(Baothanhhoa.vn) - Cách đây chừng mươi, mười lăm năm, bản Đôn (xã Thành Lâm) không khác nhiều so với các bản người Thái hẻo lánh, của huyện Bá Thước. Cả bản có chừng 80 hộ dân, với gần 300 nhân khẩu sống quần cư trong một thung lũng hẹp, tứ bề là núi non. Cùng với các chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước cho vùng đặc biệt khó khăn, nhất là khi bắt tay triển khai phong trào xây dựng làng, bản văn hóa, bản Đôn đã dần thay da đổi thịt để có được diện mạo như hiện nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bản làng - nguồn dưỡng nuôi văn hóa tộc người

Cách đây chừng mươi, mười lăm năm, bản Đôn (xã Thành Lâm) không khác nhiều so với các bản người Thái hẻo lánh, của huyện Bá Thước. Cả bản có chừng 80 hộ dân, với gần 300 nhân khẩu sống quần cư trong một thung lũng hẹp, tứ bề là núi non. Cùng với các chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước cho vùng đặc biệt khó khăn, nhất là khi bắt tay triển khai phong trào xây dựng làng, bản văn hóa, bản Đôn đã dần thay da đổi thịt để có được diện mạo như hiện nay.

Bản làng - nguồn dưỡng nuôi văn hóa tộc người

Bản Đôn, xã Thành Lâm – điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

Bản Đôn để lại dấu ấn đẹp bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, trong lành, hoang sơ và nên thơ, với những thửa ruộng bậc thang nằm cheo leo lưng chừng núi và thung lũng đọng sương sớm. Nơi đây còn giữ nguyên vẹn nhiều nếp nhà sàn truyền thống, nằm ven theo chân đồi. Những con người hiền lành, chất phác cũng là những người gìn giữ, trao truyền nếp sinh hoạt văn hóa đặc sắc như xòe Thái, hay các điệu hát múa dân ca, dân vũ đậm đà bản sắc. Cùng với đó, nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống lâu đời cũng được bà con trân trọng gìn giữ. Nhiều phụ nữ Thái ở bản Đôn vẫn tự tay dệt vải may trang phục, chăn, gối, đệm, túi, khăn vừa phục vụ cuộc sống, vừa tạo ra các vật phẩm lưu niệm hết sức ý nghĩa. Đặc biệt, sự phong phú, đa dạng và công phu của ẩm thực người Thái nơi đây cũng là một nét hấp dẫn du khách. Bên cạnh các món ăn hàng ngày là xôi nếp nương, cá nướng, cơm lam, thịt lợn hấp, gà nướng, ốc đá, xôi tím...; bản Đôn còn nổi tiếng với các món ăn được chế biến từ vịt Cổ Lũng chắc, thơm và béo ngậy. Với những vẻ đẹp và giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, bản Đôn đang trở thành điểm du lịch sinh thái - cộng đồng hấp dẫn bậc nhất xứ Thanh.

Là vùng đất có lịch sử lâu đời và do đó, các cộng đồng, làng bản nơi đây cũng gắn liền với quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của vùng đất này. Trải qua nhiều biến động về địa giới hành chính, dân cư và dân tộc, huyện Bá Thước hiện nay ổn định với 23 đơn vị hành chính. Sự phát triển của kinh tế - xã hội và đời sống văn hóa – tinh thần cũng ngày càng phong phú, không thể không gắn với quá trình thực hiện phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hoá trên địa bàn. Theo đó, trong giai đoạn 1989 – 2009, toàn huyện đã khai trương xây dựng được 163 làng, bản, khu phố văn hoá, đạt tỷ lệ 79,51%; trong đó có 2 xã đăng ký xây dựng xã văn hóa và 1 thị trấn đăng ký xây dựng thị trấn văn hóa. Công nhận danh hiệu văn hóa cho 113 làng, bản, khu phố văn hóa, đạt 55,12%; trong đó có 36 làng, bản đạt danh hiệu văn hóa cấp tỉnh và 2 làng đạt danh hiệu văn hóa cấp tỉnh lần 2. Còn giai đoạn 2009 – 2019, địa phương đã khai trương xây dựng được 42 làng, bản, khu phố văn hoá, đạt 20,48%, 5 xã đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt 22,72%. Đã công nhận danh hiệu văn hóa cho 27 làng, bản, khu phố văn hóa, đạt 13,17% và 2 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt 9,09%.

