(Baothanhhoa.vn) - Cuối đời nhà Trần, triều chính suy yếu, vua chúa nhu nhược, một tôn thất nổi tiếng như Trần Nguyên Đán với chức Tư đồ (Thái sư, Tể tướng) cũng phải thở dài, lắc đầu treo ấn từ quan sớm. Ông đoán biết ngôi vua nhà Trần sẽ mất vào tay họ ngoại, đó là Hồ Quý Ly. Sau khi Thượng hoàng Nghệ tông mất, Quý Ly càng trở nên lộng quyền hơn. Năm 1395, Quý Ly giữ chức Nhập nội phụ chính Thái sư, bình chương quân quốc trọng sự, Tuyên trung Vệ quốc đại vương. Ông không làm vua mà quyền hành hơn cả vua, mọi việc triều chính đều tự tay mình quyết định.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 4: Cung Bảo Thanh thành Tây Đô

Cuối đời nhà Trần, triều chính suy yếu, vua chúa nhu nhược, một tôn thất nổi tiếng như Trần Nguyên Đán với chức Tư đồ (Thái sư, Tể tướng) cũng phải thở dài, lắc đầu treo ấn từ quan sớm. Ông đoán biết ngôi vua nhà Trần sẽ mất vào tay họ ngoại, đó là Hồ Quý Ly. Sau khi Thượng hoàng Nghệ tông mất, Quý Ly càng trở nên lộng quyền hơn. Năm 1395, Quý Ly giữ chức Nhập nội phụ chính Thái sư, bình chương quân quốc trọng sự, Tuyên trung Vệ quốc đại vương. Ông không làm vua mà quyền hành hơn cả vua, mọi việc triều chính đều tự tay mình quyết định.

Bài 4: Cung Bảo Thanh thành Tây Đô

Ảnh minh họa.

Tháng giêng năm Bính Ngọ (1397) Quý Ly sai Lại bộ thượng thư Đỗ Tỉnh đi Thanh Hóa tìm đất dựng kinh đô mới. Các đại thần ai khuyên ngăn, Quý Ly cũng gác bỏ ngoài tai. Đỗ Tỉnh vốn làm Thái sử lệnh coi việc thiên văn và cúng tế, có tài kiến trúc, giỏi địa lý phong thủy. Ông chọn đất vùng An Tôn, nơi làng quê Đại Lại của Quý Ly.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, khởi tổ họ Hồ (Hồ Liêm) là Hồ Hưng Dật, vốn người Triết Giang, đời Hậu Hán Ngũ quý (Trung Quốc) sang nước Nam làm Thái thú Diễn Châu (Nghệ An) sau nhà ở hương Bào Đột làm trại chủ. Đến đời Lý, con cháu có người lấy công chúa Nguyệt Đích, sinh ra Nguyệt Đoan. Sang đời cháu thứ 12 là Hồ Liêm mới di cư đến hương Đại Lại làm con nuôi Tuyên úy Lê Huấn(1). Như vậy, Hồ Liêm chuyển cư từ Nghệ ra Thanh kể đã lâu đời, thành dân Thanh Hóa. Khi ngai vàng họ Lý sang họ Trần tránh khỏi cái vạ “nhổ cỏ nhổ hết rễ” của Thái sư Trần Thủ Độ(2) nhưng họ Hồ không an phận thủ thường. Hồ Liêm xin làm con nuôi Tuyên úy Lê Huấn và đổi họ Hồ sang họ Lê. Đến đời thứ 3 họ Lê gốc Hồ có hai người con gái được tuyển vào cung làm thiếp cho Trần Minh tông. Đời thứ tư, Lê Quý Ly do hai người cô ruột này bắc cầu mà được vào cung làm nội nhân, một chức lại nhỏ hầu hạ trong cung vua Trần. Từ đó, Quý Ly từng bước tiến dần, leo lên đến chức Phụ chính, Thái sư nhiếp chính, Khâm đức hưng liệt đại vương, Quốc tổ Chương hoàng, một chức tước xưa nay chưa từng có!

Dời Kinh đô vào Thanh Hóa, Quý Ly đổi Thăng Long là Đông đô, còn Kinh đô mới làm Tây đô. Quý Ly sai triều thần dỡ một số cung điện ở Đông đô chuyển vào Tây đô, dựng trong Hoàng thành. Đặc biệt, Quý Ly sai dựng riêng một cung điện rất đẹp ở núi Đại Lại để sau Trần Thuận tông ở, nhưng lại gọi là “hành tại” là “ly cung”, chỗ vua nghỉ tạm, dừng chân khi đi ra ngoài, để che mắt mọi người, tránh bàn tán của thiên hạ.

