(Baothanhhoa.vn) - Thông qua các gian hàng, bằng các hiện vật, hình ảnh, tư liệu phong phú, đa dạng, các huyện miền núi xứ Thanh mong muốn giới thiệu đến đông đảo du khách tham quan về tiềm năng, sức hấp dẫn cũng như những nỗ lực phát triển của vùng đất này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Miền Tây xứ Thanh với triển lãm “Thanh Hoá xưa và nay”

Thông qua các gian hàng, bằng các hiện vật, hình ảnh, tư liệu phong phú, đa dạng, các huyện miền núi xứ Thanh mong muốn giới thiệu đến đông đảo du khách tham quan về tiềm năng, sức hấp dẫn cũng như những nỗ lực phát triển của vùng đất này.

Miền Tây xứ Thanh với triển lãm “Thanh Hoá xưa và nay”

Gian hàng "Ngọc Lặc xưa và nay" của huyện Ngọc Lặc tham gia triển lãm.

Với sự tham gia của 27 huyện thị, xã, thành phố, các đơn vị Bảo tàng, Thư viện tỉnh Thanh Hóa, Hội Cổ vật và di sản Thanh Hóa, một số nhà nghiên cứu văn hóa trong tỉnh, triển lãm “Thanh Hoá xưa và nay” thực sự đã trở thành nơi hội tụ các giá trị tinh hoa, trải đều trên khắp các phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của cá nhân, các đơn vị tham gia nói riêng và toàn tỉnh Thanh Hoá nói chung. Để có được bức tranh toàn cảnh rực rỡ sắc màu như thế không thể không kể đến dấu ấn của các huyện miền Tây xứ Thanh khi đến với triển lãm. Thông qua các gian hàng, bằng các hiện vật, hình ảnh, tư liệu phong phú, đa dạng được dụng công bày trí, sắp xếp, các huyện miền Tây xứ Thanh mong muốn giới thiệu đến đông đảo du khách tham quan thấy được tiềm năng, sức hấp dẫn cũng như là những nỗ lực phát triển của vùng đất này.

Miền Tây xứ Thanh với triển lãm “Thanh Hoá xưa và nay”

Các hiện vật được bày trí bên trong gian hàng của huyện Lang Chánh.

Ngay khi vừa bước vào không gian bên trong Triển lãm “Thanh Hoá xưa và nay”, gian hàng của huyện Lang Chánh đã gợi cho người xem cảm giác mộc mạc, tự nhiên nơi miền rừng núi. Hơn 60 hiện vật, hình ảnh, tư liệu được sắp xếp một cách khoa học, hệ thống nhằm tái hiện được những nét đặc trưng cơ bản của đất và người nơi đây. Cây bông được đặt ở vị trí trung tâm gian hàng như đại diện tiêu biểu cho bản sắc văn hoá nơi đây.

Anh Trịnh Minh Tới (Trung tâm Văn hoá – Thông tin huyện Lang Chánh) cho biết: Để có được cây bông đẹp như thế này phục vụ triển lãm, các nghệ nhân trong làng, bản của huyện đã phải làm việc kì công, tỉ mỉ suốt 2 tháng. Từng con xỏ, trước khi được treo trên cây bông cũng phải lặn lội vào rừng lấy gỗ, gọt đẽo công phu, trải qua các bước nhuộm màu”. Ngoài cây bông, gian hàng còn có nhiều hiện vật phản ánh đời sống sinh hoạt của đồng bào người Thái (huyện Lang Chánh) như: đệm bông lau, trang phục thổ cẩm truyền thống, các vật dụng mây, tre, đan, chài bắt cá, lừ (đó) bắt cá, bừa, khèn bè, bế, khung dệt, hông xôi... Các hiện vật được trực tiếp sưu tầm trong dân, thuộc khắp các bản, làng, kể cả những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất trong huyện.

Miền Tây xứ Thanh với triển lãm “Thanh Hoá xưa và nay”

Nét đẹp văn hoá người Thái được thể hiện qua các hiện vật trưng bày trong gian hàng của huyện Lang Chánh.

