(Baothanhhoa.vn) - Từ thuở hồng hoang, loài người sinh ra trên mặt đất, dựng nhà cửa, cấy cày, trồng tỉa, rồi tạo dựng nên những nền văn hóa, văn minh, kết tinh trong đó hồn cốt của mỗi thời. Qua biến thiên thời gian và thăng trầm lịch sử, những nền văn minh cổ xưa trở thành trầm tích, ẩn sâu trong các địa tầng di chỉ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khát vọng trống đồng

Từ thuở hồng hoang, loài người sinh ra trên mặt đất, dựng nhà cửa, cấy cày, trồng tỉa, rồi tạo dựng nên những nền văn hóa, văn minh, kết tinh trong đó hồn cốt của mỗi thời. Qua biến thiên thời gian và thăng trầm lịch sử, những nền văn minh cổ xưa trở thành trầm tích, ẩn sâu trong các địa tầng di chỉ.

Khát vọng trống đồng

Biểu diễn trống đồng tại Tuần lễ văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An (tháng 3-2018). Ảnh: Ngọc Anh

Trống đồng, báu vật của nền văn minh lúa nước, đã ẩn mình hàng ngàn năm dưới lòng đất. Chủ nhân của báu vật ấy - những người Việt Cổ - cũng về cõi vĩnh hằng theo quy luật tự nhiên của tạo hóa. Thế rồi một ngày, tiếng trống đồng bỗng ngân vang trên dải đất xứ Thanh, làm biết bao người ngỡ ngàng, ngay cả những người nước ngoài cũng phải giật mình kinh ngạc!

Từ những nguyên liệu thô sơ bùn đất, tro trấu, quặng đồng... những người Việt Cổ tài hoa đã sáng tạo nên một sản phẩm văn hoá đặc biệt: Trống đồng. Trống đồng xuất hiện trong xã hội văn minh Đông Sơn như một phát kiến vĩ đại về kỹ thuật và nghệ thuật thời bấy giờ.

Trống đồng xuất hiện trong lịch sử loài người như vị đại sứ của nền văn minh lúa nước, trở thành “quốc huy” của nền văn hóa Việt. Vậy mà, một thời gian dài, rất dài trong lịch sử dân tộc, đã không ai còn được nghe tiếng trống đồng. Người ta chỉ tìm thấy những chiếc trống đồng cổ, han gỉ và im lặng nằm trong lòng đất. Tiếng trống đồng giúp loài người xua bầy thú dữ, khai hội được mùa, cầu mưa thuận gió hòa, tiếng trống đồng oai hùng xung trận khiến giặc ngoại xâm bạc tóc vì khiếp sợ, đâu đó, chỉ còn vang vọng trong truyền thuyết, dã sử.

Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám, mặc dù đất nước đang phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, thay mặt chính quyền cách mạng đã ký Sắc lệnh số 65 quy định việc bảo tồn di tích trên toàn cõi Việt Nam. Sắc lệnh ấy đảm bảo cho việc hiện thực hóa tư tưởng “Dân ta phải biết sử ta - Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” mà Người từng nung nấu khi đất nước còn bị kẻ thù đô hộ.

Việc gìn giữ, lưu truyền, phát huy giá trị những di sản văn hóa chính là để giúp cho muôn đời sau biết được cội nguồn lịch sử của dân tộc, để thêm trân trọng những tinh hoa tri thức của cha ông để lại. Trong rất nhiều việc đã làm, Nhà nước ta từng không ít lần chiêu tập những nghệ nhân đúc đồng giỏi nhất để phục dựng trống đồng theo phương pháp thủ công truyền thống, nhưng mọi thử nghiệm đều không thành công. Dẫu vậy, nhiều người con sinh sống trên vùng đất phát lộ nền văn hóa Đông Sơn vẫn miệt mài tìm cách “phục sinh” trống đồng. Âm thầm mà cháy bỏng, họ mang theo khát vọng trống đồng như mang dòng máu nóng luân chuyển không ngừng trong huyết quản của các thế hệ người Việt.

