(Baothanhhoa.vn) - Qua bao biến cố, thăng trầm của thời gian nhưng hàng chục đạo sắc phong cổ ở làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) vẫn được người dân nơi đây nâng niu, trân trọng và gìn giữ. Với họ, những sắc phong ấy chính là “báu vật” của làng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Báu vật” của làng

Qua bao biến cố, thăng trầm của thời gian nhưng hàng chục đạo sắc phong cổ ở làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) vẫn được người dân nơi đây nâng niu, trân trọng và gìn giữ. Với họ, những sắc phong ấy chính là “báu vật” của làng.

“Báu vật” của làng

Đình cổ Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc là nơi lưu giữ 64 đạo sắc phong cổ qua các triều đại phong kiến.

Phú Điền là một ngôi làng cổ có lịch sử phát triển hàng nghìn năm. Thành Hoàng được bà con nơi đây tôn thờ chính là bà Triệu Thị Trinh (hay còn gọi là Bà Triệu), một trong những vị anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam. Trong cuộc sống xô bồ nhộn nhịp của xã hội hiện đại, đặc biệt là cơn lốc đô thị hóa ít ai biết rằng ngôi làng này đã và đang lưu giữ được “kho báu độc nhất vô nhị” với hệ thống các đình, đền, miếu và hàng chục bản sắc phong qua các triều đại phong kiến. Trải qua bao biến cố thăng tầm của thời gian, những sắc phong ấy vẫn được xem là “báu vật” vô giá của tiền nhân truyền lại, để lại niềm tự hào đời đời cho con cháu...

Sau khi thắp nén hương thơm, ông Đặng Văn Cường (70 tuổi), thủ từ của đình Phú Điền mở khóa khu hậu cung, lấy ra những “báu vật” của làng cho chúng tôi xem. Các bản sắc phong được đựng trang trọng trong một chiếc hộp tráp hình chữ nhật với nhiều hoa văn tinh xảo.

Cất giữ phía trong hộp gỗ, 64 đạo bản sắc phong cổ bằng giấy được cuộn tròn, sắp xếp một cách cẩn thận, tỉ mỉ. Những bàn tay nhẹ nhàng lần dở cho chúng tôi xem, cũng đủ thấy sự trân quý của người dân nơi đây dành cho những “báu vật” ấy như thế nào. Do mỗi thời đại khác nhau nên hoa văn mỗi bản sắc phong có nhiều dị biệt, kích thước các bản sắc phong cũng không đồng nhất, chiều dài từ 1,3 đến 1,5m, rộng chừng 50cm...

Trải qua bao biến cố của lịch sử, sự bào mòn của thời gian nhưng những dòng chữ màu đen trên bản giấy kim tiền màu vàng nhạt vẫn còn hiện rõ. Dấu triện đỏ của các triều đình phong kiến, những hoa văn rồng múa lượn tượng trưng cho uy quyền của các triều vua được in chìm vẫn còn nguyên màu vàng lấp lánh...

“Báu vật” của làng

Với dân làng Phú Điền, những đạo sắc phong này được xem là “báu vật” của làng.

Đã từng nhiều năm làm thủ từ, ông Đặng Văn Cường tự hào cho biết: Trước giờ, sắc phong được xem là đại diện cho vua nên người dân rất mực tôn kính. Mỗi tấm sắc phong được bảo tồn, lưu giữ nâng niu, trân trọng qua từng thế hệ bởi phần giá trị truyền thống, hồn cốt tinh thần vẹn nguyên trải qua những biến động của thời gian. Chính vì các sắc phong này đối với dân làng là “báu vật” nên bản thân tôi cũng luôn có ý thức trong việc giữ gìn cẩn thận. Mỗi lần thỉnh sắc đều phải thực hành các nghi lễ cúng tế trang nghiêm, thành kính.

“Với tôi, không chỉ là “báu vật” của Nhân dân, niềm tự hào đời đời của con cháu, các bản sắc phong cổ cũng chính là linh hồn, là yếu tố phi vật thể bảo tồn lâu dài các thành tố văn hóa vật thể ở làng. Đây không chỉ có giá trị lịch sử, tư liệu quý giá mà còn là nơi giữ hồn cốt lễ hội dân gian, là “nhà” để người dân trong làng dù có đi đâu cũng sẽ nhớ để về”, ông Cường xúc động nói!

Với người dân làng Phú Điền, các đạo sắc phong được coi là báu vật của làng. Hàng năm, vào các dịp hội làng, các đạo sắc phong được đem ra, đặt trang trọng lên kiệu để rước quanh làng.

Các sắc phong này ngoài việc phong mỹ tự, ban chiếu sắc cho được thờ cúng còn truyền đạt công đức của các vị thành hoàng, các nhân thần có công lao vì nước, vì dân. Những sắc phong này không chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa mà còn là tài sản vô giá của tổ tiên để lại cho thế hệ mai sau. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống, răn dạy con cháu noi gương các thế hệ ông cha tích cực tu dưỡng, rèn luyện và cố gắng học tập để đỗ đạt thành tài, trở thành người có ích cho đất nước, quê hương...

