(Baothanhhoa.vn) - Đối với người Thái ở Thanh Hóa nói chung và huyện Quan Hóa nói riêng, chiếc khèn bè thật gần gũi, thân thương. Khèn được chủ nhân chăm sóc cẩn thận và luôn mang bên mình. Họ coi chiếc khèn bè như một người bạn thân thiết nhất, những lúc vui hoặc buồn, tiếng khèn cất lên như lời thủ thỉ, tâm tình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn khèn bè – nhạc cụ độc đáo của dân tộc Thái huyện Quan Hóa

Đối với người Thái ở Thanh Hóa nói chung và huyện Quan Hóa nói riêng, chiếc khèn bè thật gần gũi, thân thương. Khèn được chủ nhân chăm sóc cẩn thận và luôn mang bên mình. Họ coi chiếc khèn bè như một người bạn thân thiết nhất, những lúc vui hoặc buồn, tiếng khèn cất lên như lời thủ thỉ, tâm tình.

Bảo tồn khèn bè – nhạc cụ độc đáo của dân tộc Thái huyện Quan Hóa

Nghệ nhân biểu diễn khèn bè tại lễ ra mắt Câu lạc bộ khèn bè Mường Ca Da.

Đến nay, không còn ai nhớ được chiếc khèn bè ra đời vào thời gian nào, nhưng trong dân gian vẫn còn lưu truyền sự tích, nguồn gốc của chiếc khèn bè. Chuyện kể rằng: Ngày xửa ngày xưa thuộc xứ sở người Thái ở Mường Ca Da (thuộc thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa ngày nay) có bản Chiềng trù phú, bình yên nép mình dưới chân núi Pù Luông. Phía trước là dòng sông Mã trong xanh in bóng những mái nhà sàn, nương lúa, nương ngô và những cô gái Thái ra suối lấy nước. Những đêm trăng sáng, các chàng trai thổi sáo ôi bên cạnh các cô gái để tỏ tình những lời yêu, lời thương. Trong số các chàng trai đó có Văn Sinh, chàng đẹp người, đẹp nết và tài hoa, nhất là khi thổi sáo ôi, pí pặp, chàng thổi hay đến mức các cô gái ai cũng ao ước được làm vợ chàng.

Thời gian thấm thoắt trôi đi, chàng Văn Sinh cưới một cô gái trong bản, vợ chồng họ sống với nhau rất hạnh phúc. Cuộc sống đang tươi đẹp thì bỗng tai họa ập xuống gia đình họ, Văn Sinh bị bệnh hủi cả hai chân. Bố mẹ và vợ chàng ai cũng muốn tìm mọi phương cách chữa bệnh cho chàng, nhưng thời bấy giờ làm gì có thuốc chữa bệnh hủi. Đặc biệt là đối với bệnh này ai ai cũng sợ bị lây, nên họ hàng và gia đình đành phải làm một nhà bè nổi ở ven bờ sông Mã để cách ly với mọi người. Từ đó, Văn Sinh sống lủi thủi trong một không gian chật hẹp, lạnh lẽo. Ngoài ngày ba bữa cơm do gia đình chu cấp, chàng không còn biết làm việc gì khác, chỉ biết than thở một mình, hết than thở lại thổi sáo ôi, pí pặp. Một hôm do quá ngứa ở chân, nên Văn Sinh vật vã, không may đè vỡ chiếc sáo ôi yêu quý, chàng ngửa mặt kêu trời: - Ông trời ơi, sao ông lại nỡ hại tôi thế này! Và chàng thiếp đi. Khi tỉnh dậy thì trời đã sáng, Văn Sinh bò ra ngoài rửa mặt thì chợt thấy một bó “mạy páo” (thuộc họ cây nứa) ở trên thượng nguồn trôi đến và dạt vào cạnh nhà bè. Nhìn thấy bó cây páo, trong đầu chàng chợt lóe lên một luồng suy nghĩ: Các cây páo này sẽ thành những ống sáo đây, thế là mình có bạn rồi. Với những tài lẻ vốn có và tâm trí sáng tạo, sau khi nhìn thấy những cây páo kết thành bè, Văn Sinh chợt nghĩ: Mình sẽ kết các ống sáo này thành một bè.

Với chiếc nồi đồng, Văn Sinh lấy vành nồi làm lưỡi lam như chiếc pí pặp. Thế rồi chiếc khèn cũng đã làm xong, nhưng vì các ống giống nhau về kích thước, nên khi thổi thì âm thanh phát ra giống nhau. Tức quá, chàng cầm lấy con dao phạt chéo phần trên chiếc khèn, nhưng khi phạt xong nhìn lại chiếc khèn thì Văn Sinh nghĩ: Có khi cheo chéo thế này lại hay và chàng thổi thử, tức thì âm thanh các ống khác nhau tạo thành âm cao, âm vừa và âm thấp. Chàng chỉnh dần các ống cho hợp lý, dễ sử dụng và chiếc khèn bè ra đời từ đó.

Cũng từ đó đến nay, khi nghe các nghệ nhân thổi khèn bè thì thấy họ đứng ngồi không yên như sử dụng các loại nhạc cụ khác. Họ luôn cựa quậy cả toàn thân, đặc biệt là đôi chân luôn ngúng nguẩy. Những điệu bộ, cử chỉ đó là do xuất xứ từ chàng hủi Văn Sinh. Do bị ngứa nên khi thổi khèn toàn thân và đôi chân luôn động đậy. Như vậy, chiếc khèn bè là nhạc cụ quan trọng nhất của người Thái, ngoài thổi đệm cho người khặp, các nghệ nhân còn thổi các làn điệu quen thuộc như: Xuôi dòng sông Mã, ru người yêu ngủ, giã gạo đêm trăng, đi chơi hạn khuống, người già nói chuyện... Bất kỳ ngày hay đêm, khi nghe tiếng khèn bè ai thổi ở đâu đó, mọi người đều thổn thức, bồi hồi và rạo rực bởi những âm thanh diệu kỳ.

