(Baothanhhoa.vn) - Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tình cảm yêu thương, quý mến, trân trọng với các thế hệ văn nghệ sĩ. Và đối với các thế hệ văn nghệ sĩ, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ không chỉ là “kim chỉ nam” hành động, tấm gương sáng ngời để noi theo, học hỏi. Hơn hết, cả cuộc đời và sự nghiệp của Bác mãi là nguồn cảm hứng bất tận, khơi nguồn sáng tạo cho hoạt động nghệ thuật thăng hoa. Đặc biệt, thông qua những trang hồi ức, ghi chép lại khoảnh khắc ấn tượng, kỷ niệm đẹp về Bác đã phần nào thể hiện tình cảm yêu thương, trân quý của văn nghệ sĩ dành cho vị lãnh tụ tài ba, danh nhân văn hóa kiệt xuất ấy; đồng thời tái hiện lại một cách chân thực, sống động con người và nhân cách cao đẹp của Người.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bác Hồ với văn nghệ sĩ – văn nghệ sĩ với Bác Hồ: Những mảnh ghép chân thực về con người và cốt cách Hồ Chí Minh

Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tình cảm yêu thương, quý mến, trân trọng với các thế hệ văn nghệ sĩ. Và đối với các thế hệ văn nghệ sĩ, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ không chỉ là “kim chỉ nam” hành động, tấm gương sáng ngời để noi theo, học hỏi. Hơn hết, cả cuộc đời và sự nghiệp của Bác mãi là nguồn cảm hứng bất tận, khơi nguồn sáng tạo cho hoạt động nghệ thuật thăng hoa. Đặc biệt, thông qua những trang hồi ức, ghi chép lại khoảnh khắc ấn tượng, kỷ niệm đẹp về Bác đã phần nào thể hiện tình cảm yêu thương, trân quý của văn nghệ sĩ dành cho vị lãnh tụ tài ba, danh nhân văn hóa kiệt xuất ấy; đồng thời tái hiện lại một cách chân thực, sống động con người và nhân cách cao đẹp của Người.

Bác Hồ với văn nghệ sĩ – văn nghệ sĩ với Bác Hồ: Những mảnh ghép chân thực về con người và cốt cách Hồ Chí Minh

Ngày thơ Việt Nam tại Thanh Hóa được tổ chức ở Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP Thanh Hóa).

“Trong đoàn đại biểu nhân dân Tân Trào đến chào mừng thành công của đại hội có mấy em bé. Hồ Chí Minh chỉ tay vào một em bé cởi truồng, bụng ỏng, đít vòi và nói: Toàn thể chúng ta đều phải tìm mọi cách làm cho đất nước này sẽ sớm không còn một cháu nào như cháu này, nghĩa là tất cả các cháu đều phải được ăn no mặc ấm và được học hành đến chốn đến nơi! Thay mặt Ủy ban Dân tộc Giải phóng, tôi, Hồ Chí Minh, xin thề sẽ không để cho trên Tổ quốc ta còn một cháu bé nào phải sống trong tối tăm và đói khổ như cháu bé đang đứng đây nữa!

Sau đó, cụ Hồ tự dịch câu nói trên ra cả tiếng Thổ lẫn tiếng Nùng. Bước đến gần em bé, cụ cúi xuống, nhưng vì sức quá yếu, cụ không đủ sức bế em lên! Hồ Chí Minh lặng đi một lát! Không ai bảo ai, như Bác, tất cả cũng lặng đi”.

