(Baothanhhoa.vn) - Khi bàn về lịch sử, một học giả phương Tây đã đưa ra một luận đề thú vị rằng, lịch sử là gì nếu không phải là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ? Sự thật và những mối quan hệ sâu xa, bền chặt giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, khiến ta khó có thể tưởng tượng được sự tồn tại của một vùng đất hay một dân tộc, lại không dựa trên nền tảng lịch sử của chính vùng đất hay dân tộc ấy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cội nguồn sức mạnh và khát vọng

Cội nguồn sức mạnh và khát vọng

Khu Di tích Lam Kinh. Ảnh: Nam Trang

Khi bàn về lịch sử, một học giả phương Tây đã đưa ra một luận đề thú vị rằng, lịch sử là gì nếu không phải là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ? Sự thật và những mối quan hệ sâu xa, bền chặt giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, khiến ta khó có thể tưởng tượng được sự tồn tại của một vùng đất hay một dân tộc, lại không dựa trên nền tảng lịch sử của chính vùng đất hay dân tộc ấy.

Nói về lịch sử hình thành mảnh đất Thanh Hóa, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một cách ví von: Nếu lịch sử Thanh Hóa – mà lịch sử Việt Nam cũng vậy – như một sợi dây dài 5m, trên đó mỗi thế kỷ tương ứng với 1mm, thì từ núi Đọ đến văn hóa Sơn Vi, lớp dưới hang Con Moong, đã mất đi gần 4m90; từ văn hóa Hòa Bình đến nay chỉ còn có 10cm. Trong khoảng thời gian dài đằng đẳng ấy trên mảnh đất Thanh Hóa, tổ tiên ta đã chống chọi và vượt qua vô vàn thử thách khắc nghiệt, để lao động và sáng tạo không ngơi nghỉ, để hòa hợp và biến đổi thiên nhiên cũng như biến đổi bản thân mình (Lịch sử Thanh Hóa Tiền và Sơ sử).

Nếu quan niệm rằng, văn hóa là sản phẩm sáng tạo của con người, thì vùng đất cổ dọc đôi bờ sông Mã đã có những đóng góp đầu tiên trên con đường sáng tạo văn hóa dân tộc. Từ những công cụ bằng đá được phát hiện tại đây, đã khẳng định vị thế của con người trong thế giới tự nhiên. Đồng thời, nó cũng cho thấy quá trình con người bắt đầu “sáng tạo” ra chính mình, với tư cách một sản phẩm văn hóa đầu tiên. Có thể nói, từ buổi bình minh lịch sử, xứ Thanh đã là nơi chứng kiến vô số kỳ tích lớn lao, được tạo dựng nên từ đôi tay những người lao động vô danh. Để rồi, những nền văn minh từ sơ khai nhất (đồ đá) đến rực rỡ nhất (Đông Sơn) được sáng tạo ra, cũng chính là quá trình bươn chải để đi từ vô thức đến ý thức dân tộc.

Xứ Thanh là mảnh đất của nhiều sự khởi phát, cũng là mảnh đất đặt nền móng cho nhiều sự khởi phát. Bởi “muôn non ngàn núi, điệp điệp trùng trùng, bốn mặt quay về, non xanh nước sáng, đầy rẫy khí thiêng, ấy là nơi đất phát tường của quốc gia ta”! (Đại Nam nhất thống chí). Đồng thời, khi tìm hiểu về mảnh đất vốn giàu kỷ niệm về quá khứ này, C. Robequain đã khẳng định, “những bậc khai sáng cho các triều đại lừng danh nhất của dân tộc được sinh ra và từ trong nhân dân nơi đây mà chủ nghĩa yêu nước Việt Nam vào những giờ phút nghiêm trọng nhất tìm được nơi ẩn náu cuối cùng và từ đó tạo nên những thành công mới”!

Cội nguồn sức mạnh và khát vọng

Thắng tích Cửa Đạt.

Dân tộc Việt Nam đã không ít lần chứng kiến sức mạnh từ “mệnh lệnh trái tim” của triệu triệu người dân yêu nước. Và Thanh Hóa có thể xem là nơi kết tinh sức mạnh của lời hiệu triệu đặc biệt ấy. Bởi, nếu không có mệnh lệnh từ trái tim, liệu có cuộc khởi nghĩa khiến toàn Giao Châu chấn động, mà thủ lĩnh phong trào lại là một nữ trung hào kiệt? Nếu không xuất phát từ trái tim nóng hổi tinh thần dân tộc và căm thù các thế lực ngoại bang, liệu vị hào trưởng Dương Đình Nghệ có làm nên trận quyết chiến điểm chiến lược đầu tiên, giải phóng thành Đại La và đặt nền móng mở ra kỷ nguyên độc lập cho dân tộc sau ngàn năm Bắc thuộc?