Huyện Ngọc Lặc, nơi làn điệu Xường giao duyên tình tứ của người Mường vinh dự được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia luôn toả ra sức hấp dẫn riêng của mình. Hơn 600 hiện vật, tư liệu, hình ảnh được huy động từ nhiều nơi khác nhau trên địa bàn huyện đã tựu trung về đây, làm nên gian hàng “Ngọc Lặc xưa và nay” đặc sắc, thể hiện được tâm huyết của những người sưu tập, trưng bày.

Miền Tây xứ Thanh với triển lãm “Thanh Hoá xưa và nay”

Toàn cảnh gian hàng "Ngọc Lặc xưa và nay"

Cũng giống như gian hàng của huyện Lang Chánh, một lần nữa hình ảnh cây bông lại được bày biện ở vị trí trung tâm, với vai trò không thể thay thế trong đời sống sinh hoạt văn hoá – tinh thần người Mường. Tuy nhiên, cách thức và các vật dụng trang trí trên cây bông của mỗi dân tộc lại có sự khác nhau, tạo nên nhiều điều mới mẻ, thú vị. Đúng như tên gọi “Ngọc Lặc xưa và nay”, gian hàng của huyện Ngọc Lặc sắp xếp theo bố cục đan xen trên các phương diện nhằm phản ánh chân thực đời sống vật chất, tinh thần của người Mường và lịch sử hình thành, phát triển của huyện.

Miền Tây xứ Thanh với triển lãm “Thanh Hoá xưa và nay”

Góc nhỏ trưng bày thành tích mà những người con ưu tú của huyện Ngọc Lặc đã đạt được.

Một số điểm nổi bật trong gian hàng “Ngọc Lặc xưa và nay” có thể kể đến như: Mô hình khung cửi dệt vải, mô hình nhà sàn của dân tộc Mường, các hiện vật có niên đại cách đây hàng nghìn năm với bộ đồ đá thuộc thời Đồ đá mới (niên đại 6.000 – 7.000 năm) hay những bộ công cụ bằng đồng thuộc văn hoá Đông Sơn, sách chữ cổ của người Dao, di ảnh của anh hùng Lê Đình Chinh, quân tư trang của anh hùng LLVTND Lê Cấp Bằng. Và đặc biệt, gian hàng dành một góc nhỏ để trưng bày những bộ huy chương của các vận động viên quốc gia tiêu biểu và các cúp vô địch giải bóng chuyền Bông Lúa Vàng Thanh Hoá (1999 – 2000), cúp luân lưu Việt giã Báo Tiền Phong năm 1979 – 1981. Đây là niềm tự hào của huyện Ngọc Lặc mà không phải đơn vị nào cũng có được.

Miền Tây xứ Thanh với triển lãm “Thanh Hoá xưa và nay”

Gian trưng bày của huyện Cẩm Thuỷ

Huyện Cẩm Thuỷ tham gia triển lãm “Thanh Hoá xưa và nay” với gian hàng gồm hơn 30 hiện vật và khoảng 20 hình ảnh thể hiện những nét tiêu biểu trong quá trình hình thành và phát triển của huyện. Điểm nhấn của gian hàng nằm ở hình tượng: Sanh đồng 4 quai thời Hậu Lê và trống đồng Mường (thời Trần – thế kỷ XIII – XIV) được bày trí theo hình thức đối xứng. Ông Phạm Hùng Hậu – Phó trưởng phòng Văn hoá huyện Cẩm Thuỷ cho biết: “Tuy huyện Cẩm Thuỷ không phải là quê hương của những chiếc trống đồng nhưng trong lịch sử hình thành và phát triển đã có khoảng 18 chiếc trống đồng được tìm thấy ở đây. Trong đó có 1 trống đồng được công nhận là bảo vật quốc gia, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá”.

Lang Chánh, Ngọc Lặc, Cẩm Thuỷ cùng với các gian hàng của các huyện khác thuộc miền Tây xứ Thanh đều như những bông hoa rừng toả hương thơm được chắt chiu từ tinh hoa đất và người. Tuy không quá quy mô, cầu kì nhưng các gian hàng ấy thể hiện được bản sắc riêng và hơn hết là nỗ lực khắc phục những khó khăn về điều kiện địa lý, nguồn tài chính để cùng nhau góp phần làm nên ý nghĩa sâu sắc của cuộc triển lãm “Thanh Hoá xưa và nay”.

Thảo Linh


Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]