(Baothanhhoa.vn) - Miền núi xứ Thanh được biết đến là một vùng đất có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể hết sức đa dạng và phong phú. Nó chính là hồn cốt của các đồng bào dân tộc nơi đây. Nhưng để bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa vốn có ấy rất cần những chính sách, cách làm phù hợp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần có chính sách để bảo tồn văn hóa phi vật thể miền núi

Miền núi xứ Thanh được biết đến là một vùng đất có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể hết sức đa dạng và phong phú. Nó chính là hồn cốt của các đồng bào dân tộc nơi đây. Nhưng để bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa vốn có ấy rất cần những chính sách, cách làm phù hợp.

Cần có chính sách để bảo tồn văn hóa phi vật thể miền núi

Đồng bào Mường huyện Ngọc Lặc biểu diễn Cồng Chiêng.

Đa dạng và phong phú

Miền núi xứ Thanh có địa bàn rộng lớn, chiếm 2/3 diện tích cả tỉnh, là nơi cư trú lâu đời của 6 dân tộc anh em: Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ, Khơ Mú đã tạo nên cho xứ Thanh sự đa dạng về văn hóa, là nơi bảo lưu những vốn văn hóa nguyên sơ, đầy chất nhân văn, trong đó văn hóa phi vật thể là nét tinh hoa được chắt lọc từ ngàn đời tạo nên bản sắc văn hóa của các dân tộc. Vì vậy, hệ thống di sản văn hóa phi vật thể ở miền núi tỉnh ta hết sức phong phú với nhiều hình thức khác nhau, như: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; các tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội; tri thức và các tập tục liên quan đến tự nhiên, vũ trụ; nghề thủ công truyền thống.

Có thể nói, đây là miền đất của truyện thơ, vè, như: Khăm Panh, Ú Thêm... của người Thái khá nổi tiếng, phản ánh quan niệm của những con người về tự nhiên, xã hội, con người; Đẻ đất đẻ nước của người Mường, Nàng Nga Hai Mối, Út Lót Hồ Liêu, Nàng Ờm chàng Bồng Hương... đặc sắc, tích hợp những truyện thơ của cả nước nhưng vẫn mang những nét riêng của truyện thơ Mường; hay truyện kể các dân tộc ít người như: Tại sao đàn bà Khơ Mú mặc áo trắng?; Bốn anh tài; Người trong cung trăng; Nàng tóc thơm... Tất cả nhằm truyền dạy kiến thức, các giá trị văn hóa xã hội và các ký ức cộng đồng, có vai trò hết sức quan trọng trong văn hóa người bản địa.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện có 166/701 làng Mường truyền thống trên địa bàn tỉnh còn bảo lưu văn hóa phi vật thể, trong đó có 35 làng còn bảo lưu nguyên vẹn. Các nghề thủ công truyền thống như dệt, đan lát, nghề mộc đã có mặt lâu đời hiện vẫn được bảo tồn lưu giữ ở nhiều làng. Đặc biệt là loại hình nghệ thuật cồng chiêng nay vẫn được đồng bào chú ý lưu giữ, tiêu biểu như đội cồng chiêng ở làng Đồng Lão, xã Cẩm Ngọc (huyện Cẩm Thủy) và làng Thuận Hòa, xã Quang Trung (huyện Ngọc Lặc)... hoạt động khá sôi nổi.

Cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, nhiều lễ hội truyền thống lớn của người Mường đã được phục dựng và tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo người dân tham dự. Điển hình như: Lễ hội Pồn Pôông (Ngọc Lặc); Lễ hội Mường Khô (Bá Thước), Lễ hội Mường Đòn (Thạch Thành), Lễ hội Khai Hạ (Cẩm Thủy)... Các lễ hội được phục dựng và tổ chức không chỉ thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc khu vực miền núi, mà còn góp phần bảo tồn, khôi phục những giá trị văn hóa nói chung và văn hóa phi vật thể nói riêng.

Bằng những cách làm sáng tạo, linh hoạt, dân tộc Thái cũng giữ gìn được những văn hóa phi vật thể có giá trị, như: Lễ hội Mường Ca Da, Mường Xia hay làn điệu khặp... Khặp của đồng bào Thái có rất nhiều làn điệu, trong đó, làn điệu khặp đặc sắc, phổ biến nhất đối với mọi lứa tuổi, mọi tình huống, hoàn cảnh là khặp bào xảo (khặp giao duyên), khặp lồng na khứn háy (khặp trên nương rẫy), khặp tuộng (khặp chào hỏi), khặp chốm hướn mờ (khặp mừng nhà mới), khặp xờng khưởi (hát tiễn rể, đón dâu), khặp đón mừng năm mới, khặp ru con... Hát khặp thường được tổ chức vào những ngày lễ, ngày tết, đón khách quý, đám cưới, giao duyên, tỏ tình của đôi trai gái, trong cuộc vui rượu cần và trong sinh hoạt đời sống thường ngày của đồng bào Thái.

Ngoài ra, nghề dệt thổ cẩm, nghề làm rượu cần... cũng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Thái.

Trước nguy cơ mai một

Chúng tôi về xã Quang Trung (huyện Ngọc Lặc) vào một ngày đầu xuân, ngay từ đầu xã tiếng cồng chiêng đã vang vọng cả núi rừng. Là một người luôn hết mình với văn hóa dân tộc Mường, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng, ông Phạm Vũ Vượng (75 tuổi), thôn Thuận Hòa, xã Quang Trung, tâm sự: “Lớp trẻ ngày càng ít quan tâm đến các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Hơn nữa, thế hệ nghệ nhân am hiểu về cồng chiêng, về các làn điệu xường, múa Pồn Pôông... chỉ tính trên đầu ngón tay. Vì vậy, tôi mong muốn các cấp, các ngành liên quan cần có cơ chế khuyến khích, đào tạo, phát hiện bồi dưỡng các tài năng dân ca ngay từ cơ sở”.

