(Baothanhhoa.vn) - Chiếc xe chở các hội viên Ban Thơ của Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa đi thâm nhập thực tế sáng tác tại các huyện miền núi, vào cổng trụ sở xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành. Chủ tịch UBND xã Hoàng Công Nam cùng phó chủ tịch và các cán bộ đảng ủy, ủy ban ra sân đón chúng tôi. Tay bắt mặt mừng như đã quen nhau từ lâu. Một sự thân tình, một tấm lòng mến khách đáng nể. Tôi đề nghị với Hoàng Công Nam là được ra thăm vùng cây ăn quả luôn. Đang chuẩn bị đi thì anh Nguyễn Vương, Giám đốc Khu di tích Ngọc Trạo được huyện cử đi cùng đoàn, từ huyện chạy xe xuống, thế là nhập đoàn luôn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Biết mấy ân tình

Chiếc xe chở các hội viên Ban Thơ của Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa đi thâm nhập thực tế sáng tác tại các huyện miền núi, vào cổng trụ sở xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành. Chủ tịch UBND xã Hoàng Công Nam cùng phó chủ tịch và các cán bộ đảng ủy, ủy ban ra sân đón chúng tôi. Tay bắt mặt mừng như đã quen nhau từ lâu. Một sự thân tình, một tấm lòng mến khách đáng nể. Tôi đề nghị với Hoàng Công Nam là được ra thăm vùng cây ăn quả luôn. Đang chuẩn bị đi thì anh Nguyễn Vương, Giám đốc Khu di tích Ngọc Trạo được huyện cử đi cùng đoàn, từ huyện chạy xe xuống, thế là nhập đoàn luôn.

Biết mấy ân tình

Thác Mây – một trong những danh thắng thu hút số lượng khách du lịch đông nhất của huyện Thạch Thành.

Thạch Thành là huyện có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, phát huy hiệu quả kinh tế rất sớm và thực hiện thành công. Vùng cây ăn quả xã Thành Tâm có 5 héc-ta trồng ổi, 15 héc-ta trồng thanh long và 5 héc-ta trồng mít giống Thái và vùng cây cam bưởi xã Thành Vân là những điển hình của thành công đó.

Dịp này, ổi vừa đậu quả. Nông dân đang dùng túi xốp và ni long bọc quả. Nam giải thích: Bọc để tránh côn trùng phá hoại. Quả được bọc túi từ lúc còn bé tí cho đến khi lớn, thu hoạch và cả khi đến tận tay người tiêu dùng kia đấy. Vườn ổi bạt ngàn, cây xanh che lút đầu người, túi bọc quả trắng lốp cả một vùng.

- Trồng ổi thì mỗi héc-ta thu được bao nhiêu - tôi hỏi Nam.

- Ổi, thanh long và mít là những cây có giá trị kinh tế cao anh ạ. Xã đã chọn để đưa về đồng đất quê mình. Riêng cây ổi, mỗi héc-ta, một năm cũng cho thu về từ 300 đến 400 triệu đồng đó anh.

Chúng tôi sang vườn trồng thanh long. Cây thanh long vốn không ở đất này. Nghe nói gốc gác của cây thanh long ở tận nam Mỹ, trung Mỹ và Mê-hi-cô gì đó. Sau mới du nhập về miền Nam nước ta và một số nước Đông Nam Á. Ở nước ta, không riêng gì thanh long, mà còn nhiều giống cây khác, trước kia chỉ có ở miền Nam. Thổ nhưỡng và khí hậu tưởng đã “mặc định”. Ấy vậy mà người dân Thạch Thành đã mạnh dạn đưa về trồng và đã thành công. Cây thanh long đã đứng chân vững vàng ở mảnh đất này. Vườn thanh long Thành Tâm bạt ngàn, ngút mắt. Đận này, thanh long đang ra quả. Ở mỗi nách lá, một nụ hoa đang hé. Nụ thì chúm chím, nụ thì đã sắp bung, hoa thì trắng muốt, thi thoảng có vài quả đã bằng nắm tay, đo đỏ, hồng hồng...

Trồng và chăm sóc thanh long rất cầu kỳ, đòi hỏi phải cần mẫn chăm chút. Nào là phải có trụ cây, phải giăng đèn, rồi phải chú ý chăm từng mắt, từng nụ, rồi bón phân cho từng giai đoạn của cây, rồi trừ sâu... Tóm lại là rất kỳ công.