Bá Thước là nơi sinh sống của ba dân tộc Thái, Mường và Kinh, trong đó người Thái và người Mường chiếm phần đa. Do môi trường sinh sống, làm ăn giống nhau và mối quan hệ khăng khít lâu đời, cho nên giữa các dân tộc có sự giao lưu, gắn kết bền chặt cả về đời sống vật chất lẫn văn hóa tinh thần. Trong những cộng đồng ấy, văn hóa tộc người được sáng tạo, nuôi dưỡng, bồi đắp và trao truyền qua nhiều thế hệ. Ở đó, cộng đồng người Thái rất giàu kinh nghiệm trong lập mường, lập bản dọc theo các con sông, con suối để thuận cho nghề canh nông. Đồng thời, gắn liền với quá trình lập mường, lập bản là những kinh nghiệm quý trong lao động, sản xuất, sinh hoạt như đắp mương, đắp đập, làm cọn nước, dựng nhà sàn... Đặc biệt, nhà sàn người Thái được xem là điểm nhấn văn hóa hay trung tâm của mọi sinh hoạt sống. Nhà sàn người Thái cổ bao giờ cũng có 2 cầu thang là tang chan, tang quản. Tang chan ở cuối nhà, bên trái dành cho phụ nữ lên xuống. Việc lựa chọn vị trí đặt bếp lửa rất được coi trọng và trong bất kỳ gia đình nào cũng đều có 2 bếp, 1 đặt trong nhà và 1 đặt bên ngoài. Bếp bên ngoài dành cho đàn ông và khách, còn bếp trong nhà dành cho phụ nữ. Khi nấu ăn, bếp trong nhà thường nấu cơm, các món nướng, còn bếp ngoài chủ yếu dành nấu nước, nấu canh.

Từ kinh nghiệm được đúc rút qua quá trình lao động, sinh hoạt, giao tiếp ứng xử... những cộng đồng đang sinh sống trong những làng bản người Thái, người Mường Bá Thước đã sản sinh và vun đắp nên nhiều di sản văn hóa đặc biệt sống động và không kém phần tinh tế. Trong đó, đặc biệt nổi bật là lễ hội Pồn Pôông, Bọ Mẹng của người Mường. Lối sinh hoạt văn hóa này là sự phản ánh tổng hoà các triết lý sống và đời sống văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng, tâm linh của người Mường. Bởi, quanh cây hoa Pồn Pôông ngày xuân và qua các làn điệu xường rang, xéc bùa, múa hát, diễn xướng, người Mường gửi gắm mong muốn cho mùa màng tốt tươi, bản mường no ấm. Đồng thời, cũng cầu mong cho những tâm tình, hẹn ước hạnh phúc được trọn vẹn và đẹp tươi như mùa xuân. Còn trong đời sống tinh thần người Thái càng không thể thiếu lễ hội Kin chiêng boọc mạy, múa sạp, múa xoè, khặp giao duyên, hát ru, ném còn, khua luống, khèn bè, boong bu, múa cá sa, múa trống chiêng, múa chá chiêng... Ngoài ra, còn nhiều những giá trị văn hóa độc đáo, thể hiện trong trang phục truyền thống, ẩm thực, lễ lạt, ma chay, cưới xin và nhất là trong không gian văn hóa chợ Phố Đòn. Những giá trị văn hóa ấy đang sống cùng những bản làng, để dệt nên bức tranh văn hóa nhiều màu sắc và giàu bản sắc của huyện Bá Thước.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân


Bài Và Ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]