(Baothanhhoa.vn) - Mùa xuân năm 1804, vua Gia Long dời trấn thành Thanh Hóa từ làng Dương Xá, xã Thiệu Dương về làng Thọ Hạc và gọi là Hạc Thành. Từ đây, vùng đất này bắt đầu sứ mệnh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của xứ Thanh. Những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã minh chứng cho khát vọng vươn lên của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

TP Thanh Hóa - những thành tựu đạt được và khát vọng vươn lên

Mùa xuân năm 1804, vua Gia Long dời trấn thành Thanh Hóa từ làng Dương Xá, xã Thiệu Dương về làng Thọ Hạc và gọi là Hạc Thành. Từ đây, vùng đất này bắt đầu sứ mệnh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của xứ Thanh. Những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã minh chứng cho khát vọng vươn lên của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Thanh Hóa.

TP Thanh Hóa - những thành tựu đạt được và khát vọng vươn lên

Những khu đô thị mới đang được hình thành tạo nên điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan của TP Thanh Hóa.

Diện mạo đô thị mới

TP Thanh Hóa những ngày cuối tháng 10, khắp nơi đỏ thắm cờ Ðảng, cờ Tổ quốc chào mừng Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Sau hơn 6 năm được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, vùng đất Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa hôm nay đã khoác lên mình dáng dấp mới, khang trang hơn, hiện đại hơn. Tháng 1-2015, cây cầu Nguyệt Viên nối đôi bờ sông Mã được khánh thành trong niềm hân hoan, phấn khởi của người dân TP Thanh Hóa và các địa phương lân cận. Hơn nửa thập kỷ qua, cây cầu Nguyệt Viên không chỉ đóng vai trò kết nối giao thương, mở rộng không gian đô thị bên bờ Bắc sông Mã, mà còn tạo nhịp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Ở cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng cụ Vũ Đức Vận, người làng Vĩnh Trị, xã Hoằng Quang, vẫn vẹn nguyên niềm vui khi hòa cùng đông đảo Nhân dân dạo bước trên cây cầu Nguyệt Viên trong lễ khánh thành 5 năm về trước. Cụ Vận chia sẻ: “Hôm đó tiết trời khá lạnh, nhưng người dân trong xã vẫn đến tham dự lễ khánh thành rất đông. Sau nghi lễ cắt băng khánh thành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh, người dân chúng tôi đã tảo bộ trên cây cầu, nhìn ngắm quê hương Hoằng Quang, ngắm dòng sông Mã hùng vĩ. Phấn khởi lắm!”. Từ năm 2012, xã Hoằng Quang sáp nhập về TP Thanh Hóa. Trở thành công dân thành phố, cụ Vận và người dân xã Hoằng Quang đều cảm nhận rõ sự phát triển đi lên không ngừng của thành phố.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020, với chương trình trọng tâm “Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và mở rộng không gian thành phố theo quy hoạch”. Bằng các đề án, giải pháp sát hợp, thành phố đã tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch theo hướng tuân thủ, đồng bộ giữa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành, lĩnh vực. Hiện nay, TP Thanh Hóa đã phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 toàn thành phố; phê duyệt và trình phê duyệt 51 mặt bằng quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500, với tổng diện tích hơn 237 ha; phối hợp với Sở Xây dựng lập, trình thẩm định quy hoạch chung đô thị TP Thanh Hóa đến năm 2040. Đặc biệt, trong công tác quy hoạch, thành phố đã tranh thủ ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, phối hợp với các tập đoàn lớn nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết một số dự án trọng điểm trên địa bàn như: Khu đô thị Hồ Thành, khu đô thị mới hai xã Long Anh và Hoằng Quang, khu vực Hàm Rồng - núi Đọ...

