(Baothanhhoa.vn) - Sau khi đã ổn định về chính trị, với quan điểm “dân lấy ấm no làm đầu, nước lấy nghề nông làm trọng”, các vua nhà Lý đã quan tâm nhiều đến sản xuất nông nghiệp, với những chính sách khuyến nông tích cực, như vua thân chinh cày tịch điền, triều đình tổ chức tu sửa, đào sông chống lũ lụt, hạn hán, cấm giết trâu, bò, ban thưởng ruộng cho người có công... nên sản xuất nông nghiệp ở Thanh Hóa có điều kiện phát triển. Thời Đinh - Tiền Lê ở Thanh Hóa có những hào trưởng, châu mục có thế lực lớn, đến thời Lý, vị thế đã giảm bớt. Ruộng đất được phân thành những loại sau: Thứ nhất, ruộng công do triều đình quản lý và ruộng làng xã, được quản lý và sử dụng theo “lệ làng”; thứ hai, ruộng tư của dân và quan lại: Là ruộng của tư nhân, do cá nhân khai phá, hoặc chuyển nhượng, được làng xã thừa nhận, có quyền thế tập.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa thời Lý - những dấu ấn nổi bật

Sau khi đã ổn định về chính trị, với quan điểm “dân lấy ấm no làm đầu, nước lấy nghề nông làm trọng”, các vua nhà Lý đã quan tâm nhiều đến sản xuất nông nghiệp, với những chính sách khuyến nông tích cực, như vua thân chinh cày tịch điền, triều đình tổ chức tu sửa, đào sông chống lũ lụt, hạn hán, cấm giết trâu, bò, ban thưởng ruộng cho người có công... nên sản xuất nông nghiệp ở Thanh Hóa có điều kiện phát triển. Thời Đinh - Tiền Lê ở Thanh Hóa có những hào trưởng, châu mục có thế lực lớn, đến thời Lý, vị thế đã giảm bớt. Ruộng đất được phân thành những loại sau: Thứ nhất, ruộng công do triều đình quản lý và ruộng làng xã, được quản lý và sử dụng theo “lệ làng”; thứ hai, ruộng tư của dân và quan lại: Là ruộng của tư nhân, do cá nhân khai phá, hoặc chuyển nhượng, được làng xã thừa nhận, có quyền thế tập.

Thanh Hóa thời Lý - những dấu ấn nổi bật

Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh.

Thời kỳ này, châu thổ sông Mã vẫn trong quá trình khai phá nên ruộng tư có xu hướng tăng nhanh ở các làng xã. Các hào trưởng, châu mục đã dần sở hữu lượng ruộng đất rất lớn. Một bộ phận người dân không có ruộng đất phải đi làm thuê, trở thành dân binh, phục vụ các hào mục. Thứ ba, ruộng chùa, do nhà chùa quản lý. Loại ruộng này ban đầu chỉ là những phần đất xung quanh các ngôi cổ tự, được sử dụng phục vụ nhà chùa. Về sau, diện tích ruộng chùa tăng nhanh, nhất là những nơi có chùa lớn. Nhiều nơi, ruộng chùa liền khoảnh, tạo nên những “cánh đồng chùa”. Phần lớn ruộng chùa là những ruộng tốt nhất. Trên văn bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc) có ghi danh sách những người cúng ruộng cho chùa. Thứ tư, ruộng lộc, là “lộc” của vua ban thưởng. Loại ruộng này khá lớn, mà tiêu biểu là “thác đao điền” của Lê Phụng Hiểu. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, “thác đao điền” của ông lên tới 10 dặm. Diện tích ruộng đất Thanh Hóa thời Lý được mở rộng.

Hệ thống sông đào thời Lê Hoàn đã tạo điều kiện cho nông dân mở rộng diện tích trồng trọt ở những nơi trước đây thường bị lũ lụt, hạn hán. Do đồng bằng châu thổ sông Mã có nhiều ô trũng, hệ thống đê sông cái (sông Mã), sông con chưa hoàn chỉnh, nên việc đắp đê, trị thủy rất được chú ý. Với những chính sách trên, suốt trong thời Lý, Thanh Hóa hầu như không xảy ra mất mùa lớn. Đời sống của nông dân được cải thiện nhiều.

Thời Lý, Thanh Hóa là một trong những địa phương có nghề thủ công khá phát triển, hình thành nhiều làng nghề thủ công truyền thống, tiêu biểu là các nghề làm đồ gốm, đúc đồng, dệt và chế tác dụng cụ đồ đá. Ở châu thổ sông Mã, nghề làm đồ gốm có từ thời văn hóa Đông Sơn, đến thời Lý, kỹ thuật làm gốm sứ đã đạt đến đỉnh cao. Đồ gốm, sứ có niên đại thời Lý đã được phát hiện trong các làng cổ, tập trung ở sở lỵ Duy Tinh. Thanh Hóa đương thời đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất gốm, sứ của cả nước.

