(Baothanhhoa.vn) - Một chiều thu tháng tám yên bình. Nắng trải nhẹ trên những con đường bê tông với sắc hoa chiều tím chạy dài tít tắp qua các cánh đồng lúa xanh mướt và vươn đến tận chân đê của dòng Lương Giang. Mỗi bước chân tìm về Thiệu Minh cũ (nay là xã Minh Tâm) tôi như chạm vào lịch sử, với những tên đất, tên làng đã lưu danh vào lịch sử.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vùng quê cách mạng Thiệu Minh ngày ấy và bây giờ

Vùng quê cách mạng Thiệu Minh ngày ấy và bây giờ

Đình làng Ngô Xá Hạ (nay là thôn Đồng Chí) - nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, nhiều cuộc mít tinh đấu tranh cách mạng của quần chúng Nhân dân địa phương.

Một chiều thu tháng tám yên bình. Nắng trải nhẹ trên những con đường bê tông với sắc hoa chiều tím chạy dài tít tắp qua các cánh đồng lúa xanh mướt và vươn đến tận chân đê của dòng Lương Giang. Mỗi bước chân tìm về Thiệu Minh cũ (nay là xã Minh Tâm) tôi như chạm vào lịch sử, với những tên đất, tên làng đã lưu danh vào lịch sử.

Trước Cách mạng Tháng Tám, các làng Đồng Bào, Đồng Chí, Đồng Minh có tên là Ngô Xá Thượng, Ngô Xá Hạ, Hà Thanh. Từ những ngày cách mạng còn trong trứng nước, nhiều thanh niên ưu tú ở các làng đã sớm tiếp thu tư tưởng của Đảng để xây dựng phong trào cách mạng ở địa phương. Trước khi có tổ chức đảng ra đời, ở các làng đã thành lập được các hội quần chúng, như: Nông hội đỏ, hội lợp nhà, hội đánh tranh, hội cắt tóc ngắn... Bởi vậy, nhiều phong trào đấu tranh cách mạng từ quần chúng Nhân dân của huyện và tỉnh được khởi xướng ở 3 ngôi làng nhỏ bé này. Đỉnh cao của phong trào là cuộc đấu tranh đòi Cử Khải trả lại công điền, công thổ của Nhân dân các làng vào cuối năm 1930. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Nông hội đỏ, quần chúng Nhân dân các làng đã gửi đơn lên tri phủ Thiệu Hóa đòi thực hiện dân chủ trong bầu lý trưởng. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi đã cổ vũ phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng Nhân dân trong vùng. Vào cuối tháng 3-1934, tại bãi Hồ Cỗ, hội nghị thành lập chi bộ ghép Ngô Xá Thượng - Ngô Xá Hạ - Cựu Thôn - Mao Xá được tiến hành. Từ đây, phong trào cách mạng của quần chúng Nhân dân ở các làng đã có Đảng lãnh đạo. Chi bộ đã phân công đảng viên phụ trách các làng, trọng tâm là xây dựng các hội quần chúng, lãnh đạo Nhân dân đấu tranh chống áp bức, bóc lột, giảm thuế điền, thuế thổ, thuế chợ, thuế đò, phong trào đấu tranh cách mạng diễn ra vô cùng sục sôi. Giữa năm 1939, thực dân Pháp bắt đầu thực thi chính sách đàn áp các phong trào cách mạng. Nhân kỷ niệm ngày cách mạng tư sản Pháp, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Phủ ủy Thiệu Hóa chỉ đạo tổ chức cuộc mít tinh tại chợ Đu. Các đồng chí đảng viên của chi bộ Ngô Xá Thượng - Ngô Xá Hạ - Mao Xá - Cựu Thôn được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc mít tinh này. Cuộc mít tinh đã biến thành cuộc tuần hành với khoảng 6 nghìn người tham gia. Quần chúng Nhân dân vừa đi, vừa hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo khủng bố! thả ông Bùi Đạt! phản đối thuế thân! ủng hộ Liên bang Xô Viết!...”.