Đi liền với công tác quy hoạch, thành phố đã tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối các khu đô thị, kết nối nội thị với ngoại thị, cũng như các vùng kinh tế trọng điểm trong và ngoài tỉnh. Giai đoạn 2016–2020 đã đầu tư, nâng cấp hơn 154km đường giao thông nội thị, 239km cống, rãnh tiêu thoát nước, hạ ngầm 81km đường điện chiếu sáng, 148km cáp viễn thông, lắp đặt 165 trạm biến áp và 119,5km đường dây điện. Bên cạnh đó, thành phố còn quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt cho 5 xã gồm: Quảng Đông, Quảng Cát, Thiệu Dương, Thiệu Khánh, Thiệu Vân. Sự đổi thay của TP Thanh Hóa còn được thể hiện rõ khi nhiều tuyến đường lớn được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng như đường vành đai phía Tây, đường vành đai Đông - Tây, đường Voi - Sầm Sơn, nâng cấp Quốc lộ 1A, Quốc lộ 47 đoạn qua thành phố. Nổi bật hơn cả và tạo nên vẻ đẹp, điểm nhấn về kiến trúc của bộ mặt đô thị thành phố phải kể đến Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Thanh Hóa và các Shophouse khu dân cư phường Điện Biên, Dự án Vinhome Star City Thanh Hóa, khu đô thị Đông Hải, khu đô thị núi Long, Trung tâm hành chính thành phố. Khoảng 4 năm về trước, dọc Đại lộ Nguyễn Hoàng và Đại lộ Nam sông Mã là những cánh đồng. Giờ đây, với dòng vốn đầu tư của các tập đoàn các khu đô thị Vinhomes Star City Thanh Hóa, Eurowindow Garden City, Đông Hải với quần thể công trình mang kiến trúc hiện đại, mang phong cách châu Âu không chỉ tô điểm cho diện mạo của TP Thanh Hóa, mà còn trở thành nơi “đáng sống” của người dân xứ Thanh.

TP Thanh Hóa đang thay da đổi thịt từng ngày. Điều đó không chỉ thể hiện ở diện mạo đô thị mà khu vực ngoại thành cũng có nhiều đổi thay toàn diện. Vận dụng những cách làm sáng tạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, TP Thanh Hóa đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới sớm trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Đáng kể nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ; khoảng cách thu nhập giữa người dân khu vực ngoại thành và nội thành đã rút ngắn lại. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của các xã ngoại thành đạt 43,6 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã sau khi về đích nông thôn mới giảm xuống dưới 5%. Đây thực sự là những “quả ngọt” mà TP Thanh Hóa gặt hái được trong xây dựng nông thôn mới.

