(Baothanhhoa.vn) - Ban Chỉ huy PCTT, TKCN VÀ PTDS tỉnh đã có báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lớn trên địa bàn tỉnh.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Ban Chỉ huy PCTT, TKCN VÀ PTDS tỉnh đã có báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lớn trên địa bàn tỉnh.

Do ảnh hưởng của rìa phía bắc dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Bộ nối với Áp thấp nhiệt đới nên từ ngày 25/9 đến chiều ngày 27/9/2023 (tính đến 13h00 ngày 27/9/2023) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra mưa lớn diện rộng, lượng mưa phổ biến đo được từ 150-200mm; một số nơi đo được lượng mưa lớn nhất như: Trạm KT Như Xuân (huyện Như Thanh) 281,6 mm; Trạm KT Tĩnh Gia (thị xã Nghi Sơn) 276,3 mm; Trạm KT Sầm Sơn (thành phố Sầm Sơn) 247 mm; Trạm TV Lèn (huyện Hà Trung) và Trạm KT Yên Định (huyện Yên Định) 239 mm.

Mưa lớn đã gây ra một đợt lũ trên các sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, trong đó mực nước sông Yên tại Trạm TV Chuối (huyện Nông Cống) đã đạt mức BĐ1 (+2.00) m vào khoảng 11h00 ngày 27/9/2023; Tính đến 13h00 ngày 27/9/2023, mực nước các sông khác như: sông Cầu Chày (tại Trạm TV Xuân Vinh) đạt (+7.49) m, dưới BĐ1 0,51m; sông Chu (tại TV Bái Thượng) đạt (+14.58) m, dưới BĐ1 0,42 m và đang có xu hướng tiếp tục lên.

♦ Tình hình thiệt hại:

17h ngày 27-9, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN VÀ PTDS tỉnh đã có báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lớn trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:

Về giao thông:

Trên các tuyến quốc lộ uỷ thác do tỉnh quản lý: mưa lớn đã gây sạt taluy dương tại 3 vị trí với khối lượng khoảng 950m3 trên tuyến quốc lộ 15C, quốc lộ 217; xói lở lề đường tại 5 vị trí trên tuyến quốc lộ 217B với chiều dài khoảng 40m3; sa bồi mặt đường đường tại 8 vị trí trên tuyến quốc lộ 217B với khối lượng khoảng 70m3...

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Các đơn vị quản lý giao thông đang huy động lực lượng, phương tiện giải tỏa đất sạt lở trên tuyến Quốc lộ 15 đoạn qua xã Phú Xuân (Quan Hóa).

Trên các tuyến đường tỉnh: Có 12 vị trí taluy dương bị sạt với khối lượng khoảng 650m3; xói lở mặt đường tại 2 vị trí trên tuyến đường tỉnh 520B với chiều dài khoảng 100m; sa bồi mặt đường tại 50 vị trí với khối lượng khoảng 320m3; xói lở lề đường tại 21 vị trí trên các tuyến đường tỉnh 523B và 516.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Xã Tân Phúc (Lang Chánh) cắm biển cảnh báo, huy động lực lượng canh gác khu vực bị ngập lụt, không cho

người dân qua lại.

Về nông nghiệp:

Tính đến 17h00 ngày 27-9, mưa lớn đã gây ngập lụt cục bộ một số diện tích cây trồng, cụ thể: Tổng diện tích lúa đang bị ngập 2/3 thân cây khoảng 891,6 ha; trong đó: huyện Thạch Thành 97,5 ha; huyện Vĩnh Lộc 1,5 ha; huyện Ngọc Lặc 25,4 ha; huyện Như Thanh 2,15 ha; huyện Cẩm Thuỷ 19,4 ha; huyện Hà Trung 650 ha; huyện Như Xuân 55 ha; huyện Thường Xuân 40,65 ha.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Quốc lộ 15C đoạn qua huyện Quan Hóa, tại vị trí Km 1+600 bị sạt lở.