Cung Bảo Thanh là một kiến trúc kỳ công tráng lệ, nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, làm xong cùng lúc với các cung điện trong Hoàng thành (khoảng thời gian 1397). Mặc dù cung Bảo Thanh xây dựng theo lệnh Quý Ly, vào thời điểm lịch sử, nhà Trần còn phải 3 năm nữa mới mất ngôi, kiến trúc này vẫn thuộc công trình thời Trần, nói chính xác cuối thời Trần. Và cung Bảo Thanh liên quan với thành Tây đô, nằm trong đồ án thành Tây đô. Phải đến năm 1340, Quý Ly mới lên ngôi, chưa được một năm đã vội vàng nhường ngôi cho Hán Thương bất tài, hèn yếu, để nhà Hồ cũng “vội vàng” kết thúc năm 1407 trong cảnh chiến tranh nước mất nhà tan do quân Minh xâm lược!

Bên cạnh cung Bảo Thanh còn chùa Triệu Công cũng là một kiến trúc công phu, tráng lệ. Nhà Trần sùng mộ đạo Phật. Vua Trần Nhân tông sau hai lần chiến thắng chống xâm lược Nguyên Mông oanh liệt, từ giã cung vàng điện ngọc lên núi Yên Tử với câu Kinh tiếng mõ, với khói sớm mây chiều, đắc đạo thành Trúc Lâm đệ nhất tổ, mở ra một đạo phái Thiền tông độc đáo Việt Nam. Quý Ly muốn Vua Trần Thuận tông cũng là con rể ông, quên việc triều chính, siêng năng tu hành để mau chóng thành chính quả.

Tháng 3 năm Mậu Dần (1398) Lê Quý Ly sai đạo sĩ Nguyễn Khánh khuyên Vua Thuận tông rằng: “Cảnh tiên thanh nhã, khác hẳn trần gian, các thánh đế triều ta chỉ ham chuộng về Phật giáo, chưa có vị nào giao du với người tiên đắc đạo. Nay bệ hạ ở nơi cửu ngũ tôn nghiêm, nhọc lòng với muôn việc, chi bằng truyền ngôi cho Đông cung, theo tiên tu đạo để cho cái đức khiêm xưng thuần hóa ngày thêm sáng sủa”. Nhà vua nhận lời, bèn tâu xin nhập sổ phụng tiên. Tại cung Bảo Thanh ở phía Tây Nam núi Đại Lại, Vua Trần Thuận tông hạ chiếu truyền ngôi cho Thái tử, Phụ chính Thái sư Lê Quý Ly là Quốc tổ Chương hoàng thay giữ chính quyền. Thái tử Án làm Thiếu Đế, Thuận tông là Thái thượng Nguyên quân hoàng đế. Lúc ấy Thiếu đế mới 3 tuổi, khi nhận chiếu truyền ngôi không biết lậy tạ, Thái hậu (mẹ Thái tử Án) phải lậy trước để vua lậy theo. Quý Ly tự xưng là Khâm đức Hưng liệt đại vương nhiếp chính cai giáo hoàng đế, sai rước vua nhỏ vào thành Tây Đô để trăm quan lậy mừng. Quý Ly ban yến cho các quan, cho phép con trai, con gái thiên hạ được ngày đêm ngắm cảnh dạo chơi ở cửa Nam thành, có phố xá dài suốt đường Hoa, có chợ Tây Nhai đông vui, bán buôn tấp nập...

Đại Nam nhất thống chí (đời Thành Thái) dựa theo quốc sử và một số tài liệu khác cho biết về Cung thất nhà Hồ: Ly cung, phía bên tả có lầu Đấu Kê (lầu chọi gà) cùng đối diện với nhau. Bên cạnh Ly cung lại dựng ngôi chùa Triệu Công tự. Hiện nay (cuối thế XIX) chỉ còn sót lại vài ba trụ đá, ba giếng xây bằng đá và một vài di tích của thành bao quanh. Phía Tây thành đó có một cái đài gọi là đài Thừa lương (đài nghỉ mát), đá hoa ghép vách, chạm trổ các hình rồng, rùa, hoa, rong. Bên núi đặt những máng tre cho nước trên sườn núi chảy xuống, trông rất trong sạch, đáng ưa. Những đá hoa trong cung, hiện nay mười phần còn sót được một.