Trong màu sơn vàng, nhuốm mầu rêu phong, đình làng Ngô Xá Hạ xưa - làng Đồng Chí hôm nay, khoác lên mình sự khác biệt với kiến trúc của Pháp. Được xây dựng năm 1924, ngôi đình đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, nhiều cuộc mít tinh đấu tranh cách mạng chống bắt phu, bắt lính, chống bọn phản động, trừng trị bọn chức sắc ác ôn, chống giặc Nhật cướp lương thực, thực phẩm của các chiến sĩ cách mạng, quần chúng Nhân dân làng Ngô Xá Hạ với khí thế sục sôi. Trên bia đá trong khuôn viên đình làng có ghi lại, cách đây khoảng trên 500 năm về trước làng được hình thành trên khu đất cồn Đông. Theo dòng chảy của lịch sử làng đã chuyển về vị trí như bây giờ.

Điều tôi đau đáu, trong lần về lại ngôi làng cách mạng Đồng Chí là tìm được những người trực tiếp góp phần làm nên cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thần kỳ của dân tộc. Quả không hề dễ dàng, bởi quá khứ đã lùi xa quá lâu, những hiện vật lịch sử đã in dấu rêu phong với thời gian, nhưng liệu các chiến sĩ cách mạng năm xưa trong làng còn được mấy người. Theo lời chỉ dẫn của người dân, tôi tìm đến nhà cụ Hoàng Đình Bách, lão thành cách mạng, người được xem như pho sử sống của làng Đồng Chí. Thật may, cụ vẫn khỏe và còn minh mẫn. Lớn lên với đồng bãi, đói no cùng hạt lúa, củ khoai và dành trọn niềm tin theo Đảng nên dẫu da đồi mồi, mái đầu tóc bạc lơ thơ, tâm trí cụ Bách vẫn vẹn nguyên những ngày quê hương sục sôi đấu tranh cách mạng. Năm 17 tuổi, cụ đã được giác ngộ cách mạng, tham gia thanh niên cứu quốc. Cụ Bách kể: “Tháng 4-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa nhận được Chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, đã triệu tập hội nghị đề ra phương hướng hành động. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Đức, Bí thư Phủ ủy Thiệu Hóa và đồng chí Ngô Ngọc Vũ, quần chúng Nhân dân tổ chức cuộc tuần hành tại chợ Đu. Các làng của xã Thiệu Minh đã cử hơn 100 người tham gia. Tôi được phân công lãnh đạo lực lượng tự vệ làng Ngô Xá Hạ. Đoàn tuần hành từ chợ Đu đến chợ Go, vừa đi, vừa hô khẩu hiệu: Đả đảo phát xít Nhật! Đánh đổ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim! ủng hộ Mặt trận Việt Minh!. Truyền đơn rải khắp các chợ, uy thế của phong trào đấu tranh cách mạng lên cao, chẳng khác nào ngày hội của Nhân dân với khí thế sục sôi”. Đến tháng 5-1945, chi bộ Ngô Xá Hạ đã tổ chức cuộc mít tinh tại đình làng do các đồng chí Ngô Đức và Hoàng Trọng Phiêu lãnh đạo với hơn 100 người dân tham gia. Đội tự vệ của làng còn đến nhà mời lí trưởng và cai tổng đến nghe quần chúng Nhân dân đòi quyền lợi. Trước uy thế của phong trào đấu tranh của quần chúng Nhân dân, hương lí trong làng không dám đi thu thuế nữa. Giai đoạn này, cụ còn tham gia đưa đón cán bộ, vận chuyển tài liệu, vũ khí đi các huyện Nga Sơn, Hà Trung về Thiệu Hóa. Rồi cùng với đồng chí Ngô Đức vận chuyển chiếc bàn in bằng đá từ Thanh Hóa vào tỉnh Nghệ An để phục vụ cho công tác in ấn tờ báo “Kháng địch”. Theo dòng chảy của ký ức, cụ Bách vẫn không quên sự kiện các lực lượng tự vệ ở các làng của Thiệu Minh tập hợp về đình làng Ngô Xá Hạ để làm lễ xuất quân đi chiếm phủ Thiệu Hóa giành chính quyền và nhập thành Thanh Hóa. Cụ nói: “Nhận được kế hoạch tổng khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa Thiệu Hóa, các đồng chí đảng viên, cán bộ hội cứu quốc ở 3 làng đã vận động Nhân dân ủng hộ lương thực, thực phẩm. Hội phụ nữ cứu quốc chuẩn bị cơm nắm cho các chiến sĩ mang theo. Đội tự vệ chuẩn bị vũ khí, sẵn sàng chiến đấu. Không khí như ngày hội! Chiều tối ngày 18-8-1945, lực lượng tự vệ các làng với vũ khí sẵn sàng tập trung tại đình làng Ngô Xá Hạ. Sau đó tập kết về bãi đê làng Cựu Thôn để cùng với lực lượng tự vệ các làng của tổng Xuân Lai xuống thuyền về phủ Thiệu Hóa đánh chiếm trường tiểu học và phủ đường. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, quân địch điên cuồng chống cự buộc lực lượng cách mạng phải nổ súng tấn công. Đến sáng ngày 19-8, quân cách mạng đã làm chủ hoàn toàn phủ Thiệu Hóa, chính quyền cách mạng về tay Nhân dân. Sáng ngày 23-8, trên 3.000 tự vệ chiến đấu của các huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, đội ngũ chỉnh tề rầm rộ xuất quân từ đình làng Ngô Xá Hạ đi nhập thành Thanh Hóa. Các lực lượng quần chúng Nhân dân khắp nơi cũng kéo về thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa), nhiệt liệt chào mừng cách mạng thành công”.