Tổng diện tích rau màu và các cây trồng khác bị ngập khoảng 520,69 ha; trong đó: huyện Hoằng Hoá 65 ha; huyện Vĩnh Lộc 152,94 ha; huyện Ngọc Lặc 36,3 ha; huyện Như Thanh 45,5 ha; huyện Nông Cống 61 ha; huyện Cẩm Thuỷ 132 ha; huyện Thường Xuân 27,95 ha. Ngoài ta, có hơn 17 ha diện tích ao nuôi trồng thuỷ sản bị ngập.

Toàn tỉnh có 20 hộ bị ảnh hưởng do ngập lụt, sạt lở đất (tại huyện Thường Xuân); sạt lở mái đê phía sông tại K15+900 đê tả sông Hoàng, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn với chiều dài 10m và 230 m tường rào bị đổ tại huyện Như Thanh.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Huyện Bá Thước huy động lực lượng hỗ trợ gia đình ông Phạm Công Viện, thôn Khung, xã Thiết Kế bị đất đá tràn vào nhà do sạt lở núi.

Hiện, các địa phương đang tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai gây ra, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho Nhân dân. Hiện nay, toàn tỉnh đang vận hành 21 trạm bơm tiêu và các cống tiêu tự chảy đảm bảo tiêu úng cho các khu vực ngập lụt; huyện Đông Sơn tổ chức xử lý xong đối với sự cố sạt lở mái đê phía sông tại K15+900 đê tả sông Hoàng, xã Đông Ninh.

Để chủ động triển khai ứng phó với mưa, lũ và các hình thái thiên tai khác do mưa lớn gây ra, tỉnh Thanh Hoá đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Công văn số 14417/UBND-NN, ngày 27/9/2023 về việc triển khai ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS đã ban hành 03 Công điện phát lệnh Báo động lũ trên các tuyến sông và 03 Công văn chỉ đạo ứng phó với thiên tai.

Ngay trong sáng nay (27-9), Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thanh Hoá đã thành lập 03 Đoàn công tácdo các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn, cùng với Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng thường trực Chỉ huy PCTT tỉnh và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với thiên tai tại các địa phương:

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Trọng Hưngđã đi kiểm tra tại các vị trí đập tràn và tình hình thiệt hại hoa màu tại các xã Trung Thành, Tế Nông, Yên Mỹ (Nông Cống) và xã Yên Thọ (Như Thanh).

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã đi kiểm tra, chỉ đạo các giải pháp ứng phó với mưa lũ tại huyện Hà Trung và Vĩnh Lộc.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã đi kiểm tra tình hình sạt lở Quốc lộ 15 qua địa bàn xã Phú Xuân (Quan Hoá) và tình trạng sạt nở núi vào nhà ở tại thôn Khung, xã Thiết Kế (Bá Thước).

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng và đoàn công tác kiểm tra tình hình mưa lũ tại đập Chẩm Khê, xã Yên Thọ (Như Thanh). Ảnh: Quốc Hương.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn và đoàn công tác kiểm tra tình trạng sạt lở bãi bồi xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc). Ảnh: Lê Đồng.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang kiểm tra tình hình sạt lở Quốc lộ 15 qua địa bàn xã Phú Xuân (Quan Hoá). Ảnh: Lê Hợi.

♦ Do ảnh hưởng của rìa phía Bắc dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Bộ nối với ấp thấp nhiệt đới, từ ngày 25 đến sáng ngày 27-9, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn diện rộng.

Lượng mưa lớn nhất tập trung tại một số địa phương khu vực đồng bằng, ven biển. Các huyện vùng núi cao như Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn là những địa phương có lượng mưa nhỏ nhất trong đợt này.

