(Baothanhhoa.vn) - Trong phần Phong tục tỉnh Thanh Hóa (Thượng) sách Đại Nam nhất thống chí cho biết về người xứ Thanh: “Kẻ sĩ chuộng văn học, trọng khí tiết. Đời nào cũng có anh tài phóng khoáng lỗi lạc, cũng là nhờ tinh túy núi sông hun đúc...”(1).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vị thế xứ Thanh trong lịch sử dân tộc

Trong phần Phong tục tỉnh Thanh Hóa (Thượng) sách Đại Nam nhất thống chí cho biết về người xứ Thanh: “Kẻ sĩ chuộng văn học, trọng khí tiết. Đời nào cũng có anh tài phóng khoáng lỗi lạc, cũng là nhờ tinh túy núi sông hun đúc...”(1).

Vị thế xứ Thanh trong lịch sử dân tộc

Màn sân khấu hóa cuộc khởi nghĩa tại Lễ hội Bà Triệu năm 2019. Ảnh: khôi nguyên

Trong phần Dư địa chí sách Lịch triều hiến chương loại chí, sử gia Phan Huy Chú viết về địa dư trấn Thanh Hoa như sau: “Thanh Hoa mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông, Ai Lao sát phía Tây, Bắc giáp trấn Sơn Nam, Nam giáp đạo Nghệ An. Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu. Các triều trước vẫn gọi là một trấn quan trọng. Đến Lê lại là nơi căn bản. Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý, cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường; vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước...”.

Vị thế xứ Thanh trong lịch sử dân tộc

Đền Đồng Cổ thuộc địa phận làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định.

Trên đây là nhận xét tổng quát nhất về cảnh quan thiên nhiên và cốt cách, bản lĩnh con người xứ Thanh. Nhận định trên được minh chứng qua thân thế sự nghiệp của một số bậc anh tài hiền kiệt người xứ Thanh hoặc có mối quan hệ gắn bó với xứ Thanh, đã có những cống hiến to lớn đối với sự phát triển của đất nước qua các giai đoạn lịch sử.

Ngay từ thời chống Bắc thuộc, người xứ Thanh đã tỏ rõ sự can trường, tiết liệt. Trong cuộc khởi nghĩa hai Bà Trưng (40 - 43) xuất hiện nữ tướng Lê Thị Hoa (Nga Thiện, Nga Sơn), lão tướng Đô Dương (người làng Giàng, Đông Sơn) quyết chiến đấu chống quân Đông Hán đến phút cuối cùng.

Vị thế xứ Thanh trong lịch sử dân tộc

Lễ hội đền Bà Triệu.

Giữa thế kỷ thứ III, nước ta bị nhà Đông Ngô đô hộ. Năm 248, Bà Triệu khởi binh chống lại ách đô hộ của nhà Đông Ngô. Quân khởi nghĩa do Bà Triệu chỉ huy tấn công mạnh mẽ vào quận lỵ, huyện lỵ của chính quyền đô hộ. Các thành ấp của nhà Ngô ở Cửu Chân lần lượt bị hạ. Bọn Thái thú, huyện lệnh bị giết hoặc bỏ trốn. Từ Cửu Chân, khí thế của cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan ra vùng Giao Chỉ, lan vào Cửu Đức, Nhật Nam.

Lo sợ trước sự lớn mạnh của cuộc khởi nghĩa, nhà Đông Ngô buộc phải cử viên dũng tướng là Lục Dận đem 8.000 quân sang đàn áp. Nghĩa quân đã có một trận đánh lớn với quân Ngô ở căn cứ Bồ Điền. Bà Triệu đã anh dũng hy sinh tại căn cứ. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã để lại một dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân xứ Thanh nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Bà Triệu xứng đáng là bậc “nữ trung hào kiệt”.

Vị thế xứ Thanh trong lịch sử dân tộc

Đền thờ Lê Hoàn.

Thế kỷ X - thế kỷ bản lề - trên mảnh đất xứ Thanh xuất hiện những nhân vật kiệt xuất, tiêu biểu như Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn. Họ đã tạo nên những mốc son rực rỡ trong phong trào đấu tranh chống ngoại xâm. Dương Đình Nghệ là một hào trưởng, một thuộc tướng của họ Khúc được giao cai quản miền Ái Châu. Năm 930, Khúc Thừa Mỹ bị nhà Nam Hán bắt đưa về Phiên Ngung (Quảng Châu), từ Ái Châu, Dương Đình Nghệ đưa quân ra chiếm thành Đại La, đánh đuổi Lý Khắc Chính và Lý Tiến của triều đình Nam Hán, tự xưng là Tiết độ sứ, cai quản Giao Châu trong khoảng 6 năm (931-937).

