(Baothanhhoa.vn) - Nếu so với các địa phương trong khu vực, Quang Tiền xưa, nay là xã Quảng Đức (Quảng Xương) có lịch sử khai phá muộn hơn. “Cách đây hơn 400 năm, vùng đất xã Quảng Đức ngày nay còn hoang vu, cây cỏ rậm như rừng, cồn cao bái thấp nhấp nhô gai góc, những đám sâu trũng chỉ thấy mọc đầy cỏ năn...”. Nhờ bàn tay, khối óc và sự hăng say lao động của những thế hệ con người cần lao, Quang Tiền đang từng ngày phát triển, đổi thay.

Trên đất Quang Tiền

Nếu so với các địa phương trong khu vực, Quang Tiền xưa, nay là xã Quảng Đức (Quảng Xương) có lịch sử khai phá muộn hơn. “Cách đây hơn 400 năm, vùng đất xã Quảng Đức ngày nay còn hoang vu, cây cỏ rậm như rừng, cồn cao bái thấp nhấp nhô gai góc, những đám sâu trũng chỉ thấy mọc đầy cỏ năn...”. Nhờ bàn tay, khối óc và sự hăng say lao động của những thế hệ con người cần lao, Quang Tiền đang từng ngày phát triển, đổi thay.

Trên đất Quang TiềnNhà văn hóa thôn Quang Tiền được xây dựng khang trang.

Theo tài liệu lưu giữ tại địa phương, xã Quang Tiền khi xưa thuộc tổng Thái Lai, bao gồm nhiều thôn nhỏ. Sau Cách mạng Tháng Tám là xã Tán Thuật, trải qua nhiều lần tách nhập hành chính, đến nay là xã Quảng Đức với 6 thôn (làng): Phú Đa, Quang Tiền, Tiền Thịnh, Thần Cốc, Hà Trung, An Toàn... Điều đặc biệt, hầu hết các thôn, làng trên đất Quang Tiền xưa đều là chốn tìm về gây dựng cơ nghiệp của người muôn phương. Nhưng mỗi làng lại chứa đựng những câu chuyện lập làng khác nhau. Ở đó, là quá trình cộng sinh, chia tách và phát triển.

Thôn (làng) Quang Tiền ngày nay, ban đầu có tên là Vệ Giữa, đến thời Nguyễn là xã Quang Tiền. Về quá trình hình thành thôn (làng Quang Tiền lớn), theo sách Địa chí huyện Quảng Xương: Sau khi chiến tranh Lê - Mạc kết thúc, có một ông già không rõ từ đâu đến đã xin với quan lại địa phương cho cư trú ở mảnh đất Cồn Cao - nơi mọc nhiều mây, tre, kè... Ông già đốn tre, bứt mây, chặt kè dựng lên ngôi nhà nhỏ đơn sơ. Hàng ngày, ông dùng chính những mây, tre, kè để đan thúng, mủng, rổ rá, làm áo tơi... mang ra chợ bán. Tên ông già là Vệ, vì thế người dân đặt cho nơi ông ở là Bái Vệ. Ông già Vệ được xem là người đầu tiên đặt nền móng cho sự hình thành làng Quang Tiền.

Đến khoảng giữa thế kỷ XVII, có ông Phúc Thiện vốn người họ Mạc, thuộc dòng dõi tôn thất nhà Mạc đã đem gia quyến từ Cao Bằng đến Bái Vệ cư trú. Vì lo sợ chính quyền Lê - Trịnh phát hiện thân phận, nên ông Phúc Thiện đã đổi sang họ Phạm, chăm chỉ làm ăn, gây dựng cơ nghiệp. Về sau, có thêm họ Trần, họ Đinh tìm về sinh sống, các dòng họ cùng nhau lập nên ấp Vệ Giữa. Đến đầu thế kỷ XVIII, Vệ Giữa đổi tên thành Vệ Trung, sang thời Đồng Khánh là Trung Thôn và sau đó là Quang Tiền (làng lớn). Ngày nay, Quang Tiền là tên gọi của một thôn thuộc Quảng Đức. “Về địa lý hành chính, thời Nguyễn, thôn Trung tức Trung Thôn thuộc xã Quang Tiền, tổng Thái Lai. Nay Trung Thôn là thôn Quang Tiền (thôn lớn), xã Quảng Đức. Ở đây, họ Phạm (khởi tổ Phạm Phúc Thiện) gốc tôn thất nhà Mạc vẫn là họ lớn nhất trong làng, trong xã” (sách Địa chí huyện Quảng Xương).

Nếu so về lịch sử, có lẽ làng Phú Đa có lịch sử lập dựng sớm hơn Quang Tiền. Vào thời nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, một người họ Trần là người đầu tiên có công lập làng. Khi đó, ông đặt tên làng Cả Vệ. Đến thời Nguyễn, mới đổi thành Phú Đa. Ngày nay, ở Phú Đa hiện còn Từ đường họ Trần thờ các vị thủy tổ dòng họ, cùng những tiền nhân có công với Nhân dân, đất nước. Cũng tại Từ đường họ Trần hiện còn lưu giữ sắc phong, bài vị, hương án của các triều đại phong kiến.