Chúng tôi vào thăm trang trại thanh long của chị Nguyễn Thị Dung ở xã Thành Vân. Chị Dung là người đầu tiên đưa cây thanh long về vùng đất này. Năm 2012, năm đầu tiên chị trồng 700 trụ cây (mỗi cây thanh long có một trụ bằng gỗ hoặc xi măng để tựa). Lứa quả đầu tiên, quả to, ruột mịn, ăn ngọt, mát chẳng kém gì thanh long được chuyển từ miền Nam ra, người tiêu dùng rất thích. Thế là những năm sau đó, chị cho nhân rộng diện tích luôn. Chị Dung cho biết, mỗi vụ một trụ cây thanh long cho thu hoạch từ 20 đến 25 kilogam quả. Hiện nay, mỗi héc-ta trừ chi phí thu về từ 250 đến 270 triệu đồng. Gia đình chị Nguyễn Thị Dung là gia đình duy nhất của tỉnh Thanh Hóa được chọn tham dự hội nghị điển hình tiên tiến toàn quốc về nông dân sản xuất giỏi.

Nàng công chúa ngủ trong rừng

Các nhà thơ thật mơ mộng và lắm tưởng tượng. Họ đã gọi thác Voi là “Nàng công chúa ngủ trong rừng”. Quả có vậy. Thắng cảnh thác Voi ở xã Thành Vân, cách đường cái quan Kim Tân - Rịa - Nho Quan chỉ độ trăm mét, ấy vậy mà rất nhiều người ngỡ ngàng, vì lần đầu đặt chân đến. Ẩn trong rừng tre Bát Độ, dòng nước trong xanh len lỏi chảy qua nhiều ghềnh đá, nhiều bậc đá cao thấp khác nhau, rồi từ đỉnh cao, thác nước bất ngờ đổ xuống trắng xóa, bụi nước bung những hạt li ti như khói bay cả một vùng. Một cây cầu vắt ngang suối để du khách đứng trên cầu thưởng ngoạn và chụp ảnh. Nhiều bậc đá, cầu đá, mô đá tự nhiên và cả nhân tạo để du khách đứng ngắm cảnh, tạo dáng chụp ảnh. Du khách bây giờ ai chả có điện thoại, điện thoại nào chả có chức năng chụp ảnh, vậy nên mỗi du khách đều là những nhà nhiếp ảnh. Vừa vào đến thác, trước cảnh trí quá đẹp, quá hùng vĩ, các nhà thơ liền tản ra theo từng nhóm, từng nhóm,... thưởng ngoạn, khám phá theo cách của mình. Ai cũng tạo dáng, giương điện thoại, bấm máy lia lịa. Các nữ thi sĩ Mai Hương, Phạm Thị Kim Khánh, Đinh Thị Hường... không chịu để thời cơ vuột đi, vội tạo dáng, chớp ảnh đẹp. Trước cảnh trí tuyệt mỹ, tác giả Đinh Thị Hường có ngay vần thơ về thác:

Ẩn mình nơi rừng sâu

Thác chờ đợi ai?... ngàn ngàn năm trước

Chiều nay

em về, dịu êm thác nước

Trắng trinh... hồn...

Anh có về

thác Voi với em không?

Thác Voi đẹp là vậy, nhưng vắng khách quá, rất ít người biết đến. Ngay ở trong tỉnh cũng có mấy người biết đâu. Và, hình như đầu tư vào đây còn rất dè dặt, chỉ bằng ngân sách Nhà nước ít ỏi. Có lẽ, phải có nhà đầu tư hẳn hoi.

Đời sống được nâng cao, nhu cầu du lịch, thưởng ngoạn, thăm thú..., là cơ hội lớn cho các nhà làm du lịch. Thắng cảnh thác Voi Thành Vân đang đứng trước cơ hội đó.

Vùng đất “Gấm thêu”

