(Baothanhhoa.vn) - Sự tồn tại của các nghề truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong đời sống hiện nay, không đơn thuần chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn bao hàm trong đó là phong tục, tập quán, tri thức dân gian... góp phần làm nên nét văn hóa riêng biệt và giàu bản sắc tộc người.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống vùng dân tộc thiểu số: Cần đòn bẩy mạnh mẽ

Bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống vùng dân tộc thiểu số: Cần đòn bẩy mạnh mẽ

Bà Lê Thị Cáy (thị trấn Lang Chánh) là người đã gắn bó gần trọn cuộc đời với nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Sự tồn tại của các nghề truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong đời sống hiện nay, không đơn thuần chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn bao hàm trong đó là phong tục, tập quán, tri thức dân gian... góp phần làm nên nét văn hóa riêng biệt và giàu bản sắc tộc người.

Những gam màu sáng – tối

Trong vài năm trở lại đây, cùng với các cơ chế, chính sách của tỉnh, nhằm bảo tồn, phát triển ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp nói chung; trong đó, các nghề truyền thống vùng dân tộc thiểu số cũng được quan tâm gìn giữ và phát triển. Cách đây chừng dăm năm, cùng với định hướng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, huyện Bá Thước cũng quan tâm đến việc khai thác các sản phẩm thủ công và khôi phục các làng nghề truyền thống, phục vụ phát triển du lịch. Theo đó, huyện đã phục hồi mô hình dệt thổ cẩm tại làng Lặn Ngoài (xã Lũng Niêm) và làng Tôm (xã Ban Công). Đến nay, hai mô hình đã thu hút được trên 100 hội viên phụ nữ tham gia, với thu nhập bình quân từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Đây được xem là hướng đi đúng đắn và phù hợp, vừa góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân; vừa thu hút du khách đến tham quan và tạo ra sản phẩm lưu niệm mang đậm dấu ấn địa phương.

Huyện Lang Chánh là một trong những địa phương có nghề dệt thổ cẩm từng một thời phát triển. Tuy nhiên, sự đa dạng, phong phú và lấn át của các mặt hàng vải vóc, quần áo trên thị trường, đã khiến nghề truyền thống này bị thu hẹp và dần mai một. Là một người gắn bó với khung cửi từ khi còn rất trẻ, vậy nên, trước sự tàn lụi của nghề truyền thống, bà Lê Thị Cáy (bản Chải 1, thị trấn Lang Chánh) đã quyết tâm gây dựng và gìn giữ nghề. Năm 2005, bà Cáy đã đứng ra thành lập “Nhóm dệt Mường Lang Chánh”, với số ít thành viên là chị em phụ nữ trong xóm và vải làm ra chỉ bán quanh quẩn trong huyện. Sang năm 2006, cơ sở của bà nhận được tài trợ từ Tổ chức Tầm nhìn thế giới, trong việc tập huấn nghề dệt tơ tằm. Sau hơn chục năm tồn tại, đến nay, “Nhóm dệt Mường Lang Chánh” đã tìm được chỗ đứng nhất định trên thị trường và có mặt ở không ít hội chợ trong nước, quốc tế, nhờ vào chất lượng sản phẩm. Sản phẩm làm ra đa phần bán cho khách du lịch nước ngoài, vì như bà Cáy chia sẻ, có những miếng vải được dệt cầu kỳ thì giá tương đối cao so với thu nhập của người dân. Không chỉ có thị trường nội địa, sản phẩm thủ công truyền thống này đã được thị trường Nhật Bản và Singapo biết đến. Sự phát triển của “Nhóm dệt Mường Lang Chánh” đã góp phần mang lại thu nhập và giúp cải thiện đời sống cho các hội viên phụ nữ.

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, khu vực miền núi hiện có khoảng 700 thôn, bản thuộc 54 xã vùng cao, có nghề và làng nghề truyền thống đang duy trì hoạt động, trong hộ, nhóm hộ gia đình và các tổ hợp tác. Tập tục sinh hoạt bao đời nay của đồng bào các dân tộc thiểu số đã gắn liền với nhiều sản phẩm thủ công truyền thống. Các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, thêu ren, đan lát mây tre đan, đan cót, ủ rượu cần, nấu rượu siêu men lá, rèn... đã hình thành từ lâu đời và được đánh giá là có nhiều sản phẩm độc đáo, mang tính riêng biệt. Trong đó, có không ít sản phẩm đã trở thành hàng hóa và dần trở nên phổ biến trên thị trường như mặt hàng mây tre đan, thổ cẩm, rượu cần, rượu siêu men lá... Việc duy trì và phát triển các nghề truyền thống đã và đang góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và từng bước góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn. Cùng với giá trị về mặt kinh tế, thì một số nghề thủ công truyền thống còn lưu giữ trong nó cả cách thức sinh hoạt, phong tục tập quán, tri thức dân gian và nhiều quan niệm của con người về thế giới.

