(Baothanhhoa.vn) - Đình làng là hình ảnh bình dị, thân thuộc gắn liền với đời sống người dân, là hồn cốt của mỗi miền quê xưa cũ. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều ngôi đình làng đang bị xuống cấp và có dấu hiệu mất dần “chỗ đứng” trong đời sống sinh hoạt của mỗi làng quê. Hơn lúc nào hết, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đình làng là điều cần thiết, góp phần lưu giữ những di sản quý báu của dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đình làng

Đình làng là hình ảnh bình dị, thân thuộc gắn liền với đời sống người dân, là hồn cốt của mỗi miền quê xưa cũ. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều ngôi đình làng đang bị xuống cấp và có dấu hiệu mất dần “chỗ đứng” trong đời sống sinh hoạt của mỗi làng quê. Hơn lúc nào hết, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đình làng là điều cần thiết, góp phần lưu giữ những di sản quý báu của dân tộc.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đình làng

Đình làng Đình Trung, xã Yên Dương (Hà Trung) được xây dựng từ thế kỷ 17 vẫn giữ được nét đẹp cổ kính.

Đình làng, hồn quê hương

Mang vẻ đẹp thuần chất, mộc mạc nhưng lại toát lên sự tinh tế, cổ kính, không gian đình làng xưa là những hình ảnh thân quen, gần gũi, in đậm trong ký ức của mỗi người Việt khi nhớ về quê hương. Trong tâm trí của nhiều người con lớn lên từ những miền thôn quê dân dã, đình làng gợi lên những kỷ niệm về tuổi thơ, là sự bình dị của quê hương, nơi đó có gia đình, bè bạn, có những tháng ngày dịu êm đáng nhớ.

Theo lời kể của các cụ cao niên cũng như từ sử sách ghi lại, ban đầu, đình chỉ có chức năng như ngôi nhà lớn của cộng đồng, là nơi hội họp và là điểm nghỉ chân cho khách lỡ đường. Về sau, triều đình phong kiến mới sắc phong cho những vị có công với nước làm Thành Hoàng làng. Vì vậy đình kiêm chức năng nữa là thờ vị Thành Hoàng - người có công khẩn đất, lập làng. Cũng có thời kỳ, đình làng là trụ sở hành chính của chính quyền tựu trung đủ mọi lề thói từ: Hội hè, khao vọng quan trên, đón người đỗ đạt, nơi giải quyết các việc làng, việc xã... Đình làng gần như đại diện, là biểu tượng của quyền lực làng xã.

Kiến trúc đình làng vừa rất đơn giản, gần gũi với những nếp nhà xưa cũ của người dân vừa chứa đựng nghệ thuật điêu khắc cầu kỳ, độc đáo. Bộ mái lợp ngói rộng lớn, rêu phong, góc mái đao cong vút được trang trí đẹp mắt. Bên trong đình có các cột gỗ lớn với các bức chạm khắc bộ tứ linh (long, ly, quy, phượng) và nhiều họa tiết tinh xảo như mây, hoa, lá... Bên cạnh đó còn có nhiều hình khối chạm khắc nghệ thuật khác thể hiện ước vọng của người dân về một cuộc sống thanh bình, no đủ.

Ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa cho biết: Đình làng Việt không chỉ là công trình kiến trúc biểu tượng của cả làng, mà còn ẩn chứa trong đó những câu chuyện lịch sử, những ước vọng của người dân gửi gắm qua từng đường nét kiến trúc, chạm khắc. Đình làng là nơi thể hiện rõ nhất lối sinh hoạt gắn bó mang tính cộng đồng bền chặt của người dân Việt. Điều đó thể hiện từ trong quá trình xây dựng ngôi đình. Để xây dựng một ngôi đình, người dân địa phương phải hợp sức góp công, góp của để thi công trong thời gian kéo dài nhiều năm liền. Họ chia nhau thành từng tốp thợ, mỗi tốp được phân công một phần việc nhất định. Họ cùng nhau làm việc, cùng ra sức trổ tài rồi chuyện trò, đối đáp, sẻ chia... Tình làng nghĩa xóm cũng từ đó mà bền chặt, thắm đượm hơn.

