(Baothanhhoa.vn) - Tôi sinh ra ở thành phố, nơi phồn hoa đô hội nên dường như từ bé chỉ biết đến cánh cò qua lời ru của mẹ, qua câu ca dao của bà: "Con cò bay lả bay la/ Bay từ cửa phủ, bay ra cánh đồng..."

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cánh cò quê hương

Tôi sinh ra ở thành phố, nơi phồn hoa đô hội nên dường như từ bé chỉ biết đến cánh cò qua lời ru của mẹ, qua câu ca dao của bà: “Con cò bay lả bay la/ Bay từ cửa phủ, bay ra cánh đồng...”

Cánh cò quê hương

Bãi cò trắng xã Tiến Nông (Triệu Sơn).

Theo lời ru ấy, câu ca dao ấy, lớn lên, tôi mải mê đi tìm một cánh cò thực trên cánh đồng làng trải dài bất tận. Kiếm tìm hoài và tôi đã gặp nơi đưa tôi trở về tuổi thơ trong câu ca xưa, đó là bãi cò trắng xã Tiến Nông (Triệu Sơn).

Bãi cò trắng xã Tiến Nông có tự bao giờ và điều gì thu hút chúng ta đến vậy? Tôi vẫn đau đáu đi tìm câu trả lời để khỏa lấp nỗi tò mò bấy lâu. Hỏi các cụ cao niên để biết lai lịch của làng, cũng như tiểu sử bãi cò cho đến bây giờ chỉ còn ông Lê Đức Lược, 65 tuổi, là người nắm rõ nhất. Ông được người dân nể trọng, coi như là “pho sử” của làng. Theo các nguồn tư liệu của làng mà ông Lược thu thập được, không phải ngẫu nhiên làng Nga, xã Tiến Nông lại có bãi cò đặc biệt đến vậy. “Đất lành chim đậu”, trước hết phải nói đến thế đất của làng Nga từ xa xưa là nơi đầm lầy, rậm rạp, cây cối um tùm, có nhiều cồn bãi, dân cư thưa thớt. Địa hình của làng cong cong như mày ngài của công chúa nên còn gọi là làng Nga Mi. Truyền thuyết của làng kể rằng, vị thần làng Nga là ông Trần Công Tiếu, làm võ tướng thời Đinh (vua Đinh Tiên Hoàng). Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng mất, nhà Tống đem quân sang để đánh chiếm nước ta. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn đem quân đi đánh quân Tống. Sau khi đại thắng quân Tống, Lê Hoàn lên ngôi vua lập ra triều Tiền Lê. Ông Trần Công Tiếu sau khi dẹp giặc xong thì lui về làng Nga khai canh lập ấp, tiếp tục chiêu binh mãi mã. Bãi cò trắng ngày nay chính là nơi ông từng huấn luyện nghĩa quân, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ giang sơn đất nước.

Nói về bãi cò trắng, ông Lược chỉ tay ra phía cồn đất rộng, xung quanh là hồ nước mênh mông. Ông cũng không biết cò có tự bao giờ, chỉ biết khi ông sinh ra đã có bụi tre và rất nhiều cò. Đặc biệt, trên bãi cò chỉ có loài tre gai, thân nhỏ, nhánh nhiều, gai nhọn là thích nghi được với môi trường sống của cò. Trước đây, bãi cò có rất nhiều loại: Cò trắng, cò bợ, cò hương, vạc, bồ nông, nhưng gần đây chỉ còn cò trắng, cò bợ là cư ngụ từ lâu đời. Có hai nguồn cung cấp thức ăn cho cò, một là thức ăn tại chỗ ở ao hồ; hai là cò đi kiếm ăn ở nơi khác. Như thành thông lệ, từng đàn cò rủ nhau bay đi kiếm ăn khi mặt trời còn chưa thức giấc, đến khi mặt trời lặn cũng là lúc hoàng hôn buông xuống, đàn cò từ khắp bốn phương lại nối đuôi nhau bay về đậu trắng bãi, tạo nên vẻ đẹp hiếm có ở một làng quê xứ Thanh yên bình.