Cụ thể, trong đêm 26 và rạng sáng ngày 27-9, mưa lớn diện rộng tiếp tục xảy ra diện rộng. Một số trạm thủy văn đo được lượng mưa lớn nhất như: Như Xuân (Như Thanh) 98mm; Tĩnh Gia (Thị xã Nghi Sơn) 94mm; Giàng (TP Thanh Hóa) 56mm; Sầm Sơn (TP Sầm Sơn) 55mm; Xuân Khánh (Thọ Xuân) 52mm.

Theo thông tin ban đầu, mưa lớn đã gây ra thiệt tại tại một số địa phương:

Tại huyện Quan Hoá: Mưa lớn nhiều ngày, đất bị ngấm nước đã gây nên tình trạng sạt lở tại quốc lộ 15 đoạn qua địa bàn xã Phú Xuân. Hiện lãnh đạo huyện Quan Hoá và xã Phú Xuân đang huy động lực lượng, phương tiện giải toả đất, đá sạt lở tràn xuống lòng đường.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Lãnh đạo UBND huyện Quan Hoá chỉ đạo giải toả sạt lở tại Quốc lộ 15 đoạn qua địa bàn xã Phú Xuân.

Tại huyện Như Xuân: Thông tin từ UBND xã Bình Lương (Như Xuân), cho biết: Hiện trên địa bàn có một trường hợp là ông Cao Ngọc Trường ở thôn Quang Trung đi bắt cá tối 26-9 trên các đoạn sông thôn Làng Mài. Sáng 27-9 gia đình mất liên lạc với ông Trường và nghi bị nước cuốn trôi. Cấp ủy, chính quyền xã Bình Lương đã tổ chức lực lượng đi dọc sông Hân để tìm kiếm người mất tích. Cùng với đó, nhiều đoạn đường trên địa bàn huyện bị chia cắt, một số thôn bị cô lập. Sáng 27-9, đồng chí Bí thư huyện ủy Lương Thị Hoa đã dẫn đầu đoàn công tác đến kiểm tra tình hình mưa lũ tại các xã Hóa Quỳ, Bình Lương, Tân Bình, Xuân Hòa. Hiện nay, trên địa bàn có 55 ha lúa bị ngập, 0,7 ha cây các loại bị ngập; các đường giao từ thị trấn Yên Cát đi xã Thanh Quân đoạn qua xã Cát Vân bị sạt lở (20m3 đất); một số tuyến đường liên thôn, liên xã trên địa bàn các xã bị ngập gây chia cắt; riêng thôn Thanh Sơn, xã Thanh Sơn do nước dâng cao đang bị cô lập.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Ngập gây tắc đường Tràn Ná Cà 2 Km23+600/ĐT.520B xã Thanh Quân (Như Xuân).

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Mưa lớn gây xói lở mặt đường tại km2+420 đường tỉnh 520B đoạn qua xã Hoá Quỳ (Như Xuân).

Tại huyện Hà Trung, mưa lớn làm khoảng 650 ha lúa bị ngập 2/3 thân tại các xã như Hà Tiến, Hà Giang, Hà Vinh, Hà Bắc (hiện vùng này đang vận hành trạm bơm tiêu); ngập mặt đường vị trí Km8+500/217 tại xã Hà Lĩnh, từ 3h00 ngày 27-9 với mực nước ngập sâu là 0,2m.

Ngoài ra, mưa lớn kéo dài đã gây sạt taluy dương tại 2 vị trí trên tuyến đường tỉnh 520D với khối lượng khoảng 50m3.

♦ Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Lộc, tính đến 8 giờ ngày 27-9, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới (từ ngày 25-9 đến 27-9), trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc có 98,3ha cây trồng vụ Đông bị ngập úng; tình trạng sạt lở dọc bãi sông Mã đoạn qua thôn Nghĩa Kỳ, thôn Giang Đông, xã Vĩnh Hòa vẫn tiếp diễn. Hiện chính quyền địa phương đã chằng dây, lắp biển cảnh báo, chèn bao đất gia cố bờ sông...

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Tình trạng sạt lở dọc bãi Sông Mã đoạn qua thôn Nghĩa Kỳ, thôn Giang Đông, xã Vĩnh Hòa vẫn tiếp diễn...

