(Baothanhhoa.vn) - Bên cạnh những khó khăn về kinh phí hoạt động, sự quan tâm của các cấp, các ngành, công tác phát triển hội viên cũng được xem là nhu cầu bức thiết, đáng lo ngại tại các ban đặc thù của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Công tác phát triển hội viên tại các ban đặc thù của Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa:

Canh cánh... nỗi lo

Canh cánh... nỗi lo

Lớp bồi dưỡng sáng tác văn học trẻ và văn học miền núi năm 2019 – một trong những việc làm thiết thực, ý nghĩa cho công tác phát triển hội viên do Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa tổ chức.

Bên cạnh những khó khăn về kinh phí hoạt động, sự quan tâm của các cấp, các ngành, công tác phát triển hội viên cũng được xem là nhu cầu bức thiết, đáng lo ngại tại các ban đặc thù của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.

ược xem như lực lượng song hành cùng sáng tác, trong những năm qua, ban lý luận phê bình đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Năm 2019, với sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao của tất cả hội viên, ban đã hoàn thành kế hoạch xuất bản cuốn sách “Lý luận phê bình văn học Thanh Hóa từ 2010 đến nay”. Bố cục cuốn sách chia làm hai phần: Phần 1 là hệ thống các bài viết thiên về nghiên cứu, khảo cứu những vấn đề mang tính khái quát; phần 2 là hệ thống các bài viết thiên về lý luận phê bình hướng đến các tác giả, tác phẩm cụ thể. Cuốn sách giúp người đọc có thêm những hình dung về một vùng văn hóa – văn chương xứ Thanh trong dòng chảy văn hóa – văn chương dân tộc. Ngoài ra, ban tổ chức cho hội viên đi thực tế sáng tác tại huyện Như Xuân. Sau chuyến đi thực tế, nhiều hội viên trong ban đã có tác phẩm đăng tải trên các ấn phẩm báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh... Ban cũng đã đề xuất xem xét xuất bản sách cho 2 hội viên, giới thiệu xét giải thưởng cho một số tác phẩm tiêu biểu của hội viên... Cùng với các thành tích chung của ban, từng cá nhân hội viên cũng đã rất hăng hái, nỗ lực, gặt hái được thành quả đáng ghi nhận. Ví như, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, tuy tuổi đã cao, sức đã yếu vẫn say sưa, miệt mài lao động sáng tạo. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Tinh hoa văn hóa xứ Thanh” chứa đựng nhiều giá trị khoa học, văn hóa, lịch sử sâu sắc, có tầm bao quát, hệ thống.

Vui vì nỗ lực phấn đấu, kết quả đạt được nhưng song hành cùng với đó là muôn nỗi khó khăn, vất vả khiến những người trong cuộc luôn “canh cánh nỗi lo”, đặc biệt là công tác phát triển hội viên của ban. Bởi lẽ, qua thời gian, khi lực lượng sáng tác ở xứ Thanh ngày càng triển nở thì hơn 20 năm qua kể từ ngày thành lập, Ban lý luận phê bình – Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa chỉ duy trì số lượng hội viên khoảng 10 người. Đây thực sự là con số khiêm tốn so với sự phát triển năng động của đời sống văn học nghệ thuật trên mảnh đất xứ Thanh này. Nhìn vào thực tiễn của ban, tuổi trung bình của hội viên cao, 2/3 tổng số hội viên trên 50 tuổi. Vì vậy, công tác phát triển hội viên luôn được xem là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vấn đề được bàn luận sôi nổi tại các buổi họp, sinh hoạt của ban. PGS. TS. Hỏa Diệu Thúy, trưởng ban lý luận phê bình bày tỏ trăn trở, suy tư: “Xem xét ở góc độ nào đó, công tác lý luận phê bình thực sự “kén người”. Nhưng dù sao đi chăng nữa, nếu không có lực lượng kế cận thì hoạt động của ban sẽ dễ rơi vào tình trạng “đứt đoạn”. Bên cạnh đó, phần lớn các hội viên đều là lực lượng công tác ở các lĩnh vực khác tham gia viết lý luận, phê bình theo tiếng gọi của niềm đam mê, ham thích chứ không được hoạt động trong “môi trường viết chuyên nghiệp”. Do đó, các hội viên ít nhiều bị chi phối về mặt thời gian; ít có sự theo sát, liền mạch diễn biến của đời sống văn học xứ Thanh nên vẫn có hiện tượng “bỏ lọt” tác giả, tác phẩm, nhất là các tác giả, tác phẩm mới ra mắt.

