(Baothanhhoa.vn) - Năm 206 tr.CN, Triệu Đà - một viên quan huyện ở Trung Quốc, đã nhân cơ hội đất nước có biến đánh chiếm ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận, lập ra nước Nam Việt, tự xưng làm vua, đóng đô ở Phiên Ngung (nay là tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dấu ấn Thanh Hóa trong các cuộc đấu tranh chống ách đô hộ thời kỳ Bắc thuộc

Năm 206 tr.CN, Triệu Đà - một viên quan huyện ở Trung Quốc, đã nhân cơ hội đất nước có biến đánh chiếm ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận, lập ra nước Nam Việt, tự xưng làm vua, đóng đô ở Phiên Ngung (nay là tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc).

Đền thờ Bà Triệu (Hậu Lộc).

Để thực hiện mưu đồ xưng bá, mở rộng lãnh thổ, Triệu Đà đã đánh nước Âu Lạc của vua An Dương vương - vị vua gắn với câu chuyện xây dựng thành Cổ Loa và chiếc nỏ thần. Sau khi chiếm được Âu Lạc, Triệu Đà đã sáp nhập vào đất Nam Việt và chia thành 2 quận là Giao Chỉ (Bắc bộ) và Cửu Chân (Thanh - Nghệ - Tĩnh). Kể từ khi Triệu Đà xâm chiếm nước Âu Lạc (năm 179 tr.CN) cho đến cuộc nổi dậy giành chính quyền tự chủ của Khúc Thừa Dụ (905), các triều đại phong kiến phương Bắc, từ nhà Triệu, Hán (Tây Hán và Đông Hán), Ngô, Ngụy, Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường thay nhau thống trị nước ta. Chính sách cai trị ở mỗi triều đại có sự thay đổi, điều chỉnh nhưng đều hướng tới mục tiêu biến nước Âu Lạc thành quận, huyện của Trung Quốc; đồng hóa dân tộc và bóc lột triệt để nhân dân ta. Điều này được thể hiện trong việc cử quan lại người Trung Quốc sang cai trị tới cấp huyện; bắt nhân dân ta phải thay đổi phong tục, tập quán, vơ vét, bóc lột nhân dân ta bằng nhiều hình thức như cống phẩm, tô thuế và lao dịch, nhất là cống nạp của quý, vật lạ ở phương Nam; bắt thợ thủ công giỏi sang Trung Quốc làm việc, cụ thể là xây dựng Kinh đô Kiến Nghiệp (Nam Ninh - Trung Quốc)...

Chính sách cai trị tàn ác và khắc nghiệt của các triều đại phương Bắc, đã khiến cho đời sống của nhân dân ta cực khổ, điêu đứng trăm bề. Đây là thời kỳ thử thách hết sức nguy hiểm đối với sự tồn vong của dân tộc ta. Nhưng cũng chính trong thời gian bị giặc phương Bắc đô hộ, nhân dân Cửu Chân (Thanh Hóa) nói riêng, cả nước nói chung đã đoàn kết, kiên cường, bền bỉ đấu tranh với chính sách đồng hóa, nô dịch của kẻ thù và quyết tâm giành lại độc lập dân tộc. Ngay từ thế kỷ I, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Cửu Chân đã đứng lên tham gia kháng chiến chống lại kẻ thù chung. Thần tích, bia ký tại làng Ngũ Kiên (xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn), còn ghi lại sự kiện: Sau khi ông Mai Tiến (Tri huyện Gia Lâm) bị Tô Định (Thái thú quận Cửu Chân) giết hại. Vợ ông, bà Lê Thị Hoa, đã đứng lên tập hợp lực lượng, xây dựng căn cứ khởi nghĩa chống giặc phương Bắc. Tuy nhiên, sau 1 năm dựng cờ khởi nghĩa, nghĩa quân rơi vào tình cảnh khó khăn, buộc bà Lê Thị Hoa phải giải tán lực lượng, để cùng một số nghĩa sĩ thân tín và bốn người con trai về quận Cửu Chân (thôn An Nội, huyện Nga Sơn) xây dựng căn cứ lâu dài. Khi nghe tin hai Bà Trưng khởi binh đánh giặc, bà Lê Thị Hoa và bốn người con trai đã hưởng ứng tích cực, lập nhiều chiến công hiển hách. Khi Trưng vương phong thưởng cho những người có công trong cuộc khởi nghĩa, mẹ con bà Lê Thị Hoa không nhận chức tước, mà xin về trang An Nội tiếp tục khai khẩn vùng đất và được phép miễn thuế, phục dịch.

