(Baothanhhoa.vn) - "Thanh kỳ khả ái” hay xứ Thanh kỳ tú và tươi đẹp! Đó là lời cảm thán mang cảm hứng ngợi ca của chúa Trịnh Sâm trước cảnh sắc như hư như thực, như thêu hoa dệt gấm của miền đất quý hương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh kỳ khả ái!

Thanh kỳ khả ái!

Các tòa thái miếu trong Khu di tích lịch sử Lam Kinh.

"Thanh kỳ khả ái” hay xứ Thanh kỳ tú và tươi đẹp! Đó là lời cảm thán mang cảm hứng ngợi ca của chúa Trịnh Sâm trước cảnh sắc như hư như thực, như thêu hoa dệt gấm của miền đất quý hương.

Phiến đá tự nhiên được tạo tác 4 chữ Hán lớn - kiệm lời mà dư ý - vẫn đứng sừng sững trên lối lên động Hồ Công suốt mấy trăm năm, dẫu rêu phong đã bám đầy mà nét chữ mềm mại vẫn như bay bổng cùng non cao mây trắng. Để mỗi khi con cháu có dịp noi theo tiền nhân, vịn đá rẽ mây tìm về chốn tiên cảnh, đều không khỏi ngưỡng vọng và có vài phần chiêm nghiệm. Và không chỉ những người sinh ra hay được gắn kết với xứ Thanh bằng sợi dây vô hình mang tên nguồn cội – cố hương, mới sẵn lòng yêu mến; mà không ít văn thần, võ tướng, mặc khách tao nhân từng có duyên ngang qua miền đất của nhiều sự giao thoa và khởi phát này, đều có chung nhận định rằng, không nơi nào trong cả nước Việt Nam lại có nhiều cảnh đẹp như Thanh Hóa. Đó là giai điệu bất tận của nước non cẩm tú, mà vẻ đẹp tự thân của nó có khả năng tuyệt vời để khơi dậy trong lòng người những tình cảm đẹp!

Thế nhưng, sức hấp dẫn của xứ sở này không chỉ nằm ở cái hình thế hùng tráng ít nơi đâu sánh kịp, với “Đông liền biển lớn, Tây cắp rừng dài, khe Lãnh Thuỷ chặn ở phía Nam, núi Tam Điệp ngăn về phía Bắc. Non cao thì có Thiên Tôn và Na Cù; sông lớn thì có Lương Mã và Ngọc Giáp. Núi sông quanh bọc, cao thấp lẫn xen. Hội Trào và Y Bích là khóa then mặt biển, Lôi Dương và Vĩnh Lộc là xung yếu đường trên. Hồ Công, Bích Đào nảy ra những động linh kỳ; Hoằng Mỹ, Nông Cống đều là những nơi lầy tốt...” (Đại Nam nhất thống chí); mà Thanh Hóa còn là nơi thời gian ngưng đọng trong những truyền thuyết vĩ đại, hay những thiên anh hùng ca về sự sinh tồn của dân tộc. Có lẽ vì thế mà trong nhiều trước tác lịch sử, nhiều bộ chí thư, Thanh Hóa được các sử gia, học giả dành cho không ít sự ưu ái?!

Ví như “Lịch triều hiến chương loại chí”, Thanh Hóa được giới thiệu đầu tiên trong phần “Sự khác nhau về phong thổ của các đạo” (quyển II) và được Phan Huy Chú dành nhiều mỹ từ để ca ngợi như “cảnh đẹp ở nơi xung yếu”, “một trấn rất quan trọng”, “nơi căn bản”, “vẻ non sông tốt tươi”, “khí tinh hoa tụ họp”... Hay bộ sách “Đại Nam nhất thống chí”, tỉnh Thanh Hóa đã chiếm riêng 2 quyển thứ 16 và 17, với nhận định sâu sắc rằng “Thanh Hóa, một địa điểm tối cổ nước ta, là nơi nhà khảo cổ đã phát kiến những cổ vật thuộc văn hóa Đông Sơn; thắng cảnh danh lam đã làm nguồn thi cảm cho biết bao tao nhân mặc khách; lại là cổ họng hai phần Trung – Bắc, đã từng chứng kiến những chiến công hiển hách của biết bao minh quân danh tướng, cùng những nghĩa cử oanh liệt của biết bao tiết phụ, anh hùng. Bởi vậy, không những có quan hệ với lịch sử, chính trị, văn hóa riêng của nước Nam ta, mà hơn nữa lại có liên quan tới lịch sử văn minh của cả miền Đông Nam Á châu nữa”!

Thanh kỳ khả ái!Du khách đến vãn cảnh Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng.

