(Baothanhhoa.vn) - Trong những ngày này, các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang ra sức thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025; chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29-7-1930 – 29-7-2020), chúng tôi có dịp trở về Cụm di tích lịch sử cách mạng (DTLSCM) Hàm Hạ, khu phố Hàm Hạ, thị trấn Rừng Thông. Theo dòng chảy của thời gian, mảnh đất này đã có nhiều “thay da đổi thịt”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn, phát huy giá trị Cụm di tích lịch sử cách mạng Hàm Hạ

Trong những ngày này, các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang ra sức thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025; chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29-7-1930 – 29-7-2020), chúng tôi có dịp trở về Cụm di tích lịch sử cách mạng (DTLSCM) Hàm Hạ, khu phố Hàm Hạ, thị trấn Rừng Thông. Theo dòng chảy của thời gian, mảnh đất này đã có nhiều “thay da đổi thịt”.

Bảo tồn, phát huy giá trị Cụm di tích lịch sử cách mạng Hàm HạToàn cảnh Cụm di tích lịch sử cách mạng Hàm Hạ. Ảnh: tư liệu

Những con đường trải nhựa phẳng lì, nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang, kiên cố mọc lên và trên gương mặt của mỗi người dân nơi đây đều ánh lên niềm vui, niềm hạnh phúc. Đặc biệt, tại các điểm di tích như: Đình làng Hàm Hạ, nhà ông Lê Oanh Kiều, nhà ông Phạm Văn Huống đã được tu bổ, tôn tạo khang trang, thực sự là “địa chỉ đỏ” đối với nhiều người dân trong tỉnh, nhất là thế hệ trẻ.

Là vùng đất có truyền thống lịch sử, cách mạng lâu đời, khu phố Hàm Hạ đã trở thành địa chỉ ghi đậm dấu ấn về thời kỳ đấu tranh, vận động chuẩn bị cho sự ra đời Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Đông Sơn, cũng là chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Ngày 25-6-1930, Chi bộ Hàm Hạ ra đời tại nhà ông Lê Oanh Kiều, đánh dấu một sự kiện quan trọng, tạo điều kiện, tiền đề để tiến tới thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, ngày 29-7-1930. Ngôi nhà của ông Lê Oanh Kiều, một trong những đảng viên đầu tiên của huyện Đông Sơn là di tích cách mạng tiêu biểu ghi dấu mốc lịch sử quan trọng (nơi diễn ra Hội nghị thành lập Chi bộ Hàm Hạ) mở đầu cho một thời kỳ mới của phong trào cách mạng Thanh Hóa - thời kỳ Đảng tổ chức, lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi trong toàn tỉnh. Với vị trí thuận lợi, ngôi nhà của ông Phạm Văn Huống và bà Lê Thị Ten được Tỉnh ủy chọn làm địa điểm đặt cơ quan ấn loát của Đảng bộ, in tờ báo “Tiến lên”. Tháng 10-1930, được sự đùm bọc, bảo vệ của quần chúng Nhân dân, tờ báo “Tiến lên” - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa và các tài liệu tuyên truyền, thơ ca cách mạng được in ấn, phát hành đến các cơ sở đảng, trở thành tài liệu học tập, tuyên truyền, giác ngộ quần chúng yêu nước.

Nằm cách ngôi nhà của ông Lê Oanh Kiều không xa chính là đình làng Hàm Hạ. Ngôi đình gồm 5 gian, mang đậm phong cách kiến trúc thế kỷ XIX. Từ xa xưa, đình là không gian tâm linh, trung tâm sinh hoạt văn hóa, nơi hội họp của Nhân dân trong làng. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, ngôi đình đã trở thành nơi chở che, bao bọc cho những người chiến sĩ cách mạng, kết nối tình cảm yêu thương, gắn bó giữa những người dân chân lấm tay bùn với nhau. Hàng năm, cứ vào ngày 12 tháng 2 âm lịch, Nhân dân trong làng tổ chức dâng lễ thờ cúng Thành Hoàng làng và tổ chức hội làng tại đình Hàm Hạ, cầu mong mưa thuận gió hòa, nước chảy một dòng, thuyền trôi một bến, đầu năm cho tới cuối năm, mọi người dân trong làng đều mạnh khỏe, làm ăn may mắn.