Thế kỷ X được coi là thế kỷ chuyển tiếp giữa hai thời kỳ lớn là chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc và mở ra thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài cho dân tộc ta. Đây cũng là thế kỷ của những chiến công chống ngoại xâm, dẹp bỏ cát cứ, thống nhất đất nước. Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, triều Ngô ra đời định đô ở Cổ Loa. Ngô Vương Quyền qua đời (944), tình trạng cát cứ diễn ra dẫn đến cục diện 12 sứ quân. Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước, lập ra nhà Đinh, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), trị vì đất nước được 12 năm (968-980) thì ngôi vị chuyển sang cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, người khai sáng triều Tiền Lê (980-1009). Về quê quán của Lê Hoàn, hiện vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất. Có tài liệu chép: Lê Hoàn sinh năm Tân Sửu (941), sinh ra và lớn lên ở sách Khả Lập (Kẻ Sập), nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Cha mẹ mất sớm, Lê Hoàn được một người họ Lê ở làng Mía (nay thuộc xã Xuân Tân, Thọ Xuân) nhận làm con nuôi. Trong mục Đền miếu (tỉnh Thanh Hóa) sách Đại Nam nhất thống chí có chép về miếu Lê Đại Hành Hoàng đế: “Ở xã Trung Lập, huyện Thụy Nguyên, chỗ này là cơ chỉ cũ của tiên tổ nhà vua. Có thuyết nói chỗ này là nhà cũ của Lê Đại Hành, sau nhân đấy lập miếu, nay vẫn còn bia đá... Trong sách Đại Việt sử ký tiền biên, sử gia Ngô Thì Sĩ cho rằng Lê Đại Hành quê ở làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm. Hiện nay, chủ thuyết về quê quán Lê Hoàn tương đối thống nhất, cho rằng: Quê gốc của ngài ở Trường Châu (Ninh Bình); đến đời ông nội (Lê Lộc) dời về Bảo Thái (Thanh Liêm, Hà Nam). Lê Hoàn sinh ra và trưởng thành trên đất Ái Châu (Thanh Hóa). Khi Đinh Liễn vào Ái Châu tuyển quân đã gặp gỡ và gắn bó với Lê Hoàn từ đấy.

Sự nghiệp vẻ vang và cao cả nhất của Lê Hoàn chính là đã lãnh đạo nhân dân Đại Cồ Việt đánh tan cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Tống năm 981 và ba lần trực tiếp chỉ huy tấn công Champa ở phía Nam, buộc vua Champa phải giữ lễ xưng thần triều cống Đại Việt, xây dựng mối quan hệ giao hảo giữa hai quốc gia, khiến dân biên khổn yên ổn làm ăn. Sử cũ đánh giá Lê Hoàn “trừ nội gian mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình, Bắc Nam vô sự...”(2).

Vị thế xứ Thanh trong lịch sử dân tộc

Tái hiện nghi lễ hoàng đế Hồ Quý Ly về tế lễ tại Đàn tế Nam Giao.

Trong gần 4 thế kỷ, dưới hai triều đại thịnh trị Lý (1009-1225) và Trần (1225-1400), xuất hiện nhiều danh thần, lương tướng người xứ Thanh như Đào Cam Mộc, Lê Phụng Hiểu (thời Lý); Lê Văn Hưu, Lê Quát, Trần Khát Chân (thời Trần). Đặc biệt, từ nửa sau thế kỷ XIV trở đi, trong triều đình nhà Trần xuất hiện một nhân vật có ảnh hưởng rất lớn đối với quốc gia Đại Việt đương thời và sau này, đó là Hồ Quý Ly.

Vị thế xứ Thanh trong lịch sử dân tộc

Thành Nhà Hồ - Di sản Văn hóa thế giới.