Mặc dù vậy, không phải nghề nào cũng được duy trì và phát triển. Đồng thời, không phải địa phương nào cũng có sự quan tâm và đầu tư thích đáng cho các nghề và làng nghề truyền thống tại địa phương. Thực tế cho thấy, không ít nghề và làng nghề đang phải chật vật tìm cách tồn tại. Trong khi, đa phần các nghề và làng nghề đang trong tình trạng phát triển manh mún, tự phát, chưa có quy hoạch vào định hướng phù hợp. Hầu hết các nghề và làng nghề đều có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, công nghệ lạc hậu, sản xuất xen kẽ trong các khu dân cư gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Bên cạnh đó, các nghề và làng nghề truyền thống này đang phải đối mặt với không ít thách thức trong cách thức tổ chức quản lý; trang thiết bị và công nghệ còn lạc hậu; trình độ tay nghề của người lao động còn hạn chế và năng suất lao động thấp. Ngoài ra, chất lượng và mẫu mã của nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng, khó tiêu thụ do không có thị trường. Các nghề và làng nghề cũng chưa thu hút và khuyến khích được các thành phần kinh tế và người dân tham gia, do thu nhập còn thấp...

Chính sách đồng hành

Dù đứng trước không ít thách thức, song sự hình thành, tồn tại và phát triển cho đến tận ngày nay của không ít các nghề và làng nghề truyền thống, đang cho thấy vai trò và vị thế nhất định của nó trong đời sống vật chất và tinh thần của nhiều cộng đồng dân cư. Song, để bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề truyền thống vùng dân tộc thiểu số, cần phải có chính sách tổng thể và phù hợp với quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi. Đồng thời, phát triển nghề và làng nghề phải hài hòa giữa sản xuất hàng hóa với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường sống. Đây là cơ sở cho sự ra đời của đề án “Bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020”, được phê duyệt tại Quyết định 4620/QĐ-UBND ngày 10-11-2015.

Theo định hướng, trong giai đoạn 5 năm, tỉnh ta sẽ đầu tư để bảo tồn 8 nghề truyền thống là nghề dệt thổ cẩm, nghề thêu ren, nghề đan lát mây tre đan, nghề đan cót, nghề ủ rượu cần, nghề nấu rượu siêu men lá, nghề rèn và nghề làm nỏ. Đồng thời, hỗ trợ để phát triển 27 làng nghề, trong đó có 18 làng nghề truyền thống có khả năng phát triển độc lập và 9 làng nghề truyền thống gắn với du lịch sinh thái và khu vực cửa khẩu. Qua đó, nâng tỷ lệ giá trị sản xuất nghề, làng nghề truyền thống lên 20-25% tổng giá trị sản xuất ở vùng dân tộc thiểu số; góp phần tạo việc làm cho khoảng 6.000 lao động, với mức thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý; đăng ký thương hiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho 27 làng nghề truyền thống...

Một trong những nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống là gắn kết nó với các hoạt động du lịch. Hiện khu vực có 5 làng nghề truyền thống có khả năng phát triển gắn với du lịch, gồm làng nghề dệt thổ cẩm, ủ rượu cần bản Hang (xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa), gắn với du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu; làng nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan và ủ rượu cần bản Khằm (xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn), gắn với du lịch sinh thái bản Khằm; làng nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu siêu men lá bản Hiêu (xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước), gắn với du lịch sinh thái thác Hiêu; làng nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan và nấu rượu siêu men lá bản Năng Cát (xã Trí Nang, huyện Lang Chánh), gắn với du lịch sinh thái thác Ma Hao; làng nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu siêu men lá bản Thanh Xuân (thôn Thác Mạ, xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân), gắn với du lịch hồ Cửa Đặt. Để các làng nghề này phát triển và góp phần thúc đẩy du lịch, nhiều hạng mục đang và sẽ được quan tâm đầu tư, như quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ; hỗ trợ máy móc, trang thiết bị sản xuất; đầu tư khu trưng bày giới thiệu sản phẩm; cải tạo hệ thống điện, hệ thống thoát nước, xử lý môi trường làng nghề; đào tạo nghề cho người lao động và đào tạo năng lực quản trị doanh nghiệp; kỹ năng phục vụ du lịch; xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và thành lập HTX, các doanh nghiệp...

Nếu việc bảo tồn nghề và làng nghề thường gắn với công tác tuyên truyền, vận động, khen thưởng và khuyến khích lao động, nghệ nhân; thì phát triển các nghề và làng nghề cần tổng hòa các giải pháp. Trong đó có công tác quy hoạch, chính sách đất đai và đầu tư cơ sở hạ tầng. Đồng thời, quan tâm đến công tác quản lý, chỉ đạo và lực lượng lao động. Bên cạnh đó là quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu; là công tác quảng bá sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, việc áp dụng khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, nguồn vốn và các chính sách đặc thù cũng cần được chú trọng. Đây cũng chính là đòn bẩy mạnh mẽ, để việc bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không chỉ đạt được mục tiêu kinh tế, mà còn gắn với các vấn đề xã hội và môi trường.

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]