Chính tâm nguyện đó, nên năm 2007 ông Phạm Vũ Vượng đã đề xuất với chính quyền địa phương, đứng ra tập hợp những người yêu thích, đam mê truyền thống văn hóa của ông cha thành lập “Câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng”, đến năm 2008 đổi thành “CLB văn hóa dân gian dân tộc Mường huyện Ngọc Lặc”.

Đây là nơi hội tụ những người đam mê văn hóa dân tộc Mường, không kể già - trẻ, trai - gái, không phân biệt tuổi tác, họ đều có chung một tâm nguyện muốn lưu truyền vốn văn hóa quý báu của dân tộc mình cho con cháu mai sau. “CLB của chúng tôi trước đây có 72 người có độ tuổi từ 17 đến 92 tuổi, nhưng một số người do điều kiện không cho phép nên họ xin rút khỏi CLB, một số cụ do tuổi cao, sức yếu đã qua đời, nên hiện CLB chỉ còn 35 hội viên (người ở xa nhất khoảng 20km) nhưng mỗi tháng lại về đây 1, 2 lần để cùng nhau ôn lại những làn điệu hát, múa của dân tộc mình. Chưa kể khi có hội làng, xã hay huyện có sự kiện đặc biệt, họ lại không quản nắng mưa ngày đêm luyện tập mà không cần một đồng thù lao”, ông Vượng chia sẻ.

Ông Phạm Đình Cường, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ngọc Lặc, cho biết: Để những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường được lưu giữ, bảo tồn và phát huy, ngoài việc thành lập CLB văn hóa dân gian Mường, huyện cũng đã lập kế hoạch truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – trò diễn Pồn Pôông của dân tộc Mường. Người đứng lớp là nghệ nhân Phạm Thị Tắng cùng các cộng sự. Theo đó, mỗi xã cử ra 2 người yêu thích trò diễn Pồn Pôông, công chức văn hóa – xã hội. Số người này sẽ là nòng cốt để lan tỏa niềm đam mê văn hóa dân gian trong cộng đồng của 22 xã, thị trấn huyện Ngọc Lặc. Ngoài ra, huyện cũng sẽ đưa vào giờ học ngoại khóa trong các trường học. “Sắp tới, huyện Ngọc Lặc cũng sẽ có kế hoạch cụ thể trong việc bảo tồn nghệ thuật diễn xướng Xường giao duyên – di sản vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia đầu năm 2019. Đồng thời, cố gắng phục dựng lại những di sản văn hóa, đặc biệt là văn hóa phi vật thể đang ngày càng mai một” - ông Cường cho biết thêm.

Theo ông Cường, để các giá trị văn hóa phi vật thể đứng vững trong lòng người dân các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được những giá trị to lớn của di sản văn hóa phi vật thể; tiến hành sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ bằng sách, đĩa, chụp ảnh, ghi âm, quay phim... để làm tư liệu. Một di sản văn hóa phi vật thể muốn duy trì được sức sống phải có ý nghĩa với cộng đồng và liên tục được cộng đồng đó tái tạo, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa, chia sẻ: Hiện nay, việc bảo tồn văn hóa phi vật thể khó hơn bảo tồn di sản văn hóa vật thể rất nhiều. Bởi các nghệ nhân ngày càng già đi, ít đi, lớp trẻ không mấy mặn mà. Cán bộ làm công tác sưu tầm quá ít, không tâm huyết. Bên cạnh đó, sự đầu tư cho việc bảo tồn loại hình này quá ít ỏi, chưa tương xứng. Đặc biệt, thiếu đội ngũ chuyên gia nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể, và không có những chuyên gia được đào tạo bài bản về lĩnh vực này. Việc nhận diện để kiểm kê tổng thể di sản văn hóa phi vật thể, tiến tới lập hồ sơ đăng ký di sản phi vật thể quốc gia và xây dựng kế hoạch chiến lược cho việc bảo tồn hệ thống di sản này mới chỉ là bước đầu, khó khăn còn nhiều.

“Thực tế cho thấy, những người nắm giữ di sản ở các cộng đồng trên địa bàn tỉnh hầu hết là lớp người già, nếu không có kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm một cách khẩn trương thì một số di sản có nguy cơ mai một hoặc biến mất”, ông Tuấn nói.

Thiết nghĩ, để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể cần xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc cần thiết và đủ (như máy ghi hình, máy ảnh, máy ghi âm, máy tính, máy chiếu...) để có thể tiến hành điều tra, khảo sát và tiến tới bảo tồn một số di sản; xây dựng một bản đồ trữ lượng di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tất cả các huyện, thị, thành phố trong tỉnh; tăng cường hành lang pháp lý, xây dựng chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi hủy hoại di sản, làm biến dạng di sản. Đồng thời, ban hành chính sách đãi ngộ cụ thể đối với những tổ chức, cá nhân có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản, đặc biệt là những nghệ nhân nắm giữ di sản và chính sách có liên quan nhằm tạo điều kiện cho di sản có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt giúp cho lớp trẻ nhận thức được về bản sắc văn hóa và sự thân thuộc với quá khứ, hiện tại - tương lai. Tăng cường các lớp tập huấn, đào tạo cho cộng đồng dân cư – nơi có di sản để người dân hiểu, yêu quý và có ý thức bảo vệ.

Bài và ảnh: Hoài Thu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]