(Baothanhhoa.vn) - Thời đại Hùng Vương đã được các sử gia, nhà nghiên cứu chứng minh là tương ứng với thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Trong khi, xứ Thanh lại là một trong những cái nôi của nền văn minh rực rỡ ấy. Bấy nhiêu nguyên cớ cũng đủ để khẳng định vị thế đặc biệt quan trọng của xứ sở này trong tiến trình lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc, mà thời đại các vua Hùng là bước đi đầu tiên, với tư cách một quốc gia có lãnh thổ, cương vực tương đối ổn định.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dấu ấn thời kỳ Hùng Vương trên đất Thanh Hóa

Thời đại Hùng Vương đã được các sử gia, nhà nghiên cứu chứng minh là tương ứng với thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Trong khi, xứ Thanh lại là một trong những cái nôi của nền văn minh rực rỡ ấy. Bấy nhiêu nguyên cớ cũng đủ để khẳng định vị thế đặc biệt quan trọng của xứ sở này trong tiến trình lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc, mà thời đại các vua Hùng là bước đi đầu tiên, với tư cách một quốc gia có lãnh thổ, cương vực tương đối ổn định.

Dấu ấn thời kỳ Hùng Vương trên đất Thanh Hóa

Đền Đồng Cổ, nơi thờ vị thần gắn với thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Ảnh: Lê Dung

Nói về thời kỳ Hùng Vương, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép: Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là nước Văn Lang (nước ấy phía Đông giáp Nam Hải, phía Tây đến Ba Thục, phía Bắc đến hồ Động Đình, phía Nam giáp nước Hồ Tôn tức nước Chiêm Thành) và chia nước làm 15 bộ. Như vậy, từ thời cổ sử, trên đất nước vua Hùng, Thanh Hóa đã là 1 trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang, với tên gọi Cửu Chân. Cũng vì lẽ đó mà dấu ấn của thời kỳ xa xưa Hùng Vương dựng nghiệp, cùng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên đất Thanh Hóa, đã xuất hiện từ rất sớm và tương đối đậm đặc. Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại, cũng như chịu vô số tác động của các yếu tố ngoại cảnh, mà nhiều di sản của thời đại vua Hùng, hay các di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng vị thủy tổ của dân tộc Việt, còn lại ở xứ Thanh cho đến ngày nay là không nhiều. Song, sự tồn tại của các di tích vẫn phản ánh một cách sinh động và đậm nét phong tục, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hướng về cội nguồn dân tộc của người dân xứ Thanh. Đó là tín ngưỡng thờ cúng mẹ Âu Cơ của đồng bào Mường các huyện miền núi Như Thanh (Phủ Na), Bá Thước (Điền Trung); hay thờ cha Lạc Long Quân của các làng ven biển xã Nga Phú, Nga Bạch (Nga Sơn); xã Hải Hà, Hải Yến (Tĩnh Gia)...

Liên quan đến tục thờ vua Hùng phải kể đến đền Hổ Bái, tọa lạc trên đất trang Chân Bái, phủ Thiệu Thiên (nay là xã Yên Bái, huyện Yên Định). Đền thờ vị Lạc hầu có tên huý là Hợp Lang, người con thứ 11 của Lạc Long Quân. Tương truyền, một lần vua cho dong thuyền đi dọc sông Mã thì bị lạc vào một nhánh cụt của sông. Nhìn thấy một bãi đất bằng phẳng, lại có 3 cồn đất tựa như kiềng 3 chân, trước mặt là sông, vua cho rằng đây là thế đất thiêng, liền cho thuyền neo lại nghỉ và cho dựng đền ngay trên mảnh đất này. Đến thời Hai Bà Trưng, trong cuộc chiến chống lại nhà Hán, vua bà đã sai sứ thần đến đền Hổ Bái làm lễ bái yết, ngầm cầu dòng dõi con cháu vua Hùng hiển linh giúp nước. Sau đó, nghĩa quân đã tiến ra cửa Chi Lăng, quyết một trận sống mái với kẻ thù. Sau chiến thắng vang dội, biết đền Hổ Bái là nơi vô cùng linh thiêng, Trưng Vương đã cho tu sửa lại đền và sắc phong cho nhân vật được thờ phụng là “Thượng đẳng phúc thần”. Hằng năm, cứ đến ngày 10-3 âm lịch, lễ hội đền Hổ Bái lại được tổ chức trang trọng, nhân dân khắp vùng tụ về dâng hương tưởng niệm và tham gia nhiều trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo.