Tổ tiên Hồ Quý Ly ở Quỳnh Lưu (Nghệ An). Tổ 4 đời là Hồ Liêm dời quê ra ở hương Đại Lại (nay thuộc Hà Trung, Thanh Hóa) xin làm con nuôi Tuyên úy Lê Huấn và đổi sang họ Lê. Như vậy, Hồ Quý Lý có quan hệ chặt chẽ, mật thiết với vùng đất xứ Thanh. Hồ Quý Ly tham gia vào bộ máy quan chức nhà Trần từ năm 1371 với chức Trung Tuyên quốc thượng hầu. Thời kỳ đỉnh cao quyền lực, Hồ Quý Ly đã tiến hành một số cải cách tiến bộ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị - xã hội. Năm 1400, Hồ Quý Ly truất ngôi vua Trần, tự xưng vua, lập ra nhà Hồ, đổi tên nước là Đại Ngu, đóng đô ở Tây Đô (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Năm 1401, ông nhường ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương, lên làm Thượng hoàng. Thành tựu lớn nhất mà nhà Hồ để lại sau gần 7 năm trị vì (1400-1407) là tiếp tục sự nghiệp Nam tiến của các triều đại trước, mở rộng cương vực lãnh thổ về phía Nam, lập nên 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, làm nền tảng để Lê Thánh tông bình Chiêm lập thêm đạo Quảng Nam, mở rộng đất đai của Đại Việt đến tận núi Đá Bia (Phú Yên) năm 1471. Tuy nhiên, việc truất ngôi vua Trần tự lập của Hồ Quý Ly đã tạo cớ cho quân Minh tràn vào xâm lược Đại Việt năm 1406. Trên thực tế, nhà Hồ tổ chức kháng chiến chống quân Minh rất quyết liệt nhưng trước sức mạnh của một triều đại đang phát triển thịnh trị, nhà Hồ không chống nổi, Hồ Quý Ly và triều đình nhà Hồ bị bắt đưa về Kim Lăng (Trung Quốc), nước ta một lần nữa lại bị ngoại bang đô hộ.

Vị thế xứ Thanh trong lịch sử dân tộc

Lam Kinh - Khu Di tích Quốc gia đặc biệt nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân. Lam Kinh là đất tổ nhà Lê, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV, nơi tụ hợp những anh hùng hào kiệt khắp bốn phương chung sức, chung lòng đứng lên đánh giặc cứu nước.

Chỉ 10 năm sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhà Hồ thất bại, trên núi rừng Lam Sơn, Thanh Hóa, một đốm lửa đã được thắp lên, báo hiệu cho một phong trào khởi nghĩa chống quân xâm lược chuẩn bị diễn ra. Người anh hùng Lê Lợi với 18 người bạn cùng chí hướng tổ chức Hội thề tại Lũng Nhai (làng Mía, nay thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa), quyết tâm dựng cờ khởi nghĩa đã mở đầu cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trường kỳ 10 năm ròng rã đầy gian nan thử thách. Trong danh sách 19 người tham gia Hội thề Lũng Nhai (kể cả chủ tướng Lê Lợi) thì có 16 người quê ở xứ Thanh; còn ba người là Nguyễn Trãi, Lưu Nhân Chú và Bùi Quốc Hưng ở ngoài Bắc vào. Như vậy, những hạt nhân đầu tiên của khởi nghĩa Lam Sơn, của phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV là đội ngũ tướng lĩnh xứ Thanh. Sau 6 năm hoạt động ở miền núi rừng Thanh Hóa (1418-1424), nghĩa quân Lam Sơn tiến quân vào Nghệ An, rồi từ đó xây dựng củng cố lực lượng tiến công ra Bắc vây thành chặn viện, giải phóng đất nước. Dõi theo danh sách công thần Lũng Nhai và danh sách ban thưởng sau khi vương triều Lê được thành lập (1428) cho thấy phần đông là người Thanh Hóa. Điều đó càng khẳng định vị thế của đất Thanh Hóa, người Thanh Hóa trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV.

Thế kỷ XV quốc gia Đại Việt phát triển thịnh trị, đặc biệt dưới triều đại của Lê Thánh tông (1460-1497) và bắt đầu có chiều hướng suy vi sau khi Lê Hiến tông mất (năm 1504) để sau đó triều đại Lê sơ trượt dài trên bước đường khủng hoảng và suy vong, tạo điều kiện cho Mạc Đăng Dung xây dựng lực lượng lật đổ nhà Lê, lập nên nhà Mạc năm 1527.

