(Baothanhhoa.vn) - Cây ăn quả đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nhiều nơi, tuy nhiên, có không ít diện tích được trồng bằng các giống cũ, năng suất, chất lượng thấp, tình hình sâu bệnh hại phức tạp... Vì vậy, để “trẻ hóa” diện tích cây ăn quả bị thoái hóa, kỹ thuật cắt, ghép cành đang là một trong những giải pháp được người dân tại các địa phương ứng dụng rộng rãi.

Ứng dụng kỹ thuật ghép cành - giải pháp “trẻ hóa” cây ăn quả

Cây ăn quả đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nhiều nơi, tuy nhiên, có không ít diện tích được trồng bằng các giống cũ, năng suất, chất lượng thấp, tình hình sâu bệnh hại phức tạp... Vì vậy, để “trẻ hóa” diện tích cây ăn quả bị thoái hóa, kỹ thuật cắt, ghép cành đang là một trong những giải pháp được người dân tại các địa phương ứng dụng rộng rãi.

Ứng dụng kỹ thuật ghép cành - giải pháp “trẻ hóa” cây ăn quảỨng dụng phương pháp ghép cành tại trang trại trồng cây ăn quả của ông Khương Hữu Niên, phường Đông Tân (TP Thanh Hóa).

Năm 2018, Hội Làm vườn và Trang trại huyện Như Thanh đã tiến hành rà soát, khảo sát thực tế về cây ăn quả tại các xã trên địa bàn và nhận thấy số lượng cây nhãn có độ tuổi từ 6 đến 30 năm và giống bưởi chua, bưởi Mỹ... tương đối nhiều. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí nhiều năm không cho thu hoạch. Trước tình hình đó, huyện hội đã tìm cách để người dân thay đổi tư duy, vận động người dân thực hiện cải tạo 2 loại cây nhãn và bưởi, ứng dụng công nghệ ghép mắt bằng các giống có chất lượng cao hơn. Ông Lê Văn Liệu, Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại huyện Như Thanh cho biết: “Để nhân rộng phương pháp này, hội đã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên, người dân và tổ chức các buổi tham quan tại các trang trại đã ứng dụng thành công và mang lại hiệu quả rõ rệt. Phương pháp này giúp người dân không cần phá bỏ những gốc cây trồng nhiều năm mà hiệu quả kinh tế không cao, tận dụng bộ rễ và thân cây để ghép với những giống cây trồng mới không những sai quả, chất lượng tốt mà thời gian thu hoạch nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, cây mẹ được hạ độ cao, tán đẹp, cây được trẻ hóa, sản phẩm đảm bảo được tính đặc trưng của cây mẹ. Hiện, toàn huyện đã ghép được 20 nghìn mắt cho 600 cây nhãn và bưởi, đều cho năng suất, sản lượng, chất lượng quả cao. Thời gian tới, Hội Làm vườn và Trang trại huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn cho người dân thực hiện phương pháp ghép cành đối với cây nhãn trơ và bưởi chua có độ tuổi từ 5 năm trở lên".

Tuy nhiên, phương pháp ghép cành là kỹ thuật mới, đòi hỏi người trồng phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, ứng dụng để nắm vững kiến thức cắt, ghép các loại cây phù hợp, quan tâm về chế độ dinh dưỡng, công tác phòng trừ sâu bệnh... Ông Khương Hữu Niên, chủ trang trại trồng cây ăn quả tại phường Đông Tân (TP Thanh Hóa), cho biết: "Hầu hết diện tích trồng nhãn tại trang trại đều được tôi áp dụng phương pháp ghép cành để rút ngắn thời gian cây ra quả, cây khỏe, ít sâu bệnh do có bộ rễ và khung cành to của cây gốc... Tuy nhiên, phương pháp này cũng mang lại nhiều rủi ro bởi nếu cây mẹ bị bệnh có thể lây cho cây con qua nhiều thế hệ, các công đoạn xử lý gốc ghép, mắt ghép, ghép mắt, cố định mắt yêu cầu người ghép phải thành thạo kỹ thuật, tỉ mỉ. Thời gian thích hợp nhất để ghép nhãn là vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 âm lịch, tỷ lệ sống của mắt ghép rất cao, từ 80 đến 90%. Bên cạnh đó, chọn gốc ghép ít nhất trên 2 tháng tuổi, là những cây khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt”. Cũng theo ông Niên, khi ghép, thao tác phải nhanh, không để khô nhựa mắt ghép. Mắt ghép phải được quấn giấy ni lông thật kín không để côn trùng cắn. Phải thường xuyên chặt nhánh phụ cây gốc để mầm ghép có đủ dinh dưỡng phát triển tốt. Sau thời gian áp dụng, các cành nhãn được ghép tại trang trại sinh trưởng phát triển tốt, rất ít sâu, bệnh hại, cây đã cho quả với năng suất và chất lượng tốt.

Được biết, phương pháp cắt, ghép cành bắt đầu được ứng dụng thí điểm trên địa bàn tỉnh từ năm 2012 tại thị xã Bỉm Sơn và huyện Triệu Sơn. Do đạt hiệu quả vượt trội trong việc cải tạo, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho diện tích cây trồng bị thoái hóa nên kỹ thuật này nhanh chóng được Hội Làm vườn và Trang trại các huyện nhân rộng ở nhiều địa phương như Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Nga Sơn, Như Thanh, Như Xuân... với gần 5.000 cây ăn quả được cắt, ghép cành, tập trung chủ yếu trên cây nhãn và bưởi.

Qua khảo sát từ các vườn cây ghép cành cho thấy, do được ghép bằng giống phù hợp với điều kiện khí hậu, có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh cao, nên hầu hết các cành ghép đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng, phát triển tốt; năng suất, sản lượng cao hơn so với cây trồng cũ từ 40 đến 50%. Chất lượng tốt, đủ khả năng cạnh tranh với các giống mới, chất lượng cao hiện có trên thị trường. Ngoài ra, nghề làm vườn ươm sản xuất cây ghép cũng mang lại thu nhập cao cho người dân, hầu hết những vườn thực hiện đúng quy trình kỹ thuật như ghép mắt, tỉa cành, xử lý cho ra hoa đậu quả... sau một năm đã cho quả có chất lượng tốt, năng suất cao hơn cây trồng cũ.

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]