Về chùa Triệu Công tự, sách Đại Nam nhất thống chí nói trên chép: Chùa Kim Âu ở xã Kim Âu, huyện Vĩnh Lộc (nay thuộc huyện Hà Trung) còn gọi là chùa Phong Công. Phía Nam núi Kim Âu, có cung điện cũ của nhà Hồ, trong thành đó có một ngôi chùa, là chùa này. Phía trái chùa có cung Bảo Thanh. Cuối triều Trần, Vua Thuận tông từng ở đó(4).

Cung Bảo Thanh được xây dựng cùng thời với các cung điện trong Hoàng thành Tây Đô năm Đinh Sửu (1397). Chữ Bảo Thanh nghĩa là trong sạch, quý báu. Quý Ly đổi tên núi Đại Lại làm núi Kim Âu (cái âu bằng vàng – cái âu vàng) có lẽ mượn chữ “kim âu” trong thơ Vua Trần Nhân tông ngẫu hứng sau ba lần nhà Trần đại thắng quân Nguyên Mông xâm lược: “Sơn hà thiên cổ điện Kim Âu” (Non sông nghìn thuở vững âu vàng). Quý Ly với chữ Kim Âu thay chữ Đại Lại, vững tin cơ nghiệp nhà Hồ cũng trường tồn muôn thuở. Chữ Triệu Công tên chùa cũng mang ý nghĩa ấy. Nó ghi dấu khởi nghiệp đầu tiên của nhà Hồ sẽ trường tồn mãi mãi cùng non sông. Đời Lê, người ta thấy chữ “Triệu” không xứng với họ Hồ (Triệu là khởi đầu) nên đổi tên Kim Âu tự, sau đó thấy không ổn, mới sửa lại Phong Công tự nghĩa là đẹp đẽ, khéo léo.

Núi Đại Lại trước thuộc địa phận huyện Vĩnh Lộc, xưa nằm trong vùng động An Tôn (sau cắt chuyển sang huyện Hà Trung). Theo mô tả của Đại Nam nhất thống chí: “Thế núi uốn quanh, cao chọc tầng mây. Phía dưới có suối trong, bốn mùa không cạn. Trước gọi là núi Ông Lâu, lại có tên núi Đại Lại”.

Núi Đại Lại, đỉnh cao nhất khoảng 300m, cung Bảo Thanh nằm trong vòng tay ngai của Ông Lâu. Xét về địa lý phong thủy, thế đất này rất đẹp, cho nên cung điện, chùa chiền, Quý Ly dựng lên đẹp đẽ, tinh xảo không vì Trần Thuận tông mà chính để Ông Thái thượng hoàng họ Hồ vui chơi lúc an nhàn. Nơi này cách khu vườn nhà Quý Ly không xa.

Số phận cung Bảo Thanh, chùa Triệu Công đã kết thúc một thời vàng son ngắn ngủi. Phải gần 600 năm núi Đại Lại thay màu đổi sắc, một kiệt tác nghệ thuật kiến trúc, mới được “nhận diện”, bóng dáng lờ mờ sau bốn lần khảo cổ: 1979, 1980, 1983, 1995!

Toàn bộ cung Bảo Thanh, nền móng nhà, sân, vườn, cổng, thành bao... xây dựng trên một bình diện khoảng 2.000m2, giữa lòng hình tay ngai của núi Đại Lại về phía Tây Nam, cách sông Lèn (tên nôm của sông Đại Lại) chừng 1km đường chim bay, tương đương khoảng cách với Hoàng thành Tây Đô. Nền chính tòa cung điện diện tích gần 200m2, có những hàng chân tảng bằng đá kê chân cột, cho ta hình dung một công trình kiến trúc lớn, với những chi tiết kiến trúc đặc sắc, tìm thấy trong nhiều đống gạch ngói, đất đá đổ nát, đều nói lên trình độ nghệ thuật đạt tới đỉnh cao của thời đại cuối Trần sang Hồ. Số di vật thu được tới hàng trăm, không kể loại di vật chỉ còn lại mảnh vỡ. Sau đây là những di vật tiêu biểu:

- Đá chân tảng: Bề mặt vòng quanh chân cột, chạm cánh sen, trong mỗi cánh sen, chạm “lưỡng long triều nguyệt”. Vòng quanh bệ tảng là hoa văn trang trí hình dây leo uốn lượn hình sin. Rồng trang trí dáng thon nhỏ, uốn khúc cong mềm mại, cân đối...