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

... và lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc đã trực tiếp đến kiểm tra, chỉ đạo các biện pháp bảo đảm an toàn.

♦ Thông tin từ huyện Lang Chánh cho biết, do mưa lớn kéo dài những điểm thường xuyên bị ngập lụt trên địa tràn huyện như, tràn Suối Mòng xã Tân Phúc; tràn suối Lưỡi khu Phố Chí Linh, thị trấn Lang Chánh... mực nước đang dâng cao, ảnh hưởng đến giao thông.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Lực lượng chức năng trực cấm các phương tiện qua tràn Suối Mòng xã Tân Phúc (Lang Chánh).

Hiện mực nước qua tràn Suối Mòng đã vượt qua tràn chừng 40 cm, chính quyền địa phương đang cắt cử lực lượng túc trực 24/24 để cấm các loại phương tiện và người dân qua lại

Tại điểm tràn suối Lưỡi khu Phố Chí Linh hiện tại mực nước đang dâng cao, chính quyền thị trấn cũng đã cử lực lượng Công an túc trực, để không cho phương tiện, người dân qua tràn.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Mực nước sông Âm đoạn qua phố Chiềng Trải thị trấn Lang Chánh vẫn trong ngưỡng an toàn.

Trước tình hình mưa lớn đang diễn ra trên địa bàn lãnh đạo huyện Lang Chánh đã trực tiếp đi kiểm tra các điểm nguy cơ ngập lụt cao và yêu cầu các địa phương trong toàn huyện khẩn trương chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn, nhất là những điểm có nguy cơ cao, đã được cảnh báo. Cùng với đó thông báo tới từng hộ dân để chủ động ứng phó, không để bị động, bất ngời, thực hiện nghiêm việc ứng trực 24/24h bảo đảm tuyệt đối, an toàn tài sản, tính mạng của nhân dân.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Lãnh đạo huyện Lang Chánh kiểm tra tình hình mưa lũ tại khu vực tràn Suối Mòng xã Tân Phúc.

Riêng khu phố Chiềng Trải thị trấn Lang Chánh có gần 40 hộ với 135 nhân khẩu trong diện nguy cơ bị ngập lụt khi nước trên sông Âm lên cao, huyện cũng đã xây dựng phương án, động viên người dân bình tĩnh và chủ động mọi hành trang với phương châm nhanh chóng, khẩn trương, sẵn sàng di dời tài sản khi có tình huống xảy ra. Hiện tại mực nước sông Âm vẫn trong ngưỡng an toàn.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Đường tràn đoạn Km18+200 đường tỉnh 530B xã Tam Văn (Lang Chánh) bị ngập.

♦ 2 ngày qua trên địa bàn huyện Thạch Thành đã có mưa vừa đến mưa rất to; vào hồi 13h lượng mưa đo được tại Tram Thủy văn thị trấn Kim tân khoảng trên 180 mm. Mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ tại các điểm tràn thuộc tuyến đường giao thông liên huyện từ xã Thạch Tượng (Thạch Thành) đi huyện Bá Thước và tuyến đường tỉnh 522 điểm tràn xã Thành Long đi xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc), nước ngập sâu từ 50 – 60cm gây khó khăn cho người và phương tiện qua lại, nhất là gây nguy hiểm đối với các cháu học sinh khi qua khu vực này. Mưa lớn kết hợp nước thượng nguồn Hòa Bình đổ về nhanh đã làm cho mực nước sông Bưởi đoạn qua xã Thạch Định lên nhanh, mỗi giờ lên từ 15 – 20cm, hiện mục nước sông Bưởi khoảng hơn 8 mét, dự kiến đêm nay (27/9) mực nước sông Bưởi tại Kim Tân sẽ lên vượt báo động 1.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân trên Quốc lộ 217 B đoạn qua xã Thành Mỹ. Ảnh: Khánh Trình.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân. Ban chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS huyện Thạch Thành đã tăng cường lực lượng bán sát cơ sở kiểm tra, huy động lực lượng trực 24/24 tại các điểm tràn bị ngập lụt, các tuyến đê sông Bưởi, hồ đập xung yếu sẵn sàng các vật tư, lực lượng, phương tiện ứng hộ ngay từ giờ đầu.