Nắng thu, nắng của những ngày Tháng Tám lịch sử, nắng của ý chí cách mạng quật cường và bất diệt. Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân ở làng Đồng Bào, Đồng Chí, Đồng Minh hôm nay đang viết tiếp những trang sử vàng, nhân lên những bản anh hùng ca chiến thắng, với hào khí cách mạng của lớp lớp cha anh. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), chi bộ các thôn Đồng Bào, Đồng Chí, Đồng Minh đã có chủ trương, giải pháp đúng đắn, sát hợp. Bằng việc phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò chủ thể của người dân, các thôn đã từng bước hoàn thiện được hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn, cứng hóa hệ thống kênh mương nội đồng, sửa chữa nâng cấp nhà văn hóa. Nổi bật là năm 2019 cả 3 thôn Đồng Bào, Đồng Chí, Đồng Minh đã về đích NTM. Không bằng lòng với kết quả đã đạt được, cấp ủy và Nhân dân các thôn lại tiếp tục xây dựng địa phương lên tầm cao mới, với mục tiêu sớm hoàn thành XDNTM nâng cao.

Nỗ lực XDNTM, các chi bộ tập trung lãnh đạo Nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ. Ví như ở thôn Đồng Chí, từ năm 2012, lãnh đạo thôn đã đấu mối với HTX dịch vụ nông nghiệp xã giúp Nhân dân đưa giống lúa mới, chất lượng cao, như: Bắc Thơm, Thiên Ưu, nếp cái hoa vàng vào thâm canh trên các xứ đồng. Đồng thời, tập trung phát huy lợi thế của đất đai để đưa các cây trồng vụ đông có giá trị kinh tế cao, như: Bầu, bí, ớt xuất khẩu, ngô ngọt vào sản xuất. Nhờ vậy, đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người trong thôn được nâng lên 40 triệu đồng/năm. Còn ở các thôn Đồng Bào, Đồng Minh, cùng với duy trì nghề trồng dâu nuôi tằm, sản xuất vụ đông, được sự tuyên truyền, hướng dẫn của chi bộ, ban công tác mặt trận thôn, Nhân dân địa phương đã xây dựng các mô hình gia trại nuôi trồng thủy sản, gia cầm trên đất lúa kém hiệu quả, mang lại thu nhập cao. Ngoài ra, người dân trong thôn còn tích cực tham gia các lớp đào tạo nghề để có cơ hội đi xuất khẩu lao động, làm việc ở khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tính đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của thôn Đồng Minh đạt 43 triệu đồng/năm; thu nhập người dân thôn Đồng Bào cũng đạt 47 triệu đồng/năm.

Những ngày thu Tháng Tám lịch sử lại về với cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới như vừa nhắc nhớ cán bộ, đảng viên và Nhân dân các làng quê cách mạng Thiệu Minh xưa về những dấu son lịch sử năm xưa, vừa cổ vũ họ phát huy truyền thống kiên trung, đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.

Trần Thanh


Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]