(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là xứ sở của thánh, thần, tiên, phật. Trong thế giới núi non liên chi trùng điệp ở vùng cao hoặc rải rác khắp đồng bằng, trung du, miền biển đều có sơn thần cai quản.

Tin liên quan

Đọc nhiều

NHÀ LÝ VỚI THANH HÓA

Đồng Cổ Sơn Thần – linh thiêng nguồn cội

Đồng Cổ Sơn Thần – linh thiêng nguồn cội

Đền Đồng Cổ (Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định). Ảnh: Phạm Nam

Thanh Hóa là xứ sở của thánh, thần, tiên, phật. Trong thế giới núi non liên chi trùng điệp ở vùng cao hoặc rải rác khắp đồng bằng, trung du, miền biển đều có sơn thần cai quản.

Khoảng trên 200 sơn thần được phong thần hiệu Cao Sơn có nguồn gốc, lai lịch riêng. Rất nhiều sơn thần mang tên núi, tên núi cũng là tên thần, tên thần cũng là tên núi. Thông thường tên núi có trước, tên thần đặt theo sau. Nói chung núi nào cũng linh, thần nào cũng thiêng. Nhưng chỉ có một vị thần núi trong trăm, ngàn thần núi xứ Thanh, dưới thời phong kiến được nhà Lý đặc biệt tôn thờ: Đồng Cổ Sơn Thần tức là thần núi Đồng Cổ.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Phong tước vương cho thần núi Đồng Cổ, dựng miếu để tuế thời cúng tế và làm lễ thề”.

Việt sử thông giám cương mục cũng chép: “Trước đây, các vương âm mưu làm loạn, triều đình không có ai hay biết cả, nhà vua đêm chiêm bao thấy thần núi Đồng Cổ báo mộng rằng: Các Vương Vũ Đức, Đông Chinh và Dực Thánh nổi loạn đấy, nên kíp điều khiển quân lính để đánh dẹp! Lúc tỉnh dậy, nhà vua sai người bố trí phòng bị; quả đúng như thế. Đến đây, xuống chiếu lập miếu thờ thần núi Đồng Cổ ở bên hữu thành Thăng Long, xây đàn ở giữa miếu, hội họp bề tôi, giết con sinh vật, cùng nhau uống máu ăn thề, tuyên thệ rằng: “Làm con mà bất hiếu, làm tôi mà bất trung, thì thần linh chu diệt!”. Từ đấy về sau, năm nào cũng đặt làm lệ thường. Người nào lẩn tránh không đến dự lễ tuyên thệ thì phải phạt 50 trượng. Sau vì tháng 3 gặp ngày quốc kỵ, hoãn đến ngày mồng 4 tháng 4”.

Theo Dư địa chí của Phan Huy Chú: Núi Đồng Cổ ở huyện Yên Định là một danh sơn cổ tích.

Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn) khảo tả: Núi Đồng Cổ có tên nữa là núi Khả Lao, nổi lên ba ngọn đá cao thấp liền nhau, như hình dáng ba vì sao nên gọi là núi Tam Thai. Phía tả núi có đền thần, trong đền có một cái trống bằng đồng, nặng chừng 100 cân, đường kính phỏng 2 thước 1 tấc, chiều cao phỏng 1 thước 5 tấc, một mặt trống rỗng, một mặt có 9 vòng tròn, ở giữa mặt trống có cái rốn tròn, chung quanh lưng trống là hình hồi văn chữ “vạn” ........., bên cạnh có văn chữ như hình văn tự khoa đẩu. Tương truyền cái trống này chế từ đời Hùng Vương. Sử chép rằng: Vua Lý Thái tổ đi đánh Chiêm Thành, đóng quân ở xã Trường Yên (bây giờ thuộc tỉnh Ninh Bình), đêm mộng thấy một người mặc áo giáp nói: Tôi là thần núi Đồng Cổ, xin theo đi đánh giặc lập công. Khi dẹp được Chiêm Thành, nhà vua bèn lập đền thờ ở phía Bắc thành Thăng Long. Lúc Thái tông lên ngôi, đêm mộng thấy thần bảo cho biết việc ba tước vương gây biến loạn, sau khi dẹp yên, nhà vua khen là có công, phong làm “Thiên hạ minh chủ chi thần”. Sau đó, hàng năm, họp bầy tôi ở trước đền uống máu ăn thề. Đời Cảnh Hưng thường có tàn vàng xuất hiện ở quán Triều Thiên, ba ngày mới tan, quan địa phương bèn đến nơi tế lễ; lại một hôm trời sắp tối, trong miếu có mây mù bao bọc, tiếp đến, mưa to, gió lớn, người địa phương đứng xa trông thấy rồng từ trên không hiện xuống, đến sáng ra xem thì trông thấy dấu vẩy rồng và móng rồng in rành ở mặt sân cung miếu, quan địa phương xét thực tâu bày. Trải các đời Lý, Trần, Lê, hàng năm cứ đầu mùa xuân, nhằm ngày xuất quân tướng sĩ phải đến miếu thờ thần núi Đồng Cổ ở phía Bắc thành Thăng Long, hội thề, để mong quỷ, thần soi xét. Các triều đều có phong, đến bản triều lại gia phong. Xét Thanh Hóa cựu chí chép: Trong đền có một cái trống đồng chế tạo từ đời Hùng Vương, nhà Tây Sơn chở đem về Phú Xuân, sau đó người huyện Hậu Lộc lại tìm được một cái trống như thế ở bãi sông, trình nộp lên trấn, đem về để ở trong đền, đến nay vẫn còn.