Đó là kỷ niệm xúc động về Bác tại Quốc dân Đại hội Tân Trào được Nhật Hoa Khanh ghi lại theo lời kể của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Chẳng hoa mĩ ngôn từ hay hình tượng hóa, qua từng lời kể, người đọc cảm thấy rưng rưng xúc động trước hiện thân của một con người với nhân cách cao đẹp, chan hòa, bác ái. Có lẽ, triệu triệu trái tim người dân đất Việt sẽ chẳng bao giờ có thể hiểu hết điều gì đã khiến Bác lặng đi vào giây phút ấy. Tuy nhiên, khi đọc bài viết này, trong lòng mỗi người, mỗi thế hệ cứ mãi dấy lên một cảm giác xót xa. Có lẽ, Bác lặng đi vì thương cho đứa bé kia nhưng sâu xa hơn chính là sự xót thương vô hạn dành cho quần chúng nhân dân khi phải chấp nhận hy sinh tất cả cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc. Từ những chi tiết hết sức cụ thể, chân dung Bác hiện diện một cách đầy chân thực, sống động. Thực như cái cách Bác “yếu đi nhiều vì sốt rét nặng và kéo dài”. Nhưng trước “tình hình Hà Nội và cả nước cực kỳ khẩn cấp. Đại hội phải kết thúc sớm một ngày”; Bác vẫn yêu cầu triệu tập tất cả các đại biểu đến một căn nhà sàn cho Bác gặp lần cuối cùng để nghe Bác căn dặn trước khi các đại biểu lao vào gió bão Tổng khởi nghĩa: “Trong một căn nhà sàn, hơn sáu mươi đại biểu, hầu hết ở tuổi hai mươi và tuổi ba mươi, ngồi quây quần quanh cái bếp đã tắt lửa tắt khói giữa nhà. Bác yếu lắm, không đủ sức tự lực lên cầu thang nhà sàn. Phải có người dìu lên. Tới mặt sàn, Bác vẫn thở dốc vì rất mệt. Bác ngồi xuống sàn, dựa lưng vào cột nhà. Tất cả các đại biểu đều ứa lệ nhưng ai nấy đều hiểu rằng vị Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng gần như kiệt sức ấy đang dốc toàn bộ trí tuệ, tâm hồn, trách nhiệm và tình cảm của mình vào công việc lớn nhất, công việc mất còn của toàn thể dân tộc: Tổng khởi nghĩa”.

Dẫu chỉ là những giây phút ngắn ngủi được trò chuyện, gặp gỡ với Bác nhưng tất cả đều trở thành ký ức không thể nào quên, ghi tạc vào trái tim người nghệ sĩ. Ẩn hiện trong từng bài viết, từng câu chuyện là chân dung và nhân cách cao đẹp, vĩ đại của Bác. Hình bóng của Bác quyện vào bóng dáng quần chúng nhân dân một cách thân tình, gần gũi. Bác giống mọi người và Bác cũng khác mọi người nhiều lắm. Vì lẽ đó, “Viết về Bác lại có một cái khó khác nữa, ngoài cái khó chung của quy luật sáng tạo... Đối với tôi, viết về Bác là một quá trình”. Những tâm sự, chia sẻ chân tình, thẳng thắn của nhà thơ Tố Hữu nhân dịp trả lời phỏng vấn của nhà thơ Bế Kiến Quốc như nói hộ nỗi lòng trăn trở của biết bao thế hệ văn nghệ sĩ.

Có thể nói, ngoài nhà văn Sơn Tùng thì nhà thơ Tố Hữu chính là người viết về Bác bằng tất cả sự say mê, tôn thờ. Đọc các sáng tác mà ông viết về Bác, từ bài thơ đầu tiên có nhan đề: “Hồ Chí Minh” cho đến trường ca “Theo chân Bác”, người đọc có thể cảm nhận được tấm lòng của người nghệ sĩ lắng sâu trong từng ngôn ngữ, hình ảnh thơ. Ít ai biết rằng, khi nhà thơ Tố Hữu đặt bút viết bài “Hồ Chí Minh”, ông chưa từng một lần được gặp Bác, “thậm chí còn chưa thấy ảnh Bác nữa kia”. Và cũng chính trong bài viết này, ông là người đầu tiên và cũng là người duy nhất “thật táo tợn” gọi Bác là “người lính già”. Sau khi viết bài “Hồ Chí Minh”, phải chừng mấy mươi ngày sau đó, tác giả lần đầu được diện kiến Bác. Chỉ một lần gặp gỡ, đôi điều trò chuyện đủ cho ông nhớ suốt một đời. Cuộc gặp gỡ ấy được ông viết lại tỉ mỉ trong bài viết “Được gặp Bác Hồ trong những ngày độc lập đầu tiên”: “Cảm giác đầu tiên thấy Bác nghiêm nghiêm, mình nghĩ cũng phải: Lãnh tụ phải nghiêm thế. Bác lúc đó đúng như trong bức tranh Tô Ngọc Vân vẽ đấy. Rồi, Bác bỗng hỏi như người nhà...”. Từng việc nhỏ thôi cũng đều là nỗi niềm trăn trở vì dân, vì nước, trở thành những bài học quý giá cho nhà thơ Tố Hữu mãi về sau. Với Bác, “làm chính quyền” chỉ vỏn vẹn trong mấy câu nói gọn gàng, khúc triết: “Ờ, cứ hỏi dân. Dân ưng cái gì, không ưng cái gì. Người ta ưng cái gì thì làm, không ưng cái gì thì đừng có làm. Làm thế nào, cũng hỏi dân. Cử ai làm, cũng phải hỏi dân”. Bác là vậy, với văn học - nghệ thuật hay báo chí, Bác cũng nói vậy thôi: Viết để làm gì, viết cho ai, viết cái gì, viết như thế nào?

