(Baothanhhoa.vn) - Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - dấu mốc quan trọng đánh dấu lần đầu tiên mọi người dân Việt Nam biết đến quyền và nghĩa vụ công dân. Giá trị của nền Độc lập - Tự do được đánh đổi bằng trí tuệ, mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ đồng bào, chiến sĩ đến nay tiếp tục được giữ gìn, phát huy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vui Tết Độc lập

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - dấu mốc quan trọng đánh dấu lần đầu tiên mọi người dân Việt Nam biết đến quyền và nghĩa vụ công dân. Giá trị của nền Độc lập - Tự do được đánh đổi bằng trí tuệ, mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ đồng bào, chiến sĩ đến nay tiếp tục được giữ gìn, phát huy.

Vui Tết Độc lậpMừng Tết Độc lập, trên khắp các tuyến phố của TP Thanh Hóa đều được trang hoàng cờ hoa rực rỡ. Ảnh: Phạm Nam

Kể từ “Tết Độc lập” đầu tiên ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công - Tết Độc lập vẫn được Nhân dân ta hân hoan tổ chức trong dịp mừng Quốc khánh 2-9 hằng năm. Đối với người dân Việt Nam, Ngày Quốc khánh 2-9 còn mang ý nghĩa và giá trị lớn hơn cả Tết Nguyên đán, bởi đó là ngày khai sinh ra nước Việt Nam. Từ đêm trường nô lệ, lần đầu tiên trong lịch sử, mọi người dân Việt Nam đã có quyền và nghĩa vụ công dân thiêng liêng, cao cả của mình và có quyền tự hào về thành quả cách mạng, về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và dân tộc anh hùng. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm của lịch sử, cứ vào ngày đặc biệt này, khắp nơi trên đất nước Cờ Quốc kỳ vẫn luôn là biểu tượng thiêng liêng cao cả tung bay khắp các góc phố, đường làng ngõ xóm, ngoài hải đảo xa xôi...

Tết Độc lập năm nay có phần khác biệt hơn mọi năm khi cả nước đang gồng mình chống dịch COVID-19 nên các hoạt động kỷ niệm, vui chơi giải trí tập trung đông người tạm dừng. Nhưng trong tâm tưởng của mỗi người dân Việt, thì Tết Độc lập vẫn rộn ràng. Ngày này những năm trước, nhiều địa phương trong tỉnh rực rỡ cờ, hoa và tổ chức nhiều hoạt động vui tết, trong đó có các lễ hội của đồng bào vùng sâu, vùng xa. Tại các huyện miền núi của tỉnh như: Mường Lát, Lang Chánh, Ngọc Lặc... đồng bào dân tộc Mường, Thái, Mông... thường tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục - thể thao... Người dân các thôn, bản mong chờ đến ngày Tết Độc lập và chuẩn bị chu đáo từ nhiều ngày trước đó, lựa chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất, nô nức cùng nhau đến nhà văn hóa xã, thôn, bản vui ngày Tết Độc lập, tham gia các trò chơi dân gian thỏa thích sau những ngày làm lụng vất vả, như: ném còn, đánh đu, nhảy sạp, uống rượu cần, thi đánh bóng chuyền hơi, kéo co... Kết thúc các chuỗi hoạt động là bữa cơm liên hoan thân mật, ấm cúng của dân làng mang ý nghĩa đoàn kết, có tính cộng đồng cao. Tại các huyện miền xuôi, người người, nhà nhà cùng nhau đi tham quan, dâng hương tại các điểm di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử văn hóa, đi chùa cầu bình an và đến các điểm địa phương tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí... Niềm vui của Ngày Quốc khánh - Tết Độc lập hiện diện từ ánh mắt, nụ cười, gương mặt của bao thế hệ người Việt Nam suốt 75 năm qua. Bởi ai cũng hiểu rằng, ngày Tết đặc biệt ấy là thành quả cách mạng vĩ đại do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là hạnh phúc của người dân Việt Nam. Vậy nên, trong ngày vui Tết Độc lập chúng ta càng phải biết bổn phận của mỗi người dân là tiếp tục giữ gìn, xây dựng niềm hạnh phúc ấy ngày càng lan tỏa và trở thành động lực, niềm tin nâng bước chúng ta trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát triển.

Xúc động khi được đón thêm một cái Tết Độc lập, ông Nguyễn Văn Biền (hơn 60 năm tuổi Đảng) xã Thiệu Tiến (Thiệu Hóa) kể: “Cách mạng Tháng Tám - 1945 khi ấy tôi mới 8 tuổi và tham gia đội thiếu niên hô khẩu hiệu ủng hộ cách mạng lâm thời năm 1945. Tết Độc lập đầu tiên tôi không nhớ lắm, nhưng trong tiềm thức của tôi, trước Cách mạng Tháng Tám quê hương có 90% hộ đói, thiếu học và bị đàn áp bóc lột. Nhưng từ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, người dân chúng tôi được chia ruộng sản xuất, được đi học... Cá nhân tôi đã chọn cho mình con đường đi theo Đảng để được trưởng thành và đóng góp nhiều hơn cho quê hương. Tôi đi bộ đội rồi công tác tại Bộ Cơ khí luyện kim (nay là Bộ Công Thương). Năm 1982, tôi nghỉ chế độ BHXH tại địa phương. Tết Độc lập lần thứ 75 này, tôi đã 83 tuổi, chứng kiến sự đổi thay của quê hương cách mạng cũng như sự phát triển của tỉnh, của đất nước, tôi thực sự phấn khởi và biết ơn Đảng”.

Trong ký ức của tôi, Tết Độc lập tràn đầy niềm vui, hào hứng không chỉ với người lớn mà với trẻ con chúng tôi nữa. Trước ngày 2-9 mọi năm, cứ sáng ra tiếng loa phát thanh của phố đã vang lên. Nhà nào cũng treo cờ, cùng nhau dọn vệ sinh đường phố sạch sẽ. Không khí chuẩn bị cho ngày Quốc khánh rộn ràng khắp phố khiến chúng tôi thấy phấn chấn lạ kỳ. Giờ đây, Tết Độc lập ít được gọi tên mà nhiều người gọi là ngày Quốc khánh - ngày mà công nhân, viên chức, người lao động cả nước được nghỉ ngơi sau một thời gian làm việc vất vả.

Là người từng đi qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, cựu thanh niên xung phong Lê Thị Xứng, xã Triệu Thành (Triệu Sơn) hiểu, để có ngày độc lập, cả dân tộc đã phải đánh đổi xương máu của bao thế hệ người Việt Nam yêu nước. Hiện nay, cuộc sống đầy đủ hơn, dịp Quốc khánh, nhiều hộ trong xã, trong huyện, trong tỉnh tổ chức cho gia đình mình bữa tiệc nhỏ. Riêng gia đình của bà, bà không quên kể cho con cháu nghe về lịch sử đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, về ý nghĩa của ngày Quốc khánh như một cách để giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ trước hết trong gia đình.

Mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị đều căn cứ vào nhiệm vụ và tình hình thực tế để tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua cụ thể, thể hiện tình cảm, sự tri ân với đất nước trong Quốc khánh 2-9. Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, người dân Thanh Hóa đang tích cực thi đua lao động, sản xuất, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, nhân thêm niềm vui trong ngày Độc lập. Đó cũng là cách tỏ lòng tri ân bao thế hệ người Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để giành độc lập dân tộc. Với ý nghĩa và giá trị to lớn ấy, ngày Tết Độc lập sẽ mãi là niềm tự hào, là lý tưởng của các thế hệ người dân Việt Nam.

Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]