Theo các vị cao niên trong làng và các tài liệu cho biết, những sắc phong này của các triều đại phong kiến Hậu Lê và nhà Nguyễn phong tặng. Các đạo sắc phong này hầu hết là ca ngợi công đức của Bà Triệu, 3 ông tướng họ Lý và các vị thần quan của làng. Ngoài mang yếu tố cổ xưa, thì việc bảo vệ những kỷ vật này cũng thể hiện lòng tôn kính đối với vị thần đã có công gây dựng, bảo vệ, phù trợ cho dân làng.

Cụ Phan Văn Tào (86 tuổi), làng Phú Điền chia sẻ: “Bà Triệu không chỉ là vị nữ tướng anh hùng của dân tộc, với Nhân dân Phú Điền suốt cả nghìn năm qua, bà chính là vị thần đã giúp đỡ, phù trợ cho sự phát triển, no đủ và yên lành của người dân chúng tôi”.

Người dân Phú Điền xưa nay vẫn tin rằng, sau khi tuẫn tiết trên đỉnh núi Tùng (xã Triệu Lộc) thì Bà Triệu vẫn luôn dõi theo và phù trợ cho đất nước, Nhân dân. Khi đất nước gặp nguy nan trước họa ngoại xâm, bà hiển ứng giúp đấng quân vương đánh tan kẻ thù. Khi làng quê thanh bình trở lại, Bà lại “giúp đỡ” cho mùa màng được tốt tươi, cuộc sống no đủ, trù phú.

Có lẽ, cái tên Phú Điền cũng bắt đầu từ ước vọng giàu có của người dân. Chính vì niềm tin ấy, từ thế kỷ thứ 7, dân làng Phú Điền đã cùng nhau lập nên ngôi đền nhỏ ngay giữa làng để thờ vị vua Bà. Đến thế kỷ 18, một ngôi đình làng bằng gỗ khang trang, bề thế ngay bên ngoài ngôi đền nhỏ đã được khởi dựng và Bà Triệu chính thức được suy tôn là Thành Hoàng làng, vị thần bảo trợ cho dân làng Phú Điền. Niềm tin tâm linh ấy được truyền tiếp, đời nối đời, là mạch nguồn văn hóa, góp phần làm nên niềm tự hào của một vùng đất.

Còn nói về ba ông tướng họ Lý, thần tích và truyền thuyết dân gian kể lại, họ là ba anh em trong một gia đình thi thư tại trang Bồ Điền xưa (nay là làng Phú Điền). Ngay từ nhỏ, cả ba anh em đều chăm chỉ đọc sách, yêu thích luyện tập cung kiếm, rèn luyện bản thân. Khi Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa ra chiếu hịch, chiêu mộ binh sĩ, cùng chung ý chí căm thù giặc Ngô, cả ba anh em họ Lý đã một lòng đi theo vị nữ chủ tướng, tạo nên khí thế chẻ tre khiến kẻ thù bao phen lao đao, kinh hãi. Sau khi Bà Triệu tuẫn tiết trên đỉnh núi Tùng, ba anh em họ Lý đã đắp mộ chu toàn cho Bà ngay trên đỉnh núi. Và dân gian cho rằng, ba chữ Hán cổ “Phúc thần mộ” được khắc sơ sài trên phiến đá bên khu mộ Bà Triệu cũng là chứng tích do ba ông tướng để lại.

Sau khi Bà Triệu quyên sinh không lâu, dưới chân núi Tùng quân sĩ và Nhân dân trong vùng tìm thấy thi thể của ba anh em họ Lý. Cảm động trước tấm lòng trung quân của ba vị tướng tài, hậu thế đã đắp mộ cho ba ông và dân gian vẫn thường gọi là mộ ba ông tướng họ Lý. Trong câu chuyện kể cho cháu con nghe, các vị cao niên trong làng vẫn dặn dò: Trên đỉnh núi Tùng là lăng mộ Bà Triệu được ba ông tướng họ Lý canh gác yên nghỉ thiên thu. Còn mộ ba ông đã có Nhân dân muôn đời gìn giữ!

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Ngọc Doãn, Chủ tịch UBND xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, bộc bạch: Ngoài giá trị tâm linh, sắc phong còn mang giá trị lịch sử. Những bản sắc phong này như một chứng tích ghi lại đầy đủ công lao, sự đóng góp của các vị thần đã có công “khai thiên lập ấp” mở mang bờ cõi quê hương. Là “báu vật”, song địa phương lúc nào cũng lo lắng bởi sự thay đổi thất thường của khí hậu, điều kiện bảo quản còn thô sơ chắc chắn lâu dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến những sắc phong này.

Bài và ảnh: Hoài Thu


Bài Và Ảnh: Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]