(Baothanhhoa.vn) - 70 năm qua, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhà trường đã không ngừng lớn mạnh và đóng góp quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trường Chính trị Thanh Hóa tiếp tục đổi mới toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới

70 năm qua, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhà trường đã không ngừng lớn mạnh và đóng góp quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh.

Trường Chính trị Thanh Hóa tiếp tục đổi mới toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới

Lớp trung cấp LLCT – HC cán bộ, lãnh đạo, quản lý tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào học tập tại Trường Chính trị Thanh Hóa.

Trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Người khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(1).

Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ Thanh Hóa đã rất quan tâm đến công tác đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng cán bộ. Năm 1949, giữa những tháng ngày gian khó, ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trước yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II đã ban hành quyết nghị án, trong đó đề cao tính “khẩn thiết” của công tác giáo dục, huấn luyện cán bộ, đảng viên. Khởi đầu là những lớp học lý luận chính trị, đến việc ra đời và hoạt động của các trường bồi dưỡng lý luận chính trị, với những mô hình tổ chức và tên gọi khác nhau, như: Trường Đảng Hoàng Văn Thụ, Trường Đoàn Thanh niên Thanh Hóa, Trường Cán bộ Công đoàn Thanh Hóa, Trường Trần Phú, Trường Lý luận chính trị tại chức, Trường Hành chính - Pháp lý tỉnh... và đến Trường Chính trị tỉnh ngày nay. Năm 2009, thể theo nguyện vọng của các thế hệ cán bộ, giảng viên và học viên nhà trường, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đồng ý lấy ngày Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II (4-6-1949) làm Ngày truyền thống nhà trường.

Ra đời trong những ngày, tháng gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trải qua các thời kỳ cách mạng hào hùng của quê hương, đất nước, suốt 70 năm qua, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhà trường đã không ngừng lớn mạnh và đóng góp quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh. Từ trong những tháng năm gian khổ, đầy thử thách cho đến nay, phát huy truyền thống đoàn kết, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng; giữ kỷ luật, kỷ cương; đoàn kết gắn bó, trong sáng, nghĩa tình; sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ hy sinh, thi đua “dạy tốt, học tốt”; đã đào tạo, bồi dưỡng cho hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh và một số địa phương trong cả nước nhiều thế hệ cán bộ, đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Nhiều thế hệ học viên của nhà trường đã trở thành cán bộ chủ chốt của nhiều cơ quan, đơn vị, nhất là hệ thống chính trị cấp cơ sở; nhiều đồng chí trở thành cán bộ lãnh đạo quản lý năng động, sáng tạo và tâm huyết, luôn nêu cao tinh thần cách mạng, ý chí khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhà trường luôn bám sát và quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy gắn với thực tiễn của địa phương, không ngừng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên ngày càng vững mạnh; thường xuyên cải tiến nội dung và đổi mới phương pháp giảng dạy; chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh nhà.

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, từ năm 2010 đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, địa phương trong tỉnh; sự nỗ lực, quyết tâm đổi mới của toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã được đổi mới, phát triển toàn diện và đạt kết quả nổi bật. Tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành và hoàn thiện thể chế về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đề xuất UBND tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, phê duyệt quy hoạch mở rộng không gian nhà trường từ 3,5 ha lên 12 ha. Cùng với việc quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, chủ động xã hội hóa cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất đồng bộ, tạo diện mạo mới theo hướng sạch hơn, sáng hơn, xanh hơn, đẹp hơn đáp ứng yêu cầu phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập, vui chơi, giải trí của cán bộ, giảng viên, học viên. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu thực tiễn(2). Đến nay, 100% cán bộ quản lý, giảng viên đã đạt và vượt chuẩn về trình độ lý luận chính trị, về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (trong đó, có 7 tiến sĩ và nghiên cứu sinh, 45 thạc sĩ). Công tác đào tạo, bồi dưỡng được đổi mới đồng bộ, quy mô được mở rộng, chất lượng không ngừng được nâng lên. Hằng năm đã đào tạo, bồi dưỡng trên 10.000 học viên/năm. Đặc biệt, trong giai đoạn này nhà trường tạo dấu ấn trong đào tạo hợp tác quốc tế (giai đoạn 2017 - 2020, đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho 150 cán bộ lãnh đạo cấp phòng tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào); phối hợp với 27 huyện, thị, thành ủy mở các lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn ban chấp hành đảng bộ và các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026. Qua đào tạo, bồi dưỡng, vừa góp phần chuẩn hóa, vừa nâng cao phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trước mắt và phục vụ sự nghiệp cách mạng lâu dài của tỉnh.

Trường Chính trị Thanh Hóa tiếp tục đổi mới toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới

GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo học viện chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học cấp Bộ “Xây dựng Trường Chính trị chuẩn đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học trong giai đoạn hiện nay” tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa (ngày 15-9-2019). Ảnh: Hoài Linh

Với tư duy mới và cách làm sáng tạo theo phương châm “Sâu địa bàn, sát lĩnh vực, phát hiện kịp thời”, đề xuất giải pháp và tư duy nguồn lực: Xã hội hóa nghiên cứu tìm hiểu, ưu tiên nghiên cứu phát hiện, khuyến khích nghiên cứu tư vấn, nhà trường đã thực hiện tốt phương châm gắn nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Từ năm 2010 đến nay, đã tham mưu, phối hợp và chủ trì tổ chức thành công 15 hội thảo khoa học cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh; hàng trăm hội thảo cấp trường, hội thảo chuyên đề cấp khoa. Chủ trì, bảo vệ thành công 4 đề tài khoa học cấp bộ, 10 đề tài khoa học cấp tỉnh. Đặc biệt đã phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - sự thật, Nhà xuất bản Thanh Hóa biên tập 28 sách tham khảo, chuyên khảo; phát hành 36 số tập san nghiên cứu lý luận và thực tiễn với số lượng 2.500 cuốn/số phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy cho cán bộ, giảng viên và công tác lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh.