Nói về tình cảm mà Bác dành cho văn nghệ sĩ và văn nghệ sĩ dành cho Bác, sẽ thật là thiếu sót nếu không nhắc nhớ về những kỷ niệm sâu sắc của Bác với văn nghệ sĩ miền Nam. Đó là tình cảm sâu nặng, ấm áp, trìu mến như tấm lòng người cha luôn bao dung trước đứa con ruột thịt của mình; đúng như lời thơ da diết của nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”. Tình cảm ấm áp ấy thể hiện khi Bác đến xem triển lãm ký họa của các họa sĩ miền Nam gửi ra. “Bác xem rất kỹ từng bức ký họa của sáu họa sĩ miền Nam gửi ra. Bác hỏi tỉ mỉ từng người, cuộc sống và cách làm việc của họ. Các họa sĩ viết chú thích dưới tranh theo kiểu của họa, rất khó đọc nhưng bác vẫn chăm chú đọc từng lời” (Bác Hồ với văn nghệ sĩ miền Nam - Bảo Định Giang). Không những thế, Bác còn dặn dò phải bảo quản, giữ gìn tranh cho tốt “đề phòng mối và ẩm ướt, nhất là phải có cách đối phó với tàu bay, mỗi lần chúng đánh ra Hà Nội”; nếu cần thì chuyển lên Văn phòng Trung ương để đồng chí Tố Hữu nhờ người đem cất giấu bảo đảm an toàn. Bác dặn: “Các chú nhớ cho in ra nhiều bản, cho đồng bào ở ngoài này được xem, chứ triển lãm như thế này thì có mấy người được xem!”. Sau sự kiện đó, tại Nhà bảo tàng Mỹ thuật, Bác lại đến xem ký họa từ miền Nam gửi ra đợt 2. Mặc dù bận bịu với công việc đến thế nào đi chăng nữa, Bác vẫn sẵn lòng đến dự đêm biểu diễn của Đoàn Ca múa nhạc miền Nam trước khi lên đường vào Trường Sơn phục vụ dài hạn các chiến sĩ đang chiến đấu ở đó. Bác cầm từng đóa hoa tặng cho từng người, gửi lời khen ngợi và chúc đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ. “Cầm đóa hoa hồng trên tay, anh chị em Đoàn Ca múa nhạc miền Nam đều rưng rưng xúc động, lắng nghe lời Bác dặn trước một chuyến đi lịch sử...” - Bảo Định Giang hồi tưởng lại. Với miền Nam, lòng Bác mãi là biển cả.

Hơn cả những giá trị về mặt nghệ thuật, những bài ký, ghi chép, phỏng vấn... ghi lại kỷ niệm đẹp về Bác tựa hồ như một món quà mà văn nghệ sĩ các thế hệ thành kính dâng tặng lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt, danh nhân văn hóa của thế giới. Đồng thời, thông qua các bài viết này, bạn đọc có điều kiện nhìn lại, hiểu biết thêm nhiều sự kiện, giai đoạn, diễn biến lịch sử của đất nước dưới sự lãnh đạo tài tình của Bác. Từ đó, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện hữu chân thực, sinh động, gần gũi với quần chúng nhân dân. Mặt khác, có thể xem những bài viết này như tấm gương để các thế hệ văn nghệ sĩ soi rọi, nhắc nhở chính mình không bao giờ được phép phụ lòng tin yêu, mong mỏi của Bác. Mỗi văn nghệ sĩ phải sống và cống hiến hết mình như những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - nghệ thuật”, luôn nỗ lực đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc.

Bài và ảnh: Nguyên Linh


Bài Và Ảnh: Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]