- Tượng đất nung: Hiện vật khá phong phú như: Tượng đầu rồng, đầu chim, đầu sư tử... Đầu rồng mào lửa, có sừng và râu tóc mềm mại, mượt mà, mũi nở, miệng rộng... Đầu chim dáng phượng hoàng, mỏ to khỏe, mắt tròn xoe mở to sinh động đẹp tựa chim thần. Đầu sư tử dáng vẻ oai phong, trán, mắt, mũi, miệng, giống con “nạ” một linh vật thường thấy đắp trang trí trên cửa đền, nghè...

- Gạch lát hoa: Đây là loại gạch lát nền, ốp tường, nung chín ở độ cao. Gạch lát nền kích thước 35cm x 35cm x 5cm. Chính giữ viên gạch đắp nổi một bông hoa 4 cánh to, nằm gọn trong khung vuông nổi có kẻ chỉ; bốn góc viên gạch trang trí nổi bốn nửa bông hoa giống hoa cúc cách điệu. Loại gạch lát tường trang trí khá công phu, đúc bằng khuôn, sau đó gia công thêm khiến đường nét tinh xảo, hiện lên rất sinh động những mào lửa, mây lửa, miệng phun ngọc, bờm hất phía sau, thấy rõ cả túm lông ở khuỷu chân, như đang bay theo dáng điệu của rồng thiêng. Nhìn riêng từng viên đã thấy đẹp. Ghép lại trên mảng tường chắc chắn sẽ thành những tấm thảm hoa đẹp của người thợ dệt có bàn tay hoa khéo léo...

- Lá đề đất nung: Mỗi cái lá đề to bằng bàn tay, đất tốt, nung chín vừa độ, sắc đỏ au, trang trí hình lưỡng long triều nguyệt. Có loại lá đề ở trong chỉ khắc nổi một con rồng cuộn khúc tạo thành một bức tranh đặc tả, bố cục chặt, con rồng nửa như đang bay lên, nửa như trườn bò trong khoảng không gian bị thu hẹp. Một loại lá đề khác trang trí hình tháp 9 tầng đặt trên bệ hoa sen, có những tia hào quang tỏa ra chung quanh...

Bộ sưu tập khá phong phú, gần đủ để phục dựng lại một cung điện nguy nga, tráng lệ với tường thành, cửa nghinh môn uy nghi, nghiêm ngặt của cung thành trong Hoàng cung chốn đế đô.

Di vật cung Bảo Thanh về nghệ thuật kiến trúc thuộc phong cách Trần ở giai đoạn đỉnh cao. Nó cùng loại với di vật đã phát hiện được ở một số di tích đời nhà Trần như Tam Đường (Thái Bình), Tức Mặc (Nam Định), Quần Ngựa (Hà Nội). Ngoài ra, còn một số hiện vật, giới khảo cổ lần đầu tìm thấy ở cung Bảo Thanh. Hy vọng đây là nét độc đáo của cung Bảo Thanh, tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc đặc sắc nhất của giai đoạn Trần mạt trên đất Thanh Hóa, lá một đóng góp quan trọng của Thanh Hóa vào nghệ thuật kiến trúc cổ Việt Nam.

Cung Bảo Thanh có lẽ bị phá hủy từ thời quân Minh xâm lược và đô hộ. Năm 1511, Vua Lê Tương Dực viếng lăng miếu Lam Kinh về, dừng thuyền bến Đại Lại ghé thăm Kim Âu thì cung điện Bảo Thanh của Trần Thuận tông đã đổ nát, chỉ còn chùa Kim Âu (tức chùa Triệu Công, Phong Công). Hiện nay thấy hai bài thơ của Vua Lê Tương Dực kèm lời tựa khắc trên bia đá (đã vỡ, sau hàn gắn lại) dựng trước nền chùa cũng đã thành phế tích có lẽ vào thời Nguyễn. Nhà bia do địa phương tôn tạo, nhóm Đinh Khắc Thuần khôi phục văn bản, giới thiệu trong tập Văn bia Thanh Hóa thời Lê sơ, NXB Thanh Hóa – 2013. Trước đây, bởi chưa có văn bản này, tôi dựa vào vài tài liệu địa phương cung cấp, viết về Hương Đại Lại cũng giới thiệu 2 bài thơ của Lê Tương Dực, đối chiếu tuy khác nhau cũng chỉ đại đồng tiểu dị(5).

Ngự chế chùa Kim Âu

Phiên âm:

I- Độc hạnh Kim Âu lộ bát thiên,

Thừa nhàn khiển hứng lộng xuân thiên.