Tôi luôn nghĩ mình là người có diễm phúc khi được dõi theo hành trình “trở về” của trống đồng xứ Thanh, kể từ khi các nghệ nhân làng nghề đúc đồng tổ chức phục dựng chiếc trống đầu tiên, cho đến ngày hôm nay khi kỹ nghệ đúc trống đồng đối với họ đã vô cùng thuần thục. Sau rất nhiều lần thất bại, cuối cùng các nghệ nhân đúc đồng xứ Thanh đã tìm ra dấu tích của con đường mà muôn năm xưa cha ông đã từng khai phá, con đường vươn tới đỉnh cao kỹ nghệ đúc đồng. Nối bước cha ông, họ tiếp tục làm rộng dài thêm con đường ấy, bằng cách đưa đúc đồng ra khỏi “lãnh địa” của một nghề thủ công đơn thuần, biến nó trở thành một môn nghệ thuật độc đáo, kết hợp giữa kỹ thuật chế tác đồng với nghệ thuật trình diễn. Hàng chục cuộc trình diễn đúc trống đồng đã được các nhóm nghệ nhân của Liên chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh - Thanh Hóa (nay là Hội Di sản văn hóa và cổ vật Thanh Hóa) thực hiện thành công tại nhiều lễ hội văn hóa, festival ở các tỉnh thành trong cả nước. Hơn thế, ngoài việc phục dựng những mẫu trống đồng cổ, các nghệ nhân đúc đồng xứ Thanh đã nghiên cứu, thiết kế đưa vào trống đồng những hình ảnh, hoa văn mang đậm dấu ấn văn hóa của thời đại Hồ Chí Minh. Năm 2009, nhân kỷ niệm 119 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, nhóm nghệ nhân Thiều Quang Tùng thuộc Liên chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh đã đúc trình diễn một chiếc trống đồng dâng mừng sinh nhật Bác và tặng Bảo tàng Kim Liên. Ngay tại khu di tích quê nội Bác Hồ, chiếc trống đã được đúc hoàn thiện trước sự chứng kiến của rất nhiều quan khách và nhân dân địa phương. Lần đầu tiên, các nghệ nhân đã đưa những dạng thức hoa văn mới mẻ và hiện đại vào trống đồng. Sau thành công phục dựng nguyên bản trống đồng cổ, thành công này đã gây nên sự bất ngờ cho giới nghiên cứu trống đồng và những người làm nghề đúc đồng. Năm 2010, nhân Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các nghệ nhân đúc đồng Thanh Hóa đã lập dự án thiết kế 102 chiếc trống đồng dâng lên đại lễ của dân tộc. Trong đó, chiếc trống có kích thước lớn nhất được thiết kế để dâng tặng Đảng và Nhà nước nhân Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiếc trống lớn thứ 2 có hoạ tiết 1.000 con rồng mang ý nghĩa “Thiên Long tụ hội”, dành để tặng thủ đô Hà Nội. Còn lại là dàn trống 100 chiếc được sử dụng làm nhạc khí để biểu diễn trong màn đại nhạc hội khai mạc đại lễ.

Chiếc trống đồng mừng 120 năm ngày sinh của Bác có đường kính tới 1,2m, chiều cao 1m. Để đúc thành công, nghệ nhân Thiều Quang Tùng và nhóm thợ đã thiết kế một nồi cơi nấu đồng cực lớn, có thể chứa hơn 600 kg đồng nung chảy, pa-lăng tời xích để rót đồng cũng phải đủ sức chịu lực tương ứng. Công đoạn đắp khuôn, tạo hoa văn được chuẩn bị trong 8 tháng trời. Đặc biệt, để lựa chọn đưa vào trống 9 hình ảnh tiêu biểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Liên chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh đã tổ chức trưng cầu ý kiến của các cấp lãnh đạo và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử cấp quốc gia.

Chiếc trống “Thiên Long tụ hội” cũng có sự tính toán thiết kế hết sức công phu. Nghệ nhân Nguyễn Minh Tuấn đã kỳ công chế tác 1.000 hoạ tiết rồng cân xứng trên toàn bộ tiết diện thân và mặt trống. Giới nghiên cứu trống đồng đã từng phát hiện trên một số hiện vật trống đồng cổ có những hoa văn “lỡ nhịp”, cho thấy việc tạo hoa văn trên trống của người xưa đã có những lúc không chuẩn xác. Vì vậy, với cách làm hoàn toàn thủ công, việc tạo hoa văn trên trống đảm bảo đúng tỷ lệ là hết sức khó khăn. Nguyễn Minh Tuấn đã vượt qua khó khăn đó, khi tạo hai lớp hoa văn chồng nhau với 1.000 hoạ tiết rồng trên nền gấm. Với phương thức làm khuôn 3 mang, thân trống, mặt trống, quai trống và các tượng hình linh vật trên mặt trống như rùa, cóc đều đã được thiết kế ngay từ khi làm khuôn. Cả hai chiếc trống đã được đúc hoàn hảo, không có sai sót kỹ thuật, các hoạ tiết, hoa văn đảm bảo chất lượng mỹ thuật theo yêu cầu. Đó chính là sự kỳ tài mà những nghệ nhân thời hiện đại tiếp thu được của cha ông.