Sách Đại Nam nhất thống chí cũng của Quốc sử quán triều Nguyễn do Cao Xuân Dục đời sau chủ biên (Hoàng Văn Lâu dịch) bổ sung về núi Đồng Cổ và đền thờ thần núi Đồng Cổ, các soạn giả khảo tả kỹ hơn:

“Núi Trống Đồng Cổ (Đồng Cổ sơn) ở xã Đan Nê, phía Tây, huyện Yên Định, còn gọi là núi Khả Lao có ba ngọn sừng sững nhấp nhô liên tục như hình ba ngôi sao, nên lại có tên là núi Tam Thai. Bên tả có đền thờ. Nơi lưng chừng núi có chùa, là chùa Thanh Nguyên. Phía trên có quán Triều Thiên, cúi nhìn xuống dòng sông Mã, hiện nay di tích vẫn còn. Phía sau đền thờ, có bến đò cổ, dân cư buôn bán khá đông. Cổ nhân nói núi Tam Thai có 10 cảnh (đẹp) là:

  1. Xuân sơn tiên động (Động tiên non xuân)

  2. Nghi lĩnh vân nham (Chòm mây núi thẳm)

  3. Cổ miếu lâu đài (Lâu đài miếu cổ)

  4. Phạn Lâm chung cổ (Chuông trống rừng thiền)

  5. Sơn lộc nguyệt trì (Hồ trăng bên núi)

  6. Thôn tiền cổ độ (Bến cổ trước làng)

  7. Hoàng giang mục phố (Vũng nghé ngang sông)

  8. Cách ngạn ngư châu (Thuyền chài cách bến)

  9. Thượng hạ thương phàm (Thuyền buôn lên xuống)

  10. Hiểu tịch thôn thị (Chợ xóm sớm chiều)

Đó cũng chốn đô hội trong vùng Ái Châu. Trong đền thờ ở đây có chiếc trống đồng, nên lấy tên Trống Đồng đặt tên cho núi”.

Nói về đền thờ thần núi Đồng Cổ, sách này viết:

“Ở trên núi xã Đan Nê, huyện Yên Định (có tên là núi Khả Lao). Xưa kia vua Hùng đi đánh Chiêm Thành, đóng quân ở núi Khả Lao, đêm mơ thấy thần báo mộng, bảo vua rằng: “Xin có cái trống đồng và dùi đồng giúp nhà vua thắng trận phen này”. Đến lúc ra trận, thì thấy trên không văng vẳng có tiếng trống đồng, rồi quả nhiên vua được toàn thắng. Vua bèn sắc phong thần làm Đồng Cổ đại vương. Vua Thái tông nhà Lý, khi còn làm thái tử vâng mệnh đi đánh Chiêm Thành, đêm mơ thấy một người mình mặc áo chiến, tay cầm bảo kiếm, tâu rằng: “Tôi là thần núi Đồng Cổ, xin theo để lập công cùng thái tử”. Tới khi dẹp được giặc liền lập miếu để thờ. Sau thái tử lên ngôi, lại mộng thấy thần đến báo cho biết là có ba vị vương định làm phản, rồi sau quả nhiên như vậy. Nhân thế, (thái tử) liền phong thần là Thiên hạ minh chủ, thăng lên Thượng đẳng thần. Hằng năm (Vua Lý) cho đắp đàn ở trước cửa đền, sai các quan đến lễ và đọc lời thề như sau:

“Thần tử chi đạo, hệ hỗ cương thường. Vi tử bất hiếu, vi thần bất trung: Thần minh mặc giám, diễn diệt kỳ môn”.

