(Baothanhhoa.vn) - Năm 1968, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc trở nên ác liệt và tàn khốc hơn bao giờ hết. Đế quốc Mỹ muốn biến miền Bắc Việt Nam trở lại với thời kỳ đồ đá”, không còn khả năng chi viện cho miền Nam, nhưng âm mưu của chúng đã thất bại. Trong thời điểm ấy, phong trào đấu tranh phản đối cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam lên cao chưa từng thấy. Nhà Trắng, Lầu năm góc lâm vào tình thế bị động, lúng túng và cô lập.

Tin liên quan

Đọc nhiều

C235 – huyền thoại con tàu “ma”

Năm 1968, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc trở nên ác liệt và tàn khốc hơn bao giờ hết. Đế quốc Mỹ muốn biến miền Bắc Việt Nam trở lại với thời kỳ đồ đá”, không còn khả năng chi viện cho miền Nam, nhưng âm mưu của chúng đã thất bại. Trong thời điểm ấy, phong trào đấu tranh phản đối cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam lên cao chưa từng thấy. Nhà Trắng, Lầu năm góc lâm vào tình thế bị động, lúng túng và cô lập.

C235 – huyền thoại con tàu “ma”

Thuyền trưởng – Trung úy Phan Vinh (ảnh do đồng chí Tống Hồng Quân – CCB Lữ đoàn 125 cung cấp).

Ngay lúc đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã nhìn thấy thời cơ và quyết định lãnh đạo quân dân miền Nam Việt Nam thực hiện cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968. Để góp phần chi viện cho miền Nam, Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ đạo lực lượng vận tải biển phải bằng mọi giá, kịp thời tiếp tế vũ khí cho chiến trường miền Nam. Đoàn 125 nhận lệnh đưa 4 chiếc tàu loại 100 tấn chở vũ khí sẽ vào các bến: Tàu C165 vào bến Vàm Lũng (Cà Mau), tàu C43 vào bến Đức Phổ (Quảng Ngãi), tàu C56 vào bến Bà Rịa, tàu C235 do thuyền trưởng Phan Vinh chỉ huy vào bến Hòn Hèo (Phú Khánh – Khánh Hòa).

Nếu như nói đường mòn trên biển là một huyền thoại thì con tàu C235 của thuyền trưởng Phan Vinh đã góp phần không nhỏ làm nên huyền thoại đó. Chúng tôi tìm gặp người lính thủy thủ trở về từ con tàu huyền thoại, bác Lê Duy Mai (thôn Hồng Phong, xã Hải Ninh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) và được nghe bác kể lại:

Năm 1966, ông cùng với một số đồng chí khác được cử đi nhận tàu ở Trung Quốc. Sau khi trở về, tàu C235 do Phan Vinh làm thuyền trưởng được biên chế 21 đồng chí. Với lợi thế của một con tàu hiện đại, có tốc độ lớn, được trang bị vũ khí hiện đại, tàu C235 nhận lệnh chở 100 tấn vũ khí vào bến Hòn Hèo (Phú Khánh, Khánh Hòa). Nhằm đáp ứng nhu cầu cho chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Với cương vị là một thợ máy trên tàu, ông Lê Duy Mai khi đó còn rất trẻ - 24 tuổi, cũng như tất cả các chiến sĩ - thủy thủ khác, đã giác ngộ được rất rõ trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của mình trong chuyến đi này. Ông Mai cho biết, ông và các đồng chí của mình luôn xác định tư tưởng bằng mọi cách, dù thành công hay thất bại cũng đảm bảo được bí mật cho con đường chiến lược. Ở thời điểm lúc bấy giờ, việc đưa được con tàu vào trong bến Hòn Hèo là cả một thách thức vô cùng khó khăn và táo bạo. Đây là hang ổ, là căn cứ mà địch canh phòng rất cẩn thận. Chúng bố trí ra đa, tàu chiến và máy bay trinh sát tuần tiễu liên tục ngày đêm, không một chút sơ hở, nhằm ngăn chặn mọi sự xâm nhập của Việt cộng từ miền Bắc vào miền Nam. Chiến tranh, với ai đó có thể là nỗi ám ảnh, nhưng với một thủy thủ tàu không số đang ngồi trước mặt chúng tôi, chiến tranh, với ông dường như là một bản anh hùng ca bi tráng, đã thấm vào máu thịt của người lính từng vào sinh ra tử. Kể cho chúng tôi nghe về con tàu C235 và những người đồng chí của mình, ông Mai rưng rưng xúc động. Sự kiện trên bến Hòn Hèo đã xảy ra mấy chục năm về trước, mà với một người lính đã ngoài bảy mươi như ông Lê Duy Mai lại khiến chúng tôi có cảm giác như mọi chuyện mới xảy ra ngày hôm qua đó...