Hai chiếc trống đồng, hai công trình độc đáo có một không hai này đã được long trọng rước về khu di tích đền Đồng Cổ để làm lễ nhập linh, cầu an. Sau đó, chiếc trống dâng tặng Đảng và Nhà nước nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác đã được trang trọng nghinh rước về Bảo tàng Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội đúng dịp sinh nhật của Người, được lưu giữ và trưng bày như một bảo vật quốc gia. Tiếp đó, 100 chiếc trống đồng dâng lên đại lễ là biểu tượng 100 người con của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, cùng về đoàn tụ trong đại lễ 1.000 năm của dân tộc. Tất cả những cuộc rước trống linh thiêng và hoành tráng này, tôi đều được tham gia và cảm nhận đầy đủ niềm tự hào của người con xứ Thanh khi được mang những hiện vật đầy ý nghĩa này đi dâng tặng. Xưa kia, 100 người con sinh ra từ bọc trăm trứng đã chia tay nhau, 50 người lên rừng, 50 người xuống biển, cùng nhau xây bờ đắp cõi, làm nên sơn hà xã tắc cho muôn đời sau. 100 chiếc trống đồng là lễ vật thiêng liêng của người xứ Thanh đã được thành kính dâng lên, để người mẹ Tổ quốc mừng vui thấy những đứa con ngày càng trưởng thành, đất nước ngày càng cường thịnh. Hà Nội linh thiêng hào hoa đã vui mừng chào đón đoàn xe chở 100 trống đồng, như dòng máu nóng từ xứ Thanh - mảnh đất cội nguồn văn hóa Đông Sơn - chảy về trái tim thân yêu của Tổ quốc. Dàn trống đồng đã được trưng bày tại Văn miếu - Quốc Tử Giám vào đúng dịp kỷ niệm 65 năm Quốc khánh 2/9 để nhân dân thủ đô và du khách trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn. Nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên vì lần đầu tiên được nhìn thấy trống đồng đúc mới với một số lượng lớn và hoàn hảo như vậy. Những du khách nước ngoài trầm trồ khen ngợi, thích thú. Họ bày tỏ sự tò mò, làm cách nào để có thể làm được 100 chiếc trống đồng hoàn hảo đến từng chi tiết và giống nhau như tạc cùng một khuôn. Bằng vốn tiếng Anh bập bẹ, tôi cố gắng giải thích cho họ rằng phương pháp đúc hoàn toàn thủ công, họ vô cùng kinh ngạc.

Vào đêm đại nhạc hội ngàn năm có một, tiếng trống đồng đã hùng tráng ngân vang giữa kinh thành Thăng Long, kết nối mạch nguồn văn hóa Đông Sơn hòa vào dòng chảy văn hóa của thời đại Hồ Chí Minh. Hàng ngàn năm trước, những chủ nhân của nền văn minh Đông Sơn đã bắt đầu từ bùn đất để tạo nên báu vật. Hậu duệ của họ ngày nay, cũng bắt đầu từ bùn đất để tạo nên những thành công mới. Đất mẹ Đông Sơn đã ban ân phúc, để lớp cháu con thời đại Hồ Chí Minh được đón nhận sự trở về của trống đồng trong đời sống hôm nay.

Từ đất, trống đồng đã phục sinh.

Từ đất, những thanh âm rung ngân uy nghi, rạo rực lòng người.

Tiếng trống đồng đã lịm vào không gian ký ức của dân tộc, nay bỗng trỗi dậy, mãnh liệt và hào hùng. Như bừng tỉnh mặt trời từ bóng tối, như ào ạt sức mạnh của biển cả, rừng già, như trùng trùng điệp điệp những cánh chim Lạc Việt bay về. Muôn triệu cháu con Rồng Tiên sinh ra từ bọc trăm trứng, từ khắp mọi miền Tổ quốc và cả trên khắp hành tinh, nghe tiếng trống đồng linh thiêng vang vọng, đã hội ngộ về để cùng nắm tay nhau trong vũ điệu Lạc Hồng.

Thỉnh thoảng có dịp, tôi lại lang thang lên làng nghề đúc đồng Chè Đông, xưa gọi là Kẻ Chè. Còn nhớ mười lăm năm trước lên làng nghề, tôi thấy có những gia đình đóng cửa im lìm, bỏ nghề, bỏ nhà đi làm ăn xa, đi lâu đến nỗi những xích và khóa sắt đã rỉ sét, dính vào nhau. Thế mà nay, những lò đúc thi nhau nổi lửa. Làng nghề không chỉ có khách đến mua đồ thờ, mua trống đồng làm quà tặng, vật lưu niệm. Làng nghề còn là nơi tham quan của các đoàn khách du lịch trong và ngoài tỉnh, là địa chỉ đi trải nghiệm thực tế của học trò các lứa tuổi. Cảnh tiêu điều hoang vắng không còn nữa. Đường làng ngõ xóm khang trang, có hẳn một khu cho các gia đình vừa sản xuất, vừa mở cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm.

Sự trở lại của trống đồng trong đời sống hôm nay cho thấy sức sống trường tồn của văn hóa, cho thấy khát vọng của người xứ Thanh trong việc chinh phục những đỉnh cao mới của nghề chế tác kim khí. Không phải ngẫu nhiên mà đến tận bây giờ, mới chỉ có người xứ Thanh phục dựng được trống đồng. Giống như gien di truyền lưu trong huyết quản, trống đồng từ xa xưa đã được người xứ Thanh chế tác thành công, là thành tựu rực rỡ nhất của nền văn minh Đông Sơn, thì nay được hồi sinh trở lại và phát triển lên theo một phương thức mới. Tiếng trống đồng xưa rung lên làm kẻ thù bạc tóc kinh hồn, tiếng trống đồng nay rung lên, nhắc nhở những con cháu mang dòng máu Lạc Hồng tiếp tục vững vàng, mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

PV


PV

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]