấy đây là mối lợi, phải thu thuế, nếu không thuế môn bài thì thuế hàng chuyến. Ấy là chưa kể thuế lều quán, thuế chỗ ngồi, thuế quét chợ, thuế vào cửa... Chè bán càng mạnh, mức thuế càng cao. Một bài phú dự thi đề tài “Hội chợ Thanh Hóa” đã viết:

Đánh thuế chè mà sắc mặt cô hàng chè xanh

xao,

Thúc thuế muối mà đầu tóc ông hàng muối bạc

trắng!

Bài “Phú dự thi” được ban tổ chức chấm giải nhất nhưng không ai nhận tên tác giả, vì sợ chính quyền Pháp cai trị theo dõi trả thù. Chính sách thuế của họ nặng nề, co dãn như dây cao su có thể kéo dài vô tận trên tấm lưng trần của người dân Việt.

Dù sao bà con Yên Lược vẫn phải phơi tấm lưng trần trên đồi núi An Lạc Châu và các o hàng chè đêm đêm vẫn theo tiếng hò đò dọc để sáng hôm sau có mặt tại phiên chợ tỉnh cung cấp loại chè ngon cho khách hàng. Trong khi đó, người ở nhà đội thúng đeo bế lên đồi, những đồi Gáo, Ông Điều, Mã Sặt... đã xa vời tiếng kêu “gia gia”, để chiều về đủ chè cho người đi chợ xa.

Khi có thêm phương tiện giao thông máy móc, chè Lược lên nóc ô tô, vào khoang tàu hỏa đi xa hơn chợ tỉnh Thanh để “trẩy” ra Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng... Cầu càng nhiều, cung phải càng tăng, chè Lược bước sang thời hoàng kim với thương hiệu nổi tiếng “Chè Hương Lược” xứ Thanh.

Kháng chiến toàn quốc, máy bay địch bắn phá vùng hậu phương Thanh Hóa, chợ búa di dời, trường học sơ tán, ô tô không còn đường, tàu hỏa ngừng chạy, những thanh ray hóa thành đao kiếm, vũ khí giết giặc của dân quân du kích... Bốn mươi ha chè cũng đứng xơ xác trên đồi Yên Lược vì không nơi tiêu thụ. Tuy nhiên, không khí kháng chiến nhộn nhịp đông vui chưa từng thấy. Cán bộ, bộ đội, học sinh, đồng bào tản cư, người khu 4 ra, khu 3 vào cứ đông nườm nượp, Thanh Hóa trở thành nơi tập trung, những địa điểm Cầu Bố, Rừng Thông, Cầu Quan, Hậu Hiền, Cầu Kè, Cốc Thuận... vẫn sống ngang nhiên dưới con mắt cú vọ, những họng súng của tàu bay “bà già”... Hàng quán mọc lên tiêu thụ đáng kể lượng chè xanh Yên Lược. Người An Lạc Châu sản xuất chè khô gói hình hộp vuông vắn xinh xắn đẹp mắt in nhãn hiệu “Chè Hương Lược” để phục vụ bộ đội, cán bộ, học sinh và nhiều đối tượng khác tiện bỏ ba lô, túi dết mang đi xa, hoặc ra chiến trường, hoặc đi công tác...

Chè Hương Lược, ta ngửi bên ngoài đã thấy mùi thơm, pha nước vẫn giữ sắc xanh xanh, mùi vị tỏa hương đặc trưung đầy hấp dẫn. Thời bấy giờ, nếu ai đã từng được nhắp chén chè Hương Lược, nhấm nháp với chè Lam Phủ Quảng (Vĩnh Lộc) chắc chắn suốt đời chẳng quên.

Thời kỳ xây dựng hòa bình, “ông hoàng Mía” lên ngôi thay thế “bà chúa Chè” xanh đồi Yên Lược, bởi lợi nhuận kinh tế. Chúng ta được thưởng thức nhiều loại chè từ hạ cấp đến thượng cấp, chủ yếu vẫn chế biến từ giống chè Thái Nguyên, Hà Giang,... Gần đây xuất hiện nổi tiếng “Trà Ô Long” giống gốc từ nước ngoài du nhập Tây Nguyên, Đà Lạt, rồi tiến công ồ ạt ra Bắc. Nguyên chữ “Ô Long” đã nói rõ giống chè này ở Trung Quốc miền Giang Nam. Ở Trung Quốc thời phong kiến đã nổi tiếng “Thập đại danh trà”. Những tên trà rất nổi tiếng này phần nhiều đặt theo địa danh, một số mang câu chuyện lịch sử, như chuyện vua Càn Long nhà Thanh đi chơi vùng Giang Nam (Trung Quốc) vi hành đến Triết Giang được thưởng thức thứ trà ngon tuyệt vời, vì thế có tên Trà Long Tỉnh. Đến vua Khang Hy cũng vậy. Ở nước ta gần đây xuất hiện ngày càng nhiều trà “Ô Long”, trước tiên là Ô Long Hoàng Mai, Ô Long Tâm Châu, sau xuất hiện hàng loạt các loại Ô Long ướp hoa. Lại có cả Ô Long “nhúng” của Thái Nguyên... đều đóng hộp cứng, công phu như Ô Long Hà Linh, Ô Long Mộc Châu,... chỉ riêng phần chất lượng, nếu không kém cũng không được những người tiêu dùng đánh giá cao. Theo khẩu vị cá nhân, sau thời gian thưởng thức các loại “danh trà” tôi cho trà Ô Long Tâm Châu đáng gọi là “Danh trà Ô Long Việt” dẫu rằng khẩu vị chưa được đậm, so với đại danh trà Thiết Quan Âm cũng tám lạng nửa cân thôi.

Sau thời gian chè Yên Lược vắng bóng nay có thể lại trở về đồi thấp An Lạc Châu vì “ông Hoàng” không còn được hâm mộ như “xưa”, chúng ta cần khôi phục thứ “đại danh” này với thương hiệu “Chè Hương Lược” của thời kháng chiến trường kỳ...

Gần đây báo “Sức khỏe và Đời sống” của Bộ Y tế số 945 công bố kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới: Trong lá chè có hàng nghìn hoạt chất hóa học tác dụng tốt cho sức khỏe và công dụng chữa bệnh cho con người. Thành phần lá chè chứa tới 20% tanin có tác dụng làm săn da, sát khuẩn mạnh. Ngoài ra còn chất caphêin (caféin) với tỷ lệ 1,5 – 5%, một số vitamin B1, B2 và C. Chất tanin của chè có tác dụng như một vitamin P vì đây là hỗn hợp của catechin cấu trúc hóa học của vitamin P... Đặc biệt hợp chất catechin trong lá chè giúp ngăn ngừa và chữa lành các tổn thương da và cao có thể giúp ngăn chặn các hóa chất và bức xạ gây ung thư da...

Hiện nay một số nước trên thế giới trồng chè để uống thay cà phê. Hàng ngàn năm trước dân nước ta đã uống chè. Nhiều bài thuốc dân gian dùng chè lá tươi hoặc sao khô cũng để chữa bệnh nhiễm khuẩn, vi trùng độc. Dân ta còn nghiệm thấy uống chè Lược ngon và quý hơn các loại chè, thấy như được uống liều thuốc bổ...

Tôi nghĩ: Từ chè Thái Nguyên đã có thể chế biến ra nhiều loại chè, tại sao các giống chè Thanh Hóa nổi danh như chè Yên Lược thơm, ngon, bổ, chúng ta lại không thể “trình làng” những “chè” và “trà” như các loại Ô Long?

Hoàng Tuấn Phổ


Hoàng Tuấn Phổ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]