Cẩm Tú là gấm thêu, là đẹp như gấm thêu. Đoàn các hội viên Ban thơ Hội VHNT Thanh Hóa về xã Cẩm Tú một sáng nắng nhạt, nắng mơn man như lá ngô non. Bí thư Đảng ủy xã Cao Văn Tuyên, Chủ tịch xã Trương Đình Mong, Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Đình Lương tiếp và làm việc với đoàn. Cẩm Tú là xã đã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Cẩm Thủy. Nhiều năm liền đảng bộ đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Cảm nhận đầu tiên, Cẩm Tú là một vùng quê bình yên, đẹp, khang trang và sầm uất, cái sầm uất của vùng quê miền sơn cước có núi non hùng vĩ, có sông nước hiền hòa và có con người mến khách, thân thiện. Trước khi sáp nhập các thôn, Cẩm Tú có 14 thôn, trong đó có 13 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa. Dân số toàn xã là 6.713 người. Anh Trương Đình Mong cho chúng tôi biết, hiện có 5 nhà máy công nghiệp đứng chân trên địa bàn xã. Trong các nhà máy có tới 50% công nhân là con em trong xã. Vừa qua, Cẩm Tú vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc, dẫn đầu phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Chúng tôi vào thôn Bình Xuyên. Bình Xuyên là thôn văn hóa. Đường làng ở đây quang quẻ, sạch sẽ. Ngay sau khi tiếp thu chủ trương của xã, của thôn, bà con ở hai bên đường đã tự nguyện hiến đất để mở rộng đường làng, ngõ xóm và đổ bê tông. Vậy là đường làng ở Bình Xuyên hai xe ô tô có thể tránh nhau. Xe ô tô có thể vào được tận các ngõ. Ven đường các loại hoa đua nở, khoe sắc. Chi bộ thôn cũng nhiều năm đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Trong nhà văn hóa thôn, bằng khen, giấy khen, các loại danh hiệu thi đua treo kín cả tường. Những vạt ngô non, những dàn dưa chuột, nhưng sân gạch tráng nắng, những mái nhà Thái đỏ au... có lẽ là những họa tiết sinh động của bức tranh một làng quê giàu đẹp, trù phú Bình Xuyên và Cẩm Tú, khiến các thi sĩ không khỏi nao lòng. Nhà thơ Đinh Ngọc Diệp mải mê ghi chép, quên cả đường ra. Nhà thơ Nguyễn Duy Chinh tay lăm lăm máy ảnh, anh chớp lia lịa, không bỏ sót một cảnh đẹp nào. Nhà thơ Lê Đình Bằng thì mải mê với những câu đối, đại tự cổ trong đền, trong chùa...

Biết mấy ân tình

Trong các cuộc tiếp xúc, làm việc, có lẽ sự chu đáo, nhiệt tình và chân thành của các lãnh đạo huyện, các phòng, ban của hai huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy đã khiến chuyến đi thực tế sáng tác của Ban thơ Hội VHNT Thanh Hóa có hiệu ứng tốt đẹp, tạo ấn tượng đẹp trong mỗi nhà thơ. Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành Phạm Đình Minh nói vui: Anh chị em văn nghệ sĩ đến với Thạch Thành là đem sự giàu có về cho Thạch Thành. Còn đại tá Lê Văn Thiệp, Trưởng Công an huyện Thạch Thành lại nói: Các nhà thơ đến với công an là giúp làm rõ nét hơn hình ảnh người chiến sĩ công an, đưa hình ảnh người chiến sĩ công an đến gần với dân hơn. Anh Thiệp cho biết, trong phong trào rèn luyện phẩm chất theo tinh thần “Xây dựng phong cách người công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Thạch Thành đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, như thượng úy Tào Việt Hùng, cán bộ đội an ninh, trong 3 năm có tới 29 lần anh hiến máu tình nguyện và nhiều đoàn viên, thanh niên khác hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen, như các đồng chí Vũ Hưng (đội cảnh sát hình sự), Cao Tuấn Anh, Nguyễn Văn Thân (đội cảnh sát hình sự), Trần Trung Hiếu (đội phòng chống ma túy)...

Anh Trần Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện, anh Hoàng Trung Hải, Chánh Văn phòng, anh Vũ Xuân Phúc, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Cẩm Thủy... thì dành cả buổi trưa để đón tiếp các nhà thơ của Hội VHNT. Các anh phân bua, đoàn các nhà thơ đến giữa lúc huyện đang rất bận. Thế nhưng các anh vẫn dành cho các nhà thơ xứ Thanh hơn tiếng đồng hồ để thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, về những nét mới của huyện trong thời gian qua và giao lưu chủ khách.

Chuyến đi thực tế của Ban thơ Hội VHNT Thanh Hóa đã dành được nhiều sự quan tâm, tạo điều kiện của huyện Thạch Thành và Cẩm Thủy, của Ban Quản lý khu di tích chiến khu Ngọc Trạo, của các xã Thành Tâm, Ngọc Trạo, Cẩm Tú, Ban Quản lý danh thắng suối cá Cẩm Lương... của các anh, các chị Phạm Đình Minh, Quách Thị Tươi, Lê Thị Hương, Đinh Thế Thắng, Nguyễn Vương (Thạch Thành); các anh Trần Đức Hùng, Hoàng Trung Hải, Vũ Xuân Phúc (Cẩm Thủy)... Và được chứng kiến những đổi thay, sự bứt phá đi lên ở các vùng quê đã để lại ấn tượng tốt cho các nhà thơ xứ Thanh. Và đây cũng chính là niềm cảm hứng, niềm say mê để các nhà thơ cho ra đời những vần thơ hay về vùng đất, vùng quê giàu đẹp và hiếu khách.

Tháng 11-2019.

Ghi chép của Lâm Bằng


Ghi Chép Của Lâm Bằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]