(Baothanhhoa.vn) - Cách đây 70 năm tại núi Hồng - Thái Nguyên, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch quyết định thành lập Đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác đầu tiên để làm nhiệm vụ như bộ đội công binh, bộ đội hậu cần phục vụ chiến dịch Biên giới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam (15-7-1950 – 15-7-2020)

Vang mãi truyền thống cựu thanh niên xung phong Việt Nam

Vang mãi truyền thống cựu thanh niên xung phong Việt Nam

Lãnh đạo Hội Cựu TNXP tỉnh thăm mô hình kinh tế đồi rừng của hội viên Lê Xuân Viễn, huyện Lang Chánh. Ảnh: lê mạnh dũng (Hội Cựu TNXP tỉnh)

Cách đây 70 năm tại núi Hồng - Thái Nguyên, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch quyết định thành lập Đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác đầu tiên để làm nhiệm vụ như bộ đội công binh, bộ đội hậu cần phục vụ chiến dịch Biên giới.

Đội TNXP đầu tiên có 5 đồng chí trong ban chỉ huy do đồng chí Vương Bích Vượng - Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cứu quốc làm đội trưởng kiêm Bí thư chi bộ. Đội gồm 225 cán bộ, chiến sĩ thanh niên là nam giới, khỏe mạnh, có nhận thức chính trị, hăng hái xung phong hiến dâng tuổi trẻ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc theo đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đội TNXP công tác mang biệt danh XP. Tháng 10-1950, Trung ương Đảng quyết định thành lập Đội TNXP công tác thứ II gồm 1.737 cán bộ, đội viên cả nam, nữ tổ chức thành 8 liên phân đội phục vụ chiến dịch Trung du. Tháng 3-1951, Đội TNXP công tác thứ II được bổ sung 9 liên phân đội với 3.000 cán bộ, chiến sĩ.

Tháng 9-1953, đồng chí Vũ Kỳ báo cáo với Bác Hồ về thành công của các đội TNXP, Bác chỉ thị tuyển thêm 9.000 cán bộ, chiến sĩ để thành các đoàn TNXP có 1 vạn người mang biệt danh XP. Các đội TNXP-XP hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Bác Hồ và Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp khen ngợi toàn quân. Từ một đội TNXP đã phát triển thành đoàn TNXP mang biệt danh XP với con số hàng nghìn TNXP có nhiệm vụ làm tới 30 loại công việc khác nhau, từ mở đường vận chuyển hàng hóa, vũ khí, khí tài đến sản xuất dụng cụ lao động, cứu thương bộ đội, xây dựng cầu kè, rà phá bom mìn, sản xuất lương thực... đã góp phần cùng với bộ đội và các hậu phương làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trong đó có đóng góp không nhỏ của gần 19.000 cán bộ, chiến sĩ TNXP Thanh Hóa. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, TNXP còn tiếp tục làm nhiệm vụ thu dọn chiến trường, mở đường biên giới Ma-Lù-Thàng, đi xây dựng các công, nông, lâm trường, nhà máy chè Phú Thọ, khu gang thép Thái Nguyên, đường sắt Hà Nội - Yên Bái, Hà Nội - Thanh Hóa - Vinh, Nhà máy Cao Xà Lá...

Bước vào thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược, ngày 25-5-1965, “Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước” được thành lập tại Thanh Hóa, gồm 9 đại đội của 14 huyện, thị trong tỉnh là cán bộ, đội viên nam được trang bị súng, ô tô tải, ô tô con, có bác sĩ, thợ cơ khí... Mỗi cán bộ, đội viên được trang bị một xe đạp Phượng Hoàng bắt đầu cuộc hành quân thần tốc chi viện cho Đoàn 559 Trường Sơn, góp phần vào Đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Đội TNXP xe đạp Phượng Hoàng Thanh Hóa được mang phiên hiệu Đội N21 và được Chính phủ tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Do chiến đấu dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sau này TNXP chống Mỹ cứu nước Thanh Hóa được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Những địa danh, những con đường huyền thoại đã thấm máu, mồ hôi, công sức hiến trọn tuổi thanh xuân của TNXP Thanh Hóa như Đường 20 Quyết Thắng, Đường 15A, Đường 16A, Đường 12 Đông - Tây Trường Sơn Quảng Bình - Quảng Trị nối với nước bạn Lào giữ cho những con đường giao thông vận tải hàng hóa ra mặt trận để miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, TNXP Thanh Hóa có 641 liệt sĩ, 3.627 thương binh, 381 người được hưởng chế độ da cam, 6 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là thân nhân của liệt sĩ TNXP; 4 tập thể gồm: Hội Cựu TNXP Thanh Hóa, Hang Tám Cô, 13 cô gái hy sinh tại núi Nấp, C296 Thanh Hóa thuộc N19 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Năm 2015, Đội 34-40-TNXP chống Pháp hầu hết là cán bộ, chiến sĩ người Thanh Hóa được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, tiêu biểu ở Thanh Hóa có Anh hùng Cao Xuân Thọ - đội trưởng đội phá bom ở ngã ba Cò Nòi. Mỗi chiến công đều là niềm tự hào của lực lượng TNXP chống Pháp, chống Mỹ.