Khác với Quang Tiền được lập dựng từ một dòng họ thuộc tôn thất nhà Mạc, thôn (làng) An Toàn được hình thành vào đầu thế kỷ XVII do người của 6 dòng họ đến đây quần cư gây dựng cơ nghiệp. Người đầu tiên đến An Toàn là ông Nguyễn Phúc Mỡ - người đất Quỳnh Lưu (Nghệ An). Và trong số 6 họ có công lập làng An Toàn, có ông Nguyễn Phúc Khuê là người làng Quang Tiền chuyển đến. Cộng đồng dân cư các dòng họ đã cùng nhau chung sức, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới.

Trong số các thôn làng ở Quảng Đức, Thần Cốc (Cao Sơn) có lịch sử hình thành muộn hơn. Làng được lập dựng dưới thời vua Minh Mạng. Và người đầu tiên có công lập làng Thần Cốc là anh em họ Đỗ (quê Hàng Bồ - Hà Nội). Về sau, có thêm họ Phạm, họ Trần, họ Đỗ, họ Nguyễn, họ Hoàng... cùng chuyển đến sinh sống, làm ăn.

Vốn là vùng đất có địa thế không bằng phẳng, nơi cao thì chưa nắng đã hạn, nơi thấp chưa mưa đã ngập nên câu chuyện làm nông, trồng lúa với người dân Quang Tiền từ xưa vốn không dễ dàng. Để mưu sinh, người dân địa phương đã dựa vào sự khéo léo của đôi bàn tay để tạo ra những sản phẩm thủ công truyền thống được sử dụng rộng rãi trong đời sống làng quê xưa. Người dân Quang Tiền có nghề đan lát nổi tiếng khắp vùng. Đặc biệt là các sản phẩm thúng, mủng, lừ (lờ) do người Quang Tiền làm ra nổi tiếng bền đẹp, được người dân nhiều nơi ưa dùng. Đến nay trong dân gian vùng đất này còn lưu truyền câu ca: “Thúng ken ba xã Quang Tiền/ Đan lừ Thần Cốc, làng Tiên giần sàng”.

Cũng như hầu hết các làng quê Việt Nam, trong quá trình sinh sống, các thế hệ người dân vùng đất Quang Tiền cũng tin rằng, để cuộc sống được thuận lợi, ấm no, họ luôn mong cầu có sự phù trợ, chở che của các vị thần linh; cùng với đó, là sự khắc ghi công đức với những tiền nhân đi trước đã có công đặt nền móng cho sự phát triển của làng... Vì thế, cùng với nỗ lực mưu sinh, người dân đã từng bước chắt chiu gom nhặt, tạo dựng nên những công trình kiến trúc - “điểm tựa” tâm linh.

Theo lời kể của các cụ cao niên ở Quảng Đức, cách đây chừng hơn nửa thế kỷ, trên đất Quang Tiền có đầy đủ các di tích đình làng, nghè, chùa, rồi cả Văn chỉ hàng tổng... với những câu ca còn lưu: “Chùa tứ giáp vang lừng tiếng khánh/ Miếu tam thôn ngào ngạt mùi hương”. Đáng tiếc, đến nay các di tích hầu hết đều đã không còn. Có chăng, chỉ là những hình ảnh còn lưu trong trí nhớ của những bậc cao niên với nhiều hoài niệm...

Đi qua những khó khăn, vất vả, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương, Quảng Đức hôm nay đã đạt xã NTM nâng cao. Ông Vương Huy Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Đức cho biết: “Tháng 7/2023, Quảng Đức đã đón bằng công nhận NTM nâng cao. Và đến thời điểm hiện tại đã có 3/6 thôn của Quảng Đức được công nhận thôn NTM kiểu mẫu. Cùng với cơ sở hạ tầng được hoàn thiện, đời sống của người dân Quảng Đức cũng từng bước được nâng lên”.

Ông Lê Văn Hạnh, Bí thư chi bộ thôn Phú Đa - 1 trong 3 thôn của xã Quảng Đức đạt thôn NTM kiểu mẫu, tự hào chia sẻ: “Phú Đa có 325 hộ với gần 1.300 nhân khẩu. Để xây dựng thành công thôn NTM kiểu mẫu là nhờ có sự đồng thuận, đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm và chủ động đóng góp của không chỉ người dân trong thôn mà còn cả con em sống xa quê. Cổng làng cũng là một trong những công trình chào mừng Phú Đa đạt thôn kiểu mẫu”.

Nếu như hơn 400 năm trước, vùng đất Quang Tiền còn hoang vắng, cỏ cây rậm rạp thì đến nay, Quảng Đức đã hoàn toàn đổi thay. “Bức tranh” NTM ở làng quê xứ Thanh đang mỗi ngày thêm tươi sáng, là bởi “có sức người sỏi đá cũng thành cơm". “Trải qua quá trình tụ cư, lao động sản xuất, lập xóm lập làng, cộng đồng dân cư nơi đây luôn gắn bó, đoàn kết, cùng chung sức vượt qua mọi khó khăn, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt... Mỗi tên làng, tên đất nơi đây đã thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của biết bao thế hệ, để có một Quảng Đức giàu đẹp, văn minh” (sách Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Đức).

Khánh Lộc

(Bài viết có tham khảo, sử dụng tư liệu trong sách Địa chí huyện Quảng Xương; Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Đức; và một số tài liệu lưu giữ tại các dòng họ).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]