Đình làng Đình Trung, di tích lịch sử cấp quốc gia tại xã Hà Yên (nay là xã Yên Dương, huyện Hà Trung) là một ngôi đình lớn có giá trị cả về mặt lịch sử văn hóa lẫn kiến trúc nghệ thuật. Ngôi đình được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, được cấu tạo theo lối chữ Nhất gồm có 5 gian (3 gian, 2 chái), với 4 vì kèo được kết cấu theo kiểu “chồng rường kẻ bẩy”. Bộ khung gỗ của đình vững chắc, bề thế với những mảng chạm khắc nghệ thuật các linh vật, hoa lá tỉ mỉ. Nền nhà được lát gạch bát màu đỏ, sườn nhà làm bằng gỗ lim cùng với 24 hòn đá tảng kê chân cột. Kiến trúc cầu kỳ đẹp mắt cùng với những đường nét điêu khắc nghệ thuật tinh xảo khiến ngôi đình vừa có nét linh thiêng, trang trọng vừa thực sự gần gũi, gắn bó với cuộc sống đời thường của người dân địa phương.

Cùng với các ngôi đình lớn như: Gia Miêu, Động Bồng, Quan Chiêm, đình làng Đình Trung là minh chứng cho sự nổi tiếng của vùng đất Hà Trung về một miền quê xưa có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời và phong phú.

Để phát huy giá trị lịch sử văn hóa của đình làng

Trải qua sự biến chuyển của thời gian, hiện nay hàng chục ngôi đình đã được xếp hạng di tích trên địa bàn tỉnh đang ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng: Mái ngói bị sệ và dột nát, những cột gỗ bị mối xông vào tận lõi, nền gạch bị sụt lún, khuôn viên hoang tàn ít người qua lại... Sự lấn chiếm không gian di tích của các khu vực dân cư xung quanh đang đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của các ngôi đình.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đình làng

Đình làng Bài, xã Anh Sơn (Tĩnh Gia) bị xuống cấp nghiêm trọng đang chờ được trùng tu, nâng cấp.

Cũng theo ông Phạm Văn Tuấn, để giữ gìn và phát huy được những giá trị văn hóa của đình làng, việc trước tiên là phải tập trung trùng tu các di tích dựa trên cơ sở phục chế những giá trị từ nguyên bản. Tuy nhiên, vì số lượng các di tích đang bị xuống cấp trên địa bàn tỉnh ta tương đối lớn, việc trùng tu một công trình lại rất tốn kém có khi lên tới hàng tỷ đồng nên kinh phí hàng năm không đủ để cải tạo tất cả các di tích khiến cho nhiều di tích nói chung và các đình làng nói riêng đang trong tình trạng “khắc khoải” chờ được tôn tạo, nâng cấp. Trong khi đó, việc trùng tu đòi hỏi một đội ngũ kiến trúc sư chuyên nghiệp, để làm mới, làm đẹp nhưng không đánh mất giá trị cốt lõi của di tích.

Mặt khác, nếu như trước đây, đình làng giữ chức năng quan trọng trong cuộc sống của người dân làng quê, là nơi tụ họp, giao lưu văn hóa văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng thì giai đoạn này, đình làng đang mất dần công năng quan trọng vốn có của nó. Ngày nay, đình làng chủ yếu được nhắc đến với tư cách là nơi thờ tự các vị Thành Hoàng làng, anh hùng chống giặc ngoại xâm, các vị tổ nghề và người dân chỉ thực sự tụ họp khi đến ngày lễ lớn của làng được tổ chức 1-2 ngày trong năm mà thôi.

Chính vì vậy, trùng tu, tôn tạo kiến trúc đình làng không thôi thì chưa đủ mà một phần quan trọng khác là cần quan tâm đến việc phục hồi không gian văn hóa đình làng, khai thác các lễ hội tiêu biểu trở thành di sản phi vật thể. Qua đó, tập trung quảng bá, tạo sự liên kết thành chuỗi hệ thống đình làng, khu di tích văn hóa trong vùng để có thể giới thiệu với du khách khắp nơi, góp phần phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Có như vậy, đình làng mới thực sự được “hòa nhập” với cuộc sống hiện đại.

Bài và ảnh: Thu Hà


Bài Và Ảnh: Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]