Đình tiền bách thảo lăng yên diễm,

Giai hạ thiên hoa tiếu nhật tiên.

Dung đắc hồ trung xuân vũ trụ,

Thi lai thế thượng ngọc sơn xuyên.

Lũy triều cảnh vật y nhiên tại,

Trợ thắng vô cùng vĩnh viễn niên.

II- Khuất chỉ tiên triều dĩ kỷ thiên,

Kim Âu y cựu Ngọc hồ thiên.

Lão tùng chiếm đắc phong sương hảo,

Cổ mộc vi thành cẩm tú tiên.

Vạn đóa tường vân già thúy lĩnh,

Thiên hàng hồng nhụy áng thanh xuyên.

Cơ đa cảnh trí miêu nan tận,

Sổ cú ngâm nga trợ thắng niên.

Báo Thiên động chủ đề (Lê Tương Dực)

Nhóm Đinh Khắc Thuần phục chế phiên âm.

Dịch thơ:

I- Muôn dặm đường xa tạm nghỉ ngơi,

Ngày Xuân ngoạn cảnh lên chùa chơi.

Ngoài sân cỏ biếc vờn mây khói,

Trước cửa hoa tươi rộn đất trời.

Vũ trụ bầu tiên hoa gấm trải,

Sơn hà cảnh bụt ngọc châu phơi.

Mấy triều dời đổi chùa nguyên đó

Thiên cổ danh lam mãi với đời.

II- Bấm đốt ngón tay đã mấy đời,

Kim Âu vẫn đẹp một bầu trời.

Trơ gan tùng cỗi phong sương nhuộm,

Thay lá cây già hoa gấm phơi.

Muôn đóa mây lành hình núi chiếu,

Nghìn hàng hoa đỏ bóng sông soi.

Biết bao cảnh đẹp khôn tài vẽ,

Ngâm ngợi đời câu góp với đời.

Hoàng Tuấn Phổ dịch thơ

Thơ vịnh đề chùa Kim Âu (Phong Công) được nhiều người biết và khen ngợi câu chữ súc tích, ý tứ sâu xa là bài “Đề Kim Âu sơn Phong Công tự” (Đề chùa Phong Công núi Kim Âu) của Vũ Quỳnh. Ông quê làng Mộ Trạch, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương, đỗ Hoàng giáp năm 1473 đời Hồng Đức Lê Thánh tông. Bài thơ được tuyển in trong sách Hoàng Việt thi tuyển.

Đề Kim Âu Phong Công tự

Phiên âm:

Hoang sơn nhật mộ tỏa nhàn vân,

Kiệt tác điêu lương yến ngữ xuân.

Đa thiểu tầm phương yên tự khách,

Chỉ hoài sơn thủy, bất hoài nhân!

Vũ Quỳnh

Bản phiên âm của Hoàng Việt thi tuyển

Dịch thơ:

Núi hoang mây phủ bóng chiều phai,

Gác tía kêu xuân, én liệng hoài.

Khách đến chùa xưa thăm viếng cảnh,

Nhớ non với nước, nhớ gì ai!

Hoàng Tuấn Phổ dịch thơ

Cung Bảo Thanh kèm theo chùa Phong Công đã được xếp hạng di tích quốc gia. Rất xứng danh thành Tây Đô đã thành di sản văn hóa nhân loại, vấn đề giữ gìn, tôn tạo thường xuyên đặt ra, còn cung Bảo Thanh và chùa Phong Công một thời cũng tráng lệ vàng son, nhưng chưa được quan tâm đúng mức, mặc dù cả hai kiệt tác kiến trúc đó cũng thuộc về một công trình kinh thành Tây Đô kỳ vĩ. Tiếc thay!

(1). Tập II NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1971. tr. 224.

(2). Câu nói Thủ Độ bảo Lý Huệ tông khi đã đi tu ở chùa Chân Giáo.

(3). Quán Ngọc Thanh bấy giờ ở Đông Triều, Hải Dương.

(4). Đại Nam nhất thống chí: Quốc sử quán triều Nguyễn: Tổng tài Cao Xuân Dục. Bản dịch mới của Hoàng Văn Lâu, tập I – Phần nói về tỉnh Thanh Hóa. NXB Lao động – Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây.

(5). Hoàng Tuấn Phổ: Những làng cổ tiêu biểu ở Thanh Hóa - NXB Dân trí và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam – 2010.

Hoàng Tuấn Phổ

Bài 5: Kinh thành kháng chiến An Trường – Vạn Lại.


Hoàng Tuấn Phổ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]