Dân gian dọc vùng sông Mã và sông Chu, thuộc các huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc... còn đọng lại hình ảnh Đô Dương - một lão tướng gan dạ, anh dũng của nhân dân Thanh Hóa – người đã đưa lực lượng dân binh từ Cửu Chân gia nhập nghĩa quân của hai Bà Trưng đánh giặc. Khi Mã Viện xâm lược, Đô Dương và Chu Bá được cử về Cửu Chân tiếp tục kháng chiến. Đất nước giải phóng được hơn 2 năm thì quân Nam Hán do Mã Viện chỉ huy, kéo quân sang dùng vũ lực đàn áp lực lượng kháng chiến. Đất nước tiếp tục rơi vào ách đô hộ, khiến cuộc đấu tranh của nhân dân ta liên tục nổ ra, rộng khắp và có sự liên kết chặt chẽ. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã trở thành chiến tranh giải phóng quy mô rộng lớn. Ở quận Cửu Chân và Nhật Nam tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Chu Đạt. Chu Đạt người huyện Cư Phong (nay thuộc làng Phú Hào, xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn). Năm 156, ông đã tập hợp lực lượng đánh thành Cư Phong, giết chết huyện lệnh và chiếm được thành. Cuộc khởi nghĩa đã được nhân dân Cửu Chân đồng tình ủng hộ, lực lượng nghĩa quân phát triển nhanh chóng. Từ Cư Phong, nghĩa quân tiến đánh quận trị Tư Phố. Nhà Hán phải đưa lực lượng sang đàn áp và dập tắt cuộc khởi nghĩa.

Cuộc đấu tranh chống ách đô hộ phương Bắc ở thế kỷ thứ III, được đánh dấu bằng cuộc khởi nghĩa đã gây chấn động Giao Châu lúc bấy giờ: Khởi nghĩa Bà Triệu năm 248. Bà Triệu đã lấy núi Nưa (nay thuộc huyện Triệu Sơn) làm căn cứ xây dựng nghĩa quân, phất cờ khởi nghĩa, được nhân dân hết lòng ủng hộ, quân số có tới hàng vạn người. Từ núi rừng Ngàn Nưa đến Bồ Điền (Hậu Lộc) nghĩa quân đã tổ chức đánh quân Ngô nhiều trận lớn nhỏ, giải phóng nhiều huyện, thành và khiến quân giặc nhiều phen kinh hồn bạt vía. Từ thái thú đến huyện lệnh, huyện trưởng kế tiếp nhau, kẻ bị giết, bị bắt sống, kẻ chạy chốn trong cơn hoảng loạn. Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu đã nhanh chóng lan tỏa ra khắp Giao Chỉ và vào tận Cửu Đức, Nhật Nam. Nhà Ngô lo sợ phải cử Lục Dận làm Thứ sử Giao Châu, đem 8.000 quân sang đàn áp. Với quân số áp đảo và nhiều thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, nghĩa quân không thể chống đỡ và Bà Triệu đã anh dũng hy sinh. Khởi nghĩa Bà Triệu tuy thất bại, song đã đánh dấu một bước phát triển mới trong công cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân ta thời bấy giờ. Cho đến nay, trong nhân dân vẫn truyền tụng câu nói khẳng khái, đầy khí phách của người con gái Triệu Thị Trinh: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người”.

Tiếp nối cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu, phong trào đấu tranh chống đô hộ của giặc phương Bắc diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp. Bước sang thế kỷ thứ VI, nhân dân Cửu Chân đã hưởng ứng tích cực cuộc khởi nghĩa do Lý Bôn (Lý Bí) lãnh đạo, lập nên nhà nước Vạn Xuân (năm 544). Thần tích làng Phù Lưu thượng, xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội), còn chép lại: Ba vị thần được thờ ở trong đình là vợ Lý Bí, Hoàng tử Đê và Điền Ngọc Lộ - người châu Lam Sơn (Châu Ái, Thanh Hóa) đã có công đánh thắng hai viên tướng nhà Lương là Ngụy Khắc Uy, Ngụy Khắc Hùng. Nhà nước Vạn Xuân thành lập chưa được bao lâu, năm 545, nhà Lương cử Dương Phiêu và Trần Bá Tiên đem gần 10 vạn quân tiến đánh nước ta, thiết lập lại ách đô hộ. Để bảo vệ nhà nước Vạn Xuân, Lý Nam Đế đã giao binh quyền cho Triệu Quang Phục tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến, đánh đuổi quân Lương ra khỏi bờ cõi, nhà nước Vạn Xuân tiếp tục tồn tại được hơn nửa thế kỷ. Sau khi Triệu Quang Phục nắm quyền, lực lượng nghĩa quân còn lại được biên chế thành hai cánh quân. Một cánh quân do Triệu Quang Phục chỉ huy, một cánh quân theo Lý Thiên Bảo (anh ruột của Lý Bí) rút vào phía Nam. Theo Trần Thư, Lý Thiên Bảo đã tập hợp được 2 vạn quân, đánh Đức Châu (Hà Tĩnh) rồi đánh ra Ái Châu (Thanh Hóa) nhưng liền bị quân của Trần Bá Tiên đánh bại. Lý Thiên Bảo phải rút lên vùng thượng du Thanh Hóa. Ông lấy động Dã Năng (Bàn Đào - Bá Thước) làm căn cứ, tự xưng là Đào Lang Vương. Tại đây nghĩa quân đã được nhân dân hết lòng ủng hộ, che chở, bảo vệ. Khi mất, Lý Thiên Bảo được nhân dân nhiều nơi trong tỉnh lập đền thờ như ở Bá Thước, Hoằng Hóa... Lịch sử Thanh Hóa tập II cho biết: Mặc dù thời gian nghĩa quân do Lý Thiên Bảo lãnh đạo ở lại Thanh Hóa không dài, nhưng một lần nữa đã chứng minh rằng xứ Thanh là căn cứ “tử thủ” của phong trào chống xâm lược, khi các phong trào được khởi sự ở Bắc bộ lâm vào thế bất lợi hoặc tạm thời thất bại.