Trong sự nghiệp trung hưng nhà Lê, hai dòng họ có vai trò và ảnh hưởng lớn nhất là dòng họ Nguyễn Gia Miêu (Hà Trung) với người khởi xướng là Nguyễn Kim, người kế tục là Nguyễn Hoàng và dòng họ Trịnh Sóc Sơn (Vĩnh Lộc) với người mở đầu là Trịnh Kiểm và người kế tục là Trịnh Tùng.

Vị thế xứ Thanh trong lịch sử dân tộc

Đình Gia Miêu thuộc làng Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, được Vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1806, cùng thời với việc xây dựng khu Lăng miếu Triệu Tường.

Các vua nhà Lê ở Thăng Long có sự phò tá giúp rập của các chúa Trịnh và triều thần, tạo nên một thời đại được coi là tương đối thịnh trị. Buổi ban đầu của sự nghiệp trung hưng nhà Lê, vai trò của miền Thanh Nghệ cực kỳ quan trọng, vừa là hậu phương, vừa là chiến tuyến. Năm 1554, Nam triều giành lại được miền Thuận - Quảng, phá vỡ thế bị kìm kẹp bao vây của nhà Mạc từ hai phía Nam - Bắc. Tuy nhiên, để trấn giữ phía Nam cần phải có một trọng thần đảm đương. Người ấy vừa có tài năng uy tín, vừa có uy thế của một vọng tộc và không ai khác, chỉ có Nguyễn Hoàng mới xứng đáng đảm nhận vai trò trọng yếu này. Trước đây, có nhiều ý kiến căn cứ vào lời khuyên của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân (một dải Hoành Sơn có thể dung thân được muôn đời) mà cho rằng Nguyễn Hoàng “chạy trốn” vào Thuận - Quảng để tránh sự hãm hại của Trịnh Kiểm. Nhận thức như vậy không có cơ sở khoa học. Nguyễn Hoàng vào Thuận - Quảng để giữ yên phía Nam, Vua Lê và Trịnh Kiểm có thể rảnh tay mà đối phó với nhà Mạc ở phía Bắc. Thực tế lịch sử thế kỷ XVI đã minh chứng điều này. Nguyễn Hoàng là người mở đầu cho dòng chúa Nguyễn ở phương Nam, sau này được các vua nhà Nguyễn tôn vinh là Thái tổ Gia Dụ Hoàng đế.

Trừ một thời gian ngắn nhà Tây Sơn quản lý đất nước (1788-1802), còn phần lớn giai đoạn lịch sử từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XX, bản lĩnh, trí tuệ, công lao đóng góp của người xứ Thanh được tỏ rõ qua sự hiện diện của các triều đại gắn với ba dòng họ lớn: Họ Lê, họ Trịnh và họ Nguyễn - có nguồn gốc đích thực xứ Thanh. Điều ấy khẳng định tầm vóc, vị trí trọng yếu của mảnh đất Thanh Hóa trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Vị thế ấy, tầm vóc ấy được thể hiện cụ thể qua phẩm chất riêng có của những nhân vật kiệt xuất, của những vọng tộc, cự tộc ở xứ Thanh từng hiện diện trong lịch sử Việt Nam thời trung đại.

(1). Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí (Tổng tài Cao Xuân Dục), tập I. Bản dịch của Hoàng Văn Lâu. Nxb Lao động - Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2012, tr. 880.

(2). Ngô Sĩ Liên và sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb KHXH, Hà Nội, 1967.

PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ

Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

2 bình luận

 Vũ Ngọc Trân - 14:52 16/06/20

 Trả lời

Về địa chí , không có sự liên hệ về địa danh các thôn xã qua những thời đại khác nhau khiến người dân rất khó khăn trong tìm hiểu lịch sử quê hương. Sao ko có ai đó đề xuất đề tài về địa danh làng, xã tỉnh Thanh qua các thời đại.

 nguyễn văn minh - 10:30 08/05/19

 Trả lời

Còn nhiều nghi vấn lịch sử về các danh nhân Việt Nam có thể là người Thanh Hóa như Ngô Quyền, Ngô Chân Lưu .v.v, nhưng Thanh Hóa dường như không chú trọng lắm trong việc làm rõ các nghi vấn này.Thật là đáng tiếc(!).

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]