(Baothanhhoa.vn) - Nhà sàn là nơi lưu giữ những nét truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc miền núi tỉnh Thanh. Với người Mường ở xã Thạch Lâm (Thạch Thành), việc bảo tồn và phát huy giá trị của những nếp nhà sàn cổ xưa còn có ý nghĩa quan trọng, bởi đó chính là giá trị phi vật thể, là vốn quý của ông cha để lại từ bao đời.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn nhà sàn truyền thống của người Mường ở xã Thạch Lâm

Nhà sàn là nơi lưu giữ những nét truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc miền núi tỉnh Thanh. Với người Mường ở xã Thạch Lâm (Thạch Thành), việc bảo tồn và phát huy giá trị của những nếp nhà sàn cổ xưa còn có ý nghĩa quan trọng, bởi đó chính là giá trị phi vật thể, là vốn quý của ông cha để lại từ bao đời.

Bảo tồn nhà sàn truyền thống của người Mường ở xã Thạch Lâm

Ngôi nhà sàn của gia đình chị Nguyễn Thị Oanh, thôn Đăng Thượng, xã Thạch Lâm (Thạch Thành).

Vượt hàng chục cây số từ thị trấn Thạch Thành lên đến xã Thạch Lâm, giáp ranh với tỉnh Hòa Bình, chúng tôi như lạc vào không gian yên bình của miền sơn cước. Giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng, những nếp nhà sàn nâu cũ của người Mường cứ dần hiện ra trên những cung đường uốn lượn chạy quanh làng. Thạch Lâm có 2 làng Thành Nội và Đăng Thượng với nhiều nếp nhà sàn truyền thống, trong đó phải kể đến làng Đăng Thượng là làng có nhiều nhà sàn cổ xưa nhất hiện còn giữ được nguyên vẹn cấu trúc.

Anh Nguyễn Văn Thăng, bí thư kiêm trưởng thôn Đăng Thượng cho biết: Toàn thôn có 146 hộ, với 648 khẩu. Nhà sàn được coi là nét văn hóa của địa phương, với hàng trăm nhà sàn có từ hàng chục năm cho đến hơn trăm năm tuổi. Hầu hết bà con luôn có ý thức bảo tồn nguyên trạng những nếp nhà sàn truyền thống, góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc.

Dừng chân đứng trước ngôi nhà sàn của gia đình chị Nguyễn Thị Oanh, thôn Đăng Thượng, chúng tôi ai cũng bị cuốn hút bởi “kiệt tác” của người Mường nơi đây. Chị Oanh chia sẻ: “Ngôi nhà có cấu trúc 1 gian, 2 chái, vật liệu hầu hết làm bằng gỗ. Đời cha, ông, đến đời tôi đều gắn bó với nơi này, thời gian qua bao lâu rồi không nhớ rõ. Chỉ biết rằng mỗi thế hệ lớn lên đều có nhiều kỷ niệm lưu dấu trong ngôi nhà sàn này. Vì vậy mà tôi luôn ý thức được rằng đó là tài sản quý báu của cha ông để lại, nên cần cố gắng bảo vệ và giữ gìn”.

Cách đó không xa là ngôi nhà sàn của gia đình anh Nguyễn Đức Thảo, người cùng thôn với chị Oanh. Nhà sàn của anh Thảo được dựng cách đây hàng chục năm, làm bằng một số vật liệu gỗ quý như: Nghiến, trai. Ít có nhà nào được như nhà anh Thảo, bởi có nhiều nét đặc sắc như: Rộng 2 gian, 2 chái, có 6 cột trụ cái, 2 cầu thang phía trước và sau nhà, 5 cửa sổ xung quanh, 2 ô thoáng trên nóc mái, có thượng lương, cây sào mực gác trên mái...

Theo quan sát của chúng tôi, nhìn chung nhà sàn của người Mường ở đây đều có nét đặc trưng, lưng tựa vào đồi núi, mặt hướng vào thung sâu. Gian giữa của ngôi nhà thường là nơi sinh hoạt chung của cả gia đình, gầm sàn là nơi để các vật dụng, công cụ lao động, nhốt gia súc, gia cầm. Ngay trung tâm của ngôi nhà, bàn thờ được đặt ở chính giữa, đối diện với cửa ra vào, thể hiện vị trí trang trọng và linh thiêng đối với gia tiên, thần linh. Trước đây, bếp thường được bố trí ở gian giữa, nhưng bây giờ hầu hết các gia đình đã di chuyển vào gian trong. Đặc biệt, bếp của người Mường luôn đỏ lửa, bởi họ quan niệm không bao giờ tối lửa tắt đèn, mà luôn hy vọng vào một ngày mai tươi sáng. Nếu để ý đến các chi tiết trong cấu trúc của ngôi nhà sàn người Mường, chúng ta còn thấy những nét độc đáo riêng. Người Mường quan niệm số lẻ là trực sinh, vì vậy khi xây dựng nhà sàn, họ đều tính toán rất kỹ sao cho các chi tiết quan trọng của ngôi nhà đều rơi vào số lẻ. Ví dụ ô cửa sổ thường là 3 hoặc 5; gác song chắn thường chiếm 1/3 cửa sổ; các con tiện xếp làm song chắn cửa sổ cũng là số lẻ. Đối với cầu thang cũng vậy, thường là 5 hoặc 7 bậc, nhà nào có điều kiện hơn thì làm 9 bậc.

Khi xây dựng nhà sàn, người Mường ở đây rất chú ý đến những nét hoa văn trang trí. Tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia chủ mà thiết kế “nội thất” giản đơn hay cầu kỳ. Một số nếp nhà sàn có tuổi đời lâu năm thường đạt tới giá trị cao về yếu tố kỹ thuật và mỹ thuật. Chẳng hạn như hoa văn, họa tiết trang trí trên các con tiện chắn song cửa sổ, trên bát trụ, thượng lương, chếnh... được thể hiện tinh xảo, đường nét, màu sắc tươi tắn. Bên cạnh đó, nhà sàn của người Mường còn có “giếng trời” cùng nhiều ô cửa sổ xung quanh để đón không khí, ánh sáng vào nhà, tạo không gian thoáng đãng, mát mẻ. Vì thế khách du lịch, nhất là khách nước ngoài khi đến đây rất thích được trải nghiệm trong không gian của những ngôi sàn truyền thống. Và cách những ngôi nhà sàn này khoảng vài trăm mét, du khách có thể dạo bộ đến khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái thác Mây. Tại đây, du khách có thể hòa mình vào dòng nước trong trẻo mát lành mà thiên nhiên ưu ái ban tặng, nghe tiếng suối róc rách vui tai, thưởng thức những đặc sản riêng có của núi rừng như: Ốc đá, cá suối, xôi trắng và ngất ngây trong ly rượu men lá...

Trao đổi tâm tư với các đồng chí lãnh đạo xã Thạch Lâm, chúng tôi được biết: “Với mong muốn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa trong đời sống của người Mường, nhiều năm qua địa phương đã vận động bà con không tháo dỡ, mua bán những nếp nhà sàn ra khỏi địa bàn xã. Đồng thời khuyến khích bà con xây dựng nhà sàn theo kiểu dáng truyền thống, để vốn quý của dân tộc không bị mai một. Xã cũng sẽ tích cực quan tâm bảo tồn những nếp nhà sàn người Mường gắn với khai thác du dịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đây sẽ là hướng phát triển kinh tế - xã hội của xã trong tương lai”.

Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]