(Baothanhhoa.vn) - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Với sự phát triển công nghệ truyền thông mới, nền báo chí đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn. Điều này cũng đặt ra yêu cầu phải thay đổi kỹ năng tác nghiệp của phóng viên, thay đổi để thích nghi với những biến chuyển về công nghệ làm báo, cách thức tiếp cận thông tin của công chúng báo chí. Dưới đây là những ý kiến ghi nhận từ “những người trong cuộc”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làm báo trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0:

Tìm cơ hội trong thách thức

Tìm cơ hội trong thách thức

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Với sự phát triển công nghệ truyền thông mới, nền báo chí đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn. Điều này cũng đặt ra yêu cầu phải thay đổi kỹ năng tác nghiệp của phóng viên, thay đổi để thích nghi với những biến chuyển về công nghệ làm báo, cách thức tiếp cận thông tin của công chúng báo chí. Dưới đây là những ý kiến ghi nhận từ “những người trong cuộc”.

Làm báo trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0) đã, đang “bùng nổ” trên phạm vi toàn thế giới, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có báo chí. Tại Báo Thanh Hóa, mặc dù là cơ quan báo Đảng địa phương nhưng cũng đang đứng trước những đòi hỏi bức thiết để thích nghi.

Tác động rõ nhất của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với báo chí là việc ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật trên môi trường internet, sử dụng các thiết bị di động thông minh, sự xuất hiện của báo chí sử dụng công nghệ đa nền tảng, đa loại hình để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của mọi đối tượng bạn đọc trong kỷ nguyên truyền thông số; sự thay đổi về cơ cấu tổ chức tòa soạn theo mô hình hội tụ, thay đổi trong quy trình sản xuất các tác phẩm báo chí; việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội trong truyền thông...

Cũng như hầu hết các cơ quan báo chí ở Việt Nam, những năm gần đây Báo Thanh Hóa đã có những sự thay đổi mạnh mẽ để không đứng ngoài dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mà trước hết là sự chuyển đổi từ mô hình tòa soạn truyền thống sang mô hình tòa soạn hội tụ, từ sản xuất các tác phẩm đơn lẻ sang các tác phẩm đa phương tiện, từ các bài viết theo “kiểu cũ” sang các bài viết tích hợp đồ họa, video; từ phóng viên “đơn năng” sang phóng viên “đa năng”... Tất cả những thay đổi đó đều hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc trong thời kỳ cạnh tranh thông tin gay gắt như hiện nay.

Trong rất nhiều các yếu tố kể trên, kỹ năng tác nghiệp của các nhà báo, phóng viên, biên tập viên là hết sức quan trọng để thích ứng nhanh nhất, hiệu quả nhất đối với sự thay đổi của báo chí trong xu thế hiện nay.

Trước sự phát triển và ứng dụng đồng bộ các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, mỗi phóng viên, nhà báo hiện nay phải sử dụng thành thạo những thiết bị hiện đại như máy quay phim, máy ảnh kỹ thuật số chuyên dụng, smartphone; không ngừng trang bị những kỹ năng làm báo đa phương tiện như: Quay phim, dựng phim, xử lý ảnh, đồ họa, làm báo trên nền tảng mạng xã hội, hiểu thêm về SEO... Bởi, làm báo trong thời đại 4.0, nếu không thể trở thành một nhà báo đa năng, khó có thể tồn tại lâu dài để phục vụ được công chúng.

Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra nhiều cơ hội cho nhà báo, đặc biệt là các nhà báo trẻ trong việc cập nhật và cung cấp thông tin nhanh chóng đến độc giả, tạo ra nhiều sản phẩm báo chí đặc sắc và ấn tượng nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, điều này đôi khi cũng trở thành áp lực, dẫn đến tình trạng sao chép thông tin giữa phóng viên với phóng viên, giữa tờ báo này với tờ báo khác, gây bức xúc trong công chúng; dẫn đến tình trạng “rung lắc” trong đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy, ngoài việc phải hoàn thiện các kỹ năng làm báo hiện đại, nhà báo còn phải giữ cho mình lý tưởng, đạo đức, lương tâm, trách nhiệm và am hiểu về pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp. Đó chính là nền tảng cơ bản để báo chí hiện đại sống mãi trong lòng công chúng.