Với giá trị nổi bật về lịch sử và văn hóa, ngày 15-10-1994, đình làng Hàm Hạ, nhà ông Lê Oanh Kiều, nhà ông Phạm Văn Huống được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là DTLSCM cấp quốc gia. Đây là niềm vui đồng thời cũng là trách nhiệm để cấp ủy đảng, chính quyền và người dân địa phương gìn giữ, phát huy giá trị của di tích.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Lê Thị Phương, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đông Sơn cho biết: Trong những năm qua, các cấp chính quyền địa phương, ngành văn hóa đã quan tâm đến việc đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của Cụm DTLSCM Hàm Hạ. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị lịch sử, văn hóa của di tích trên các phương tiện thông tin, đại chúng, các ban, ngành, đoàn thể, trường học thường chọn Cụm DTLSCM Hàm Hạ để tổ chức các chương trình về nguồn ý nghĩa nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đoàn viên, hội viên, học sinh. Hàng năm, Cụm DTLSCM Hàm Hạ được địa phương chọn để tổ chức các sự kiện quan trọng, các hoạt động kỷ niệm trong các ngày lễ lớn, như: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2), Ngày Quốc khánh (2-9), ngày truyền thống đảng bộ huyện (25-6)... Những việc làm thiết thực đó đã góp phần trong việc giáo dục, vun đắp truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Thực hiện Công văn số 424/BVHTTDL-DSVH ngày 16-2-2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Quyết định số 1683/QĐ-UBND ngày 18-5-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Kết luận số 43/KL-TU ngày 17-10-2016 của Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, UBND huyện Đông Sơn đã chỉ đạo nhà thầu, ban dự án tập trung triển khai tu bổ, tôn tạo Cụm DTLSCM Hàm Hạ. Để mở rộng khuôn viên khu vực đình và mở rộng đường vào Cụm DTLSCM Hàm Hạ, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động Nhân dân hiến đất, hiến công trình mở rộng khu phố Hàm Hạ. Đã có 126 hộ dân hiến 3.360m2 đất và tháo dỡ công trình để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, trong đó có hộ hiến hơn 100m2 để mở rộng làm đường giao thông. Riêng khu vực đình làng có 6 hộ phải di dời, tái định cư đến vị trí mới để có mặt bằng xây dựng khuôn viên đình làng Hàm Hạ. Việc đầu tư Cụm DTLSCM Hàm Hạ đã được nhà thầu khẩn trương triển khai thực hiện đồng bộ bao gồm: Khu vực đình làng, nhà khách, khu vực giếng làng, nhà ông Lê Oanh Kiều, nhà ông Phạm Văn Huống và tuyến đường Hàm Hạ với tổng mức đầu tư tu bổ, tôn tạo là 44,71 tỷ đồng. Công trình hoàn thành và khánh thành đúng dịp kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống Đảng bộ huyện Đông Sơn (25-6-1930 – 25-6-2020).

Cụm DTLSCM Hàm Hạ được tu bổ, tôn tạo là sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa nói chung, huyện Đông Sơn nói riêng đối với các thế hệ cha ông đi trước. Đồng thời, đặt ra trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền các cấp cần phải tiếp tục phát huy giá trị to lớn của cụm di tích, để nơi đây mãi mãi là “địa chỉ đỏ” về mặt văn hóa - lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục chính trị, tư tưởng, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, niềm tin tưởng, sắt son một lòng theo Đảng, từ đó nêu cao truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, cùng nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Thanh Huê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]