Khẳng định vị trí đầu tàu kinh tế

Hòa vào bức tranh kinh tế sôi động của cả tỉnh, trong nhiệm kỳ qua, kinh tế của TP Thanh Hóa có sự tăng trưởng cao, năng lực và quy mô giá trị sản xuất ngày càng lớn mạnh. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 16,5%, cao hơn 1,5 điểm % so với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2015. Cơ cấu các ngành kinh tế trong giá trị sản xuất chuyển dịch theo hướng tích cực. Theo đó, tỷ trọng nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 5,7% vào năm 2015 xuống còn 3% vào năm 2020; công nghiệp, xây dựng tăng từ 63,1% lên 64,7%; dịch vụ tăng từ 31,2% lên 32,3%. Cơ cấu trong nội bộ các ngành kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng khai thác và phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế để nâng cao hiệu quả sản xuất và gắn với thị trường tiêu thụ. Trong đó, ngành dịch vụ - thương mại của thành phố phát triển nhanh cả về quy mô, loại hình, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân, khẳng định vai trò đầu mối giao thương trong và ngoài tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 17,8%, vượt mục tiêu kế hoạch 1,2%. Hoạt động xuất khẩu đạt kết quả cao, kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 18,4%; năm 2020 ước đạt 1.750 triệu USD, gấp 2,32 lần so với năm 2015. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ bình quân hàng năm tăng 25,4%, năm 2020 dự kiến đạt 65.000 tỷ đồng, gấp 3,1 lần so với năm 2015. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng cao, với tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 16,8%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Toàn thành phố đã chuyển đổi 638,42 ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đi liền với đó, môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố được cải thiện, huy động vốn đầu tư phát triển vượt mục tiêu đề ra. Giai đoạn 2016-2020, toàn thành phố có 202 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 3 dự án từ nguồn vốn FDI với tổng số vốn đầu tư 274 tỷ đồng. Huy động vốn đầu tư phát triển đạt 143.010 tỷ đồng, gấp 2,13 lần giai đoạn 2011-2015, chiếm 23,3% tổng huy động vốn đầu tư toàn tỉnh; vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp và dân cư ngày càng chiếm tỷ trọng cao, tăng từ 46,32% giai đoạn 2011-2015 lên 62,87% giai đoạn 2016-2020. Thu ngân sách giai đoạn 2016-2020 đạt 22.500 tỷ đồng, chiếm 18,4% tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh, bình quân hàng năm tăng 9,5%. Doanh nghiệp phát triển nhanh cả về số lượng và cơ cấu ngành nghề hoạt động; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh. Giai đoạn 2016-2020, thành phố đã thành lập 4.675 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn lên 6.478 doanh nghiệp, bình quân có 192,3 doanh nghiệp/vạn dân, gấp hơn 2,5 lần so với năm 2015. Cùng với phát triển kinh tế và đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị, văn hóa - xã hội cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được nâng lên, lượng khách du lịch đến thành phố ngày càng tăng. Giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện, nhất là chất lượng mũi nhọn ngày càng được nâng cao. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được nâng lên; an sinh xã hội được chăm lo, bảo đảm; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Hiện thực hóa mục tiêu đô thị thông minh

Những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020 là sự kết tinh của ý chí, khát vọng vươn lên của toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân TP Thanh Hóa. Thành tựu ấy đang tạo ra nền tảng vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố hiện thực hóa mục tiêu xây dựng TP Thanh Hóa đến năm 2025 trong nhóm đô thị loại I trực thuộc tỉnh hàng đầu cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Để đạt được mục tiêu lớn đề ra, bên cạnh phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Đảng bộ, chính quyền thành phố đang bắt đầu “guồng quay” thực hiện công tác quy hoạch và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ. Trọng tâm là phát triển đô thị hiện hữu thành 6 phân vùng trên địa bàn thành phố. Chỉ ít năm nữa thôi, cùng với vùng đô thị lõi của TP Thanh Hóa, với các trung tâm thương mại sầm uất, khu dân cư mới đẹp và đẳng cấp, thì những thửa ruộng trên địa bàn 2 xã Hoằng Quang và Long Anh sẽ hình thành khu đô thị mới và trở thành trung tâm đô thị, dịch vụ - tài chính và thương mại của dải đô thị phía Bắc sông Mã TP Thanh Hóa. Không chỉ tạo ra điểm nhấn mới cho bộ mặt đô thị thành phố với kết cấu hạ tầng, không gian kiến trúc mang những nét đặc trưng của các nước châu Âu và theo hướng thông minh, sinh thái, hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0. Hay khu vực Hàm Rồng - núi Đọ sẽ hiện hữu các khu đô thị sinh thái, vùng nông nghiệp công nghệ cao, điểm du lịch về bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, khảo cổ. Đây chắc chắn sẽ là 2 trong 6 phân vùng để Đảng bộ, chính quyền TP Thanh Hóa hiện thực hóa ý tưởng “Thành phố hai bên bờ sông Mã”.

Trong hành trình đi tới tương lai, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng với khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Thanh Hóa tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa lịch sử, tinh thần đoàn kết, sáng tạo để xây dựng TP Thanh Hóa văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng và là thành phố “đáng sống”.

Bài và ảnh: Trần Thanh


Bài và ảnh: Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]