(Baothanhhoa.vn) - Nếu như trước kia, hoạt động câu cá chỉ được xem như một trò tiêu khiển đơn thuần lúc rảnh rỗi với những dụng cụ “chơi” tự chế mà bất kỳ một ai cũng có thể tham gia được. Tuy nhiên, những năm gần đây, câu cá giải trí đã trở thành môn thể thao được nhiều người yêu thích, được đầu tư bài bản, phát triển thành các mô hình dịch vụ kinh doanh, thậm chí là các giải đấu chuyên nghiệp, quy mô toàn quốc và quốc tế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Câu cá giải trí - “thú chơi” cũng lắm công phu

Nếu như trước kia, hoạt động câu cá chỉ được xem như một trò tiêu khiển đơn thuần lúc rảnh rỗi với những dụng cụ “chơi” tự chế mà bất kỳ một ai cũng có thể tham gia được. Tuy nhiên, những năm gần đây, câu cá giải trí đã trở thành môn thể thao được nhiều người yêu thích, được đầu tư bài bản, phát triển thành các mô hình dịch vụ kinh doanh, thậm chí là các giải đấu chuyên nghiệp, quy mô toàn quốc và quốc tế.

Các cần thủ tại hồ câu Đông Cương (phường Đông Cương, TP Thanh Hóa).

Ở Thanh Hóa, hoạt động câu cá giải trí cũng thu hút được đông đảo người chơi, kéo theo sự phát triển của các mô hình kinh doanh dịch vụ, vừa tạo dựng thêm những sân chơi bổ ích, lành mạnh, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển, tăng thêm thu nhập cho chủ đầu tư.

Từ sở thích... đến đam mê

Chiều thứ 7 một ngày đầu tháng 6, cũng như rất nhiều chiều thứ 7 trước đó, anh Trần Anh Minh (28 tuổi, TP Thanh Hóa) lại lỉnh kỉnh sửa soạn nào cần, phao câu, mồi câu, vợt cá, giỏ đựng cá... để chuẩn bị cho chuyến đi câu của mình. Tuy còn khá trẻ nhưng anh Minh tìm đến và gắn bó với hoạt động câu cá giải trí, tính đến nay, cũng đã được 7 – 8 năm. Chừng ấy năm đủ để anh rong ruổi khắp các hồ câu trên địa bàn TP Thanh Hóa nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Hôm nay, anh Minh có hẹn “câu đội” với những người bạn của mình trong câu lạc bộ (CLB) câu cá 36 và CLB câu cá xứ Thanh.

Anh Minh cho biết: “Dân câu ở Thanh Hóa khá đông. Riêng CLB câu cá 36 có hơn 20 thành viên và CLB câu cá xứ Thanh có khoảng hơn 10 thành viên. Tuy hoạt động ở hai CLB khác nhau nhưng anh em hai hội vẫn thường xuyên tụ họp đi câu cùng nhau vừa như một hình thức giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm nhưng trên hết là niềm vui được cùng nhau chia sẻ niềm đam mê với hoạt động câu cá giải trí”. Anh Minh hào hứng cho biết thêm, bản thân anh và những người bạn của mình thường xuyên tham gia các giải câu cá được tổ chức trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và giờ đây là chuẩn bị cho giải câu cá quốc tế FLC đang sắp sửa diễn ra. Nói về những lý do đã đưa mình đến và gắn bó với bộ môn câu cá giải trí, anh Trần Anh Minh chia sẻ: “Ban đầu, mình đến với câu cá giải trí đơn thuần như chính cái tên gọi của nó thôi, xuất phát từ mong muốn được giải tỏa bớt đi những căng thẳng, mệt mỏi sau một tuần bận bịu công việc. Sau này quen biết thêm nhiều bạn bè cùng sở thích, tham gia CLB và có những hiểu biết sâu hơn về hoạt động này thì “quen nếp”, từ yêu thích mà chuyển sang đam mê lúc nào không hay. Bây giờ mà tuần nào không được đi câu ít nhất một lần là cảm thấy thiếu thiếu gì đó, tâm trí không được thoải mái”.