Khèn bè thường có cấu tạo ống theo số chẵn. Tùy theo dân tộc mà nó có 6, 8 hoặc 10 ống nứa tép (mạy páo). Những ống này xếp thành 2 hàng cạnh nhau. Bầu khèn làm bằng gỗ nhẹ, dẻo có thớ vặn nên khó nứt. Ở đầu bầu khèn có một lỗ gọi là lỗ thổi, những ống páo xuyên qua bầu và được trét sáp ong ruồi để làm kín các khe hở. Thông thường nghệ nhân xếp 2 ống trong một hàng có chiều dài bằng nhau để tạo dáng cân đối. Có thể nói, đây là cách quy định về làm chiếc khèn bè, các ống ngắn thì tiếng thanh, ống dài thì tiếng trầm hơn. Người chơi chỉnh âm ở phía trong cây páo. Khèn bè có âm sắc giòn, mảnh và hơi rè. Mỗi ống phát ra 1 âm nhất định, bên trong ống páo có lưỡi gà bằng đồng, hay bạc hoặc nghệ nhân nấu đồng và bạc thành lưỡng kim có chất lượng tốt hơn. Khèn bè là nhạc cụ đa thanh, âm vực rộng, có đủ 7 nốt nhạc. Theo truyền thống, nam giới sử dụng nhạc cụ này để đệm hát, khặp, ngoài ra còn sử dụng với một số nhạc cụ khác để hòa tấu.

Nghệ nhân Vi Văn Thái ở bản Hang, xã Phú Lệ (Quan Hóa), đã có nhiều năm kinh nghiệm chơi khèn bè, thổ lộ: “Mình biết chơi khèn bè từ lúc lên 7 tuổi. Tính đến bây giờ cũng đã được 30 năm rồi đấy. Tiếng khèn da diết lòng ai, chính bởi giai điệu mộc mạc, ân tình của chiếc khèn bè đã khiến mình say mê với nó”.

Nghệ nhân Vi Văn Thái cũng cho hay, anh có thể thổi được nhiều làn điệu, tùy vào tâm trạng khác nhau mà có nhiều giai điệu khác nhau. Ví dụ, giai điệu khi mạnh mẽ, sôi nổi như ngược dòng sông Mã; khi êm ả, trầm lắng như xuôi dòng sông Chu; có khi lãng mạn, thanh khiết như đêm trăng tròn mùa thu; hay man mác buồn như tâm trạng người đang cô đơn... Anh đã từng tham gia biểu diễn và đạt nhiều thành tích cao ở các cuộc thi, hội diễn biểu diễn nhạc cụ dân tộc toàn quốc. Không những am tường về chiếc khèn bè, mà anh còn tích cực truyền dạy cho nhiều người cùng chơi. Anh mong muốn sẽ có nhiều lớp học truyền dạy khèn bè cho thế hệ trẻ, nhằm giữ gìn nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Để bảo tồn khèn bè – một loại nhạc cụ dân tộc độc đáo của người Thái, tháng 11-2019, Câu lạc bộ khèn bè Mường Ca Da huyện Quan Hóa đã ra đời, với khoảng 40 thành viên tham gia. Toàn huyện có 37 người sử dụng thông thạo và 30 chiếc khèn bè đang được các nghệ nhân và nhân dân lưu giữ. Nhà văn hóa cộng đồng chính là nơi tổ chức các ngày lễ, hội họp, giao lưu văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian văn hóa truyền thống, trong đó có biểu diễn khèn bè. Tuy nhiên, cơ sở vật chất một số nhà văn hóa cộng đồng chưa được trang bị đầy đủ. Các hình thức truyền dạy văn hóa dân gian, nhất là truyền dạy một số nhạc cụ dân tộc bị xem nhẹ. Nhiều người muốn học nhạc cụ dân tộc nhưng không có điều kiện mua sắm (như khèn bè). Đa phần các nghệ nhân đã tuổi cao, lớp trẻ kế cận không mặn mà với việc học nhạc cụ truyền thống... khiến cho nét văn hóa dân tộc có nguy cơ mai một.

Bác Cao Bằng Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ khèn bè Mường Ca Da cho biết: Bên cạnh hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng, việc bảo tồn nhạc cụ dân tộc là rất cần thiết, góp phần làm sinh động thêm cho hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, những nghệ nhân sử dụng khèn bè không mong muốn gì hơn là được phát huy khả năng chơi nhạc cụ dân tộc và có trách nhiệm truyền dạy cho lớp trẻ. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tích cực làm tốt công tác biểu dương những đơn vị lưu giữ được truyền thống văn hóa dân tộc và những nghệ nhân có tâm huyết. Hỗ trợ kinh phí cho các câu lạc bộ văn hóa dân gian hoạt động và các nghệ nhân để họ có điều kiện mua nhạc cụ. Đồng thời thường xuyên tổ chức các cuộc thi, hội diễn về văn hóa dân gian trong các dịp lễ hội, để khuyến khích các nghệ nhân và nhân dân các dân tộc tham gia.

Bài và ảnh: Ngọc Anh


Bài Và Ảnh: Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]