Từ năm 602, nước ta lại bị nhà Tùy, rồi nhà Đường đô hộ. Chúng đẩy mạnh chính sách bóc lột và ráo riết thực hiện mưu đồ đồng hóa. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi và nhân dân Châu Ái (Thanh Hóa) cũng tích cực tham gia các cuộc khởi nghĩa, tiêu biểu là khởi nghĩa Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế, năm 722). Năm 905, một hào trưởng đất Hồng Châu (Ninh Giang, Hải Dương) là Khúc Thừa Dụ đã nổi dậy giành chính quyền tự chủ, tự xưng là Tiết độ sứ. Nhà đường đã công nhận chính quyền của Khúc Thừa Dụ và phong ông làm Tĩnh Hải Quân Tiết độ sứ tước Đồng Bình chương sự. Chính quyền Khúc Thừa Dụ lập nên đã kết thúc về cơ bản ách đô hộ một nghìn năm của phong kiến phương Bắc. Xây dựng nền tự chủ mới được một phần tư thế kỷ, năm 930, vua Nam Hán sai các tướng Lương Khắc Trinh, Lý Thủ Dung đem quân tiến đánh nước ta. Đất nước ta lại rơi vào tay nhà Nam Hán. Nhưng thực chất chính quyền Nam Hán chỉ kiểm soát được phủ thành Đại La và một số vùng xung quanh. Lúc này một hào trưởng ở Thanh Hóa là Dương Đình Nghệ (tướng cũ của họ Khúc) đã nuôi dưỡng 3.000 nghĩa tử (con nuôi), ngày đêm luyện tập võ nghệ, chuẩn bị tiến ra Bắc tiêu diệt quân Nam Hán.

Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa, nhiều anh hùng hào kiệt khắp nơi về hưởng ứng như Ngô Quyền ở Phong Châu (nay thuộc Sơn Tây, Hà Nội), Đinh Công Trứ từ Trường Châu (Ninh Bình ngày nay)... Tháng 3 năm 931, từ Ái Châu, Dương Đình Nghệ tiến quân ra đánh thành Đại La, Lý Tiến hoảng sợ trước sự lớn mạnh của nghĩa quân đã vội vã xin cứu viện. Viện binh của địch chưa đến nhưng thành Đại La đã thất thủ. Viên tướng Lương Khắc Trinh bị giết chết, Thứ sử Lý Tiến cùng đám tàn binh mở đường máu để thoát thân. Quân cứu viện bị đánh tan vỡ, tướng Trịnh Bảo chết ngay tại trận. Cuộc kháng chiến nhanh chóng giành thắng lợi, Dương Đình Nghệ đã xưng là tiết độ sứ, đóng giữ ở Đại La, cử Đinh Công Trứ giữ Châu Hoan và Ngô Quyền giữ Châu Ái. Năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn hãm hại để mưu đoạt chức Tiết độ sứ. Lợi dụng thời cơ, Nam Hán đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ 2, một lần nữa vận mệnh của Tổ quốc lại đặt lên vai nhân dân Châu Ái. Ngô Quyền - con rể của Dương Đình Nghệ - đã tập hợp lực lượng vượt đèo Ba Dội (đèo Tam Điệp) ra Bắc tiêu diệt Kiều Công Tiễn và tổ chức đánh quân Nam Hán. Năm 938, với chiến thắng Bạch Đằng lịch sử do Ngô Quyền chỉ huy đã chấm dứt ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, mở ra thời kỳ độc lập thật sự, lâu dài và phát triển rực rỡ của đất nước.

Trong suốt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, nhân dân Cửu Chân (Thanh Hóa) đã phát huy truyền thống yêu nước cùng nhân dân các châu, huyện liên tục đứng lên chống chính sách đô hộ, nô dịch, đồng hóa của giặc phương Bắc, giành lại độc lập cho dân tộc, xây dựng nền tự chủ. Trong tiến trình đấu tranh đó, Thanh Hóa vừa là mục tiêu tiến công giải phóng của nhiều cuộc khởi nghĩa, đồng thời là trung tâm tập hợp sức mạnh của dân tộc làm nên những chiến thắng vang dội, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Bà Triệu (248), cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán của Dương Đình Nghệ (931), Ngô Quyền (938)...


Việt Hoàng (Ban Nghiên cứu và Biên soạn lịch sử Thanh Hóa)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]