Tạm dịch:

Đạo làm tôi con, cốt ở cương thường. Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung. Thần minh soi xét, diệt cả nhà chúng!

Buổi đầu nhà Lê Trung hưng, quân Mạc đánh vào các huyện Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc ngày nay), Yên Định, thuyền quân của nhà Lê đóng ở thượng lưu sông Mã, đương đêm vẳng nghe ba tiếng trống ở ngoài 100 dặm, tướng nhà Lê liền sai người trinh sát mới biết là tiếng trống từ núi Khả Lao phát ra. Đến sáng hôm sau, quân Lê tiến đánh quân Mạc, trong khi giao chiến, bỗng thấy nước triều dâng lên rất mạnh, quân nhà Lê liền thừa thế dong buồm thẳng tiến, khí thế hăng hái bội phần, quân Mạc thua to bỏ chạy. Trong tờ sắc phong thần năm Hoằng Định (1600-1619) có câu: “Nổi sóng gió trên sông, giúp cho ba quân thắng trận” là chỉ sự kiện này.

Trải qua các đời, từ Lý, Trần đến Lê, mỗi dịp đầu xuân vào ngày xuất quân, các tướng sĩ đều phải hội thề để cầu thần chứng giám. Quan Thái phó triều Lê là Nguyễn Văn Khải có bài thơ đề đền Sơn thần Đồng Cổ. Á nam Trần Tuấn Khải dịch như sau:

Non Thai chầu lại, nước bao vây,

Chung đúc anh linh ở chốn này.

Bầu dốc dàn trên mưa tưới khắp,

Trống khua tầng thẳm giặc tan bầy.

Bia rùa triện đá ngàn sương phủ,

Trát phượng niêm vàng ánh nắng bay.

Kim cổ cuộc cờ bao xóa đổi,

Vẫn lừng chính khí nước non đây.

Đại Nam nhất thống chí do Cao Xuân Dục chủ biên, cũng kể sự việc trong đền thờ thần có cái trống đồng và xét thêm các sách Hậu Hán thư, Quảng Châu ký, Tùy thư... nhưng đều không nói đền Đồng Cổ, thần Đồng Cổ là đền thờ Trống Đồng, cũng khẳng định thần Đồng Cổ là thần núi (Sơn thần) không phải thần trống đồng như một số người lầm tưởng. Nói chính xác đó là thần núi như bao thần núi khác, cụ thể là Sơn thần Khả Lao hay thần Tam Thai. Trống đồng đặt trong đền chỉ là khí vật, sơn thần ở núi này sử dụng khi ra trận mạc...

Sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua khai sáng triều đại nhà Lý, một trong những việc làm đầu tiên là ngài tiến hành đại lễ tế cúng các vị thần sông núi Thăng Long và các vị thần linh thiêng trong nước, cầu cho quốc thái dân an, triều Lý cường thịnh, trường tồn. Lúc mới dời đô từ thành Hoa Lư ra thành Đại La, xuất hiện rồng vàng bay lên nên đổi tên Thăng Long thành. Đất này là xứ sở rồng thiêng với những tên Long Đỗ, Long Biên, đó cũng là những danh thần nổi tiếng cùng với các vị thần tiếng tăm lừng lẫy như Lý Ông Trọng, Lý Phục Man, Huyền Thiên Hắc đế, Trấn Vũ tôn thần... Riêng sơn thần có các vị: Cao Sơn, Đẩu Nghi, Ninh Sóc, Quý Minh, Tản Viên... Nhà Đường đắp thành Đại la, từ Trương Nghi đến Cao Biền đều rất sợ giới thần linh Đại La và biết người phương Bắc không thể ở nơi này được lâu, quả nhiên như vậy.

Vua Lý lên ngôi mở ra triều đại nhà Lý 217 năm, khởi đầu sáng nghiệp nhờ người (Đào Cam Mộc, Lê Phụng Hiểu...) và thần (Sơn thần Đồng Cổ) phù trợ. Tất cả đều xuất thân Thanh Hóa, đất thần linh nhân kiệt, quê hương Lê Đại Hành, một hoàng đế được nhà Tống suy tôn mặt trời phương Nam. Thanh Hóa không thể là châu trại, phải là phủ (lộ, tỉnh) đơn vị hành chính lớn trực thuộc Vương triều. Danh xưng THANH HÓA ra đời là điều tất yếu trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt ấy của Nhà nước độc lập hùng mạnh Đại Việt phương Nam.

Hoàng Tuấn Phổ


Hoàng Tuấn Phổ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]