Tại huyện Thường Xuân, mưa lớn đã làm ngập nhiều diện tích cây nông nghiệp tại các xã Thọ Thanh, Xuân Dương, Lương Sơn, Luận Thành...

Nước dâng cao cũng làm ngập tràn Hón Dụ xã Luận Khê, tràn Hàng Cáu xã Vạn Xuân, tràn Nàng xã Tân Thành, tràn thôn Khoong xã Yên Nhân... gây cô lập một số xã và thôn trong huyện.

Mưa lớn dài ngày cũng đã gây nên một số điểm bị sạt lở, làm gãy đổ cột điện, cây cối hoa màu.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Tràn Nàng xã Tân Thành bị ngập. Ảnh: Lê Hoà.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Tại các tràn bị ngập, huyện đã chỉ đạo các xã cắm biển cảnh báo và cử lực lượng trực gác 24/24. Ảnh: Khắc Công.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Mưa lớn cũng đã làm mốt số điểm bị sạt lở, làm gãy cột điện và cây cối, hoa màu. Ảnh: Khắc Công.

Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS huyện Thường Xuân đang chỉ đạo cho thành viên trong xuống cơ sở nắm bắt và chỉ đạo cùng với Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống thiên tai, bố trí lực lượng trực 24/24 nhằm giảm thiểu thiệt hại gây ra...

Tại huyện Yên Định: Ngay trong sáng ngày 27-9, Ban chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS huyện đã đi kiểm tra tình hình thực tế tại các điểm trọng yếu về đê điều vùng ven sông cầu Chày, khu sản xuất hoa màu vụ đông, các công trình giao thông đang xây dựng... tại các xã Quý Lộc, Yên Phú, Yên Lạc, Định Tăng, Yên Thịnh, Yên Trung, Yên Tâm, thị trấn Thống Nhất.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Mưa lớn gây ngập úng cục bộ một số nơi trên địa bàn huyện Yên Định. Ảnh: Lê Hà.

Theo thông tin ban đầu của các đoàn công tác, các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng, chống ngập úng; điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp... nên hạn chế được thiệt hại xảy ra.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Diện tích cây trồng vụ đông của huyện Yên Định mới trồng được khoảng 30%, chưa bị thiệt hại nhiều. Ảnh: Lê Hà.

Dự báo, trong các ngày từ 27, 28-9 trên địa bàn huyện Yên Định sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS huyện Yên Định đã chỉ đạo các tổ, đơn vị xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn các công trình đê điều, thủy lợi, bố trí lực lượng thường trực, sẵn sàng xử lý tình huống có thể xảy ra.

Tại huyện Mường Lát: Tính đến 11 giờ ngày 27-9, dông lốc đã làm tốc mái 1 ngôi nhà của người dân tại bản Đông Ban, xã Pù Nhi; 4 ha lúa nước ở thị trấn Mường Lát bị đổ ngã. Mưa lớn kéo dài trên diện rộng còn gây hiện tượng sụt lún nền nhà của một số hộ dân và xuất hiện nhiều vết rạn nứt taluy đồi đất, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân nằm sát chân đồi.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS huyện Mường Lát cùng đoàn công tác đến thăm, động viên hộ gia đình bị tốc mái nhà tại bản Đông Ban, xã Pù Nhi.