Xưa kia, cò nhiều vô kể đến mức người ta bắt làm thịt, xâu thành chuỗi đem ra chợ bán. Từ khi chính quyền địa phương giao cho lực lượng công an xã quản lý, bãi cò đã được bảo vệ nghiêm ngặt, ngăn chặn được tình trạng xâm phạm, săn bắt cò. Khu vực bãi cò hiện nay đã bị thu hẹp dần do đường sá mở rộng lấn vào, mặc dù có những tác động đến xung quanh khu vực bãi cò, nhưng từ bao đời nay, cò vẫn không hề mất đi, mà luôn hiện hữu trong đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây như một người bạn hiền hậu, chân thành.

Gần bãi cò có chợ Vạn, nơi giao thương buôn bán của người dân trong và ngoài xã. Bên cạnh chợ Vạn có phủ Vạn, thờ 3 tướng nhà Đinh là Trần Công Hoan, Trần Công Huân và Trần Công Tiếu, là những người có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn, lập ra nước Đại Cồ Việt. Từ Vạn cũng có nguồn gốc, ý nghĩa sâu xa của nó. Chợ Vạn trước kia chỉ giao thương trên sông là chính (sông Hoàng). Người dân vạn chài đánh được con cá, bắt được mớ tôm hay mớ tép cũng đem đến bán cho người dân trên bờ. Dần dần nơi giao thương hình thành nên chợ, lấy tên chợ Vạn, là vì gắn với hoạt động người dân vạn chài buôn bán hàng hóa cho người dân trong làng. Vào ngày rằm, mùng một đầu tháng, kẻ mua, người bán tấp nập về đây, thường thì họ vào phủ Vạn dâng hương trước, rồi mới quay ra đi chợ sau. Cũng từ đó, phủ Vạn được nhiều người biết đến bởi linh thiêng và thu hút rất đông khách hành hương đến cúng bái, vãn cảnh. Tuy nhiên, hiềm một nỗi, cứ mỗi mùa mưa bão đến, nước sông Hoàng lại dâng lên mấp mé phủ Vạn, đã phần nào đe dọa đến toàn bộ khu vực công trình di tích, ảnh hưởng đến hoạt động tâm linh của nhân dân trong vùng.

Cánh cò quê hương

Phủ Vạn.

Ông Lược cũng cho biết, cùng với phủ Vạn, chùa Hòa Long (hay còn gọi là chùa Ông Sư) nằm trên địa bàn xã là nơi sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng của dân làng. Dựa trên những cứ liệu lịch sử của làng và từ lời kể của các bậc cao niên, ông Lược cho rằng 3 di tích gồm: Chùa Hòa Long – phủ Vạn – bãi cò trắng, đều có mối liên hệ với nhau về mặt lịch sử - văn hóa, tạo thành một cụm di tích độc đáo, đặc sắc của xã Tiến Nông, mà người dân là chủ thể đại diện cho những giá trị tốt đẹp ấy.

Ngày 10-5-1994, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ban hành Quyết định số 171 về việc công nhận chùa Hòa Long – phủ Vạn – bãi cò trắng (hay còn gọi đồng cò) thuộc xã Tiến Nông, huyện Triệu Sơn là di tích lịch sử - văn hóa và thắng cảnh. Điều ấy càng minh chứng cho những giá trị mà các di tích ấy đã mang lại là hết sức tiêu biểu. Song, để bảo tồn và phát huy giá trị của cụm di tích chùa Hòa Long – phủ Vạn – bãi cò trắng, thiết nghĩ còn khá nhiều việc phải làm, như: Củng cố hồ sơ lý lịch di tích để được công nhận ở cấp độ cao hơn; đầu tư nâng cấp di tích phủ Vạn chống ngập trong mùa mưa bão; hỗ trợ thêm kinh phí cho lực lượng quản lý bảo vệ bãi cò; phát triển du lịch sinh thái gắn hoạt động tham quan bãi cò với không gian ngắm cảnh, dịch vụ chụp ảnh lưu niệm... Để hình ảnh cánh cò còn mãi trong tâm thức của các thế hệ.

Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc


Bài Và Ảnh: Nguyễn Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]