Nghề đúc đồng ở Kẻ Chè, làng Trà Đông, thuộc giáp Bối Lý, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, là một trong những nghề nổi tiếng, có bề dày lịch sử, kế thừa kỹ nghệ đúc đồng của người Đông Sơn xưa. Nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè (Trà Đông) đã có lịch sử cả nghìn năm và được bảo tồn, duy trì, phát huy cho tới ngày nay. Dưới bàn tay khéo léo và tài hoa, các nghệ nhân đã khôi phục những sản phẩm truyền thống như đúc trống đồng, chiêng đồng, đúc tượng đồng, đồ thờ, lư hương, con giống... và đỉnh cao nhất là nghệ thuật đúc trống đồng Đông Sơn với những hoa văn, chi tiết tinh xảo theo đúng hoa văn kiểu dáng xưa. Trong 8 danh mục mới được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố, nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè (Trà Đông) xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã vinh dự được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đôi bờ sông Mã, sông Chu với những bãi bồi rộng lớn, phù sa màu mỡ, rất thích hợp với cây bông, cây dâu..., nên đã tạo điều kiện cho việc hình thành, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Đôi bờ sông Mã đã hình thành những làng dệt nổi tiếng ở Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân... Sản phẩm được dệt từ sợi bông, tơ tằm rất được thị trường ưa chộng.

Thời Lý, Phật giáo phát triển thành quốc giáo. Chùa chiền được xây dựng khắp nơi. Điều đó đòi hỏi số lượng lớn thợ thủ công, nhất là nghề chế tác đá. Những khối đá của thành Thăng Long đời Lý, những con rồng thời Lý, những tấm bia ghi công đức, quá trình lập chùa, xây đền, những pho tượng Phật... đều có bàn tay nghệ thuật của người thợ chạm khắc đá. Theo các nguồn sử liệu, nghề chạm khắc đá ở Nhồi có từ thời Nhà Lý. Nơi đây, quần thể núi Nhồi có chất đá quý hiếm, lại nằm ở vị trí đắc địa cộng với sự khéo léo, tài hoa của người thợ đã khiến nghề chế tác đá mỹ nghệ làng Nhồi trở nên nổi tiếng khắp cả nước. Sản phẩm của nơi đây không chỉ lưu dấu ấn ở các công trình chùa chiền, như chùa Báo Ân, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, chùa Ngưỡng Sơn... mà cả những sản phẩm đơn giản để phục vụ đời sống hằng ngày, như: Cối giã, cối xay, con lăn trục lúa... Những sản phẩm của làng Nhồi mang đậm phong cách và giá trị truyền thống cũng như tư tưởng văn hóa của làng nghề, góp phần tạo nên nhiều công trình có giá trị văn hóa, nghệ thuật bằng đá.

Kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp phát triển, hàng hóa dồi dào, đã tạo nên một thị trường thương mại sầm uất hơn các thời kỳ trước. Sang thời Lý, tuy Tư Phố không còn là sở lỵ , nhưng đây vẫn là một trung tâm thương mại lớn:

“Làng Giàng trên chợ, dưới sông

Vui người, vui cảnh đến không muốn về”.

Nghề đúc đồng ở Bối Lý - Kẻ Chè đã có từ thời Tiền Lê, được phát triển mạnh thời Lý, đã tạo cho Kẻ Chè một thị trường mua bán tấp nập:

“Chợ Chè một tháng sáu phiên

Phường buôn, phường bán khắp

miền về đây

Cảnh chợ buôn bán vui thay

Tiếng đồn Trà Đúc xưa nay vẫn truyền”.

Từ khi sở lỵ chuyển về Duy Tinh, nơi đây nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại, giao thương sầm uất nhất của Thanh Hóa:

“Duy Tinh giáp bộ, giáp phường

Giáp cầu, giáp chợ, giáp đường giao thông

Vui thay trên bến dưới sông

Thuyền bè tấp nập theo dòng về đây”.

Duy Tinh còn là một thị trấn lớn phiên thuyền hải ngoại tụ tập ở đấy, họp chợ ngay trên thuyền, chợ mỗi tháng 6 phiên. Thật là chốn phồn hoa đô thị “Phủ Tinh Hoa (Thanh Hóa) cách thành Giao Châu 200 dặm, các phiên thuyền ở hải ngoại tụ tập ở đây, họp chợ ngay trên thuyền rất đông. Thật là thị trấn lớn” (theo An Nam tức sự của Trần Cường Trung).