Đoàn công tác của huyện do ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, Phó Ban Thường trực PCTT, TKCN và PTDShuyện làm trưởng đoàn, đã trực tiếp xuống kiểm tra hiện trường, động viên các gia đình bị thiệt hại. Đồng thời, chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời cho Nhân dân để chủ động phòng tránh. Huy động lực lượng xung kích rà soát, thống kê các hộ dân nằm trong vùng thiên tai nguy hiểm để có phương án di chuyển, sơ tán kịp thời khi cần thiết; chuẩn bị tốt công tác phòng, tránh theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân.

♦ Từ ngày 26, 27-9, trên địa bàn huyện Quan Sơn có mưa vừa đến mưa to, khiến nước các suối dâng cao và gây sạt lở đất, nhiều tuyến bị ách tắc.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Tại km145+600, Quốc lộ 217, thuộc khu phố Păng, thị trấn Sơn Lư, sạt lở đã gây ách tắc giao thông. Hiện nay, huyện Quan Sơn đang chỉ đạo lực lượng chức năng nhanh chóng khắc phục.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Ngoài ra ở vị trí km7+00 tuyến đường giao thông thị trấn Sơn Lư đi xã Tam Lư cũng đã có hiện tượng sạt lở.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Nước tại các con suối ở nhiều xã đang dâng cao (ảnh chụp tại suối Tình, bản Hát, xã Tam Lư).

Trước tình hình mưa lũ diễn ra phức tạp, huyện Quan Sơn đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, rà soát nhà ở ven sông, suối, đồi núi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra.

Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là các đập tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông khi xảy ra mưa lớn.

Tiến hành triển khai các biện pháp bảo vệ lúa, hoa màu; gia cố, bảo vệ ao nuôi thủy sản, điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với tình hình thực tế. Kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi.

Tại huyện Triệu Sơn, hiện có 5,5 ha lúa bị ngập tại các xã Hợp Lý, Thọ Bình và 11ha ngô bị ngập là ở các xã Thọ Bình, Xuân Lộc, Xuân Thọ.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Ngập tràn cục bộ trên tuyến đường 514 thuộc thôn Văn Sơn, xã Hợp Lý. Ảnh: Thuỳ Linh.

Mưa lớn kéo dài cũng gây ra 2 điểm tràn cục bộ tại tuyến đường 514 (đường thi công cầu), thuộc thôn Văn Sơn, xã Hợp Lý (do đang thi công cầu bắc qua sông Nhơm) và tuyến đường đi vào Khu di tích lịch sử Đền Nưa - Am Tiên (thị trấn Nưa).

Tại các tuyến đường có điểm tràn, UBND xã, thị trấn đã bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo không cho dân di chuyển qua. Đồng thời, UBND huyện đã thông báo đến các cơ quan, đơn vị, trường học và toàn thể Nhân dân không di chuyển trên những tuyến đường có điểm tràn.

♦ Trước diễn biến bất thường và phức tạp của mưa do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sáng 27-9, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương Hà Thế Anh cùng đoàn công tác của huyện đã đi kiểm tra thực tế tại những vùng trũng thấp có nguy cơ ngập lụt cao, các cống tiêu thoát nước lũ tại các xã trên địa bàn.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Lãnh đạo huyện Quảng Xương kiểm tra các công trình thủy lợi phục vụ tiêu thoát nước trên địa bàn một số

xã trọng điểm. Ảnh: Mạnh Cường.

Tính đến trước đợt mưa này, huyện Quảng Xương đã thu hoạch được hơn 90% diện tích lúa vụ mùa và còn hơn 500 ha chưa thu hoạch. Huyện đã chỉ đạo các xã khẩn trương thu hoạch diện tích lúa còn lại, đồng thời triển khai các phương án hỗ trợ người dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại. Về cơ bản, số diện tích lúa múa chưa thu hoạch trên địa bàn huyện Quảng Xương hiện vẫn chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các địa phương trên địa bàn huyện Quảng Xương cùng với người dân gấp rút triển khai các biện pháp thu hoạch diện tích lúa mùa còn lại, tranh thủ tối đa thời giai khi mưa ngớt và tạnh.

