(Baothanhhoa.vn) - Hiếm có cuộc thi nào chỉ mới sau hơn 7 tháng phát động đã thu hút đông đảo các cấp, ngành, đơn vị, địa phương và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia hưởng ứng đông đảo, nhiệt huyết và đầy trách nhiệm đến vậy. Đó là cuộc thi “Tìm hiểu 990 năm Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sức lan tỏa từ cuộc thi Tìm hiểu 990 năm Danh xưng Thanh Hóa

Hiếm có cuộc thi nào chỉ mới sau hơn 7 tháng phát động đã thu hút đông đảo các cấp, ngành, đơn vị, địa phương và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia hưởng ứng đông đảo, nhiệt huyết và đầy trách nhiệm đến vậy. Đó là cuộc thi “Tìm hiểu 990 năm Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương”.

Sức lan tỏa từ cuộc thi Tìm hiểu 990 năm Danh xưng Thanh Hóa

Huyện Thọ Xuân trao giải cuộc thi Tìm hiểu 990 năm Danh xưng Thanh Hóa. Ảnh: Đỗ Duy Nhã

Nhiều thành phần đối tượng tham gia nhiệt huyết, trách nhiệm

Tính đến ngày 10-4-2019 các huyện, thị, thành phố và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã nhận được 631.029 bài dự thi (trong đó có 1 bài của người nước ngoài; 2 bài của tác giả là người Thanh Hóa đang sinh sống và công tác tại tỉnh ngoài). Sau khi chấm và trao giải cấp huyện, các đơn vị đã nộp Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh 340 bài dự thi đạt chất lượng cao. Đối tượng tham gia cuộc thi thuộc nhiều thành phần, có nghề nghiệp, trình độ khác nhau, trong đó: Có 616.990 bài của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh, thiếu niên (chiếm 97,7%); 2.326 bài của cựu chiến binh (0,37%); 1.305 bài của người dân tộc thiểu số (0,2%)... Trong số bài dự thi gửi về cấp tỉnh, người dự thi cao tuổi nhất là cựu chiến binh Nguyễn Bá Sáu (90 tuổi) ở xã Yên Thọ (Như Thanh); ít tuổi nhất là em Trương Gia Long (6 tuổi), học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn.

Sức lan tỏa từ cuộc thi Tìm hiểu 990 năm Danh xưng Thanh Hóa

Với kết quả của 631.029 bài dự thi trong toàn tỉnh đã tạo nên bức tranh đậm nét về sự xuất hiện của Danh xưng Thanh Hóa vào năm 1029 với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Không những người dân hiện đang sinh sống và công tác trong tỉnh, những người con của tỉnh Thanh xa quê cũng có bài tham gia dự thi. Đó là, những bài dự thi vượt hàng ngàn km từ tỉnh Đồng Nai ở phía Nam của Tổ quốc đến tỉnh Sơn La. Mặc dù rất khó khăn về tài liệu phục vụ cho làm bài dự thi, nhưng bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau, những người con của quê Thanh cũng đã nhiệt tình, trách nhiệm gửi bài dự thi đúng thời gian quy định về Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh. Tác giả Phạm Ngọc Anh là người con của xã Thạch Bình (Thạch Thành), hiện làm việc tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã trải lòng trong tác phẩm của mình: “Là người con mang trong mình dòng máu xứ Thanh, dù xa quê nhưng tôi luôn hy vọng và tin tưởng rằng cán bộ và nhân dân Thanh Hóa sẽ cố gắng phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như lời Bác Hồ đã dặn”. Bà Nguyễn Ngọc Thu đã 60 tuổi sinh sống ở tỉnh Đồng Nai cũng đã tham gia dự thi bài thi viết tay 3 tập, dày hơn 700 trang và hơn 100 trang ảnh tư liệu.

Sức lan tỏa từ cuộc thi Tìm hiểu 990 năm Danh xưng Thanh Hóa

Cuộc thi tìm hiểu “990 năm Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương” đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình của tất cả các giai tầng trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, đóng góp cho cuộc thi còn có những công trình dự thi của người khiếm thị, bằng cảm nhận từ con tim, khối óc và đôi bàn tay đã tham gia cuộc thi với hệ thống chữ nổi Braille. Đây là điểm sáng của cuộc thi, thể hiện tinh thần tự hào của những người con đối với xứ Thanh. Dù tuổi cao sức yếu, dù khiếm thị tật nguyền, nhưng nhiệt huyết và sức trẻ, tinh thần vượt khó cùng niềm tự hào về quê hương đã thôi thúc những trái tim ấy hướng về quê Thanh góp phần đưa hình ảnh mảnh đất và con người xứ Thanh giàu đẹp đến với bạn đọc trong nước và quốc tế, giữ gìn và phát huy truyền thống ngàn đời của tỉnh Thanh.