Sau ngày thống nhất đất nước, theo chỉ thị của Đảng, Nhà nước, năm 1986 Thanh Hóa đã thành lập đội thanh niên tình nguyện (TNTN) với số lượng 29.000 người làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh và phát triển kinh tế mới.

Theo nguyện vọng của hội viên, ngày 15-7-1997, Ban liên lạc Hội TNXP tỉnh, tiền thân của Hội Cựu TNXP Thanh Hóa (năm 2005) có hệ thống từ tỉnh đến cơ sở với gần 70.000 hội viên (nay còn hơn 53.000 hội viên) đã làm tốt vai trò nhân chứng lịch sử, phối hợp với đoàn thanh niên và các ngành chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện các chế độ, chính sách đối với TNXP kháng chiến. Đến nay hơn 43 nghìn cựu TNXP được hưởng chế độ 1 lần, 1.078 người được hưởng chế độ thường xuyên, hầu hết các cựu TNXP kháng chiến đã được hưởng BHYT và khi qua đời đều được hỗ trợ tiền mai táng phí.

Hoạt động nghĩa tình đồng đội được xem là nhiệm vụ xuyên suốt có ý nghĩa thiết thực nhất của hội, thể hiện sự tri ân với đồng đội, người thân của đồng đội đã hy sinh, đồng thời giúp đỡ những đồng đội khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống. Các cơ sở hội đã xây dựng Quỹ Nghĩa tình TNXP đạt 1,3 triệu đồng/người, nâng tổng quỹ từ 12 tỷ đồng năm 2015 lên 65 tỷ đồng năm 2020. Nguồn quỹ này đã giúp nhiều hội viên phát triển kinh tế thoát nghèo. Từ năm 2010-2020, Hội đã vận động được các nhà tài trợ như: Quỹ Thiện Tâm-Tập đoàn Vingroup, Quỹ Từ thiện xã hội - Công đoàn giao thông – vận tải, Quỹ Bầu ơi - Ban công tác nữ Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam, Báo Tiền phong và các nhà tài trợ trong tỉnh hỗ trợ xây dựng gần 1.000 ngôi nhà, từ 30-60 triệu đồng/nhà; 3.000 sổ tiết kiệm từ 2 đến 5 triệu đồng (trong đó các cấp hội vận động hội viên đóng góp 1.000 sổ tiết kiệm giúp hội viên nghèo), vận động 5.000 suất quà tặng TNXP nghèo, ốm đau có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là chị em nữ cô đơn, khó khăn không nơi nương tựa.

Bụi thời gian có thể làm mờ đi quá khứ - nhưng hình ảnh cựu TNXP Thanh Hóa vẫn khắc sâu trong tâm trí của các thế hệ hôm nay và mai sau. Trên đường đổi mới và phát triển, tuy phần đông cựu TNXP có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đều chung tinh thần sống và làm việc theo gương Bác, vì nghĩa tình đồng đội, nhiều người luôn là tấm gương sáng cho con cháu noi theo trên tất cả các lĩnh vực.

Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập lực lượng TNXP Việt Nam, lực lượng TNXP và Hội Cựu TNXP Thanh Hóa tiếp tục phát huy truyền thống: Đoàn kết - Cần cù - Dũng cảm - Kiên cường - Sáng tạo, nỗ lực đoàn kết, làm tốt nghĩa tình đồng đội; đổi mới hoạt động, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động cựu TNXP Thanh Hóa làm theo lời Bác; xây dựng phong trào và tổ chức hội vững mạnh. Trước mắt tập trung chỉ đạo tổ chức đại hội khóa 4, nhiệm kỳ 2020-2025 tiến tới Đại hội Cựu TNXP toàn tỉnh cuối năm 2020; tổ chức tốt đợt thi đua cựu TNXP Thanh Hóa làm theo lời Bác lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025.

Lê Trung Sơn

Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh


Lê Trung Sơn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]