Nếu không có mệnh lệnh cao cả ấy, liệu từ núi rừng Lam Sơn, Bình Định Vương Lê Lợi có phất cờ khởi nghĩa để tiến vào đại cuộc, bằng tuyên ngôn bất diệt và đầy tinh thần nhân văn: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy trí nhân để thay cường bạo”? Nếu không có mệnh lệnh son sắt ấy, liệu có cuộc duyệt binh lịch sử của Quang Trung – Nguyễn Huệ trên đất Thọ Hạc, để hiệu triệu lòng dân trước khi kéo ra Thăng Long, đánh cho kẻ thù biết “sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ”? Và rồi, nếu không có mệnh lệnh vĩ đại ấy, thì liệu Hàm Rồng có đi vào lịch sử và rồng thiêng sẽ mãi ngủ dưới đáy sông hay sẽ cất lên cao xanh để trở thành huyền thoại trong thời đại Hồ Chí Minh?

Khi mà mọi mệnh lệnh từ luật pháp đều mang tính cưỡng chế, thì chỉ có mệnh lệnh từ trái tim mới khơi dậy được tinh thần tự nguyện, nhiệt huyết sáng tạo và nhiệt tình tận hiến trong mỗi người. Mệnh lệnh ấy chỉ có thể được thôi thúc từ sức mạnh tiềm ẩn diệu kỳ của “một lòng nồng nàn yêu nước”, tinh thần tự cường dân tộc và một niềm tin mãnh liệt vào lực lượng tiến bộ, tiên phong đứng ra lãnh đạo nhân dân, thực hiện sứ mệnh thiêng liêng cao cả là độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân và dân giàu, nước mạnh. Để rồi, thật tự hào khi nói rằng, trên hành trình vạn dặm tìm lại tên cho dân tộc, cũng là tìm lại dáng hình Tổ quốc trên bản đồ nhân loại, luôn có những bước chân đầu tiên - bước chân lịch sử, bước chân thời đại. Và những người đặt bước chân đầu tiên ấy luôn có mối liên hệ sâu đậm với vùng đất xứ Thanh này.

Phải chăng, vì ngược gió nên cánh diều mới có thể bay cao, cũng như cái cây mạnh nhất thường mọc trên mảnh đất cằn cỗi nhất? Cái xứ sở mà biển ở phía Đông xô hõm vào, núi từ phía Tây chèn ép xuống và quanh năm đối mặt với thiên tai địch họa; lại cũng chính là nơi từng vọng lại biết mấy lời thề “sát thát”, toát lên từ hình sông thế núi và thổi dào dạt suốt chiều sâu thăm thẳm lịch sử, để tạo nên giá trị tinh thần và sức mạnh vô biên mang tên truyền thống. Bởi nhân từ nên mới mạnh và cũng bởi đấu tranh là điều kiện sống còn. Cho nên hai yếu tố ấy đã hội tụ để trở thành một đặc trưng tính cách nổi bật con người Việt Nam, trong đó, người Thanh Hóa là một điển hình. Nhân từ để biết sống yêu thương, gắn bó, vị tha và đấu tranh để giành lấy sự sống, tự do và hạnh phúc.

Ở đất nước mà lịch sử mấy nghìn năm không phải dệt bằng gấm hoa, mà bằng máu xương của vô vàn cuộc tranh đấu. Đến nỗi, chiến tranh - cái hoàn cảnh bất thường nhất và là thử thách sinh tồn khắc nghiệt nhất của loài người – có đôi khi, lại trở nên rất bình thường ở đất nước này. Vậy nên, Hàm Rồng những ngày máu lửa, người ta vẫn thấy những ngôi làng cổ nằm bền bĩ dưới mưa bom; dân công và pháo binh vẫn hát trên mâm pháo; nông dân vẫn cày cấy khi bom đạn tạm dứt; trẻ nhỏ vẫn ê a tiếng đọc bài giữa làn đạn cày xới mặt đất; con người vẫn yêu thương nhau và yêu cuộc đời ngay cả khi đối diện với tử thần...

Có một triết lý nhân văn sâu thẳm, đã ngấm rất sâu từ quá khứ, để truyền lửa cho lớp lớp kế cận. Triết lý ấy được chiết ra từ máu tim, khối óc của những anh hùng hào kiệt và của cả những cư dân vùng sông Mã vốn hiền lành như đất đai, cây cỏ. Để khi “Tổ quốc gọi tên mình”, họ sẵn sàng vùng lên, tràn đầy nghĩa khí và chưa hề run sợ trước bất kỳ thế lực bạo ngược nào. Ngày nay, người ta luôn đặt ra và đòi hỏi cái nhìn khách quan, biện chứng khi bàn về một sự kiện lịch sử. Điều đó là tất yếu. Song cũng bởi sự quyến rũ của nó và những bài học lớn lao lịch sử mang lại, mà những gì đã thuộc về giá trị, về tinh hoa và được cộng đồng đề cao, coi trọng, gìn giữ thì có khả năng vượt mọi không gian và thời gian. Đó cũng chính là cội nguồn sức mạnh, để lý giải cho sức sống, vị thế và đặc trưng của vùng đất xứ Thanh.

