(Baothanhhoa.vn) - Ngày 12-2-1961, thực hiện chủ trương của Trung ương về việc kết nghĩa giữa các địa phương 2 miền Nam - Bắc, lễ kết nghĩa giữa thị xã Thanh Hóa và thị xã Hội An đã được tổ chức tại thị xã Thanh Hóa. Trải qua hơn nửa thế kỷ, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 thành phố luôn kề vai sát cánh, cùng tạo dựng những giá trị tinh thần, vật chất to lớn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

TP Thanh Hóa – TP Hội An: Tình sâu nghĩa nặng, hướng tới tương lai

Ngày 12-2-1961, thực hiện chủ trương của Trung ương về việc kết nghĩa giữa các địa phương 2 miền Nam - Bắc, lễ kết nghĩa giữa thị xã Thanh Hóa và thị xã Hội An đã được tổ chức tại thị xã Thanh Hóa. Trải qua hơn nửa thế kỷ, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 thành phố luôn kề vai sát cánh, cùng tạo dựng những giá trị tinh thần, vật chất to lớn.

TP Thanh Hóa – TP Hội An: Tình sâu nghĩa nặng, hướng tới tương lai

Hát Bài chòi và trò chơi dân gian truyền thống của TP Hội An được tái hiện giữa lòng TP Thanh Hóa.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ và nhân dân thị xã Thanh Hóa đã phát động các phong trào “Vì miền Nam, vì Hội An”, “Lập công cao nhất vì Quảng Nam”, chi viện sức người, sức của phục vụ chiến trường. Nhiều người con quê Thanh trực tiếp tham gia chiến đấu, sát cánh cùng nhân dân miền Nam, nhân dân Quảng Nam, Hội An để giải phóng quê hương. Nhiều công trình ý nghĩa mang tên Hội An đã được xây dựng tại Thanh Hóa ngay trong những năm tháng chiến tranh như rạp chiếu phim, công viên, thư viện... Sau ngày thống nhất đất nước, Đảng bộ, nhân dân 2 thành phố tiếp tục đồng cam cộng khổ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau khôi phục sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Những năm gần đây, nhiều công trình văn hóa, giáo dục ghi dấu mối tình kết nghĩa giữa TP Thanh Hóa – TP Hội An đã được xây dựng ngay trên 2 mảnh đất bên bờ sông Thu Bồn và sông Mã. Nằm giữa trung tâm TP Thanh Hóa phải kể đến Công viên văn hóa Hội An. Công viên có không gian thoáng đãng, không chỉ là nơi vui chơi giải trí cho người dân thành phố, mà nơi đây còn mang những nét đặc trưng của TP Hội An như: Phiên bản chùa Cầu, trụ biểu và nhà lưu niệm trưng bày những hiện vật của 2 thành phố. Còn trên mảnh đất Quảng Nam, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Thanh Hóa đã dành tặng TP Hội An 2 công trình văn hóa và giáo dục. Đó là Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu, nằm trên đường Phan Châu Trinh, với tổng kinh phí đầu tư gần 10 tỷ đồng. Ngôi trường 2 tầng với quy mô 5 dãy phòng học và 9 phòng chức năng. Công trình thứ 2 là Thư viện Thanh Hóa nằm trên đường Nguyễn Trường Tộ. Thư viện được xây dựng trên tổng diện tích hơn 6.000m2 với nhiều hạng mục khác nhau và tổng kinh phí đầu tư hơn 10 tỷ đồng. 58 năm mùa xuân kể từ ngày kết nghĩa, diện mạo của TP Thanh Hóa và TP Hội An đã có nhiều khởi sắc, ngày càng khang trang, to đẹp. Đây là những thành quả minh chứng cho tình cảm gắn bó keo sơn, đoàn kết cùng nhau phát triển giữa 2 thành phố.

Trong “Tuần văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An” đầu Xuân Kỷ Hợi 2019 được tổ chức ngay tại Công viên văn hóa Hội An (TP Thanh Hóa), là dịp để người dân TP Thanh Hóa, du khách thập phương và bạn bè đến từ TP Hội An xa xôi được hòa mình giữa không gian mang đậm nét văn hóa truyền thống đặc trưng của 2 địa phương. TP Hội An vốn nổi tiếng bởi vẻ đẹp kiến trúc truyền thống của những ngôi nhà cổ, những con đường, ngõ phố in dấu của thời gian. Hiện nay, khoảng 1.000 di tích kiến trúc từ phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ của phố cổ Hội An vẫn được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Những tưởng rất xa nhưng ngay giữa lòng TP Thanh Hóa hôm nay hình ảnh phố cổ Hội An đã được tái hiện. Hòa quện với không gian kiến trúc phố cổ Hội An là mô hình làng cổ Đông Sơn, với những hình ảnh về ngôi nhà cổ của gia đình ông Lương Trọng Duệ, các ngõ Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng... Trong không gian văn hóa ẩm thực của TP Hội An và TP Thanh Hóa còn có các loại quà, bánh truyền thống như: Nem chua, chả tôm, bánh cuốn, cháo lươn, bánh khoái, bánh đúc, các món ốc xứ Thanh. Hay mực nướng, rượu nếp 6 Lý, bánh đậu xanh, tương ớt, cao lầu, bánh đập xứ Quảng. Không chỉ thưởng thức các món quà quê, người dân đến với “Tuần văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An” còn được nghe hát Bài chòi, Tú Huần, Chèo Chải... và tham gia các trò chơi dân gian truyền thống của 2 địa phương. Đến tham gia các hoạt động tại “Tuần văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An” chị Lê Thị Dung, ở phố Trần Mai Ninh, phường Ngọc Trạo, chia sẻ: “Qua tham quan mô hình phố cổ Hội An, thưởng thức các món quà quê, nghe hát Bài chòi, người dân chúng tôi hiểu hơn về văn hóa và con người Hội An nói riêng, xứ Quảng nói chung. Chắc chắn trong thời gian gần, tôi và gia đình sẽ đến TP Hội An để được trải nghiệm với những công trình kiến trúc cổ, văn hóa truyền thống xưa. Ngược lại, tôi tin rằng những người bạn đến từ TP Hội An sẽ có nhiều những ấn tượng tốt đẹp về mảnh đất và con người xứ Thanh”.

Hướng đến tương lai, “Tuần văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An” không chỉ là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 thành phố giao lưu, thắt chặt tình cảm keo sơn đồng chí, anh em, mà còn là cơ hội trao đổi, hợp tác phát triển kinh tế – xã hội, giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch của 2 thành phố.

Bài và ảnh: Thanh Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]