Dẫn dài câu chuyện sử sách của tiền nhân để bắt vào cái mạch chính chúng tôi muốn đề cập đến: Ý nghĩa của Danh xưng “Thanh Hóa”. Tên gọi hay cách đặt tên cho các sự vật, hiện tượng vốn dĩ chỉ mang tính quy ước; song, ngôn ngữ lại là cái vỏ vật chất chứa đựng thông tin và có khả năng biểu đạt tư tưởng. Giống như nhà bác học Lê Quý Đôn trong “Vân đài loại ngữ” đã chỉ ra: “Văn tự là biểu hiện của thanh âm. Thanh âm là biểu hiện của tính. Đạo kiền biến hóa, muôn vật nhờ đó mà đều chính tính mệnh. Có tính mệnh mới có hình thể và thanh âm. Thánh nhân đặt ra văn tự để mô tả thanh âm”. Theo cách hiểu thiển cận của chúng tôi, thì giá trị của văn tự hay ngôn ngữ không chỉ ở cái biểu đạt – hình thức, mà quan trọng hơn là cái được biểu đạt – nội dung. Đồng thời, giữa hình thức và nội dung có mối quan hệ trước sau, trong ngoài tương hỗ bền chặt, để thể hiện hết cái “ý tại ngôn ngoại”. Chính vì vậy, để lựa chọn ra tên gọi cho một vùng đất, chắc hẳn người xưa đã có sự dụng tâm và gửi gắm vào đó nhiều dụng ý. Hay cũng bởi danh có chính thì ngôn mới thuận, cho nên tên gọi cũng phải chính đáng, phải phù hợp thì lòng dân mới thuận theo?

Trước khi danh từ riêng “Thanh Hóa” chính thức xuất hiện, thì xứ sở này đã có không ít tên gọi khác nhau. Chẳng hạn “Châu Ái” với hàm nghĩa “đáng yêu”, “khả ái” của nơi khí thiêng chung đúc, núi sông sầm uất, anh hùng võ tướng, văn nhân tài tử xuất hiện lớp lớp. Vậy nên danh xưng “Thanh Hóa” hẳn cũng không đơn giản chỉ là cái tên được dùng để gọi vùng đất, hay giúp phân biệt nó với những “đơn vị hành chính” khác? “Thanh Hóa”, như nghĩa chiết tự đã được nhiều học giả phân tích, thì “thanh” hàm ý sự trong sạch, thanh cao và “hóa” là giáo hóa hay giáo dục mà nên. Gộp lại “Thanh Hóa” là sự thanh cao do được giáo dục mà nên?! Hẳn sẽ có người không đồng tình nên cho là gượng ép; hoặc cũng có người hài lòng với “đáp án” này mà xem đó là kiến giải tài tình và nhiều ẩn ý. Xin tùy thuộc cách đánh giá hay sự cảm nhận của mỗi người.

Còn với chúng tôi, nếu ví vùng đất cổ này như một bức họa đồ hình sông thế núi, thì cái tên của bức họa vừa phải thể hiện được cái “thần thái” bên ngoài, vừa phải nắm bắt được cái phần hồn – tinh túy ẩn sâu bên trong. “Bức họa đồ xứ Thanh” vốn dĩ là độc bản, là duy nhất, là không thể lẫn lộn: “Nước xanh khéo đặt, non lạ khôn bày/ Mà khí thiêng nung đúc những ngày/ Vật đã tốt, người cũng hay/ Thói đất tình trời thấy chưng thuở lý...” (Vương Duy Trinh). Do đó, khi đặt Danh xưng “Thanh Hóa” cạnh các danh từ riêng chỉ địa phương khác, thì tự thân nó đã là một “vẻ đẹp” hay một “giá trị” rồi. Và để thưởng thức đủ đầy ý nghĩa của “tác phẩm nghệ thuật” ấy, có lẽ không chỉ cần sự dẫn dắt của lý trí để phân tích, của trái tim để rung động, mà còn cần cả sự lắng sâu tinh tế của tâm hồn để cảm nhận.

