(Baothanhhoa.vn) - Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 140 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư hơn 14,6 tỷ USD. Với kết quả này, Thanh Hóa hiện đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhằm thu hút những dự án đầu tư tầm cỡ quốc tế, tỉnh đang có những nỗ lực rốt ráo nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi cho dòng vốn đầu tư này.

Triển vọng thu hút dòng vốn “ngoại”

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 140 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư hơn 14,6 tỷ USD. Với kết quả này, Thanh Hóa hiện đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhằm thu hút những dự án đầu tư tầm cỡ quốc tế, tỉnh đang có những nỗ lực rốt ráo nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi cho dòng vốn đầu tư này.

Triển vọng thu hút dòng vốn “ngoại”Tập đoàn CMA - CGM - hãng vận tải lớn nhất nước Pháp và thứ 3 thế giới mở tuyến vận tải quốc tế qua Cảng Nghi Sơn.

Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn... là những công trình có nguồn vốn FDI tầm cỡ, tạo sức hút lớn trong những năm qua. Các dự án này đi vào vận hành không chỉ tạo ra giá trị, doanh thu lớn, đóng góp cao vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và tạo nhiều việc làm, mà còn tạo sức lan tỏa cho hoạt động đầu tư nhiều ngành công nghiệp phụ trợ. Chỉ tính riêng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, trong giai đoạn 2018-2021 đã đóng góp hơn 3,3 tỷ USD cho nền kinh tế trong nước và tiết kiệm hơn 260 triệu USD nhờ cắt giảm nhu cầu nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường khác.

Ông So Hasegawa, Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), cho biết “Nguồn cung năng lượng ổn định sẽ là động cơ thúc đẩy và củng cố vị trí mắt xích quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với hệ thống máy móc tiên tiến vượt bậc và những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Bên cạnh những nỗ lực phát triển kinh tế, NSRP còn có đóng góp đáng kể trong các hoạt động phát triển xã hội tại địa phương, bao gồm hỗ trợ việc làm và đào tạo cho hơn 2.000 cán bộ, nhân viên, hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách tỉnh và quốc gia, đồng thời hợp tác giúp đỡ chính quyền các cấp và các đơn vị địa phương triển khai những dự án cộng đồng ý nghĩa”.

Tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), trong bối cảnh khó khăn của những năm dịch bệnh vừa qua và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, chủ đầu tư 24 dự án FDI đã nỗ lực bằng nhiều giải pháp điều hành để thích ứng, đóng góp ổn định và là cột trụ cho các mục tiêu sản xuất, kinh doanh tại đầu tàu kinh tế của tỉnh. 2 nhà máy nhiệt điện tại đây đã đưa Nghi Sơn chính thức trở thành trung tâm năng lượng của cả nước, với tổng công suất hơn 11,4 tỷ kWh/năm lên lưới điện quốc gia, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về thu hút đầu tư trên khu kinh tế trọng điểm này.

Hiện nay, KKTNS và một số khu công nghiệp (KCN) có tiềm năng của tỉnh đang trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài. Tháng 6 vừa qua, sau một thời gian khảo sát, Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đã ký kết biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư dự án hạ tầng KCN phía Tây TP Thanh Hóa với tỉnh Thanh Hóa. Được biết, Tập đoàn Sumitomo Corporation là một trong những tập đoàn thương mại và đầu tư lớn nhất của Nhật Bản, hoạt động kinh doanh đa ngành với mạng lưới tại khoảng 70 quốc gia trên toàn thế giới. Sumitomo chú trọng và có thế mạnh đầu tư xuất nhập khẩu, sản xuất và chế biến, phát triển các KCN, nhà máy điện và đường tàu điện đô thị...

Triển vọng thu hút dòng vốn “ngoại”Lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Nghi Sơn chúc mừng đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, PTSC Thanh Hóa hỗ trợ lai dắt chuyến tàu Viễn Thụy Dương cập phao rót dầu không bến thuộc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn thành công (tháng 3-2023).

Ông Takashi Yanai, thành viên ban điều hành, Tổng quản lý Ban Kinh doanh hạ tầng tiếp vận Tập đoàn Sumitomo Corporation, cho biết: “Sumitomo Corporation rất ấn tượng về những thành quả phát triển, những lợi thế nổi bật của tỉnh Thanh Hóa như có tuyến cao tốc kết nối tới thủ đô Hà Nội, cảng nước sâu Nghi Sơn được quy hoạch thành cảng 1A và đã có hãng tàu khai thác tuyến container quốc tế, có Cảng Hàng không Thọ Xuân được quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế. Bên cạnh đó, Thanh Hóa là tỉnh thứ 4 cả nước được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh, làm cơ sở pháp lý để địa phương triển khai thuận lợi các thủ tục liên quan đến việc thực hiện các dự án đầu tư. Mặc dù là KCN thứ 5 mà tập đoàn triển khai đầu tư tại Việt Nam, nhưng Sumitomo Corporation kỳ vọng sẽ phát triển KCN phía Tây TP Thanh Hóa thành KCN hàng đầu về chất lượng, thu hút được nhiều nhà đầu tư thứ cấp từ Nhật Bản có công nghệ hiện đại, gia tăng nhiều sản phẩm công nghiệp chất lượng và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động".

Trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh Thanh Hóa đang đặt ra mục tiêu thu hút tổng nguồn vốn FDI và đầu tư trong nước (DDI) đạt khoảng 30 tỷ USD. Trong đó, mục tiêu cụ thể sẽ tiếp cận, xúc tiến từ 3 đến 6 công ty sở hữu công nghệ gốc, nằm trong top 500 công ty xuyên quốc gia trên thế giới đầu tư vào Thanh Hóa.

Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc coi trọng các địa bàn, đối tác truyền thống, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Cô-oét, Đài Loan, tỉnh Thanh Hóa sẽ đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút thêm các đối tác tiềm năng mới như Hoa Kỳ, Nga, một số quốc gia châu Âu khác. Đồng thời, khai thác hiệu quả mối quan hệ từ các tập đoàn lớn tại các nước phát triển. Ngoài cơ chế thông thoáng, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư, tỉnh sẽ tập trung nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện xây dựng hạ tầng, kết cấu các KCN, tạo mặt bằng sạch và xem đây là yếu tố quan trọng để hấp dẫn đối với nguồn vốn FDI.

Trong những tháng đầu năm nay, tỉnh Thanh Hóa cũng đã tiếp và làm việc với nhiều tổ chức quốc tế, các tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong và nước ngoài nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh; đồng thời đã phối hợp tổ chức thành công các sự kiện Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại Thanh Hóa. Trong 7 tháng qua, toàn tỉnh đã thu hút thêm được 9 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 131,4 triệu USD, gấp 3,2 lần vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý KKTNS và các KCN, hiện đơn vị đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam; đồng thời xây dựng, củng cố mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân của Việt Nam tại nước ngoài và các tổ chức, cá nhân của nước ngoài tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư để quảng bá hình ảnh, tiềm năng và các cơ hội đầu tư của KKTNS, các KCN trên địa bàn tỉnh. Đơn vị cũng sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các nhà đầu tư lớn đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh mở rộng quy mô, công suất hoạt động, giải quyết các vướng mắc về quy hoạch tại các KCN, cụm công nghiệp; làm việc với các nhà đầu tư để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của một số dự án tại KKTNS, tạo thuận lợi cho công tác triển khai dự án và lực hút cho hoạt động thu hút dòng vốn đầu tư FDI.

Bài và ảnh: Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]