Thời đại các vua Hùng còn được ghi dấu trong lịch sử nhờ bởi sự xuất hiện của nhiều tên tuổi lớn, được nhân dân tôn thờ và thần thánh hóa. Đồng Cổ đại vương là một trong những nhân vật tiêu biểu, được thờ ở nhiều nơi, song nổi tiếng hơn cả là đền Đồng Cổ (thuộc làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định). Ngôi đền được xây dựng cách hậu thế hàng nghìn năm và là di tích linh thiêng bậc nhất, nhờ nhiều lần hiển linh cứu nước, giúp đời của vị thần được thờ phụng. Nói về vị thần được người đời ngưỡng vọng này, sách xưa còn chép lại giai thoại đầy ly kỳ. Khi Hùng Vương thứ nhất đem quân xuống phương Nam dẹp giặc Hồ Tôn, đã dừng chân ở thôn Khả Lao (làng Đan Nê ngày nay). Một đêm vua nằm mộng thấy vị thần tự xưng là thần núi Đồng Cổ hiển linh báo với nhà vua rằng, dưới chân núi có trống đồng làm linh khí đuổi giặc. Khi xung trận, giữa lúc hai bên đang giao tranh quyết liệt, thì từ không trung bỗng vọng lên tiếng trống đồng như hối thúc, cổ vũ và tiếp thêm nhuệ khí để vua tôi xông lên, đánh tan kẻ thù. Bờ cõi phía Nam đã yên, trên đường trở về, khi qua bộ Cửu Chân, nhà vua đã hạ chiếu sắc phong thần núi Khả Lao là Đồng Cổ đại vương, sai quan quân dựng đền thờ ngay cạnh chân núi và lệnh cho nhân dân trong vùng hàng năm tổ chức tế lễ trọng thể.

Ngoài đền thờ thần Đồng Cổ, trên đất Thanh Hóa còn nhiều di tích thờ các vị tướng đã giúp vua Hùng trong buổi đầu lập nước, như Ấp Lãng Chân Nhân tôn thần, được phối thờ cùng Mai An Tiêm tại đền thờ xã Nga Phú (Nga Sơn); đền thờ Thánh Gióng ở xã Thạch Lập (Ngọc Lặc); Quý Minh tôn thần được thờ ở nhiều nơi thuộc các huyện Hà Trung, Nga Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia; Phan Nhạc tôn thần được thờ ở một số xã thuộc huyện Hà Trung... Trong đó, thần tích về Tây Nhạc tướng quân còn được người dân khắp vùng Hà Trung lưu truyền. Rằng, tổ tiên của Phan Tây Nhạc là người họ Phan của đất Hà Trung, bản thân ông là người văn võ song toàn ít ai sánh kịp. Khi quân Thục tràn sang nước ta, Hùng Vương bèn phong cho ông là Nhạc tướng quân và giao cho 3 vạn quân sĩ tiên phong giết giặc. Tri ân công lao của ông, nhiều triều đại phong kiến về sau đã ban sắc phong và giữ hương hỏa quanh năm trong đền thờ vị danh tướng này. Ngày nay, liên quan đến tục thờ Phan Tây Nhạc ở Hà Trung và một số nơi ông từng qua, người dân vẫn lưu giữ mĩ tục nấu cơm thi, như một cách để ghi nhớ công lao và cách thức nuôi quân giỏi của vị tướng tài.

Có ý kiến cho rằng, thời cổ vốn chưa có họ, nhưng theo sử sách và truyền thuyết thì từ thời Hùng Vương đã có họ Mai (gắn với sự tích về Mai An Tiêm). Riêng câu chuyện về Mai An Tiêm và sự tích quả dưa hấu đã là một thiên dã sử, gắn chặt với quá trình khai phá và hình thành nên vùng đất cửa biển Nga Sơn ngày nay. Bằng ý chí bền bĩ, bàn tay lao động và tinh thần sáng tạo, Mai An Tiêm đã dần biến đổi một vùng đảo hoang, sương cát mù khơi trở thành một miền duyên hải trù phú, với một cảng thị sầm uất của xứ Thanh. Với công lao to lớn mà “nhân vật cổ tích” thời kỳ Hùng Vương thứ 18 này tạo ra, hậu thế ngày nay đã tôn vinh ông là vị thủy tổ họ Mai và là một trong những “Anh hùng văn hóa” sớm nhất trong lịch sử đất nước. Lễ hội Mai An Tiêm diễn ra vào ngày 11-3 âm lịch hàng năm, đã trở thành một trong những ngày hội lớn nhất của cư dân vùng biển Nga Sơn.

...

Dấu ấn thời kỳ Hùng Vương trên đất Thanh Hóa, có lẽ không chỉ thể hiện ở một số di tích, sự tích hay tín ngưỡng liên quan đến tục thờ cúng vua Hùng và các tướng lĩnh đương thời. Song, trải qua hàng nghìn năm, với vô số biến thiên lịch sử, dấu ấn trên nhiều phương diện của một thời quá vãng xa xưa đã phai nhạt đi nhiều. Để rồi, cái còn lại là những di tích, những phong tục để hậu thế thành kính tri ân và ngưỡng vọng đối với tổ tiên. Đó, âu cũng là nét đẹp truyền thống ngàn đời, đã và luôn được gìn giữ và duy trì một cách đầy ý thức, trách nhiệm như một sự khẳng định chắc chắn về gốc gác tổ tiên, về giống nòi Lạc Hồng của mỗi người dân xứ Thanh, mỗi con dân đất Việt.

Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]