Đoàn công tác của huyện Quảng Xương đã tới kiểm tra các cống tiêu thoát nước lũ quan trọng như Cống Ngọc Giáp (xã Quảng Thạch), cống Ba Cửa (xã Quảng Phúc) và các công trình thủy lơi khác trên địa bàn. Đến trưa ngày 26-9, hệ thống các công trình thủy lợi tiêu thoát nước lũ vẫn đang hoạt động với công suất cao nhất. Vì vậy, việc tiêu thoát nước được vận hành hiệu quả, hạn chế tình trạng ngập lụt, nhất là các địa bàn trọng điểm, có nguy cơ cao.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Người dân chủ động các phương án bảo vệ ao, hồ nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Mạnh Cường.

Lãnh đạo huyện Quảng Xương cũng đã kiểm tra các vùng ngoại đê, khu vực nuôi trồng thủy sản tại một số xã. Do có sự chuẩn bị, ứng phó chủ động từ trước, các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các xã ven biển và một số địa phương khác đã có các phương án bảo vệ ao, hồ nuôi trồng thủy sản.

Tại huyện Cẩm Thủy, tính đến 14 giờ ngày 27-9, mưa lớn khiến 110,3 ha cây trồng vụ đông bị ngập úng; tình trạng sạt lở dọc bãi sông Mã đoạn qua xã Cẩm Yên vẫn tiếp diễn. Tại các điểm thường xuyên bị ngập lụt trên địa tràn huyện như: khu vực suối cá Cẩm Lương, đập tràn thôn Muốt, xã Cẩm Thành; đập Bai Bụng thôn Ngọc Dùng, xã Cẩm Liên; khu vực cầu phao Cẩm Vân... mực nước tiếp tục dâng cao, ảnh hưởng đến giao thông.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Đập Bai Bụng, thôn Ngọc Dùng, xã Cẩm Liên bị ngập. Ảnh: Phương Thảo.

Hiện, chính quyền địa phương đã bố trí lực lượng Công an túc trực, không cho phương tiện, người dân lưu thông qua các khu vực nguy hiểm; đồng thời, chằng dây, lắp biển cảnh báo, gia cố bờ sông...

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Lực lượng CSGT hỗ trợ người dân qua khu vực bến đò ngang xã Cẩm Vân. Ảnh: Phương Thảo

Lãnh đạo huyện Cẩm Thủy đã trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra các điểm có nguy cơ ngập lụt, diện tích cây trồng bị ngập úng và chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường công tác ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân.

Các đơn vị: Ban Chỉ huy Quân sự, Công an huyện tăng cường lực lượng, thiết lập cảnh báo, không để người dân qua lại các khu vực ngập lụt, các điểm có nguy cơ sạt lở, sẵn sàng hỗ trợ Nhân dân khi có tình huống xảy ra.

♦ Ngày 27-9, Ban Chỉ huy PPCTT,TKCN&PTDS huyện Hậu Lộc đã ban hành Công văn số 2605/PCTT,TKCN&PTDS về việc ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Tàu thuyền ngư dân xã Ngư Lộc vào bờ tránh trú mưa lớn.

Trong Công văn, Ban Chỉ huy PPCTT,TKCN&PTDS huyện Hậu Lộc yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS các xã, thị trấn và các ngành, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lớn; thông tin kịp thời, đầy đủ đến mọi người dân và các tổ chức biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Rà soát, sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, ngập úng; kiểm tra các khu có nguy cơ sạt lở đất, các khu dân cư ven sông, khu vực thấp trũng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, ngập lụt để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; tiến hành khơi thông các tuyến mương tiêu nội đồng, các rãnh thoát nước trong khu dân cư để tiêu thoát nước tốt khi có tình huống ngập úng xảy ra.

Triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất; gia cố bờ bảo vệ đầm, ao nuôi thuỷ sản; thu hoạch thủy sản đến thời kỳ thu hoạch; chủ động các biện pháp tiêu thoát nước diện tích đang sản xuất tránh để tình trạng ngập úng gây ra.