Đầu tháng 2-1968, C235 bắt đầu xuất bến nhưng quay lại vì bị tàu địch phát hiện và bám theo. Cuối tháng 2, tàu lại xuất phát. Lần này C235 cũng không tránh được cặp mắt soi mói của quân địch. Chúng tổ chức bao vây, hòng bắt sống C235 và thủy thủ đoàn. Thế nhưng với tài năng, bản lĩnh và sự khôn khéo của mình, thuyền trưởng Phan Vinh đã khéo léo chỉ huy cho tàu đi vào một con đường mà địch hoàn toàn bất ngờ, luồn qua đội hình hải chiến của địch để vào bến mà không bị phát hiện. Cách bờ vài trăm mét, tàu đánh tín hiệu xin thả hàng.

Đèn tín hiệu xin thả hàng phát đi, một chớp, hai chớp, ba chớp rồi bốn chớp, vẫn không có tín hiệu của bến đáp lại. Tình hình vô cùng căng thẳng, địch ở sát bên cạnh, tàu của chúng ta có nguy cơ bị lộ, thuyền trưởng Phan Vinh quyết định cho anh em thả hàng. Công việc thả hàng đã được huấn luyện từ trước, giờ đây cũng được cơ động linh hoạt hơn cho phù hợp với tình hình thực tế lúc bấy giờ. Mọi việc được tiến hành một cách gấp rút, khẩn trương, từng hòm vũ khí nặng năm sáu chục kilogam được chuyền tay nhau qua khoang rồi xuống biển.

Hàng thả xong, cũng là lúc tàu C235 bị phát hiện và bị bủa vây hoàn toàn bởi pháo sáng, tàu chiến và máy bay địch. Thuyền trưởng Phan Vinh lệnh cho mọi người vào vị trí chiến đấu, đồng thời khéo léo cơ động để tàu di chuyển khỏi vị trí thả hàng và vào gần bờ hơn, nhằm đảm bảo an toàn bí mật cho hàng và cũng để chiến sĩ của ta có cơ hội tiếp cận bờ hơn trong trường hợp có thể rời tàu. Cuộc chiến không cân sức diễn ra giữa con tàu C235 đơn lẻ của Phan Vinh và kẻ thù như một bầy sói hung hãn và được trang bị tối tân. Trước thực tế ấy, các chiến sĩ của chúng ta đã sẵn sàng phương án hy sinh cùng với con tàu. Sau gần nửa giờ chiến đấu, các chiến sĩ của ta bị thương quá nửa, một số đồng chí hy sinh tại chỗ. Thuyền trưởng Phan Vinh cũng bị thương ở đầu nhưng vẫn chiến đấu rất ngoan cường, anh truyền lửa sang cho các chiến sĩ của mình, sẵn sàng thực hiện phương án hai (khi bị lộ, cho tàu chạy thẳng vào cảng Nha Trang, áp tàu mình vào tàu địch cho nổ cả tàu địch hoặc phá luôn bến cảng), nhưng bất ngờ buồng máy trúng đạn, máy tàu hỏng nặng, ý định thực hiện phương án hai của tàu C235 buộc phải thay đổi, thực hiện phá tàu tại vị trí. Mệnh lệnh của thuyền trưởng Phan Vinh vang lên - “Đánh bộc phá, phá tàu!”. Mệnh lệnh đó, ở thời điểm đó vang lên và dội vào trái tim mỗi thủy thủ, nó thiêng liêng như sứ mệnh mà Tổ quốc đã trao cho họ, để đến bây giờ giọng ông Mai vẫn còn run run xúc động khi nhớ về thời khắc ấy.

Chuẩn bị phá tàu, mỗi người một việc. Phao cứu sinh được đồng chí Lê Duy Mai bơm để đưa thương binh xuống. Theo phương án đã phân công khi đó, đồng chí Trần Lộc được phân công nhiệm vụ đánh bộc phá khoang máy sau và buồng lái, nhưng do anh bị thương khá nặng nên đồng chí Lê Duy Mai khi đó đã đẩy anh Trần Lộc xuống phao cứu sinh và thay anh vào vị trí thực hiện nhiệm vụ. Ông Mai chia sẻ: “Quả thực lúc đó tôi cũng không nghĩ được nhiều, chỉ biết rằng nhiệm vụ đánh bộc phá tàu không được phép có sai sót và tàu phải nổ, không cần biết đến sự sống chết, trong khi đó anh Lộc lại bị thương khá nặng nên tôi thay vào vị trí của anh, đơn giản chỉ thế thôi”...

Ba phương pháp phá tàu được ông Lê Duy Mai thực hiện đồng thời cùng với hai đồng chí khác là Hà Minh Thật và Vũ Long An, mỗi người một vị trí. Bộc phá đã được cài sẵn, thuyền trưởng Phan Vinh cẩn thận, điềm tĩnh đến từng vị trí kiểm tra. Khi mọi việc đã chắc chắn, mọi người ôm vũ khí cá nhân rời tàu.