Do các chính sách mở mang, phát triển kinh tế của nhà nước, như đúc tiền, mở đường, mở chợ, nên ở Thanh Hóa, ngoài các trung tâm trên, còn xuất hiện hàng loạt các chợ ở các vùng, như chợ Giáng (Vĩnh Lộc), chợ Bản (Yên Định), chợ Sơn Môi (Quảng Xương), chợ Sen (Nông Cống), chợ Thịnh Mỹ (Thọ Xuân), chợ Quăng (Hoằng Hóa)...

Dưới thời Lý, Phật giáo trở thành Quốc đạo, “dân chúng quá nửa là sãi, chỗ nào cũng có chùa chiền” (Lê Văn Hưu). Thanh Hóa là vùng đất tương đối ổn định về mọi mặt chính trị, xã hội và kinh tế, nên là điều kiện, cơ sở xã hội rất tốt để xây dựng, kiến thiết hàng loạt chùa chiền, mà theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, trước và sau thời Lý, không có thời nào sánh kịp. Có thể nói, những ngôi chùa nổi tiếng của Thanh Hóa trong lịch sử hầu hết được xây dựng từ thời Lý. Tuy nhiên, do sự khắc nghiệt của thiên nhiên và những biến thiên của lịch sử, xã hội kéo dài hàng ngàn năm, đến nay chỉ có chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (Hậu Lộc) là còn tương đối cơ bản về nguồn gốc ban đầu, từ vị trí xây dựng đến hiện vật, mặc dù đã qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo. Các chùa còn lại đều đã bị hủy hoại, biến thành phế tích, chúng ta chỉ biết được qua thư tịch cổ và các văn bia hiện đang được bảo quản, giữ gìn. Nhiều chùa thời Lý bị hoàn toàn mất dấu vết, chỉ còn thấy tên gọi trong sách vở, thư tịch cũ, như chùa Trịnh Nghiêm ở Kẻ Go, Minh Nghiêm ở Kẻ Bôn, Phúc Diên Tự Khánh (không rõ địa điểm).

Chùa Minh Tịnh (ở Hoằng Hóa) cũng không rõ địa điểm, chỉ phát hiện được bia (đang lưu giữ tại nghè Tế Độ, xã Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hóa) cho biết chùa được xây dựng trước năm 1090 (năm khởi dựng bia chùa) với quy mô “... nguy nga tựa long cung, sừng sững trên nền đất bằng”, các đầu trụ tựa như sao trên trời, vì kèo lượn như vành trăng treo”. Cũng có chùa sau nhiều biến động của thời gian, lịch sử, đã bị di chuyển khỏi vị trí ban đầu, chỉ còn sót lại mấy viên đá tảng mang dấu ấn thời Lý (chùa Hương Nghiêm hiện ở xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa). Trên cơ sở nguồn tư liệu và hiện vật đang được bảo tồn, gìn giữ, chúng ta có thể phác họa lại một số ngôi chùa tiêu biểu là chùa Hương Nghiêm ở Giáp Bối Lý, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa. Theo sử sách, chùa được xây dựng trước thời tiền Lê. Khi Lê Đại Hành kinh lý qua Thanh Hóa, thấy chùa đổ nát, bèn cho tu bổ lại. Đến thời Lý (năm 1112), Thiền sư Đạo Dung (là cháu đích tôn của Lê Lương) cho tu bổ chùa khá khang trang, hoành tráng. Các sử liệu cũ mô tả: Chùa được xây dựng ở núi Càn Ni... “trên đá chênh vênh, tượng phật uy nghiêm, giữa sóng thấp cao... mái hiên cong như cánh trĩ, ngói lợp lớp lớp như vảy rồng, lan can thoáng mát, cửa ngõ thênh thang. Mé trái có một tòa lầu nguy nga trong treo chuông lớn...”. Dấu vết thời Lý rõ nhất hiện còn ở chùa Hương Nghiêm là một số đá tảng chạm hình hoa sen.

Chùa Báo Ân ở núi An Hoạch (núi Nhồi), nay thuộc phường An Hoạch, TP Thanh Hóa, được xây dựng từ mùa hạ năm 1099, đến mùa hạ năm 1100 thì hoàn thành. Theo văn bia “An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký” hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Hà Nội), chùa được xây dựng do Lý Thường Kiệt nhân một lần đi thăm vùng An Hoạch (núi Nhồi), sai người dò tìm ra loại đá “sắc óng ánh như ngọc lam, chất biếc xanh như khói nhạt... đẽo thành khánh, đánh lên thì tiếng ngân muôn dặm, dùng làm văn bia, văn chương để lại thì còn mãi ngàn đời”; đã tạo nên một nghề mới, nghề chạm khắc đá cho nhân dân trong vùng. Từ đó, đời sống kinh tế được phát triển mạnh mẽ. Để ghi nhớ công đức của Thái úy, nhân dân địa phương cho xây dựng ngôi chùa mà tên gọi đã thể hiện rõ tâm nguyện của người dân vùng An Hoạch đối với vị quan trấn trị nổi tiếng. Thật đáng tiếc, ngôi chùa “ngoảnh hướng Nam, với tượng Phật, tượng Bồ Tát sắc ánh như vàng, đẹp như tranh vẽ... mái tường rực rỡ là nhờ một sớm nét đan thanh điểm xuyết trăm năm khí tượng mãi thơm tho...” hiện nay không còn dấu vết.

