(Baothanhhoa.vn) - Báo Thanh Hoá trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hoá.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tại Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa

Báo Thanh Hoá trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hoá.

Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tại Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa

Thưa đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng,

Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước,

Thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ, các đồng chí lão thành, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các vị khách quý,

Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí.

Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa – một sự kiện quan trọng góp phần làm sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, giá trị đặc biệt của tỉnh Thanh Hóa. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ, các đồng chí lão thành, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng toàn thể quý vị đại biểu, đồng bào, đồng chí lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa đồng bào, đồng chí,

Thanh Hóa của chúng ta là vùng đất lịch sử giàu truyền thống văn hóa. Nhắc đến xứ Thanh là nhắc đến nguồn cội của những di sản văn hóa phong phú, đa dạng với nhiều di tích có giá trị. Dòng văn hóa lịch sử sông Mã - bắt đầu từ văn hóa đồ đá cũ (núi Đọ) tới nền văn hóa đá mới (Đa Bút), văn hóa tiền kim khí (Gò Trũng, Hoa Lộc) làm nên nền văn hóa đồ đồng với “Trống đồng Đông Sơn” đã góp phần quan trọng cho kho tàng văn hóa Việt Nam phát triển rực rỡ, phong phú. Có thể nói xứ Thanh là một trong những cái nôi chứa đựng những giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người Việt nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng với những hình thức đặc sắc về huyền thoại, tục ngữ, ca dao, lễ tục, lễ hội, văn hóa ẩm thực... Nơi đây đã sản sinh ra những làn điệu dân ca Đông Anh, hò sông Mã, điệu khặp của người Thái, hát xường của người Mường, đồng hành cùng sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”... Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đều thể hiện sâu sắc những gian lao, vất vả, sự lạc quan, niềm tin và khát vọng của các thế hệ con người xứ Thanh trong lao động, sản xuất và đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.

Xứ Thanh cũng là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam (Tiền Lê, Hậu Lê, Nhà Hồ, Nhà Nguyễn). Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa là vùng đất “phên dậu”, “một vùng đất căn bản”, “đất bản triều”, luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Với truyền thống yêu nước, cách mạng của các thế hệ người dân Thanh Hóa luôn cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng, quật cường trong chiến đấu, lập nên nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử hào hùng dựng nước, chống ngoại xâm của dân tộc ta. Vùng đất này đã sản sinh ra nhiều nhân vật lịch sử anh hùng dân tộc kiệt xuất như: Triệu Thị Trinh, Lê Hoàn, Lê Lợi... Trong lịch sử khoa bảng nước nhà, xứ Thanh hiếu học đã có 1.627 các nhà khoa bảng, trong đó có 240 tiến sĩ, với nhiều tên tuổi nổi tiếng được lưu danh trên các lĩnh vực văn hóa, sử học, quân sự, ngoại giao như: Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ...

Trong suốt chặng đường đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quân và dân tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua muôn vàn khó khăn, hy sinh gian khổ, chiến đấu kiên cường, bất khuất, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thanh Hóa đã huy động nhiều sức người, sức của, được xem là thủ đô văn hóa kháng chiến, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, được Bác Hồ khen ngợi “... Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Thanh Hóa đã làm tốt hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Nhiều tên đất, tên làng của xứ Thanh đã đi vào lịch sử như những khúc tráng ca bất tử cùng Tổ quốc và dân tộc, mãi mãi như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng như: Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực, Đông Sơn, Đồi C4, Phà Ghép, Đò Lèn...

Càng đi sâu khám phá vùng đất, con người xứ Thanh, chúng ta càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp, sức sống diệu kỳ của nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi mạch ngầm truyền thống lịch sử vẫn đang bền bỉ chảy mãi không ngừng. Đó là: Một Thanh Hóa quật cường trong lịch sử chống ngoại xâm với hình ảnh nữ tướng Triệu Thị Trinh hiên ngang cưỡi voi xung trận, với hào khí vang dội của nghĩa quân Lam Sơn, với những Ba Đình, Mã Cao, Hùng Lĩnh, Hàm Rồng - Sông Mã. Một Thanh Hóa duyên dáng, đằm thắm mà khỏe khoắn, căng tràn sức sống với những bài thơ, điệu hò, câu hát dân ca. Một Thanh Hóa tự tin, năng động, hòa nhịp cùng sự đổi mới của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Quê hương Thanh Hóa của chúng ta thực sự tươi đẹp như một bức tranh sinh động hài hòa màu sắc đúng như lời thơ của Bác Hồ viết khi Người về thăm tỉnh Thanh Hóa năm 1960: Tỉnh Thanh biển bạc rừng vàng/ Ruộng đồng man mác, xóm làng liên miên.