Trong trước tác “Thanh Hóa quan phong”, Đại học sĩ Vương Duy Trinh, Tổng đốc Thanh Hóa dưới thời Thành Thái, đã khái quát lại quá trình thay tên gọi mảnh đất này: “Vâng trời mở vận/ Tỉnh Thanh thang mộc nước nhà/ Nay Thanh Hóa, trước Thanh Hoa/ Thanh Đô, Thanh Nội, Đường là Ái Châu/ Đời Tần Tượng Quận ở đâu/ Cửu Chân đời Hán, chỉn hầu cũng đây”. Cũng nói về việc đổi tên và gìn giữ tên “Thanh Hóa”, sử sách còn lưu lại một sự kiện rất đáng lưu tâm. Mẹ vua Thiệu Trị là Tá Thiên Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa, cho nên khi lên ngôi, vì húy kỵ, nhà vua đã cho thay đổi tên gọi và cách viết và tên gọi địa danh có liên quan đến chữ “Hoa”. Song, vì Thanh Hoa là đất Thang mộc nên nhà vua vẫn cho giữ nguyên tên gọi “tỉnh Thanh Hoa”, chỉ khi viết văn bản thì ghi ký hiệu lên đầu chữ để biết là chữ kiêng húy. Đến mùa thu tháng 7 Thiệu Trị năm thứ 3 (năm Quý Mão 1843), vua cho đổi tên gọi “tỉnh Thanh Hoa” thành “tỉnh Thanh Hóa”. Vua ban rằng: “Những chữ húy ở Thái miếu rất là tôn trọng, theo lễ phải nên cung kính mà kiêng tránh. Nhưng đối với cái nơi phát tích nghìn muôn đời, cũng phải nên còn lại sự thực. Xét các sử sách của nước Nam, tỉnh Thanh đời cổ là Thanh Hóa. Vậy chuẩn cho lấy lại tên cổ”.

Sau nhiều lần đổi thay, thay đổi, việc “trả lại tên” Thanh Hóa cho vùng đất quan yếu này là sự khẳng định cho nhiều cái “sự thật” không thể phủ nhận đã từng hình thành, đang tồn tại và sẽ còn được tiếp nối trên mảnh đất này. Bởi, “Thanh Hóa” như chúng tôi đã nhấn mạnh, không đơn giản là “tên gọi”, mà là “danh xưng” gắn với địa lý nhân văn, truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa, tính cách dân cư và nhiều giá trị bất biến, trường tồn đã được tiền nhân ngợi ca và sử sách lưu truyền. Danh xưng ấy ví như “ấn ký” riêng, có khả năng phân biệt xứ này với biết bao vùng đất đã và đang tồn tại trên dải đất hình chữ S.

Cũng theo ý kiến nhiều học giả, thì việc thay đổi tên gọi địa danh, vốn là việc thường thấy. Cái khó là xác định đúng thời điểm ra đời của các tên gọi ấy mà thôi. Thanh Hóa – vùng đất có quá trình hình thành, phát triển lâu dài và đã qua nhiều lần đổi tên, khiến việc này đã khó lại càng thêm khó. Chính vì lẽ đó, việc xác định năm 1029 là thời điểm xuất hiện Danh xưng “Thanh Hóa” là cả một quá trình kỳ công nghiên cứu của nhiều học giả. Để rồi, năm 1029 trở thành một dấu mốc quan trọng, góp phần khẳng định bề dày cùng chiều sâu quá khứ và lịch sử vùng đất này. Bước sang năm 2019 cũng là tròn 990 năm Danh xưng “Thanh Hóa” ra đời và tồn tại cho đến ngày nay. Câu hỏi đặt ra là, việc xác định thời điểm ra đời Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, có ý nghĩa và sẽ tác động sâu sắc, tích cực như thế nào đến vị thế, diện mạo cũng như diễn trình lịch sử mảnh đất xứ Thanh trong tương lai?

Còn nhớ, trong một bài viết của mình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh: Lịch sử không chỉ là những cái đã qua, mà còn là người thầy giúp chúng ta hiểu hiện tại và dự báo tương lai. Rõ ràng là, lịch sử không chỉ là “thì quá khứ”, khi mà những gì hiện hữu quanh ta chính là một tấm gương phản chiếu từ quá khứ. Đó là chưa kể, bản thân lịch sử luôn là một sức mạnh hay tạo ra một điểm tựa sức mạnh lớn lao mà ta khó hình dung nổi. Sinh ra trong xã hội phương Đông truyền thống, với mỗi người, điều đáng sợ nhất không phải sự nghèo khổ, mà là không biết quê hương, bản quán – nơi “định danh” hay cho chúng ta “diện mạo” để tự hào, để lưu luyến và một lòng hướng về. Vậy nên, không ngẫu nhiên mà người Việt đặc biệt coi trọng nguồn cội, tổ tiên và đề cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Cũng vì lẽ đó mà việc xác định nguồn gốc hình thành và phát triển vùng đất Thanh Hóa nói chung, Danh xưng Thanh Hóa nói riêng, cũng chính là quá trình “lần lại cảo thơm” mà khơi gợi niềm tự hào, tinh thần ngợi ca và lòng biết ơn trong mỗi người dân xứ sở này.

Lê Dung


Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]