Bước vào thời kỳ mới, trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”(3); tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực, phong cách làm việc hiệu quả đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN(4); xây dựng Trường Chính trị tỉnh thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh và khu vực(5), đòi hỏi Trường Chính trị tỉnh phải tiếp tục đổi mới, giải quyết hài hòa 5 mối quan hệ: Đổi mới, ổn định và phát triển; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ; giữa quy mô và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; giữa đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; đổi mới nhà trường phải bám sát, gắn liền với sự phát triển của tỉnh, các ngành, địa phương trong tỉnh. Đồng thời tiếp tục khẳng định cụ thể hóa mô hình phát triển 5 nhất, 4 trụ cột, 5 định hướng đổi mới. Trong đó, xác định lấy nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là trung tâm; đổi mới công tác quản lý là then chốt; đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá là đột phá; xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Theo đó, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới đồng bộ và nâng cao chất lượng công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng. Trước mắt tham mưu xây dựng đề án tổng thể phát triển Trường Chính trị từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, phê duyệt. Chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch về các lĩnh vực gắn với chức năng, nhiệm vụ của nhà trường. Tiếp tục cải tiến nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng rõ hơn về lý luận, sát đối tượng, phù hợp với thực tiễn; đổi mới, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng vừa đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, vừa nâng cao phẩm chất, năng lực cho đội ngũ ở các địa phương, đơn vị. Tạo đột phá trong đổi mới phương pháp dạy - học; quản lý đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Tiếp tục tham mưu và tổ chức có hiệu quả chương trình hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào.

Thứ hai, phát triển toàn diện công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Bám sát mục tiêu, định hướng nhiệm vụ khoa học, các chương trình trọng tâm, các khâu đột phá của tỉnh, lựa chọn vấn đề nghiên cứu vừa mang tính thời sự, vừa mang tính chiến lược, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn địa phương; chắt lọc những kết quả nghiên cứu để chủ động tư vấn cho cấp uỷ, chính quyền địa phương những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Nâng cao chất lượng biên soạn các chương trình bồi dưỡng, tập san nghiên cứu lý luận và thực tiễn, sách chuyên khảo, tham khảo phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý đảm bảo tính khoa học, cập nhật, hiện đại, phù hợp với đối tượng, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Tập trung làm sáng tỏ những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra phục vụ trực tiếp cho việc bổ sung, hoàn thiện chương trình, bài giảng; đồng thời đóng góp tích cực vào Dự thảo Văn kiện đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026.

Thứ ba, quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, coi đây là khâu đột phá, then chốt, vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Đổi mới đồng bộ và gắn kết giữa các khâu từ công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển đến việc đánh giá, bổ nhiệm, đề xuất nâng ngạch, bậc và thực hiện chính sách cán bộ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phương châm 3 tốt “định hướng tốt - cơ chế tốt - môi trường tốt” trong phát triển đội ngũ. Trong đó, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng nâng cao về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy; đồng thời quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên qua môi trường thực tiễn; tăng cường trao đổi giữa giảng viên thỉnh giảng (là các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia...) nhằm xây dựng đội ngũ có đủ phẩm chất, tố chất, năng lực của một nhà giáo, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý.

Thứ tư, xây dựng và triển khai mô hình quản trị thông minh. Từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất - kỹ thuật tương xứng với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nhà trường, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cả trước mắt và lâu dài. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt, vui chơi giải trí của cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường. Xây dựng và ứng dụng bộ tiêu chuẩn ISO 9001:2015 trong quản lý chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

Thứ năm, tiếp tục xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng. Cụ thể hóa 5 giá trị chuẩn mực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh “kiên định, kỷ cương, đoàn kết, nêu gương, sáng tạo” theo chủ đề hàng năm gắn với tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua 5 tốt “nghiên cứu tốt, tham mưu tốt, quản trị tốt, dạy - học tốt, tư vấn tốt” xây dựng nhà trường đạt chuẩn kiểu mẫu. Giữ gìn, phát huy truyền thống, bản chất văn hóa trường Đảng “cống hiến trong thực thi công vụ, cầu thị, sáng tạo, chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, kỷ cương nơi công sở, văn minh trong ứng xử”(6). Chú trọng xây dựng tác phong, hình ảnh của cán bộ, giảng viên, học viên trong nghiên cứu, giảng dạy, học tập, rèn luyện. Tiếp tục duy trì và phát huy tốt mô hình “Tập thể lớp kiểu mẫu”, “Học viên gương mẫu” trong học tập và rèn luyện của học viên, hướng tới xây dựng môi trường học tập, làm việc chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại.

70 năm xây dựng và trưởng thành - một dấu mốc đặc biệt quan trọng trên hành trình phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đạt chuẩn kiểu mẫu của tỉnh, ở khu vực và trong cả nước, đã và đang trở thành động lực quan trọng cho toàn thể cán bộ, giảng viên và học viên nhà trường tự hào về truyền thống, trách nhiệm với hiện tại, vững tin vào tương lai tươi sáng, chung sức đồng hành cùng sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước, cùng khơi dậy khát vọng vươn lên vì một Thanh Hóa thịnh vượng, kiểu mẫu.

(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2002.

(2). Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12-3-2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020.

(3). Theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

(4). Theo tinh thần Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.

(5). Theo tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

(6). Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26-10-2017 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

TS. Lương Trọng Thành

Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh


TS. Lương Trọng Thành

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]