Đầu tư công phu, sáng tạo

Trong tổng số 340 bài xuất sắc ở các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc gửi về Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh, có nhiều bài đầu tư công phu, số lượng trang nội dung chính và phần phụ lục dài 990 trang (40 bài), 16 bài có 1.029 ảnh minh họa; 80 bài từ 300 - 500 trang, 204 bài dài từ 50 - 150 trang. Nhiều bài dự thi làm trên giấy khổ lớn, được viết tay, những hình ảnh tư liệu sống động đầy ý nghĩa về quê hương Thanh Hóa anh hùng, được khắc họa qua nét chấm phá và tô điểm những chiến công suốt dòng lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của đất và người xứ Thanh trong tiến trình lịch sử của dân tộc.

Sức lan tỏa từ cuộc thi Tìm hiểu 990 năm Danh xưng Thanh Hóa

Những bài dự thi là những công trình nghiên cứu khoa học về giá trị văn hóa của con người và vùng đất xứ Thanh, là cuốn lịch sử Thanh Hóa suốt chiều dài hàng nghìn năm, là những tình cảm tâm huyết, trách nhiệm của mỗi tác giả tham gia dự thi. Phần lớn các bài có phần tự luận liên hệ được trách nhiệm của bản thân, nhiều bài thể hiện sự đầu tư công phu, độc đáo, sáng tạo trong cách trình bày và thiết kế các mô hình, biểu tượng minh họa sinh động, hấp dẫn; nhiều bài dự thi viết bằng tay như ở đơn vị Công an tỉnh, huyện Yên Định...; 40 bài dự thi có mô hình công phu, sáng tạo, có giá trị nghệ thuật và mang ý nghĩa sâu sắc, toát lên niềm kiêu hãnh với những địa danh nổi tiếng của xứ Thanh, như: Lam Kinh, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, đền Đồng Cổ, Thành Nhà Hồ; Tượng đài Lê Lợi, cầu Hàm Rồng, biểu tượng chim Hạc trên trống đồng... Tiêu biểu, như các tác giả: Vũ Văn Trọng, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh thể hiện chặng đường lịch sử của Thanh Hóa từ thuở sơ khai đến nay được minh họa bằng nhiều hình ảnh chân thực và phong phú về vùng đất “thang mộc”; Phạm Tiến Triều, giáo viên Trường THCS và THPT Như Thanh (Như Thanh), gồm 5 tập đã thể hiện những nét đẹp của xứ Thanh qua 990 năm; Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học Trung Thành (Nông Cống), gồm 11 cuốn, sử dụng nhiều hình ảnh xưa và nay của miền đất “phên dậu” của đất nước; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Huyện đoàn Hậu Lộc được trình bày theo hình thức cuốn thư (sắc phong) trên nền giấy dó. Nhiều bài dự thi có phần tự luận không chỉ thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt mà còn được phiên dịch sang các ngôn ngữ quốc tế như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, nhằm góp phần quảng bá, tuyên truyền những nội dung bài viết của cuộc thi nói riêng và sự kiện 990 năm Thanh Hóa nói chung đến với bạn bè trong và ngoài nước, góp phần tạo nên một bức tranh hoàn mỹ, sinh động, lan tỏa đến đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh.

Khắc sâu trong tiềm thức

631.029 người tham gia cuộc thi, mỗi người một nghề, một hoàn cảnh và cuộc sống khác nhau, nhưng đều có điểm chung là đón nhận cuộc thi một cách tự giác, tích cực tham gia dự thi bằng những tình cảm chân thành, sự trân trọng và niềm tin tưởng đối với sự phát triển của tỉnh nhà. Mỗi người dự thi đều bày tỏ suy nghĩ, tự xác định cho mình những việc làm thiết thực nhất, phù hợp để góp phần xây dựng Thanh Hóa trở thành “Tỉnh kiểu mẫu”. Sau nhiều ngày làm việc công tâm, trách nhiệm, ban giám khảo cuộc thi cấp tỉnh đã chấm và lựa chọn được 27 bài dự thi chất lượng cao nhất đề nghị Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh xem xét, quyết định công nhận các giải thưởng cho các cá nhân, tập thể.

Sức lan tỏa từ cuộc thi Tìm hiểu 990 năm Danh xưng Thanh Hóa

Cuộc thi là sự chuẩn bị công phu chặt chẽ ở từng giai đoạn, thời điểm, được cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ cả trong công tác lãnh, chỉ đạo và tuyên truyền. Đây là cuộc thi có ý nghĩa sâu sắc, số lượng người tham dự lớn nhất từ trước đến nay, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa, khắc sâu trong tiềm thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đợt sinh hoạt chính trị này là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu sâu sắc truyền thống lịch sử xuyên suốt 990 năm qua của tỉnh Thanh Hóa, tạo nên động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân Thanh Hóa vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu vươn lên, quyết tâm xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh, xây dựng Thanh Hóa thành “Tỉnh kiểu mẫu”. Xứng đáng với bề dày truyền thống lịch sử hào hùng của con người và miền đất xứ Thanh anh hùng, cách mạng, giàu truyền thống nhân văn, khoa bảng.

Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]