Làm báo trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mỗi phóng viên, nhà báo phải “đối mặt” với không ít đòi hỏi bức thiết về kỹ năng và công nghệ. Tuy nhiên, nếu nắm vững 2 yếu tố cơ bản là nền tảng kiến thức - kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp, mỗi phóng viên, nhà báo có thể tự tin đứng vững trong dòng chảy của báo chí hiện đại.

Tuấn Linh,

Báo Thanh Hóa

Bảo đảm thông tin nhanh, chính xác, đầy đủ, hấp dẫn

Tìm cơ hội trong thách thức

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra môi trường truyền thông mở. Chủ động ứng dụng, phát huy lợi thế và thích ứng với xu thế phát triển truyền thông trong kỷ nguyên số, nhiều cơ quan báo chí đã và đang hướng tới xây dựng mô hình tòa soạn đa phương tiện để có thể đưa được nhiều thông tin nhất đến người đọc, nghe, xem. Các chương trình đa phương tiện được xây dựng, trong đó có nhiều loại hình thông tin được kết hợp với nhau, như: Văn bản, hình ảnh, video, audio, đồ họa,... phát huy hiệu quả tương tác cao, truyền tải, cung cấp thông tin linh hoạt, sinh động, hấp dẫn người đọc, nghe, xem. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên phải nỗ lực tiếp cận, chủ động học tập, làm chủ các trang thiết bị, công nghệ, kỹ thuật, tập trung nguồn lực cho khâu sản xuất, nâng cao chất lượng chương trình, nhất là trước những vấn đề thời sự phải hoàn thiện tác phẩm báo chí đa phương tiện trong thời gian nhanh nhất.

Với bước phát triển mạnh mẽ về số lượng, loại hình, phương thức truyền thông và sự cạnh tranh thông tin gay gắt như hiện nay, yêu cầu tiếp cận, xử lý, truyền tải thông tin phải nhanh, chính xác, đầy đủ, hấp dẫn thực sự là một áp lực lớn đối với các phóng viên thường trú ở các địa phương. Từ khi Báo Nhân Dân có thêm kênh Truyền hình Nhân Dân, bên cạnh việc làm thường ngày là sản xuất tin, bài, ảnh cho các ấn phẩm báo in, báo điện tử, phóng viên thường trú phải đảm đương thêm nhiệm vụ sản xuất tác phẩm, chương trình cho báo hình. Từ chụp ảnh, ghi hình, nắm bắt thông tin, lựa chọn vấn đề để viết tin, viết lời bình, rồi chọn ảnh, dựng hình, hoàn thiện tin, bài cho các ấn phẩm, chương trình truyền hình..., đều do phóng viên thường trú thực hiện. Dù được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, song mỗi phóng viên thường trú phải nỗ lực rất nhiều, nhất là chủ động học tập, học hỏi đồng chí, đồng nghiệp, tìm tòi, rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm qua các tình huống thực hành tác nghiệp. Thời gian sau đó, Báo Nhân Dân điều động, tăng cường phóng viên thường trú đảm đương việc sản xuất tác phẩm báo hình cho Trung tâm Truyền hình Nhân Dân. Khối lượng, áp lực công việc được, sẻ chia nhưng yêu cầu thông tin đúng mục đích, tôn chỉ của tờ báo, trúng vấn đề xã hội quan tâm, nhanh, chính xác, hấp dẫn, không ngừng nâng cao chất lượng các ấn phẩm Nhân Dân, chương trình Truyền hình Nhân Dân luôn đặt ra từng giờ, từng ngày, được quán triệt trong nhận thức cùng phương châm hành động, tác nghiệp của mỗi phóng viên.