Nói đến người chỉ huy của mình – thuyền trưởng Phan Vinh, ông Mai không giấu nổi xúc động: “Đó là một người chỉ huy tài ba, anh ấy rất giỏi cả về chuyên môn và nghiệp vụ đi biển. Anh ấy có một phong thái điềm tĩnh lạ lùng, ngay cả trong những tình huống khó khăn và nguy hiểm nhất”. Có lẽ trong cuộc đời quân nhân của mình, mệnh lệnh cuối cùng của người thuyền trưởng tài ba ấy sẽ còn vọng mãi trong ông, bởi theo ông cái mệnh lệnh “đánh bộc phá phá tàu” được phát ra một cách bình tĩnh và quyết đoán lạ kỳ. Cho đến bây giờ, dù đã là một trung tá quân đội về hưu, ở cái tuổi ngoài bảy mươi, ông vẫn vô cùng ngưỡng mộ và kính phục tài năng, bản lĩnh của thuyền trưởng Phan Vinh.

Lại nói về số phận của con tàu C235 và hai mươi chiến sĩ - thủy thủ trên tàu. Sức mạnh của một khối bộc phá ba tấn quả là khủng khiếp, nó xé toang màn đêm, một cột lửa vụt lên trên biển, con tàu có trọng tải cả trăm tấn vỡ vụn, một phần văng lên... những phần còn lại chìm vào lòng biển Hòn Hèo. Các đồng chí của ta vật lộn với sóng cũng vào được đến bờ, nhưng ở trên bờ, quân địch lùng sục rất ráo riết, nên họ đã quyết định phân tán lực lượng thành hai nhóm, một nhóm do thuyền trưởng Phan Vinh phụ trách, nhóm thứ hai do thuyền phó Đoàn Văn Nhi phụ trách. Thuyền trưởng Phan Vinh và nhóm của ông bị địch phục kích, Phan Vinh đã cùng với các đồng chí của mình chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, và anh đã anh dũng hy sinh trong vinh quang của một thủy thủ hải quân. Trận quyết chiến của ông cùng đồng đội như một bản anh hùng ca bi tráng về tinh thần quả cảm của những người lính tàu không số bất tử. Trận đánh cuối cùng đó của C235 đã được đài phát thanh Tự do của địch gọi là “vụ đuổi bắt chiếc “tàu ma” ở Nha Trang”.

Nhóm của thuyền phó Nhi còn lại bảy người, thoát khỏi vòng vây, tất cả đều bị thương. Họ dìu nhau đi tìm căn cứ của bến. Mười ba ngày đêm đói khát, không lương thực, không nước uống, tất cả những gì họ có là 120 viên sinh tố poli, tất cả số “lương thực” đó được tập hợp lại và giao cho đồng chí Lê Duy Mai quản lý. Họ chia nhau, người bị thương nặng thì bốn viên, người bị thương nhẹ thì hai viên mỗi ngày. Họ ăn cây rừng, ăn ốc sên, ăn kiến, ăn còng... Họ uống nước trong hốc cây, thậm chí là uống nước tiểu cầm hơi để đi tìm bến, nhưng rồi tất cả những thứ đó chỉ làm dịu đi cơn đói, cơn khát trong chốc lát. Họ đi tìm nước uống. Lần đầu tiên, Thật không trở về, rồi Khung cũng không thấy quay trở lại và sự hy sinh của đồng chí Nhi... đến đêm thứ mười ba, khi sức đã cùng, lực kiệt, họ phát hiện có người thả lưới ở ven biển, bốn người bàn nhau tìm cách bắt sống người đó để khai thác, hỏi đường. Thật may mắn người đó lại là người của bến đang đi thả cá vừa là để cải thiện bữa ăn, vừa tìm cách dò la tin tức của anh em Đoàn 235. Họ nhận ra nhau mừng mừng, tủi tủi. Bốn anh em được dẫn về căn cứ, được đãi một bữa cháo gà rừng cho bõ mười ba ngày đêm đói khát. Và một điều lớn hơn là ở đây họ gặp lại được đồng chí Thật đi lạc từ mấy hôm trước cũng đã tìm đến được căn cứ. Còn đồng chí Khung thì bị địch bắt, được trả tự do sau Hiệp định Pari. Cho đến bây giờ, ông Mai vẫn không thể tin được ông và các đồng chí của mình lại sống sót sau một trận đánh sinh tử như vậy, để rồi lại vác ba lô, vượt Trường Sơn, ròng rã trong sáu tháng trời tìm về đơn vị, tiếp tục thực hiện những chuyến đi mới.

Chiến tranh đã lùi xa, Bắc Nam hai miền thống nhất. Thuyền trưởng Phan Vinh anh hùng cùng với những thủy thủ trên con tàu C235 đã làm nên một huyền thoại cho Lữ đoàn 125, cho Hải quân Nhân dân Việt Nam. Những chuyến tàu của chúng ta bây giờ có thể tự do ra Bắc, vào Nam, vươn ra quốc tế. Chúng ta đã và đang có chủ quyền biển đảo, nhưng để giữ được chủ quyền đó là cả một thách thức lớn trong thời đại mới.

Hoàng Ngọc


Hoàng Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]