Tuy có số hội viên nhiều gấp đôi ban lý luận phê bình nhưng công tác phát triển hội viên tại ban văn nghệ dân gian vẫn luôn là nỗi lo thường trực. “Ban văn nghệ dân gian hiện có 20 hội viên. Phần lớn hội viên là cán bộ nghỉ hưu, tuổi tác đã cao và sức khỏe yếu; trong đó, có hơn một nửa hội viên ở xa nên việc gặp gỡ, trao đổi công việc gặp nhiều khó khăn. Các đồng chí trong ban chấp hành nhìn chung khá năng nổ, nhiệt tình với công việc nhưng do điều kiện sức khỏe yếu, tuổi cao nên việc duy trì tổ chức các hoạt động của ban cũng có một số hạn chế nhất định” – những đánh giá về đặc điểm tình hình do đồng chí Phạm Minh Trị, trưởng ban văn nghệ dân gian trình bày trong báo cáo hoạt động năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020 tuy ngắn gọn, sơ lược nhưng nói lên được những vấn đề mang “tính đặc thù” của ban. Nhìn bóng dáng tận tụy, cần mẫn với hoạt động nghiên cứu của các hội viên ban văn nghệ dân gian như: Nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải, Đào Phụng, Phạm Quang Thẩm, Trần Thị Liên... chúng ta thấm thía quy luật nghiệt ngã của thời gian: Tuy những con người ấy vẫn còn tràn đầy nhiệt huyết, ấp ủ nhiều dự định lớn lao, mong muốn được tiếp tục cống hiến nhưng giới hạn của tuổi tác cũng đã phần nào cản trở nỗ lực dấn thân của họ. Trong khi đó, việc tìm kiếm, xây dựng, bồi dưỡng lớp kế cận trẻ tuổi, có đủ điều kiện, năng lực đảm nhận công việc tại ban luôn là “bài toán khó”. Khó vì nhiều lý do. Một mặt, hoạt động chuyên môn của ban đòi hỏi mỗi cá nhân tham gia phải có bề dày kinh nghiệm, tích lũy vốn văn hóa - văn nghệ nhất định. Đây là những điều mà các bạn trẻ đang còn thiếu và yếu, làm nảy sinh tâm lý e dè, thiếu tự tin tham gia. Mặt khác, so với các ban khác của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, cơ chế hoạt động của ban văn nghệ dân gian thuần túy chuyên môn, học thuật; thiếu những “cuộc chơi” mang tính quần chúng rộng rãi. Hơn thế, bản thân các tác phẩm do ban sáng tạo nên cũng rất “kén” độc giả nên sức hút, sức lan tỏa chưa cao.

Để Hội Văn học Nghệ thuật thực sự là mái nhà ươm mầm tài năng trẻ thì mỗi ban trực thuộc hội phải trở thành những mảnh đất màu mỡ, thu hút hội viên. Dẫu biết còn đó nhiều gian nan nhưng hơn hết, các ban cần chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, chuyên ngành có nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – văn nghệ; các trường phổ thông các cấp, cao đẳng, đại học... để kịp thời phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố có năng khiếu... Cùng với đó, tích cực tổ chức các lớp bồi dưỡng; khuyến khích thành lập các câu lạc bộ, nhóm sáng tác trẻ; thúc đẩy hoạt động sáng tạo bằng các cơ chế hỗ trợ; quan tâm, tạo điều kiện với cây viết năng động, nỗ lực phấn đấu nhằm kịp thời giới thiệu kết nạp hội viên ngay khi đủ điều kiện. Tích cực hơn trong việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tổ chức các sự kiện mang tính quần chúng rộng rãi như: Ra mắt sách, bàn tròn văn học, sinh hoạt chuyên đề... tạo không khí hoạt động sôi nổi, mở ra điều kiện giao lưu, kết nối, trao đổi nghiệp vụ, “truyền lửa” giữa những người yêu thích văn học nghệ thuật, giữa thế hệ đi trước với thế hệ trẻ hôm nay.

Nếu các bạn có niềm yêu thích với văn học nghệ thuật thì hãy cứ mạnh dạn tìm hiểu, tích lũy và thể hiện nó bằng những sáng tạo của chính mình. Dẫu rằng để trở thành một cây viết lý luận phê bình hay nghiên cứu văn nghệ dân gian chẳng phải điều dễ dàng, nhất là người viết trẻ. Nhưng niềm đam mê, sự nỗ lực cố gắng không bao giờ từ chối hay kén chọn độ tuổi. Bạn còn trẻ nghĩa là bạn đang nắm trong tay cơ hội lớn nhất đời người. Bởi khi người ta còn trẻ, người ta có nhiều hơn cơ hội và thời gian để phấn đấu, biến ước mơ trở thành hiện thực – những lời chia sẻ chân thành của PGS. TS. Hỏa Diệu Thúy, trưởng ban lý luận phê bình hy vọng sẽ trở thành nguồn động lực, thắp lên ngọn lửa đam mê – nhịp cầu nối gần khoảng cách giữa công chúng với các hoạt động văn học nghệ thuật. “Nhịp cầu” ấy sẽ góp phần giúp công chúng hiểu hơn, yêu mến hơn những giá trị văn hóa – tư tưởng sâu sắc của sáng tạo văn học nghệ thuật; kích thích sự ham thích tìm hiểu, tham gia vào tổ chức hội nói chung, các ban chuyên ngành nói riêng.

Nguyên Linh


Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]