Đối với phóng viên thường trú, ngoài nắm bắt toàn diện tình hình ở địa phương, trong trường hợp diễn ra sự kiện lớn ở địa phương hoặc thực tiễn đời sống nảy sinh sự việc, vấn đề mới, nóng, dư luận quan tâm, phóng viên thường trú nhiều cơ quan báo chí phải chạy đua với thời gian để có thông tin sớm nhất. Tuy nhiên theo tôi, bảo đảm tính chính xác, lường trước được tác động xã hội, phát huy hiệu quả định hướng dư luận phải đặt lên hàng đầu, được cân nhắc trong quá trình xử lý thông tin. Trong tiếp nhận các nguồn tin, xử lý dữ liệu thông tin, nhất là thông tin tiêu cực, nhạy cảm đòi hỏi đặt ra là phải thâm nhập thực tiễn, nắm được bản chất sự việc, hiện tượng, kiểm chứng, thẩm định được nguồn tin, dữ liệu thông tin, bảo đảm đăng, phát thông tin trung thực, chính xác, khách quan, biện chứng và xây dựng. Tôi nghĩ rằng trong thời kỳ bùng nổ truyền thông công nghệ số như hiện nay, mỗi người làm báo không chỉ cần trui rèn kỹ năng khai thác, ứng dụng hiệu quả các thiết bị, công nghệ để đưa thông tin đến với người đọc, nghe, xem nhanh nhất mà rất cần không ngừng học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, kiến thức đa ngành, vốn sống, hiểu biết, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, trau dồi kỹ năng tác nghiệp, quán triệt tâm thế dấn thân nhằm làm tốt vai trò người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa.

Mai Luận

Thường trú Báo Nhân dân tại Thanh Hóa

Người làm báo cần làm chủ công nghệ

Tìm cơ hội trong thách thức

Nếu như ở ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, chủ yếu chỉ diễn ra trên lĩnh vực công nghiệp thì với cuộc cách mạng 4.0 này, nhân loại đứng trước nhiều thay đổi lớn lao, không chỉ ở lĩnh vực kinh tế mà cả mọi mặt của đời sống văn hóa, xã hội. Nói cách khác, cách mạng công nghiệp 4.0 đang đem đến sự thay đổi một cách toàn diện. Báo chí là một loại hình nghề nghiệp đặc thù song không thể đứng ngoài cuộc sự thay đổi lịch sử này. Sự phát triển công nghệ truyền thông mới, đặc biệt là sức ép cạnh tranh thông tin từ mạng xã hội vừa tạo cơ hội song cũng đem đến nhiều thách thức cho những người làm báo trên toàn thế giới. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã từng bước thâm nhập vào đời sống báo chí Việt Nam từ khoảng một thập kỷ rưỡi trở lại đây và ngay lập tức tạo ra sự chuyển biến lớn lao.

Hơn chục năm trước, tôi bước chân vào nghề báo với vốn liếng kinh nghiệm gần như là con số không tròn trĩnh. Và điều đầu tiên phải kể ngay đó là việc chúng tôi tập làm quen với thiết bị công nghệ như máy tính xách tay, máy ảnh, điện thoại di động... phục vụ công việc chuyên môn. Lúc này, sự ra đời của các thiết bị công nghệ số đã hỗ trợ rất nhiều cho người làm báo. Phóng viên tác nghiệp nhanh hơn, công việc hiệu quả hơn gấp nhiều lần so với trước. Nếu như trước đó, phóng viên đi cơ sở triển khai đề tài, phỏng vấn, chụp ảnh... sau đó phải mất rất nhiều thời gian để quay về tòa soạn viết bài, in ảnh hoặc chép tay bản thảo gửi ban biên tập thì lúc này, chỉ cần một chiếc laptop, máy ảnh kỹ thuật số và đến địa điểm có mạng internet là có thể chuyển tin bài về cơ quan.

Ít năm sau, sự ra đời của những chiếc điện thoại thông minh, mạng di động 3G, 4G đã khiến nghề báo bước vào sự chuyển mình mạnh mẽ hơn, tốc độ đưa tin nhanh hơn. Tin tức cập nhật không chỉ được tính bằng ngày, bằng giờ mà thậm chí cạnh tranh từng giây phút.

Công nghệ số giúp phóng viên, nhà báo tác nghiệp dễ dàng và hiệu quả hơn. Đó là thuận lợi song cũng chính là thử thách, đòi hỏi họ phải có kỹ năng sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ hiện đại. Những nhà báo thuộc thế hệ trước và ngay cả người trẻ hiện nay đều nhận ra thách thức trong thời kỳ công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Họ buộc phải thích ứng với “tốc độ” nếu không muốn bị tụt hậu hoặc bỏ lại phía sau. Và theo quan điểm cá nhân, trước khi giỏi nghề, người làm báo cần làm chủ được công nghệ - đó là điều kiện tiên quyết. Hay nói cách khác, lúc này nhà báo cần phải “đa năng”, đa phương tiện. Giờ đây, một nhà báo không chỉ cần thành thạo kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh mà còn phải biết quay video về cùng một sự kiện, bảo đảm rằng sản phẩm của mình có thể được sử dụng cho cả báo in, báo điện tử, báo hình và phát thanh. Nhà báo cần phải biết sử dụng hàng loạt thiết bị trong đó chiếc điện thoại thông minh được coi như một công cụ hỗ trợ hữu hiệu trong quá trình tác nghiệp.