Kiểm tra, theo dõi mực nước thủy triều trên biển, sông để có phương án tiêu thoát nước kịp thời, hiệu quả khi có mưa lũ xảy ra.

Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn các công trình đê điều, thủy lợi đang thi công, các điểm sung yếu, các vị trí đang xảy ra sạt lở đất chuẩn bị sẵn sàng các phương án xử lý tốt các tình huống xảy ra. Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện, đài truyền thanh các xã tăng cường thời lượng phát tin về diễn biến của mưa lớn, ngập úng và hướng dẫn các biện pháp, kỹ năng ứng phó với thiên tai để chính quyền địa phương và người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại. Các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h.

Chiều 27-9, thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PPCTT,TKCN&PTDS huyện Hậu Lộc, trên địa bàn huyện chưa xảy ra thiệt hại về con người, hoa màu, tài sản do mưa lớn gây ra. Các phương tiện tàu thuyền vươn khơi đã về các nơi tránh trú an toàn.

Theo thống kê của Ngành Nông nghiệp, đến hết ngày 27-9, toàn tỉnh có 543 ha diện tích cây trồng bị ngập úng, ảnh hưởng do mưa lớn, tập trung tại các huyện: Cẩm Thủy 151,4 ha; Như Thanh 47,7 ha; Vĩnh Lộc 145,4 ha; Thạch Thành 82,5 ha; Yên Định 116,1 ha. Trong đó có 104,6 ha lúa; 285,6 ha ngô; 47,6 ha mía; 35,6 ha ớt và 69,6 ha rau màu và cây trồng khác.

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Diện tích cây trồng vụ đông tại huyện Yên Định bị ảnh hưởng do mưa lớn.

Theo dự báo của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh còn một số diện tích lúa chưa thu hoạch như: 170 ha vùng ngoài đê của huyện Nông Cống như Tế Nông, Trung Chính, Trung Thành; 1.000 ha tại thị trấn Vạn Hà, Thiệu Phú, Thiệu Hợp (Thiệu Hóa); 700 ha tại thị xã Nghi Sơn tập trung tại các xã, phường: Hải Lĩnh, Tùng Lâm, Tân Trường, Nguyên Bình; 600 ha chưa gặt tập trung tại các xã vùng màu, đồng cao. Tuy nhiên theo đánh giá các vùng này có khả năng tiêu úng tốt.

Ngoài ra, toàn tỉnh còn khoảng 2.000 ha diện tích lúa nếp dài ngày tập trung tại huyện Hà Trung, huyện Thạch Thành, TP Thanh Hoá. Hiện nay lúa mới trỗ đòng nên trong trường hợp ngập đến cổ bông sẽ không ảnh hưởng lớn. Nếu ngập cả bông phải tập trung tiêu nhanh để cứu lúa tại vùng TP Thanh Hoá, Hà Long (Hà Trung), Thạch Bình, Thạch Đồng (Thạch Thành).

Tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Người dân xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa) tranh thủ thu hoạch cây trồng tránh mưa lớn.

Hiện các địa phương đang tích cực vận hành các hệ thống tiêu úng. Các đoàn công tác chỉ đạo sản xuất của Chi cục trồng trọt cũng tiếp tục đi thăm đồng, phối hợp các địa phương chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất trước ảnh hưởng của mưa lũ; đồng thời chỉ đạo khơi thông dòng chảy, sẵn sàng các phương án tiêu cưỡng chế; tạm dừng đưa cây trồng ra ruộng gieo trồng, tăng cường chăm sóc trong bầu, trong vườn ươm; đắp vun gốc, tủ rơm rạ cho cây đã trồng ngoài ruộng.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục tập trung chỉ đạo các địa phương nắm bắt tình hình mưa lũ để có các giải pháp ứng phó kịp thời.

Nhóm PV và CTV


Nhóm PV và CTV

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]