Chùa Linh Xứng tọa lạc trên sườn núi Ngưỡng Sơn (nay thuộc xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung), được Lý Thường Kiệt cho xây dựng trong 4 năm (1085-1089). Theo văn bia “Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh”, bấy giờ có Sùng Tín, trưởng lão là thầy học của Linh Nhân Hoàng thái hậu từ Thăng Long vào thuyết pháp ở Ái Châu. Thái úy đưa Sùng Tín trưởng lão đi khắp nơi tìm đất xây chùa. Đến vùng Ngưỡng Sơn, thấy cảnh trí thanh u, cây cối tốt tươi, lại không quá xa làng xóm, bèn quyết định cho xây dựng chùa. Chùa được xây khá bề thế: ... “chùa phật thênh thang ở giữa, phòng chay rộng rãi hai bên. Trang nghiêm chính giữa thì ngũ chí Như Lai sắc vàng rực rỡ... quanh tường thì thêu vẽ uy nghi 16 vị La Hán cùng mọi hình biến tướng muôn hình vạn trạng. Phía sau xây ngôi tháp báu gọi là tháp Chiêu Ân 9 tầng chót vót, giăng mắc lưới rèm, cửa mở 4 bên, lan can vây nhiễu...”. Chùa Linh Xứng ở vị trí ngay trên con đường huyết mạch: Trên bộ, dưới sông, lại gần quận lỵ, phía bên kia sông (sông Lèn) là vùng sầm uất, làng lớn, đông dân, vì vậy rất nhiều người đến thăm viếng. Tài liệu cũ còn ghi, sứ các nước Chiêm Thành, Chân Lạp khi sang cống nước ta, vẫn qua thăm viếng chùa Linh Xứng. Sau này, hai người cháu của Thái úy Lý Thường Kiệt đến ở đây, cho xây dựng thêm một chùa nhỏ ở phía Đông núi Ngưỡng Sơn, đặt tên là chùa Thánh Ân (hiện nay không còn dấu tích). Năm 1138, sau khi Lý Thường Kiệt mất, ghi nhớ công đức của Thái úy, nhân dân trong vùng đã lập một ngôi đền thờ ông ngay cạnh chùa Linh Xứng, dưới chân núi Ngưỡng Sơn. Đền thờ Lý Thường Kiệt qua gần ngàn năm, sau bao lần tu bổ, hiện vẫn phát huy giá trị rất tốt, đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh do Thông phán Chu Công, người được vua nhà Lý cử trấn giữ, cai quản Thanh Hóa sau khi Lý Thường Kiệt được rút về Thăng Long giữ chức Tể tướng lần thứ hai, cho xây dựng năm 1116 trên nền chùa cũ. Theo mô tả của văn bia, đây là ngôi chùa khá bề thế, do huy động được nguồn vật lực trong nhân dân rất dồi dào “thợ mộc, thợ nề gắng sức như viên tròn lăn trên ván gỗ; trẻ già, trai gái giúp duyên, như lớp sóng xô giữa triền sông. Góp lương như kiến, vung rìu như mây...”. Quy mô chùa thì “rường nhà cong cong như vảy rồng nhô ra sau mưa, ngói uyên ương phơi dưới gió như xập xòe uốn lượn. Mái cong lấp lánh dưới mặt trời, hiên lượn quanh co trước gió. Tường vách chạy xung quanh..., hành lang bao bọc 4 mùa hiên cửa thanh hư. Bên hữu có vườn thơm, phía tả có ao mát, mặt nước hoa sen tốt tươi..., lại sắm đủ chiếu giường cho khách trọ nghỉ chân, lại xây đủ bếp núc cung cấp cho người thiền định...” . Sùng Nghiêm Diên Thánh là ngôi chùa thời Lý ở Thanh Hóa còn lại nhiều dấu tích, giá trị nguyên gốc: Từ vị trí, quy mô cảnh quan đến một số hiện vật kiến trúc như rồng, bia, chân tảng và đặc biệt là một số tượng pháp như bộ Tam Thế tọa trên tòa sen.

Những ngôi chùa trên tuy chỉ còn dấu vết, nhưng là những di sản văn hóa vô giá, minh chứng cho nền văn minh Đại Việt huy hoàng ở Thanh Hóa thời Lý.

PGS.TS. Hoàng Thanh Hải


PGS.TS. Hoàng Thanh Hải

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]