Điều tiếp theo cần phải kể đến là sự ra đời của mạng xã hội khiến thời kỳ “bùng nổ thông tin” thêm mạnh mẽ. Hiện nay, một người dân bình thường chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh trên tay và một tài khoản ảo là có thể xuất bản những bài viết có đầy đủ nội dung và không khác nhiều so với một bản tin trên báo chí. Mạng xã hội vốn có số lượng người sử dụng khổng lồ và có sức lan tỏa mạnh mẽ nhờ hoạt động liên tục, cập nhật thông tin 24/24 giờ. Điều này tạo ra thách thức vô cùng lớn với người làm báo. Nói như vậy không có nghĩa mạng xã hội đã làm thay phần việc của báo chí. Thực tế cho thấy, thông tin trên mạng xã hội nhiều lúc không chuẩn xác, chưa được kiểm chứng. Đây chính là phần việc mà phóng viên cần phải làm để đem đến thông tin xác thực, có tính định hướng. Đây chính là cơ hội để các nhà báo khẳng định được vị trí, giá trị của mình thông qua việc đưa ra những bài viết phản biện với cách kiến giải trung thực, chính xác, sâu sắc, kịp thời. Đó là cơ hội tốt để các tác phẩm báo chí chính thống được độc giả tin cậy tìm đến.

Để theo kịp mạng xã hội, người làm báo lúc này cần chạy đua với thời gian, bằng mọi cách nhanh nhất có thể để chuyển hóa thông tin mà họ tìm thấy đâu đó rải rác trên mạng thành tác phẩm báo chí. Giải pháp cho vấn đề này, theo kinh nghiệm của cá nhân, mỗi phóng viên cần liên tục mở rộng, kết nối đội ngũ cộng tác viên từ khắp các ngành nghề, lĩnh vực hay ở các vùng miền. Tôi lấy ví dụ, khi có nguồn tin mang tính thời sự ở một vùng biên giới đang bị chia cắt, giờ đây thay vì lập tức đến hiện trường như trước, nhà báo có thể hướng dẫn cộng tác viên dùng điện thoại thông minh hỗ trợ chụp hình, quay video gửi về tòa soạn rồi sau đó mới tìm giải pháp tiếp cận trực tiếp...

Ngoài ra, sự ra đời của mạng xã hội còn giúp các phóng viên và ban biên tập làm việc nhóm tốt hơn, hiệu quả hơn. Việc lập ra các nhóm thông qua các mạng xã hội, như: Facebook, zalo... giữa những người cùng bộ phận, phòng, ban hay cùng chuyên môn giúp cho việc giao ban, trao đổi, triển khai đề tài thuận lợi và nhanh chóng hơn.

Tuy nhiên, dù công nghệ phát triển đến đâu thì yếu tố quyết định cuối cùng vẫn là con người. Do đó, nhà báo cần liên tục trui rèn kỹ năng khai thác sử dụng thành tựu khoa học công nghệ để theo kịp xu thế phát triển của thời đại. Ngoài ra, họ cũng cần tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, nâng cao vốn sống, vốn hiểu biết, trau dồi bản lĩnh chính trị, kiên định lập trường và sẵn sàng dấn thân để phát triển nghề cũng như đem đến những tác phẩm được công chúng yêu thích.

Lê Hoàng

Thường trú Báo điện tử Tin nhanh Việt Nam -

VnExpress tại Thanh Hóa

Báo chí điều tra với cách mạng công nghiệp 4.0

Tìm cơ hội trong thách thức

Có thể khẳng định, cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cơ hội rất lớn cho cả người làm báo lẫn công chúng tiếp nhận thông tin. Đó là sự đa dạng về các loại hình báo chí, người làm báo có thêm nhiều công cụ hỗ trợ trong quá trình tác nghiệp, đặc biệt là người làm báo điều tra. Trong khi đó, công chúng lại có thể tiếp nhận thông tin quá nhanh, qua nhiều kênh, sóng khác nhau.

Thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trước hết đòi hỏi người phóng viên, nhà báo theo đuổi loại hình báo chí điều tra hay bất kỳ một thể loại báo chí nào khác cũng phải thay đổi kỹ năng tác nghiệp. Giờ đây, với một phóng viên, nhà báo không chỉ cần thành thạo kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh mà còn phải biết quay video clip về cùng một sự kiện, bảo đảm rằng sản phẩm của mình có thể được sử dụng cho cả báo in, báo điện tử, báo hình và phát thanh. Đó là những đòi hỏi bức thiết nhưng cơ bản của báo chí đa phương tiện.

Với người làm báo chí điều tra, ngoài việc thành thạo những kỹ năng cơ bản trên còn phải biết vận dụng những công nghệ phục vụ quá trình tác nghiệp. Như sử dụng chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy ghi âm, máy quay, máy ảnh vào những vụ việc đòi hỏi phải thâm nhập, nhập vai để điều tra, tìm hiểu chân tướng sự việc.

Trước kia, để thực hiện một phóng sự điều tra hay bài phản ánh, phóng viên mất rất nhiều thời gian vì không có nhiều công cụ hỗ trợ. Giờ đây, công việc này đơn giản hơn nhiều khi phóng viên có máy quay giấu kín, có máy ghi âm nhỏ gọn,... họ có thể nhập vai khách hàng thâm nhập vào một sơ sở sản xuất trái phép gây ô nhiễm nào đó, một đường dây đưa phụ nữ trái phép sang Trung Quốc mang thai hộ, đường dây bảo kê ở các chợ đầu mối... Sự dấn thân cùng với việc sử dụng thành thạo các công nghệ trong quá trình tác nghiệp không chỉ giúp nhà báo điều tra bảo vệ chính mình mà hơn hết những thâm nhập của nhà báo sẽ mang đến cho công chúng nhiều chi tiết đắt, bên cạnh đó giúp công chúng có những đánh giá khách quan hơn về sự việc.

Đó là chuyện công nghệ phục vụ cho phóng viên, nhà báo điều tra tác nghiệp. Song cách mạng công nghiệp 4.0 với phóng viên điều tra không chỉ có thuận lợi mà còn là sự thách thức. Gần đây chúng ta hay nghe đến sự phát triển của cách mạng 4.0 làm xuất hiện những “nhà báo robot”. Sự cạnh tranh thông tin giữa các loại hình báo chí dẫn đến áp lực cho phóng viên điều tra về nội dung thông tin, về tính thời sự, nhanh nhạy của vấn đề. Bên cạnh đó, sự xuất hiện và gia tăng những người “làm báo” phi truyền thống, ngồi “phòng lạnh” dùng mạng xã hội như một công cụ để câu khách, cung cấp thông tin chóng vánh đang gây áp lực đối với những người làm báo chân chính trong đó có phóng viên chuyên làm về điều tra.

Cách mạng công nghiệp 4.0 với phóng viên điều tra luôn hiện hữu những cám dỗ. Đứng trước những cám dỗ, nếu phóng viên không có bản lĩnh chính trị vững vàng, đánh giá khách quan, tôn trọng sự thật thì rất dễ sa ngã hoặc thậm chí bị chính những đối tượng điều tra lợi dụng vào nền tảng công nghệ để chống đối, thậm chí “gài bẫy” trở lại đối với phóng viên. Vì vậy, bản lĩnh cũng như đạo đức của người làm báo phải được giữ vững, đặc biệt với phóng viên điều tra - một thể loại báo chí đặc thù.

Trong thời đại nào cũng vậy, làm báo chí điều tra hay bất kỳ thể loại báo chí nào thì các cơ quan báo chí luôn phải quan tâm đào tạo, rèn luyện cho đội ngũ cán bộ, phóng viên về đạo đức, bản lĩnh. Khi mỗi nhà báo luôn biết giữ vững tôn chỉ, mục đích của tờ báo; “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, có phẩm chất chính trị vững vàng thì sự phát triển của công nghệ 4.0 sẽ giúp cho họ vượt qua những thách thức của công nghệ để hòa mình vào thời đại công nghiệp và dòng chảy thông tin để hình thành nên “những đứa con tinh thần” có ý nghĩa trong cuộc sống.

Sơn Đình

Báo Văn hóa & Đời sống



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]