Lịch sử là dòng chảy liên tục không ngừng nghỉ, song, đó không phải là khúc sông phẳng lặng và mọi việc xảy đến đều theo một trật tự tuyến tính. Bởi, ít có dòng chảy nào lại không có vài ba khúc quanh hay một vài ghềnh thác và cũng bởi, không một hiện tại nào lại không bắt nguồn từ quá khứ. Cho nên, bổn phận của thế hệ hôm nay là làm cho những trang quá khứ hào hùng tỏa rạng vào đời sống và viết tiếp những trang phát triển huy hoàng cho tương lai. Năm 2019 đánh dấu tròn 990 năm ra đời và tồn tại tên gọi Thanh Hóa, với tư cách một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Song, 990 năm cũng chỉ ví như một lát cắt vuông vắn và đẹp đẽ, ở giai đoạn mà cái tên “Thanh Hóa” đã giúp định hình cái “thế” riêng có của xứ Thanh trong lòng dân tộc. Và trong gần một thiên niên kỷ ấy, xứ Thanh đã hòa vào một dải Việt Nam tươi đẹp mà trở nên đẹp hơn, sống động hơn.

Hẳn có người sẽ băn khoăn về sự cần thiết phải tìm ra dấu mốc ấy? và rằng ý nghĩa của sự kiện “990 năm Thanh Hóa” trong bối cảnh hiện nay là gì? Xin mượn lời của R.A. Heinlein để lý giải cho điều này, rằng “Một thế hệ ngoảnh mặt lại với lịch sử là một thế hệ không có quá khứ và cũng không có tương lai”. Vậy nên, dấu mốc “990 năm Thanh Hóa” cho ta cái nhìn thông suốt và toàn diện về mảnh đất được sinh ra; để tự hào và cũng để thấy trách nhiệm của mỗi người đối với cái nơi vẫn được gọi là “quê hương”. Và rồi, sau cái bản lề 990 năm, ta lại kỳ vọng về sự thịnh vượng và hạnh phúc, sẽ rạo rực và tràn căng phơi phới trên xứ sở này, như cách mà hàng trăm, hàng nghìn năm, vó ngựa cha ông đã thả dồn dập dọc trùng điệp giang sơn, mà định đoạt lại chủ quyền dân tộc.

Một tâm thế mới, rạng rỡ và nhiều niềm tin đang định hình. Tâm thế ấy đến từ những lợi thế và động lực tăng trưởng mới, mà Thanh Hóa đang nắm giữ và chuyển hóa thành thành tựu phát triển. Song, tường muốn cao thì nền phải chắc và “chỉ có sự thống nhất tinh thần, quan điểm, ý chí và hành động mới là sự thống nhất thật sự”. Đó cũng mới là cơ sở cho niềm tin. Như lời một tác giả của những câu nói truyền cảm hứng, thì niềm tin thấy đóa hoa yêu kiều trong một cái nụ, khu vườn xinh đẹp trong một hạt giống và cây sồi lớn trong một quả sồi. Không có niềm tin cũng sẽ chẳng thể nào có được khát vọng vượt ra ngoài cuộc sống tầm thường. Để đến lượt nó, niềm tin sẽ là mảnh đất mỡ màu để gieo mầm những hạt giống lạc quan. Nhìn vào thực tại, dám nghĩ khác và học cách tin tưởng. Đó là điều tưởng dễ mà không dễ. Đương nhiên, không phải là niềm tin mù quáng, vì có dám nghi ngờ mới có được sự tin tưởng thực sự. Nhưng sẽ thật bất công với đại đa số luôn nỗ lực và một thiểu số luôn nhìn thực tại bằng con mắt khắt khe và “một hệ niềm tin không hoạt động”.

Như một quy luật tất yếu đã được minh chứng, mọi vật và mọi việc không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi. Để rồi, sự biến đổi từ dạng này sang dạng khác của cái gọi là truyền thống, phẩm giá, vị thế... phải chăng luôn là sự kế thừa và phát triển từ chiều sâu quá khứ, được đan cài ăm ắp các sự kiện lịch sử vĩ đại, cùng vô số hằng số văn hóa, mà sự huyền bí và muôn màu của nó đã ánh lên suốt thiên niên kỷ, để làm rạng rỡ cho miền đất kỳ lạ và kỳ diệu này!

Lê Dung


Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Lê Thanh Nghị - 07:27 08/05/19

 Trả lời

Bài viết thật sâu sắc, mang nhiều yếu tố lịch sử quan trọng về Thanh Hóa và về đất nước Việt Nam.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]