(Baothanhhoa.vn) - Sau 3 hồi còi chào đất Mẹ thân yêu, tàu KN 390 rời cảng Tiên Sa đưa Đoàn công tác số 6 năm 2019 đến với Trường Sa thân yêu. Nơi mà chỉ mới nói đến tên, bất kể là ai mang trong mình dòng máu Lạc Hồng đều trào dâng một cảm xúc khó tả.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cây bàng vuông và người lính đảo

Sau 3 hồi còi chào đất Mẹ thân yêu, tàu KN 390 rời cảng Tiên Sa đưa Đoàn công tác số 6 năm 2019 đến với Trường Sa thân yêu. Nơi mà chỉ mới nói đến tên, bất kể là ai mang trong mình dòng máu Lạc Hồng đều trào dâng một cảm xúc khó tả.

Cây bàng vuông và người lính đảo

Chiến sĩ với cây bàng vuông cổ thụ trên đảo Nam Yết.

Đoàn công tác số 6 đến thăm, tặng quà quân, dân huyện đảo Trường Sa và Trung tâm Dịch vụ - Kinh tế và Khoa học - Kỹ thuật Quế Đường (Nhà giàn DK1/8) có hơn 200 đại biểu đến từ 19 đơn vị đầu mối của các cơ quan Trung ương và địa phương trong cả nước do Chuẩn đô đốc Ngô Sỹ Quyết, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn công tác, tỉnh Thanh Hóa có 15 đồng chí là lãnh đạo các ban, sở, ngành và các huyện cùng 1 thân nhân của chiến sĩ đã hy sinh tại đảo Sinh tồn Đông do đồng chí Hoàng Bá Tường, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dẫn đầu. Theo hải trình, đoàn đã đến thăm 10 đảo thuộc quần đảo Trường Sa gồm: Song Tử tây, Đá Nam, Đá Thị, Nam Yết, Sinh tồn Đông, Len Đao, Thuyền chài A, An Bang, Đá Lát, Trường Sa và Nhà giàn DK1/8.

Dù được đọc nhiều, biết nhiều về Trường Sa qua các phương tiện truyền thông, song tôi không khỏi ngỡ ngàng khi lần đầu tiên được ngắm những hàng cây xanh phủ bóng; những luống rau xanh mướt; những vườn hoa muôn màu khoe sắc trong cái nắng, cái gió khắc nghiệt giữa trùng khơi. Dưới cái nắng bỏng rát của những ngày đầu hè, sóng gió của biển cả mênh mông, những cây bàng vuông, phong ba, bão táp... như thách thức sự khắc nghiệt của thiên nhiên, trở che cho những người lính đảo.

Cây bàng vuông và người lính đảo

Thấy tôi cứ tần ngần mãi ngắm nhìn những cây bàng vuông xanh ngát đã từng đi vào thi ca trên Đảo Nam Yết, một chiến sĩ trẻ tiến lại gần, vui vẻ chia sẻ: Trên đảo này có nhiều loại cây đẹp, nhưng loại cây “đặc sản” ở Trường Sa phải là cây bàng vuông, đây là loại cây được ví như những người bạn thân thiết nhất của lính đảo chúng em.

Khi được hỏi vì sao trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi đây, cây bàng vuông có thể phát triển lạ kỳ đến vậy? Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa Trần Minh Thuần cho biết: Bộ rễ loài cây này có khả năng lọc nước biển để nuôi sống cây. Đối với quả bàng vuông còn trên cây, nếu hái mang ươm thì không thể mọc; phải đợi quả già, rụng xuống, ngâm nước cho mục vỏ mới ươm thành công. Quả rụng xuống biển, trôi dạt vào bãi cát, đem đi trồng thì chắc chắn sống. Chính sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi đây lại là điều kiện tốt để cây này phát triển. “Năm 2018, quân, dân trên đảo Nam Yết đã ươm được hơn 550 cây xanh các loại, nhiều nhất là bàng vuông. Những cây này không chỉ phục vụ phủ xanh trên đảo mà còn cung cấp cho các đảo lân cận và tặng cho những đại biểu đến thăm đảo” – anh Thuần cho biết thêm.

Giữa bão tố, phong ba cùng khí hậu khắc nghiệt trên quần đảo Trường Sa, cây bàng vuông vẫn tỏa một màu xanh dịu mát trong cái nắng gay gắt đầu hè. Như những người lính nơi đây, vượt qua bao gian khó, khắc nghiệt nơi đảo xa, dù phải xa quê hương, gia đình và người thân, nhưng họ vẫn đứng đó, hiên ngang giữa biển trời quê hương, với một tấm lòng sắt son, một tinh thần bất khuất, kiên trung của “Anh Bộ đội Cụ Hồ”, quyết bảo vệ vững chắc đảo, khẳng định chủ quyền vùng trời, vùng biển quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.

Đảo Trường Sa lớn là nơi có nhiều cây bàng vuông cổ thụ nhất trong các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Dưới gốc cây thường kê bàn nước tiếp khách, các đoàn đến thăm đều ngồi trò chuyện ở đây. Chính trị viên đảo Trường Sa, Trung tá Lê Trọng Thông, người quê Thanh Hóa, tâm sự: Bàng quả vuông được coi là biểu tượng của quần đảo Trường Sa, của ý chí và lòng quả cảm của những người con đất Việt đang sinh sống và làm việc trên quần đảo Trường Sa. Hình ảnh của nó chính là hình bóng và tình cảm thiêng liêng của Trường Sa, luôn nhắc nhở mọi người: “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước!”.

Khi ngỏ ý muốn được đưa một cây bàng vuông về trồng ở Báo Thanh Hóa, Trung tá Lê Trọng Thông vui vẻ nhận lời và không quên nhắn nhủ: Anh nhớ mỗi tuần hòa một ít nước muối loãng tưới cho nó đến khi cây bén rễ. Em mong có dịp về quê sẽ được ngồi tâm sự với các anh chị dưới gốc cây bàng vuông này.

Ngắm nhìn những cây bàng vuông vươn mình vững chãi giữa sóng gió trùng khơi, tôi thầm nghĩ: Cũng như cây bàng vuông này, trong bão táp, phong ba, những người lính đảo Trường Sa vẫn kiên cường bám đảo, bảo vệ vững chắc vùng biển, vùng trời quê hương.

Tháng 4-2019

QUANG TỰ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]