Tự hào về vùng đất và con người xứ Thanh 990 năm lịch sử chúng ta cần trân trọng biết ơn sự cống hiến hy sinh xương máu to lớn của các thế hệ tiền nhân, của biết bao nhiêu người con ưu tú kiên trung bất khuất của quê hương Thanh Hóa và của mọi miền Tổ quốc để Thanh Hóa phát triển đúng hướng, giàu đẹp.

Thưa đồng bào, đồng chí,

Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao trong nhiều năm liên tục. Nhiều dự án lớn đã và đang hoàn thành, đi vào vận hành, tạo sức lan tỏa cho phát triển kinh tế, nhất là Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Du lịch phát triển mạnh, có nhiều đột phá về cơ sở hạ tầng ở các khu: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa. Hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, Cảng Hàng không Thọ Xuân đi vào hoạt động có sự tăng trưởng nhanh, đặc biệt cảng Nghi Sơn ngày hôm nay đã đón chuyến tàu container đầu tiên. Bộ mặt đô thị, nông thôn, miền núi ở phía Đông và phía Tây Thanh Hóa có nhiều đổi mới, nông nghiệp nông thôn được quan tâm đầu tư mạnh mẽ với nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển bền vững. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác an sinh xã hội được bảo đảm tốt hơn; đời sống của nhân dân ngày càng đuợc nâng cao; giáo dục đào tạo, y tế được quan tâm phát triển với những thành tích cao ở tốp đầu cả nước; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Những thành tựu này tạo ra cơ sở nền tảng vững chắc cho tỉnh nhà tiến nhanh và vững chắc trong thời gian tới.

Nhân buổi lễ đặc biệt này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tựu to lớn, đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong những năm qua.

Thưa đồng bào, đồng chí,

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thuận lợi nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Bảo đảm tăng trưởng nhanh, bền vững gắn với không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân là một nhiệm vụ quan trọng của chúng ta. Là tỉnh có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên phong phú, diện tích rộng lớn trải dài từ Đông sang Tây, có biển, có rừng, có đồng bằng, đặc biệt đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian qua, Thanh Hóa cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Để Thanh Hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, tôi đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tỉnh cần tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng để có chiến lược thúc đẩy phát triển và tăng cường thu hút đầu tư, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; nông nghiệp; y tế; đô thị hóa và cơ sở hạ tầng với trọng tâm là khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn. Cần ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động trong ngành kinh tế số.

Tiếp tục tập trung thúc đẩy tiến độ các dự án lớn đang triển khai đầu tư xây dựng trên địa bàn, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội như: Đường ven biển, đường cao tốc, các dự án hạ tầng về du lịch, hàng không, cảng biển; nghiên cứu, có cơ chế, chính sách mới, hấp dẫn nhằm tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư những hạ tầng quan trọng.

Thứ hai, tăng cường chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với đào tạo nghề và chuyển đổi nghề để cung cấp lao động có trình độ và tay nghề phù hợp cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, các khu du lịch.

Thứ ba, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tỉnh phải xác định đến năm 2020, Thanh Hóa đứng trong tốp đầu của 15 tỉnh, thành của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Thứ tư, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chính sách người có công với cách mạng, giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, làm tốt công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội, kịp thời giải quyết những khiếu nại, bức xúc, tố cáo của nhân dân, quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần đắc lực cùng với nhân dân cả nước bứt phá vươn lên trong hội nhập và phát triển. Đặc biệt cần quan tâm hơn nữa việc phát triển kinh tế - xã hội các địa phương phía Tây tỉnh Thanh Hóa nơi cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ năm, tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của con người xứ Thanh với những phẩm chất quý báu là trí tuệ, năng động, đoàn kết, tình nghĩa và thủy chung. Đây là một nguồn lực lớn, rất quan trọng để tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Tỉnh cần tập trung đầu tư giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Với niềm tự hào về vùng đất thân yêu của mình, tôi mong rằng mỗi người con xứ Thanh trong và ngoài tỉnh sẽ cùng nhau khơi dậy khát vọng vươn lên, chung tay, góp sức xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với niềm tự hào và truyền thống của quê hương “Địa linh nhân kiệt”.

Thưa đồng bào, đồng chí,

Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa là dịp để chúng ta tìm về cội nguồn và tiếp tục khẳng định, tự hào và phát huy những thành quả dựng nước, giữ nước của vùng đất và con người Thanh Hóa trong tiến trình lịch sử dân tộc ta. Đó là di sản vô giá của tổ tiên chúng ta để lại. Tôi tin tưởng rằng, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung và quê hương xứ Thanh 990 năm nói riêng sẽ là nguồn sức mạnh và động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa chung tay, đoàn kết, góp sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII; xây dựng tỉnh Thanh Hóa phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, và sớm trở thành “Tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Tôi xin chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng toàn thể quý vị, đồng bào, đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn !



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]