Cùng chung những chia sẻ với anh Trần Anh Minh, anh Hoàng Khánh Linh (31 tuổi, thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa) có những ví von rất thực tế về niềm đam mê với hoạt động câu cá giải trí của mình: “Không thể giải thích rõ ràng, tường tận rằng vì sao mình lại thích đi câu đến thế. Nhiều khi đi câu chỉ có một mình nhưng vẫn cứ ham. Có lẽ nó cũng giống như việc chị em phụ nữ có thể lượn lờ cả ngày để mua sắm quần áo, đồ trang sức, mỹ phẩm... hay ăn vài món ăn vặt thì con trai như tụi mình lại thích những hoạt động như thế này. Nó có thể là do bản năng, có thể là do hoạt động này phù hợp với tính cách trong con người mình”.

Nói về sức hút của hoạt động câu cá giải trí đối với người chơi, anh Trần Anh Minh nhận định: “Cái hay, cái làm nên nét thu hút riêng biệt của hoạt động này so với các hoạt động khác đó là khả năng làm bộc lộ tính cách, bản chất và khả năng rèn luyện tính kiên nhẫn, chịu đựng, kỹ năng phán đoán cho người chơi”. Anh Minh giải thích: “Tính cách con người bộc lộ rất rõ ràng khi ngồi câu. Người điềm tĩnh, nhẫn nại, ít có sự thay đổi thì có thể ngồi lì hàng giờ thậm chí cả ngày ở một địa điểm duy nhất từ lúc đến cho đến khi xách cần ra về. Nhưng người nôn nóng, ưa thay đổi thì “chạy” khắp hồ, chỗ này một chút, chỗ kia một chút, không ở yên một vị trí nào quá lâu. Tương tự như thế, “cách buông cần, giật hay xả mồi... trong hoạt động câu cá đều có thể “tố cáo” một phần tính cách người chơi”. Chính vì thế, câu cá giải trí từ một hoạt động vui chơi đơn thuần trở nên “rất nhã”, “bình thường nhưng không hề tầm thường”. Tầm thường hay không cứ nhìn vào cách dân câu đầu tư thời gian, tiền bạc vào hoạt động này cũng đủ khiến nhiều người ngạc nhiên. Theo anh Minh, nói về độ “chịu chơi”, mức độ đầu tư cả thời gian cũng như tiền bạc thì dân câu không hề tỏ ra kém cạnh. Có những người sở hữu bộ cần câu lên tới cả trăm triệu đồng. Bản thân anh Minh, tuy là tay câu trẻ nhưng cũng đã “sắm” cho mình bộ cần câu với mức giá trung bình 1 triệu đồng/cần câu; cần đắt nhất có giá 5 triệu đồng.

Từ “thú chơi”... đến sự phát triển các mô hình dịch vụ

Từ việc nắm bắt được những thay đổi cả về “lượng” và “chất” của hoạt động câu cá giải trí trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng mô hình dịch vụ câu cá giải trí và bước đầu đem lại hiệu quả đáng khích lệ.

Anh Nguyễn Thành Nam (40 tuổi, TP Thanh Hóa), chủ hồ câu Đông Cương – một trong những hồ câu được giới “cần thủ” truyền tai nhau tìm về khá đông cho biết: “Đối với hai hồ nước nhân tạo với diện tích gần 1 ha mà gia đình anh đang sở hữu, mục đích ban đầu là dùng để phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt nhưng không phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, người đến hỏi xin câu cá thì lại rất đông. Trước thực tế đó, sau nhiều trăn trở, gia đình anh suy tính quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng hồ sang phát triển dịch vụ câu cá giải trí”. Tính đến nay, gia đình anh Nguyễn Thành Nam đã khai thác dịch vụ câu cá giải trí được gần 5 năm. Những ngày cuối tuần, hồ câu của anh đón tầm 15 – 20 khách; có thời điểm lên tới cả trăm người. Anh cho biết thêm: “Mô hình dịch vụ này được phát triển theo nhu cầu của khách. Khách có nhu cầu đến đâu thì chúng tôi đáp ứng đến đó, hoàn toàn theo kiểu tự phát chứ không có một quy chuẩn nhất định nào”. Về cách thức hoạt động của loại hình dịch vụ này cũng tương đối đơn giản: Khách vào câu thoải mái, tùy vào quỹ thời gian của từng người. Nếu khách câu không lấy cá về thì thả cá đã câu về hồ và sẽ không phải trả bất kì loại phí nào. Đối với khách câu lấy cá về thì chủ hồ câu sẽ tính tiền theo cân cá và theo từng loại cá khác nhau. Hiện tại, hồ câu của gia đình anh Nguyễn Thành Nam đang thả từ 15 – 20 loại cá khác nhau, bao gồm cả cá truyền thống nước ngọt như cá trôi, cá trắm, cá chép... đến những loại cá đặc sản như cá vược, cá leo, cá lăng... Mức giá của các loại cá được tính theo giá cá thị trường như: Cá vược dao động trong khoảng từ 150 – 200.000 đồng/kg; cá quả có giá từ 80 – 100.000 đồng/kg. Ngoài ra, khách có nhu cầu sẽ được phục vụ ăn uống, nước giải khát...

Hồ câu Bình Vũ (thôn Luyện Tây, xã Hoằng Đạo, Hoằng Hóa) tuy nằm khá xa trung tâm thành phố nhưng do tận dụng được lợi thế từ cảnh quan thiên nhiên thoáng đãng, kết hợp tham quan trải nghiệm mô hình trang trại vườn – ao – chuồng, lại nằm trên tuyến đường chạy thẳng xuống Khu Du lịch Hải Tiến nên cũng là một trong những địa điểm được dân câu yêu thích. Cũng như hồ câu Đông Cương của gia đình anh Nguyễn Thành Nam, hồ câu Bình Vũ phát triển dựa trên nhu cầu thực tế của những người đến xin câu cá. Nhận thấy lượng người ngày một đông, có thể khai thác vào mục đích kinh tế nên chủ trang trại đã quyết định mở thêm dịch vụ này trên nền mô hình trang trại vốn có của gia đình. Mô hình trang trại kết hợp vườn – ao – chuồng được gia đình dày công gây dựng từ cách đây hơn 20 năm. Anh Lê Nguyên Vũ – chủ hồ câu Bình Vũ chia sẻ: “Đối với dịch vụ câu cá giải trí thì mới bắt đầu đưa vào hoạt động được 2, 3 năm trở lại đây. Đối tượng đến hồ câu cũng tương đối đa dạng, đủ mọi tầng lớp, thành phần. Vào các đợt nghỉ lễ, nhiều khách từ Hà Nội đưa cả gia đình về chơi, đàn ông thì vui vẻ câu cá, phụ nữ, trẻ con thì bận bịu chế biến cá vừa câu được, thăm thú vườn cây ăn quả...”. Trang trại của gia đình anh Lê Nguyễn Vũ có tổng diện tích gần 5 ha, trong đó diện tích mặt hồ chiếm gần 3 ha. Ngoài một số diện tích mặt hồ đang được gia đình anh đầu tư trồng sen thì hiện tại, gia đình anh đang khai thác dịch vụ câu cá giải trí trên diện tích 3 mặt hồ, trong đó 2 hồ câu theo thời gian và 1 hồ câu theo sản phẩm với lượng tiêu thụ khoảng 1 tấn cá/1 tháng, thu nhập trung bình từ dịch vụ khoảng 15 triệu đồng/tháng, có những tháng cao điểm lên đến 20 triệu đồng/tháng.

Câu cá giải trí, nếu đơn thuần chỉ nghe qua tên gọi thì thấy nó đơn giản như một thú vui theo sở thích nhưng có tìm hiểu mới thấy hết được “thú chơi cũng lắm công phu”, cũng lắm điều sâu sắc, gợi mở. Và trên hết, đó lại là thú chơi lành mạnh, văn hóa, tạo ra được giá trị kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển.


Bài và ảnh: Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]